Thứ Hai, 25/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Chủ Nhật, 7/11/2010 13:56'(GMT+7)

Đầu tàu phát triển điện ảnh

Cảnh trong phim Cánh đồng bất tận.

Cảnh trong phim Cánh đồng bất tận.

Các cơ sở ngoài nhà nước khá năng nổ, một số hãng phim từ chỗ chỉ chạy theo thị trường đã quan tâm đáng kể đến chất lượng nội dung cùng giá trị thẩm mỹ của tác phẩm, chế tác được những bộ phim nổi đình đám; đồng thời kinh doanh hiệu quả. Tuy nhiên, các hãng phim này lực lượng phân tán, thiết bị nghèo nàn và phải luôn cạnh tranh giành thị phần.

Từ bức tranh chung đó, có thể nhận diện hiện tượng thiếu cân đối và đặc biệt thiếu động lực thúc đẩy trong hoạt động sản xuất cũng như tiêu thụ điện ảnh trong thời gian dài. Cả cơ sở nhà nước và ngoài nhà nước đều đối diện triền miên với tình trạng ở lĩnh vực nào cũng bị thiếu, yếu, không đồng bộ, kể cả về đội ngũ, trình độ chuyên môn, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng dịch vụ chuyên ngành lẫn vốn, thị trường và khả năng cạnh tranh. 

Thực tế nhiều năm cho thấy lực lượng nhà nước đã buông bỏ vai trò chủ đạo, còn lực lượng ngoài nhà nước chưa đủ mạnh để có thể tác động cần thiết. Hoạt động điện ảnh nước ta do đó đang trôi theo dòng chảy tự có, trong trạng thái phân tán, bị động và tùy thời. Theo quy luật tự nhiên, nếu bị thả nổi, cuộc sống với nhu cầu khách quan của nó cũng sẽ thôi thúc hoạt động điện ảnh đi tới, nhưng đó sẽ là cuộc trường chinh tự phát, chậm chạp và có thể chệch choạc. Chúng ta cần ngay lúc này, tiến hành căn cơ và quyết liệt, thực hiện các giải pháp tập hợp nguồn lực, phát huy mọi tiềm năng toàn ngành nhằm tạo bước phát triển đột phá.

Nhiệm vụ cấp thiết này đòi hỏi động lực mạnh và hiệu quả từ một đầu tàu. Đầu tàu ấy, trong giai đoạn hiện tại, phải là các cơ sở sản xuất phim nhà nước. 5 hãng phim nhà nước cần năng động giương cao ngọn cờ trách nhiệm, bằng thái độ cơ hoạt, chủ động và tự tôn, nhanh chóng ổn định mô hình tổ chức, khởi động lại và vận hành guồng máy bằng tư thế xốc tới, hướng đến mục tiêu cao nhất trong nhiệm vụ sáng tạo - sản xuất phim truyện, tài liệu, hoạt hình có chất lượng toàn diện. Hiệu quả sản xuất phim thể hiện ở số lượng và giá trị nội dung tác phẩm, trong đó số lượng nói lên năng lực toàn diện của hãng và chất lượng cho thấy trình độ, tài năng của đội ngũ làm phim.

Nhằm đạt hai chỉ tiêu trọng yếu kể trên - để có thể đảm đương trách nhiệm đầu tàu - đương nhiên, các hãng phim nhà nước phải vượt qua nhiều trở ngại, trong đó không thể không đặc biệt quan tâm đến hiệu quả quản lý - điều hành, thực lực đội ngũ cũng như kết quả kiến tạo thị trường.

Song song đó, các cơ sở sản xuất phim ngoài nhà nước - lực lượng mới nổi lên nhưng đang và sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng trong hoạt động điện ảnh nước nhà - cần xông xáo, mạnh bạo hơn nữa trong kế hoạch tự mình hoặc kết hợp với các đối tác trong, ngoài nước sản xuất nhiều tác phẩm có đề tài bao quát các mặt đời sống xã hội, vừa quan tâm hiệu ứng giải trí lành mạnh, vừa chú trọng giá trị thẩm mỹ và nhân văn.

Nhằm giúp gia tăng cường độ và hiệu quả hoạt động, hỗ trợ hình thành và phát huy tác dụng đầu tàu, vai trò và trách nhiệm của cơ quan chức năng nhà nước về điện ảnh luôn rất lớn và nặng nề. Rất cần đưa nhanh vào hoạt động thực tiễn các kế hoạch, quy hoạch ngắn, dài hạn của nhà nước đã được hoạch định trên giấy bấy lâu nay. Trọng tâm là thực hiện chính sách đầu tư làm động lực định hướng; thiết lập hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất và phổ biến phim với hệ thống rạp chiếu và phim trường; đặt nền móng hình thành hạ tầng dịch vụ chuyên ngành nhằm tiêu chuẩn hóa đội ngũ và chuyên nghiệp hóa nghề nghiệp.

Bên cạnh đó, cần tiến hành dứt điểm chiến dịch đào tạo quy mô lớn đội ngũ làm phim đồng bộ ở nước ngoài, làm nòng cốt phát triển trong tương lai.

Thời gian không chờ đợi. Có đi mới có đến. Có bắt đầu ắt có kết thúc. Công chúng yêu điện ảnh mong đợi những gặt hái xứng tầm của điện ảnh nước nhà trong tiến trình triển khai các hạng mục cơ bản và trọng điểm cần làm ngay của ngành./.

Theo GS.TS Trần Luân Kim/ Báo SGGP

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất