Đó là những thực trạng đã được các nhạc sỹ chỉ ra tại Hội thảo Giáo dục
nghệ thuật trong các trường phổ thông. Hội thảo do Trường Đại học Sư
phạm Nghệ thuật Trung ương phối hợp với Hội Nhạc sỹ Hà Nội tổ chức hôm 16/10, tại Hà Nội.
Các bài hát quá cũ
Phát biểu tại Hội thảo, nhạc sỹ Nguyễn Thị Minh Châu, Uỷ viên thường vụ
Hội Nhạc sỹ Việt Nam, cho rằng âm nhạc có vai trò rất quan trọng giúp
con người có trí tưởng tượng tốt hơn, nhạy cảm hơn, biết sống yêu thương
hơn…
“Vì thế, giáo dục phổ thông không chỉ đóng khung trong việc trang bị
kiến thức cho trẻ, mà quan trọng hơn là giúp công dân tương lai biết cảm
nhận cái đẹp trong thiên nhiên, biết rung động trước cái đẹp trong tình
người, để từ đó biết sống lương thiện,” bà Châu nói.
Tuy nhiên, theo bà Châu hiện nay các phụ huynh vẫn tập trung cho con học
văn hóa mà bỏ ngỏ nhu cầu ca hát, giải trí bằng âm nhạc.
Bên cạnh đó, sách giáo khoa âm nhạc cũng chỉ tập trung vào học hát là
chủ yếu với các bài dân ca. Số lượng bài hát giảm dần. Lớp 1 và 2 học 12
bài, từ lớp 3 đến lớp 5 còn 10 bài, từ lớp 6 đến lớp 8 còn 8 bài , lớp 9
còn 4 bài. Các bài hát đóng khung giống nhau không có sự khác biệt giữa
các vùng miền.
“Bài hát thiếu nhi mới vẫn xuất hiện đều đều, nhưng trong các trường phổ
thông, các bài hát đều có tuổi đời cao vài thập niên, bài hát tuổi thơ
của thế hệ đã là ông bà, cha mẹ. Dù đó là bài ca đi cùng năm tháng thì
ca từ chưa chắc đã phù hợp với tuổi thơ thời @,” bà Châu nói.
Đây cũng là ý kiến của nhạc sỹ Nguyễn Lân Cường, Phó chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội.
Ông Cường cho rằng cần bổ sung vào sách giáo khoa các bài hát mới hơn,
phù hợp với học sinh hiện tại hơn, nhất là bài hát trong chương trình
trung học cơ sở.
“Chẳng hạn nên thêm các ca khúc về an toàn giao thông để giáo dục cho các em từ nhỏ,” nhạc sỹ Nguyễn Lân Cường nói.
Về vấn đề này, nhạc sỹ Hoàng Long, một trong những người tham gia biên
soạn sách âm nhạc, thừa nhận có tình trạng các bài hát quá cũ. “Nhưng
việc biên soạn sách giáo khoa phải tuân thủ quy định hiện hành là cả
nước một bộ sách. Và sách cũng không thể thay đổi liên tục theo từng
năm, vì thế nên không thể bổ sung, cập nhật bài hát mới,” ông Long phân
trần.
Theo các chuyên gia, học sinh Bắc Ninh phải được học hát quan họ trong nhà trường. (Ảnh minh họa: TTXVN)
Chương trình mới cần linh hoạt hơn
Phát biểu tại hội thảo, thạc sỹ Lương Minh Tân, Phó trưởng khoa Sư phạm
Âm nhạc, trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương cho rằng, sự hạn
chế của sách giáo khoa xuất phát từ hạn chế trong chương trình đào tạo
nghệ thuật trong trường phổ thông.
“Để đổi mới toàn diện giáo dục âm nhạc phổ thông, cần thay đổi từ nội
dung chương trình sao cho đảm bảo khoa học, hợp lý với điều kiện thực tế
vùng, miền và đối tượng học sinh. Cần có sự phân chia vùng, miền vì âm
nhạc có liên quan đến điều kiện xã hội,” ông Tân phân tích.
Theo đó, thạc sỹ Lương Minh Tân cho rằng chương trình sẽ phải mang tính
mở và các nội dung phải phong phú với nhiều lựa chọn để giáo viên chủ
động thiết kế bài giảng phù hợp với học sinh của mình.
Cùng quan điểm này, nhạc sỹ Nguyễn Thị Minh Châu kiến nghị lãnh đạo Bộ
Giáo dục và Đào tạo về chương trình giáo dục phải linh hoạt hơn.
“Ở các địa phương có âm nhạc cổ truyền có thể thay thế bằng các làn điệu
dân ca như Phú Thọ học hát xoan, Bắc Ninh học quan họ, miền Trung học
ví, giặm… Điều này vừa dạy học sinh âm nhạc phù hợp hơn với các em, vừa
giúp giáo dục về văn hoá truyền thống,” bà Châu nói.
Bên cạnh vấn đề về chương trình, bà Châu cũng cho rằng yếu tố quan trọng
hơn cả chương trình chính là giáo viên. “Chất lượng giáo viên không chỉ
phụ thuộc vào năng khiếu, duyên âm nhạc của thầy mà còn ở phương pháp
dạy học. Hiện nay, chất lượng giáo viên dạy nhạc vẫn chưa tốt. Còn học
sinh chỉ tập trung vào các môn văn hoá và học nhạc mang tính đối phó,
hình thức,” bà Châu nói.
Trước những ý kiến của các nhạc sỹ, đại diện lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào
tạo cho biết Bộ sẽ tiếp thu các ý kiến để có thể có những điều chỉnh
hợp lý biên soạn chương trình, sách giáo khoa về nghệ thuật khi thực
hiện Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa sắp tới./.
Theo TTXVN