Làm sao để nghệ thuật truyền thống không bị mai một, phát triển bền lâu, giữ vững giá trị văn hoá, để người Việt tự hào với thế giới về dân tộc, đất nước mình, đó là câu chuyện dài cần bắt đầu từ nhà trường.
Môn học “phụ”
Theo kế hoạch đào tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện nay, môn học nhạc được dạy với thời lượng 1 tiết/tuần và có 18 bài dân ca chính khoá lẫn học thêm tự chọn ở bậc tiểu học, 11 bài ở bậc THCS. Mỗi tiết học chỉ kéo dài 45 phút. Chương trình dạy âm nhạc chỉ được tiến hành đến hết bậc học THCS. Tại một số trường học, trong 45 phút học dân ca, thông thường chỉ có một giáo viên và hàng chục trò nhìn sách và hát đồng ca theo nhịp thước kẻ gõ của giáo viên. Không đài cátxét, không băng âm thanh, không hình minh hoạ hay có đàn đệm nhạc.....
Em Thu Uyên (trường PTCS Thăng Long, Hà Nội) không hứng thú lắm với các tiết học dân ca và nhạc dân tộc ở trường. Uyên cho biết trong giờ học, cô giáo thường đánh đàn một đoạn nhạc, hát mẫu và sau đó học sinh hát theo. Đôi khi, cô thay đổi phương pháp dạy bằng cách bắt học sinh chép các bài nhạc vào vở. Uyên nhận xét các bài hát dân ca có khá nhiều ca từ cổ khó hiểu và làn điệu luyến láy. Trong khi đó, cô giáo dạy khá sơ sài về lịch sử cũng như giải thích nghĩa của các bài dân ca vì tiết học quá ngắn, chỉ 45 phút. Đã vậy mỗi tuần chỉ có một tiết học nhạc nên theo Uyên, rất khó có thể nhớ lâu được một bài hát dân ca. Và đến năm học sau, em gần như quên hẳn những bài hát dân ca đã học. Theo Uyên hầu như các bạn trong lớp cũng không thích môn học này.
Cô giáo Lan Hương (trường PTCS Ngô Sỹ Liên, Hà Nội) cho hay rất nhiều học trò ban đầu tỏ ra thích học dân ca và nhạc dân tộc bởi dòng nhạc này có giai điệu, lời ca tươi sáng và dễ thương. Trong giờ học, các em học rất “vào” song bởi bản tính con trẻ “mau nhớ, mau quên” nên đến tuần sau, khi học lại thì nhiều em lại quên. Bên cạnh đó, các em bị tác động rất lớn bởi âm nhạc hiện đại qua các phương tiện thông tin đại chúng, băng đĩa nhạc âm nhạc nước ngoài. Dần dà, các bài dân ca trở nên xa lạ với thị hiếu âm nhạc hàng ngày của các em.
Ngoài ra, còn phải thừa nhận một hiện tượng rằng cho đến nay, giáo viên của nhiều trường học vẫn chưa được cung cấp các dụng cụ trực quan để hỗ trợ công tác giảng dạy nên cô, trò thường phải học hát “chay” cũng khiến các em cảm thấy giờ học buồn tẻ và thụ động. Ngoài ra, trình độ của giáo viên nhạc tại các trường phổ thông cũng là một vấn đề đáng bàn.
Nhiều em học sinh không hề cảm thấy lo ngại khi mình học yếu môn học này. Bởi nhạc và hoạ xưa nay vốn bị các bậc phụ huynh, học sinh và thậm chí là cả các giáo viên coi là “môn học phụ”. Nhiều học sinh cho biết đôi khi gần đến các kỳ thi quan trọng, các giáo viên còn cho phép học sinh “chỉ học hát nửa tiết để có thời gian làm toán”. Em Dũng Hiệp (trường THCS Ngô Sĩ Liên, Hà Nội) thật thà cho biết em và nhiều bạn chỉ học dân ca theo kiểu đối phó, chỉ hát cho xong để tới giờ học môn khác.
Theo số liệu khảo sát năm 2009 của Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, chỉ tính riêng bậc học THCS đã có tới 79% học sinh không biết hoặc biết ít hơn 10 bài dân ca. Rất nhiều em xếp các bài hát mang âm hưởng dân ca như “Mẹ yêu con” của Nguyễn Văn Tý hay “Về quê” của Phó Đức Phương vào nhóm các bài hát dân ca. Thậm chí, có em còn nhầm lẫn dân ca của nước ngoài trong chương trình học với dân ca VN.
GS.TS nghiên cứu âm nhạc dân tộc Trần Quang Hải nhận định hiện tượng thanh thiếu niên thời nay ngày càng xa rời với âm nhạc cổ truyền bắt nguồn từ chính sự ít quan tâm, lơ là việc truyền dạy dòng âm nhạc này trong trường học.
“Xốc” cả ý thức và cách thức
Nhà nghiên cứu âm nhạc Phạm Minh Hương (Viện Âm nhạc VN) cho biết nếu không giáo dục về nghệ thuật của dân tộc và thả nổi để học sinh tự tiếp thu, cảm nhận nghệ thuật trong bối cảnh các dòng nhạc mới ở cả trong nước và nước ngoài tràn lan trên thị trường sẽ đẩy thanh thiếu niên dần đi xa hơn với nhạc dân tộc, dẫn đến tình trạng âm nhạc cổ truyền có nguy cơ bị quên lãng. Do vậy, dân ca và âm nhạc cổ truyền trong trường học không hề là một môn học phụ, mà chính là một trong những phương thức hướng thanh thiếu niên nhớ về cội nguồn và định hình cho các em ý thức về bảo tồn, lưu trữ các giá trị văn hoá truyền thống.
Để làm được điều này, GS.TS Trần Quang Hải cho rằng việc giáo dục âm nhạc dân tộc cần phải được thực hiện từ khi các em còn nhỏ. Bởi nếu ngay từ thuở nhỏ, các em không biết và không phân biệt được các bài dân ca cơ bản thì việc đòi hỏi các em yêu thích và tự nguyện hát dân ca, biểu diễn nhạc truyền thống là việc làm không dễ dàng. Theo ông Hải, trong những năm đi học, các học sinh nên được dạy học dân ca và nhạc cổ truyền theo kiểu “học được một chút, khám phá thêm nhiều điều mới”. Cụ thể, ở lứa tuổi mẫu giáo, các em sẽ học những bài đồng dao, dân ca dễ hát, dễ thuộc, dễ nhớ. Lên bậc tiểu học, trung học thì học âm nhạc theo đặc trưng các vùng miền, chẳng hạn miền Bắc là hát trống quân, hát quan họ, hát xoan; miền Trung là điệu lý, điệu hò; miền Nam thì hát đối đáp, dân ca…
Đồng tình với quan điểm trên, Nhà nghiên cứu âm nhạc lão thành Trần Văn Khê cũng cho rằng nếu muốn học sinh học nhạc hiệu quả không thể dạy các em theo cách thụ động là cô hát, trò lặp theo. Ngược lại, nguyên tắc của lớp học sẽ là: học - chơi - học; đối thoại hơn là độc thoại; lời nói quan trọng hơn chữ viết; luyện tai và trí nhớ trước khi luyện mắt và phản xạ; vận dụng bốn cách nhớ để học một bài ca; dạy tiết tấu trước khi dạy giai điệu; từ cụ thể tới trừu tượng, từ gần tới xa, từ giản dị tới phức tạp; khơi động óc sáng tạo của học sinh hơn là bắt học thuộc lòng và lặp lại những gì đã có; học sinh tự đặt các giai điệu... Ngoài ra, nên lồng vào chương trình một số trò chơi âm nhạc...
Theo kiến nghị của GS.TS Trần Quang Hải, để hướng các bạn trẻ về nhạc dân tộc, có thể đưa nhạc dân tộc vào nhạc mới, chẳng hạn đưa giai điệu hát xẩm, hát chèo vào nhạc hip hop. Âm nhạc truyền thống sẽ dễ đi vào tiềm thức, các bạn trẻ sẽ hiểu rằng đất nước mình cũng có nền âm nhạc phong phú”.
GS.TS Phạm Minh Khang - Giám đốc Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc VN - còn nhấn mạnh tới yếu tố giáo viên dạy nhạc luôn phải trau dồi vốn kiến thức về văn hoá dân gian để hiểu cội nguồn dân ca một cách sâu sắc, phải có trình độ để giảng cho học sinh. Nếu thầy cô có kiến thức giảng cho học sinh thì giờ học sẽ trở nên cuốn hút, sinh động.
“Hỗ trợ đưa dân ca vào trường THCS” là đề án do TSKH Phạm Lê Hoà và nhóm tác giả trường Đại học Sư phạm nghệ thuật trung ương thực hiện đầu năm 2010, theo đơn đặt hàng của “Dự án phát triển giáo dục THCS II” của Bộ GD&ĐT. Đây là đề án xuất phát từ mục tiêu mong muốn đẩy mạnh hiệu quả việc dạy học dân ca trong trường phổ thông. Đề án này đã được nghiệm thu sau quá trình thí điểm tại 6 trường cấp hai của 5 tỉnh, thành phố.
Đề án đã sưu tầm, tuyển chọn và xây dựng được “Tuyển tập dân ca Việt Nam dành cho các trường THCS” gồm 75 bài dân ca tiêu biểu các vùng miền và các dân tộc VN, một bộ tài liệu “Giới thiệu dân ca VN” dành cho các trường THCS, một tài liệu “Hướng dẫn hỗ trợ đưa dân ca vào trường THCS”, một bộ đĩa CD các bài hát dân ca VN gồm 54 bài, một bộ DVD 14 bài dân ca do các em học sinh biểu diễn có trong tuyển tập cộng với 12 bài dân ca trong chương trình SGK âm nhạc THCS và một số bài bổ sung khác. Đề án đang tích cực chuẩn bị để dịp 20.11.2010 phổ biến dần trên trang web theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo để giáo viên, phụ huynh, học sinh có thể tham khảo. Đồng thời, Ban chỉ đạo phong trào thi đua “xây dựng trường học thân thiện học sinh tích cực” Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn, chuẩn bị cho việc mở rộng triển khai đề án này tại nhiều trường tiểu học và THCS. |