Chỉ còn hơn một tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Ất Mùi. Nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học… đã bắt đầu cho cán bộ, nhân viên, sinh viên và người lao động nghỉ Tết. Tình trạng ùn tắc giao thông ở nhiều tuyến đường đã xảy ra và đáng báo động hơn cả là việc gia tăng tai nạn giao thông trên các cung đường Xuân.
Đây không phải là năm đầu tiên số lượng vụ việc mất an toàn giao thông tăng nhanh trong dịp Tết mà đã thành quy luật, năm nào cũng vậy, cứ vào dịp Tết Nguyên đán là tình trạng mất an toàn giao thông đường bộ và đường thủy lại tăng đột biến. Nguyên nhân có nhiều, trong đó có nguyên nhân quan trọng nhất là số lượng người tham gia giao thông tăng nhanh so với ngày thường. Tâm lý chung của người Việt là muốn được đón Giao thừa cùng người thân, giáp Tết về thăm quê hương, trong Tết đi thăm hỏi họ hàng, bạn bè, sau Tết đi lễ hội... Mặt khác, ngày Tết không thể thiếu rượu, bia. Nhiều người đã uống rượu, bia vẫn lái xe ô tô, lái xe máy và không làm chủ được tốc độ. Thống kê tại Bệnh viện Việt Đức Hà Nội vào dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014 cho thấy, cứ 3 nạn nhân bị tai nạn giao thông cấp cứu ở đây có một người vi phạm uống rượu bia rồi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. “Ma men” đã làm nhiều người vĩnh viễn không tìm được lối về.
Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết, vào Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, tai nạn giao thông ở các vùng nông thôn lại tăng hơn nhiều so với ở thành phố. Phần lớn tai nạn giao thông ở nông thôn là do xe máy va chạm nhau tại các tuyến đường liên huyện, liên xã khi người dân uống rượu bia, không đội mũ bảo hiểm.
Để bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi và lễ hội Xuân 2015, ngay từ cuối năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị và đầu năm 2015 đã có công điện yêu cầu Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải thường xuyên tuần tra kiểm soát bảo đảm trật tự an toàn giao thông; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là trường hợp sử dụng rượu, bia, phóng nhanh vượt ẩu khi tham gia giao thông; tổ chức cứu hộ, cứu nạn kịp thời. Khắc phục kịp thời tình trạng ùn tắc giao thông.
Cuối tuần qua, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cũng đã có công điện khẩn gửi: Bộ Công an, Giao thông vận tải, Thông tin và Truyền thông; Ban An toàn giao thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đôn đốc thực hiện các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi. Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đề nghị Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải huy động tối đa lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, đặc biệt là vi phạm quy định về kinh doanh vận tải. Tăng cường phương tiện để phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân.
Dự kiến, từ nay đến hết tháng 2/2015 là thời điểm mà lưu lượng xe cộ lưu thông trên đường lớn nhất trong năm. Tuần trước và sau Tết Nguyên đán sẽ là hai tuần có nhiều tai nạn giao thông nhất. Chắc chắn không một gia đình nào mong muốn đầu Xuân năm mới lại có người bị tai nạn giao thông, kể cả bị thương nhẹ. Để bảo đảm an toàn những cung đường Xuân, trước hết, mỗi cá nhân, mỗi gia đình cần phải ý thức được trách nhiệm khi tham gia giao thông, ít nhất là với bản thân mình, với gia đình mình. Ngoài việc tuyên truyền giáo dục đến từng gia đình có hiệu quả, các lực lượng chức năng trên địa bàn xã, phường cần tăng cường công tác tuần tra, nhắc nhở và kiên quyết xử lý các vi phạm trên địa bàn quản lý. Như vậy mới có thể ngăn chặn và giảm tai nạn giao thông trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi và mùa lễ hội ngày Xuân sắp tới./.
Đỗ Phú Quý (QĐND)