Tồn tại trong suốt 15 năm, từ 1960 đến 1975, bản tin Đấu tranh thống
nhất đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tuyên truyền về cuộc chiến đấu
“gian lao mà anh dũng” của nhân dân miền Nam.
Trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bản tin Đấu tranh
thống nhất là một trong hai sản phẩm thông tin quan trọng bậc nhất của
Việt Nam Thông tấn xã (VNTTX), là bản tin được các cơ quan báo chí trong
và ngoài nước mong chờ, đón đợi nhất trong số các bản tin phổ biến của
ngành - nhà báo lão thành Đỗ Phượng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng,
nguyên Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) khẳng định.
Tồn tại trong suốt 15 năm, từ 1960 đến 1975, bản tin Đấu tranh thống
nhất đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tuyên truyền về cuộc chiến đấu
“gian lao mà anh dũng” của nhân dân miền Nam.
Năm 1960, tình hình chiến sự miền Nam ngày càng căng thẳng, Mỹ Diệm phá
hoại Hiệp định Geneva, đàn áp dã man những người yêu nước, tổng tuyển cử
không diễn ra sau hai năm theo Hiệp định. Đồng bào ta buộc phải tiến
hành cuộc kháng chiến lần thứ hai chống Mỹ xâm lược để giải phóng miền
Nam, thống nhất Tổ quốc.
Nhà báo Ðỗ Phượng kể lại: Lúc này, Ban Thống nhất Trung ương trở thành
một nguồn tin quan trọng, cung cấp một lượng lớn tin chiến sự cho VNTTX.
Cùng với nhiều nguồn tin phong phú khác, tin chiến sự ngày càng chiếm
ưu thế cả về chất và lượng trên bản tin trong nước, được đông đảo các cơ
quan báo chí trong và ngoài nước quan tâm. Trước tình hình đó, năm
1960, Ban Thống nhất cùng với VNTTX đã quyết định phối hợp ra bản tin
Ðấu tranh thống nhất và lập phòng tin Miền Nam, sau gọi là Ban tin miền
Nam.
Ban tin miền Nam - cái tên đã mang đầy đủ nhiệm vụ, chức năng của đơn
vị. Ðó là biên tập tất cả các tin, bài phản ánh cuộc chiến đấu “gian lao
mà anh dũng” của nhân dân miền Nam từ vĩ tuyến 17 trở vào để đăng tải
trên bản tin Ðấu tranh thống nhất. Ban phụ trách ban đầu có bà Dương Thị
Duyên, ông Trịnh Văn Hải, sau có thêm ông Võ Thế Ái, Ðoàn Bá Từ… Ðến
năm 1973, Ban tin miền Nam có khoảng 30 người với cơ cấu gồm ba tiểu
ban: Vùng giải phóng (Trưởng tiểu ban Ðinh Trọng Quyền); Thành thị
(Trưởng tiểu ban Ðỗ Công Trinh) và Tư liệu (Trưởng tiểu ban Trần Thị Tỳ)
cùng bộ phận ghi tin Phoni.
Hầu hết các phóng viên, biên tập viên của Ban đều từng công tác ở chiến
trường miền Nam như: Võ Thế Ái, Nghiêm Thị Tú, Trần Mai Hạnh, Ðinh Trọng
Quyền, Ðoàn Bá Từ, Nguyễn Văn Hạ, Nguyễn Văn Huê, Ðào Duy Ðài, Vũ Tiến
Thục, Lê Hoàng Anh, Xuân Sinh, Nguyễn Thu Hương…
Bà Nguyễn Thu Hương, nguyên là biên tập viên Ban tin miền Nam (sau giữ
chức Giám đốc Trung tâm Thông tin Tư liệu), kể lại: 1973 và 1974 là hai
năm bản tin Đấu tranh thống nhất phong phú nhất, bao gồm nhiều thể loại:
Tin chiến sự, tin tố cáo địch lấn chiếm vùng giải phóng, tố cáo tội ác
ném bom vùng giải phóng vi phạm Hiệp định Paris, tin đấu tranh của nhân
dân miền Nam từ nông thôn đến thành thị, tin hoạt động của lực lượng thứ
ba trong nội thành Sài Gòn (như hoạt động đấu tranh với chính quyền Sài
Gòn của Luật sư Ngô Bá Thành, Luật sư Huỳnh Ngọc Liễng, Linh mục Phan
Khắc Từ, Chân Tín…), tin bài của các phóng viên tại Hà Nội khai thác từ
những chiến sỹ cách mạng vừa ở miền Nam ra, các chiến sỹ cách mạng bị tù
đày được trao trả theo Hiệp định Paris, tin giới thiệu về vùng giải
phóng, về các dũng sỹ diệt Mỹ, dũng sỹ diệt cơ giới, tin do các anh chị ở
Trại David gửi ra, tin khai thác từ các báo của chính quyền Sài Gòn...
Nguồn tin, yếu tố sống còn với một đơn vị thông tin, ban đầu là một khó
khăn của Ban tin miền Nam thì càng ngày càng trở nên phong phú.
Bà Dương Thị Duyên, phụ trách Ban tin miền Nam, chia sẻ: "Ban đầu chúng
tôi chủ yếu phải dựa vào báo chí nước ngoài, báo chí công khai xuất bản ở
Sài Gòn và các vùng địch chiếm, tin tức của phóng viên phương Tây hoạt
động ở miền Nam. Về sau, chúng tôi tiếp cận được một số nguồn tin nội
bộ, khai thác một số báo cáo của ta gửi từ miền Nam qua đường dây của
một số cơ quan quân đội và Ban Thống nhất Trung ương. Lúc này, VNTTX đã
bắt đầu cử phóng viên, biên tập viên, điện báo viên đi vào chiến trường
B, ở cạnh Bộ chỉ huy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam Việt Nam
và các đơn vị Quân giải phóng ở các khu, bám sát các sư đoàn đi theo
các chiến dịch lớn. Cùng với sự ra đời của Thông tấn xã Giải Phóng,
tháng 10/1960, nguồn tin về cuộc đấu tranh của quân dân miền Nam chống
Mỹ-ngụy gửi về Tổng xã ngày càng phong phú. Tin, ảnh, báo chí các phóng
viên gửi ra, và cả những bức thư riêng chúng tôi nhận được, chẳng những
giúp tăng cường nội dung bản tin Ðấu tranh thống nhất mà còn là nguồn
động viên lớn đối với chúng tôi."
Trong những năm tháng gian khó nhưng rất đỗi hào hùng, hàng ngàn tin
bài, bức ảnh từ khắp các chiến trường gửi về được đăng tải trên bản tin
Đấu tranh thống nhất của VNTTX, làm nức lòng quân và dân cả nước. Với
tinh thần “sẵn sàng vì miền Nam ruột thịt”, anh chị em Ban tin miền Nam
luôn cố gắng, không quản ngại khó khăn, đồng cảm sẻ chia với cuộc sống
kham khổ, hiểm nguy nhưng tràn đầy lạc quan, tin tưởng của đồng bào,
đồng chí ở miền Nam.
Từ Hiệp định Paris đến chiến thắng Buôn Ma Thuột rồi chiến dịch Hồ Chí
Minh lịch sử, Tổng xã liên tục góp nhân tài vật lực cho chiến trường
miền Nam, đặc biệt huy động cán bộ, phóng viên của Ban tin miền Nam. Bà
Nguyễn Thu Hương còn nhớ như in những ngày đầu năm 1975, ngay tại trụ sở
số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội, Ban tin miền Nam lần lượt tiễn nhiều phóng
viên đi vào chiến trường, trong khí thế hừng hực “ra trận giữa mùa
Xuân.” Ban tin miền Nam, lúc này tuy còn ít người nhưng tin, bài vẫn rất
nhiều và phong phú. Ngoài bản tin Đấu tranh thống nhất, các bản tin
tham khảo Việt Nam, điểm báo Sài Gòn, tin tóm tắt tuần, tin tóm tắt
tháng... đều đặn ra đời, kịp thời đáp ứng nhu cầu của lãnh đạo Đảng, Nhà
nước và bạn đọc.
Nhà báo Võ Thế Ái, nguyên Phó Ban tin miền Nam, cho biết thời gian này,
số biên tập viên của Ban chỉ còn chưa tới 10 người. Những lúc tình hình
sôi động, Ban tin miền Nam cùng với phân xã Quân đội phải cử người trực
tin đến nửa đêm, Trưởng ban Trịnh Văn Hải và các biên tập viên nam
thường phải ngủ qua đêm trên bàn làm việc. Về thông tin, ở miền Bắc, các
báo đã có lực lượng phóng viên khá hùng hậu, nên đã có sự chạy đua với
cơ quan thông tấn; nhưng với tuyến tin miền Nam thì các báo phải “chào
thua” ta. Với mạng lưới Thông tấn xã Giải Phóng chiếm ưu thế trên toàn
tuyến cùng những nguồn tin không ai có được, bản tin Ðấu tranh thống
nhất đã đưa được những sự kiện nóng hổi, như chuyện hục hặc giữa Mỹ và
ngụy quyền Nguyễn Văn Thiệu, về cuộc đấu đá giữa các phe phái ở đầu não
của Mỹ ngụy. Tin bài của ta cũng kịp thời lên án hoạt động của một số tổ
chức và phần tử chống đối kháng chiến, đáng chú ý là hoạt động hai mặt
(ra điều đối lập với Thiệu nhưng kỳ thực là chống phá cách mạng) của một
số nhân vật.
Năm 1975, cả Ban tin miền Nam say mê công việc, quên ăn, quên ngủ, náo
nức chờ tin chiến thắng từ chiến trường, tin giải phóng từng tỉnh. Mọi
người vui mừng khi nhận tin tướng Ngô Quang Trưởng tử thủ trên một chiếc
tàu để rút về Sài Gòn; thắt lòng khi nhận tin địch rải bom CBU (loại
bom đốt cháy không khí gây ngạt) ở Xuân Lộc; háo hức với tin nhiều trung
đoàn ngụy rã ngũ, phản chiến về với cách mạng, với tin phi công Nguyễn
Thành Trung lái máy bay chiến đấu F5 ném bom xuống Dinh Ðộc lập, với
những bức ảnh chụp đoàn dài xe cộ, dòng người nối đuôi nhau chen chúc
“tháo chạy khỏi cao nguyên Trung phần,” những bức ảnh mô tả khí thế tiến
công của cách mạng như chẻ tre, chiến thắng dồn dập…
Với các nhà báo Dương Thị Duyên, Võ Thế Ái, Nguyễn Thu Hương và nhiều
đồng nghiệp của Ban tin miền Nam, giây phút xúc động không bao giờ quên
là khi Tổng thống ngụy Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện vào
trưa ngày 30/4/1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng.
Bà Nguyễn Thu Hương nhớ lại: "Lúc ấy, phòng làm việc của bộ phận Phoni
mở toang cửa chính, cửa sổ. Các biên tập viên vặn to chiếc radio đang
phát lời đầu hàng của Dương Văn Minh cho tất cả mọi người cùng nghe.
Ngay đầu hồi giáp cổng tòa nhà số 5 Lý Thường Kiệt, một dây pháo dài
treo từ tầng 5 xuống tận đất nổ rền. Cửa sổ các phòng làm việc mở tung.
Nhân dân kéo đến chật cứng vườn hoa Tao Ðàn trước cửa cơ quan, cùng
hướng về tòa nhà của Thông tấn xã trong niềm hân hoan khôn xiết."
Và một niềm vui nữa, cũng thật khó quên, là vào thời điểm sôi động nhất
của cách mạng miền Nam, Ban tin miền Nam của VNTTX được ghi nhận là hoàn
thành xuất sắc nhiệm vụ và được Chủ tịch nước Tôn Ðức Thắng gửi tặng
lẵng hoa.
Tháng 11/1975, Ban biên tập tin miền Nam kết thúc sứ mệnh lịch sử của
mình, được sáp nhập với Ban biên tập tin ảnh miền Bắc thành Ban biên tập
tin ảnh Trong nước./.
(TTXVN)