Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một trong 6 chương trình đột phá theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ IX (nhiệm kỳ 2011-2015).
Chương trình được thực hiện với mục tiêu nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho thành phố, trong đó tập trung phát triển nguồn nhân lực cho 9 ngành dịch vụ và 4 ngành công nghiệp trọng yếu. Tuy nhiên, sau hơn 4 năm thực hiện, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn rất nhiều trăn trở.
Những kết quả khả quan
Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2011-2015 với 6 chương trình nhánh, gồm: Nâng cao chất lượng giáo dục đại học, cao đẳng; nâng cao chất lượng đào tạo nghề; đào tạo đội ngũ doanh nhân; nâng cao chất lượng, phát hiện bồi dưỡng nhân tài lĩnh vực văn hóa-nghệ thuật, thể dục-thể thao; đào tạo nhân lực cho lĩnh vực y tế; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho hệ thống chính trị.
Những kết quả đạt được trong các chương trình nhánh được thể hiện rõ nét. Về chương trình nâng cao chất lượng giáo dục đại học, cao đẳng, từ năm 2011 đến năm 2015, mạng lưới cơ sở đào tạo có uy tín được củng cố và phát triển với hệ thống 85 trường cao đẳng, đại học đạt chuẩn đồng thời, có 14 dự án đầu tư xây dựng của các trường đã được ngân sách thành phố hỗ trợ toàn bộ lãi suất vay trong thời gian 7 năm với tổng mức đầu tư là trên 1.400 tỷ đồng.
Quy mô đào tạo được mở rộng, ngành nghề đào tạo đa dạng, nội dung và chương trình đào tạo thường xuyên cập nhật và điều chỉnh phù hợp với thực tế, góp phần tích cực cung ứng nhân lực có trình độ, phục vụ yêu cầu phát triển của thành phố và đất nước. Điều kiện cơ sở vật chất cho giáo dục được đầu tư, cải thiện, nhất là các nhóm ngành công nghệ và dịch vụ thành phố ưu tiên, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo.Trong 5 năm qua, nhiều đề tài, công trình nghiên cứu khoa học được các trường triển khai thực hiện với 21 đề tài cấp Bộ, 655 đề tài cấp cơ sở đã được áp dụng tại các trường, đặc biệt là có tới 892 đề tài nghiên cứu của sinh viên. Tỷ lệ sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp tại các trường cao đẳng, đại học là 73 - 80%...
Công tác dạy nghề cũng được thành phố tập trung triển khai đồng bộ trong toàn thành phố. Trong hơn 4 năm qua, thành phố đã đào tạo nghề cho hơn 2,8 triệu lao động, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 72% tổng số lao động. Đặc biệt, công tác dạy nghề được thực hiện gắn với phân tích và dự báo nhu cầu của thị trường lao động, để qua đó nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao chất lượng lao động.
Về Chương trình đào tạo đội ngũ doanh nhân, từ năm 2011 đến nay, thành phố đã tổ chức gần 448 lớp học cho trên 20.000 lượt học viên. Nếu tính cả những khóa đào tạo sử dụng phí được huy động từ các nguồn lực xã hội, số lớp học đã được tổ chức là 1.035 lớp với khoảng gần 52.000 học viên, đạt 171% kế hoạch của giai đoạn. Chương trình học của các khóa đào tạo rất phong phú, đa dạng như khởi sự doanh nghiệp, quản trị doanh nghiệp và các lớp chuyên ngành.
Các chương trình nhánh còn lại cũng được thực hiện với các nội dung trọng tâm từ nâng cao chất lượng giáo dục tới nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực đang làm việc trong các ngành nghề như y tế, văn hóa-nghệ thuật, thể dục-thể thao. Đáng chú ý là Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho hệ thống chính trị. Từ năm 2011 đến nay, thành phố đã tổ chức đào tạo, bồi dưỡng về lý luận, chính trị, quản lý nhà nước và nghiệp vụ chuyên ngành cho trên 68.000 lượt cán bộ, công chức, viên chức. Trên 3.200 lượt cán bộ công chức làm trong bộ phận tiếp dân được bồi dưỡng các kỹ năng giao tiếp ứng xử.
Nhằm tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ tuổi, Ban Tổ chức Thành ủy đã lựa chọn các sinh viên tốt nghiệp loại khá trở lên và các cán bộ công chức trẻ, có triển vọng để tham gia các khóa đào tạo nâng cao trình độ chính trị, kỹ năng lãnh đạo, quản lý… Từ năm 2011 đến nay, tổng số cán bộ trong chương trình là 995 người, được điều động về quận, huyện, phường, xã, thị trấn.
Nhiều người trong số đó đã được đề bạt, bổ nhiệm các chức danh chủ chốt tại đơn vị. Nhiều sinh viên ưu tú có đạo đức tốt đã được tuyển chọn từ Chương trình đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ của Thành phố và được cử đi đào tạo toàn phần ở nước ngoài hoặc đào tạo ở trong nước kết hợp nghiên cứu, thực tập ở nước ngoài. Hiện nay, số học viên của Chương trình đã hoàn thành đào tạo đang công tác tại các địa phương đơn vị là 543 người, gồm 499 thạc sỹ và 35 tiến sỹ.
Ông Hứa Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, sau hơn 4 năm thực hiện chương trình đã đạt được những kết quả khá tốt, gắn với nhu cầu xã hội ở các lĩnh vực; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được trang bị cơ bản về lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng công tác; việc đào tạo nghề đã góp phần trực tiếp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thành phố.
Còn không ít bất cập
Theo nhận định của các sở, ngành, qua chương trình, chất lượng nguồn nhân lực của thành phố đã được cải thiện đáng kể, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian qua. Tuy nhiên, trước những yêu cầu trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và quá trình hội nhập, nguồn nhân lực của thành phố vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế cần khắc phục.
Dự thảo báo cáo chính trị Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ X chỉ rõ việc triển khai thực hiện một số chương trình nhánh của Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực còn chậm, thiếu tính đột phá, chưa sát với tình hình thực tế, một số chỉ tiêu đến nay chưa đạt 50% kế hoạch.
Một trong những hạn chế lớn là các chương trình giáo dục đào tạo trong trường đại học, cao đẳng còn thiếu tính liên thông, tương thích giữa các ngành nên đào tạo còn nhiều trùng lắp, lãng phí. Một số chương trình còn lạc hậu, chậm cập nhật nên tổ chức sử dụng lao động phải tổ chức đào tạo lại.
Về vấn đề này, thạc sỹ Mai Thị Quế (Viện nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh) nhận định: Nhiều học viên tốt nghiệp ra trường chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, đặc biệt là về ngoại ngữ, các kỹ năng tiếp cận các thiết bị mới, công nghệ hiện đại. Mặt yếu kém nữa của học viên là khả năng làm việc theo nhóm, khả năng tự học, tự nghiên cứu và tác phong nghề nghiệp.
Đồng quan điểm, ông Huỳnh Trung Hiếu, Trưởng khoa Công nghệ thông tin, Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hàng năm trường đều có học sinh tham gia các cuộc thi tay nghề trong khu vực và trên thế giới. Các sinh viên được chọn có kiến thức chuyên môn rất tốt, tuy nhiên đều lúng túng trong phần thi kỹ năng mềm là ngoại ngữ và giao tiếp.
Nhìn nhận từ góc độ doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Mỹ Linh, Phó Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Uyên Phát (Khu công nghiệp Tân Tạo, quận Bình Tân) cũng cho rằng, chương trình giáo dục đào tạo đang bị mất cân đối giữa lý thuyết và thực hành.
Nhiều cử nhân đại học đến nộp hồ sơ xin việc tại công ty có bằng tốt nghiệp loại khá, giỏi nhưng khi được yêu cầu trình diễn một số kỹ năng cơ bản liên quan đến khoa học công nghệ thì rất lúng túng, không giải quyết được. Thành phố cần có những giải pháp cụ thể hơn trong việc đào tạo nhân lực, cải thiện tình trạng trên. Bởi “với những con người “lỡ thầy lỡ thợ,” doanh nghiệp có muốn phát triển cũng rất khó,” bà Nguyễn Thị Mỹ Linh nói./.
TTXVN