Thứ Sáu, 29/11/2024
Đời sống
Thứ Tư, 4/4/2012 13:34'(GMT+7)

Đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào Mông tỉnh Đắc Nông

Bản người Mông ở Đắk Ngo

Bản người Mông ở Đắk Ngo

Trong 10 năm trở lại đây, số người Mông đến định cư trên địa bàn tỉnh Đắk Nông có 3.880 hộ với 22.628 nhân khẩu; chiếm 4,4% dân số toàn tỉnh và 11,24% so với tổng số dân tộc thiểu số; đại đa số người dân tộc Mông di cư vào Đắk Nông thuộc diện hộ nghèo, đói. Người Mông thường sống ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ, nên rất khó khăn cho công tác quy hoạch, ổn định cuộc sống, cũng như công tác quản lý, từ đó cũng tạo ra một sức ép lớn cho các cấp chính quyền của tỉnh Đắk Nông.

Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước nói chung, của cấp uỷ và chính quyền tỉnh Đắk Nông nói riêng, tình hình đời sống, kinh tế, văn hoá, xã hội vùng đồng bào dân tộc Mông đã có những bước chuyển biến trên nhiều mặt. Thông qua nhiều chính sách dân tộc, như: định canh, định cư, cấp đất sản xuất, đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt, đầu tư trường học, đường giao thông, chính sách hỗ trợ kinh phí cho học sinh, cấp sách giáo khoa, thẻ bảo hiểm y tế,… góp phần đưa đời sống đồng bào dân tộc Mông và các dân tộc trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển đi lên. Đến nay 82% hộ đồng bào dân tộc Mông đã được định canh định cư, số hộ được sử dụng điện thắp sáng đạt 39%. Nếu như năm 2004, tỷ lệ nhà tranh tre dột nát trong đồng bào dân tộc Mông là gần 100%, thì đến nay tỷ lệ nhà kiên cố đã chiếm trên 50%. Từ chỗ không có người dân tộc Mông tham gia vào các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể năm 2004, thì đến nay đã có hàng trăm người đang lao động, công tác tại các tổ chức này. Công tác giáo dục đào tạo đối với người dân tộc Mông cũng không ngừng phát triển về số lượng và chất lượng, các cấp học đều tăng về số lượng học sinh và có học sinh người dân tộc Mông đang học và tốt nghiệp các trường trung học, cao đẳng và đại học. Từ chỗ di cư tự do sống rải rác, đến nay nhiều vùng đồng bào dân tộc Mông đã được quy hoạch, bố trí sinh sống tập trung và đã hình thành các đơn vị hành chính, các thôn, bản dân tộc Mông. Đây là những kết quả hết sức to lớn và là bước chuyển biến vượt bậc trong đời sống, kinh tế - xã hội của đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

Để tiếp tục tăng cường các chính sách hỗ trợ nhằm góp phần ổn định tình hình chính trị, nâng cao đời sống mọi mặt cho đồng bào Mông, Ban Thường vụ tỉnh uỷ Đắk Nông đã ban hành chỉ thị số 08-CT/TU ngày 7 tháng 12 năm 2011 về việc “ Đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh vùng đồng bào Mông trên địa bàn tỉnh”. Chỉ thị yêu cầu các cẩp uỷ đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành cần quan tâm chăm lo nhiều hơn nữa cho đời sống, phát triển kinh tế xã hội của đồng bào Mông, cần tập trung triển khai thực hiện chỉ thị số 45 của Ban Bí thư về một số công tác vùng đồng bào Mông; chương trình hành động số 04 của tỉnh uỷ về công tác dân tộc giai đoạn 2011-2016. Trên cơ sở đó cụ thể hoá chủ trương bằng các chương trình, kế hoạch, giải pháp đồng bộ nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh; xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh trong vùng đồng bào Mông.

Song song với sự quan tâm đầu tư phát triển kinh tế - xã hội nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, thì công tác an ninh trật tự trong đồng bào dân tộc Mông cũng được quan tâm đúng mức, mặc dù số lượng dân tộc Mông di cư tự do đến tỉnh Đắk Nông ồ ạt, đã gây khó khăn không nhỏ trong công tác đảm bảo an ninh trật tự; tuy nhiên, trong những năm qua, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong vùng đồng bào dân tộc Mông vẫn đảm bảo ổn định, đa số bà con tin tưởng và chấp hành tốt đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tích cực, cần cù lao động sản xuất, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Tuy vậy về an ninh nông trong vùng cũng có những phức tạp, chủ yếu là phát sinh từ cuộc sống khó khăn, tập quán sinh hoạt, trình độ dân trí thấp, nên sảy ra một số tệ nạn xã hội như rượu chè say xỉn, cờ bạc, ma tuý, mê tín di đoan, gây rối trật tự, phá rừng trái phép, tranh chấp đất đai, một số đồng bào do nhẹ dạ cả tin nên bị kẻ xấu lợi dụng…, song đã được các cơ quan chức năng xử lý kịp thời./.

Cảnh Phương- Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Đắk Nông

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất