Thứ Tư, 25/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Chủ Nhật, 24/4/2011 11:1'(GMT+7)

Tôn vinh văn hóa đọc nhìn từ Ngày hội Đọc sách 2011

 

Không khí của Ngày hội Đọc sách ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám năm nay thực sự sôi động. Từ các cụ ông, cụ bà mái tóc bạc phơ, đến những bậc phụ huynh dắt theo các cháu nhỏ và đông nhất là học sinh, thanh niên đến đây với một điểm chung là tình yêu dành cho sách. Họ tham quan các gian hàng sách và tham gia vào các hoạt động phong phú ở đây như: thi xếp sách nghệ thuật, thi vẽ tranh theo sách hoặc vẽ bìa sách, thi tìm hiểu kiến thức qua sách báo; thi đọc và viết thu hoạch về cuốn sách yêu thích; thuyết trình về Văn hoá đọc và kỹ năng đọc sách siêu tốc; Triển lãm sách, giới thiệu hoạt động của thư viện.v.v...

Ban Nhà văn trẻ (Hội Nhà văn Việt Nam) cũng hưởng ứng với chương trình “Nhà văn và tác phẩm”, có sự tham gia trình diễn của các tác giả trẻ Nguyễn Bảo Chân, Vi Thùy Linh, Hữu Việt. Đặc biệt, Ban Nhà văn Trẻ cũng giới thiệu với công chúng màn trình diễn văn xuôi với truyện ngắn “Phố núi” của nhà văn Phong Điệp và trích đoạn tiểu thuyết “Kín” của nhà văn quân đội Nguyễn Đình Tú… Nhiều nhà xuất bản tham gia trưng bày, quảng bá sách trong Ngày hội đọc sách nhằm giới thiệu sách mới, sách hay đến với độc giả. Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông gây ấn tượng với độc giả khi dùng sách để xếp thành biểu tượng Khuê Văn Các.

Thi đọc và viết thu hoạch cuốn sách em yêu thích


Đặc biệt, hoạt động tặng sách trong giờ Vàng (tặng 5.000 cuốn sách, buổi sáng từ 10 giờ đến 11 giờ, chiều từ 15 giờ đến 16 giờ) được đông đảo các bạn trẻ náo nức đón nhận. Dù phải xếp hàng khá dài để nhận sách, nhưng ai cũng hồ hởi.

Tôi nghĩ rằng đây là hoạt động hết sức có ý nghĩa. Tổ chức ngày hội đọc sách đánh thức phong trào đọc trong tất cả mọi người nhất là trong giới trẻ. Hình thức tổ chức như thế này tạo điều kiện thuận lợi cho những người yêu sách... - Nguyễn Xuân Thanh- Giám đốc Thư viện tỉnh Thanh Hóa đánh giá cao việc tổ chức ngày hội đọc sách này.

Ông Lê Bá Khiêm- một nhà giáo ở Hà Nội đã về hưu chăm chú xem từng cuốn sách mà các Nhà xuất bản, các Công ty, Nhà sách giới thiệu và sôi nổi trao đổi với các bạn trẻ xung quanh. Ông cho biết: ngày nào ông cũng đọc sách và đây trở thành thói quen của ông đã 60 năm nay. Theo ông Khiêm, Đọc sách là một thói quen, ngày nào không đọc thì thấy trống trải, đọc là niềm vui, bổ ích cho cuộc sống. Khi đi dạy học thì đọc sách giúp cho sự hiểu biết và đào tạo, bồi dưỡng cho nhiều học sinh tình yêu với sách. Có những lúc sách tôi đọc từ lúc trẻ, cho tôi những gợi ý, suy nghĩ, hành động trong cuộc đời. 50 năm nay, tôi đinh ninh câu nói: sống tới già và học tới già, đừng có chết đi là một người dốt nát. Như thế đó là lời chỉ dẫn cho mình, mình luôn luôn tiếp thu kiến thức của thời đại. Đọc sách nhiều bổ ích lắm. Ngày càng nhận thức rằng nó là giá trị rất cần cho cuộc sống con người.

Nghe những lời tâm sự của ông Lê Bá Khiêm, bạn Phạm Kim Tuyến- sinh viên Đại học Mở nêu cảm nghĩ: Em thấy các cô, các bác tới đây đã có những lời khuyên thật sự bổ ích. Em sẽ  đọc sách nhiều hơn và mong rằng những ngày hội đọc sách như thế này sẽ được tổ chức nhiều hơn.

Đến Ngày hội đọc sách, chúng ta có thêm niềm tin tưởng ở sự phát triển của văn hóa đọc trong nhịp sống hiện đại ngày nay. Đáng mừng là nhiều em học sinh tiểu học hoặc Trung học cơ sở nhưng rất ham mê đọc sách.

5 năm gần đây, Thư viện Quốc gia Việt Nam cũng như nhiều NXB, công ty sách, nhà sách... đã tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng “Ngày sách và bản quyền thế giới” nhưng chưa thực sự thu hút sự quan tâm của xã hội. Việc tổ chức “Ngày hội đọc sách Việt Nam” lần đầu tiên là hành động thiết thực, khởi đầu cho các hoạt động nâng cao và kích cầu, tôn vinh văn hóa đọc trong tương lai. Đến với Ngày hội đọc sách năm nay, chúng ta có thêm niềm tin tưởng ở sự phát triển của văn hóa đọc trong nhịp sống hiện đại ngày nay. Đáng mừng là nhiều em học sinh tiểu học hoặc Trung học cơ sở đã rất ham mê đọc sách.

Sách góp phần xây dựng cốt cách, truyền thống, đảm bảo sự phát triển bền vững của một dân tộc. Thành công của Ngày hội Đọc sách năm nay là nhờ ở sự tâm huyết của rất nhiều gắn bó và yêu mến sách, nhằm xây dựng nền tảng tri thức cho con người khi bước vào đời và góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc qua những tri thức mà con người hun đúc được từ sách. Ông Nguyễn Kiểm- Cục trưởng Cục Xuất bản, Chủ tịch Hội Nhà xuất bản Việt Nam mong muốn trong ngày hội đọc sách lần sau sẽ có sự tôn vinh những người có đóng góp cho sự phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam: Chúng ta nên tổ chức biểu dương những người có công lớn trong việc góp phần thúc đẩy văn hóa đọc ở VN như: giới thiệu các tủ sách dòng họ, gia đình. Hoặc là những người xả thân vì văn hóa đọc như tập thể cán bộ, nhân viên của xe sách lưu động của Fahasa (TPHCM) trong 17-18 năm nay thực hiện tư tưởng của Chủ tịch HCM là đem sách đến cho đồng bào, đặc biệt đồng bào ở vùng sâu, vùng xa.

Cũng theo ông Nguyễn Kiểm, sự quan tâm của các cơ quan có trách nhiệm đối với văn hóa đọc chưa đúng mức, chưa đầy đủ. Chúng ta quan tâm đến các giá trị vật chất nhiều hơn các giá trị về tinh thần. Với những người đọc sách thì quĩ thời gian eo hẹp, nhịp sống công nghiệp, tắc đường, kẹt xe làm cho người ta bị phân bố thời gian ra rất nhiều vì vậy người ta không thể dành một chút thời gian nào cho đọc sách, trong khi có nhiều phương tiện giải trí hấp dẫn khác.

Chính vì thế, để phát triển văn hóa đọc, chúng ta phải bắt đầu từ tuổi học trò, rèn cho các em có thói quen đọc sách từ nhỏ. Các nay các trường đã có thư viện,nhưng các em còn bị động và căng thẳng với các sách về chuyên môn là chính, không có những sách mà các em thích thú. Để các em không bị hấp dẫn bởi các trò games online thì chúng ta tạo sân chơi cho các em trong chính ngôi trường của mình. Sách trong thư viện phải chọn lọc. Bộ GD cũng nên qui định bất cứ trường học nào cũng phải dành khuôn viên riêng để làm thư viện. Thư viện đó nên có cảnh quan đẹp cho các em đọc. Các em được hướng dẫn, tạo điều kiện tốt thì văn hóa đọc sẽ ngày càng lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng.

Trong nhịp sống hiện đại ngày nay, với khối lượng kiến thức đồ sộ mà sách mang lại, nhiều nước trên thế giới đã đưa ra những kỹ năng đọc sách mới. Nhưng người Việt Nam hầu như không tiếp cận được với cách đọc mới ấy. Để khắc phục tình trạng này, trong Ngày hội đọc sách năm nay, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng- Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Công ty cổ phần sách Thái Hà giới thiệu với công chúng "Kỹ năng đọc sách siêu tốc". Thời đại của chúng ta là thời đại của công nghệ thông tin thì chúng ta phải tăng tốc độ đọc. Bạn phải thấy có trách nhiệm trong việc đọc. Thứ hai là thay đổi thói quen trong việc đọc sách, tập trung vào việc đọc sách. Đọc lướt từ trên xuống dưới, đọc từng câu, tóm lấy những từ khóa, từng đoạn đọc ý. Khi đọc thì trang lại nội dung quan trọng nhất của trang sách đó. Nếu không ghi chép thì đã quên. - TS Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định./.

- Thành Nam
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất