Thứ Bảy, 23/11/2024
Diễn đàn
Thứ Sáu, 6/2/2015 15:36'(GMT+7)

Tôn vinh xứng đáng

(Ảnh: TTXVN)

(Ảnh: TTXVN)

Việc có thêm GS, PGS chứng tỏ đội ngũ trí thức của đất nước ta được tăng cường thêm, thể hiện sự tôn vinh và đãi ngộ chính sách của Đảng, Nhà nước ta đối với đội ngũ trí thức.

Gần 70 năm về trước, ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa non trẻ trong vòng vây của thù trong, giặc ngoài, phải lo chống giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm, nhưng Đảng ta, Nhà nước ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chăm lo xây dựng lực lượng trí thức và tin cậy đưa đội ngũ trí thức yêu nước dù còn ít ỏi vào mặt trận “Kháng chiến, kiến quốc” của dân tộc. Nghe theo lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, đã có không ít trí thức yêu nước ở trong nước và Việt kiều ở nước ngoài bỏ lại đằng sau cuộc sống yên ấm nơi đô hội, hăng hái đi theo kháng chiến, chấp nhận cuộc sống gian khổ nơi rừng sâu, núi cao. Những trí thức này đã thực sự xứng đáng với chức danh GS do Nhà nước ta phong tặng ngay sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp giành thắng lợi.

Sau Đại thắng mùa Xuân năm 1975, nước nhà thống nhất, đội ngũ trí thức nói chung, đội ngũ GS, PGS nói riêng có điều kiện triển khai quy mô, bài bản. Theo báo cáo của Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước, từ năm 1976 đến 2014, sau 38 năm, tổng số GS, PGS được công nhận ở nước ta là 11.097 lượt người. Tuy mấy năm gần đây, số lượng GS, PGS được phong tặng có tăng nhanh, nhưng tỷ lệ GS, PGS của Việt Nam hiện nay so với dân số và sinh viên đại học hiện vẫn đang ở loại thấp trên thế giới. Trong năm 2014, tất cả 833 ứng viên nộp hồ sơ xét tiêu chuẩn chức danh GS và PGS đều được xét tại 89 Hội đồng chức danh giáo sư cơ sở. Qua 3 vòng sàng lọc, bỏ phiếu, Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước đã xét, công nhận 59 GS và 585 PGS, loại bỏ khá nhiều ứng cử viên. Không ít tân GS, PGS trẻ tuổi nhưng đã có rất nhiều bài báo khoa học xuất sắc trong và ngoài nước, được trao những giải thưởng quốc gia và quốc tế cao quý, có trình độ ngoại ngữ và công nghệ thông tin rất cao.

Các GS, PGS ở nước ta đều được xã hội tôn vinh. Gần đây, Nhà nước ta đã bổ sung thêm nhiều chính sách đãi ngộ và đại đa số các GS, PGS đã xứng đáng với sự tôn vinh này. Tuy nhiên, trên thực tế, lại có một số người sau khi được công nhận chức danh GS, PGS đã xao nhãng nhiệm vụ chính là nghiên cứu, giảng dạy mà tận dụng chức danh đó để dạy thêm và tham gia vào các hoạt động thương mại giáo dục khác. Mặt khác, số lượng các GS, PGS gần đây tăng khá nhanh, nhưng các công trình khoa học mà các GS, PGS nghiên cứu được ứng dụng trong thực tiễn lại không tăng tương ứng. Có một nghịch lý là một số giảng viên khi giảng dạy ở trường đại học, hoặc nghiên cứu viên ở viện không có nổi bài báo khoa học, nhưng khi có chức quyền, mặc dù bận tối ngày với các công việc sự vụ nhưng chỉ vài năm đã thừa điểm công trình, vượt xa tiêu chuẩn giáo sư. Phải chăng, để tạo ra các bài báo này, họ đã có sự “chi viện” của đồng nghiệp?

Chính vì các lý do trên, theo ý kiến của nhiều nhà khoa học, việc xem xét, phong tặng chức danh GS, PGS cần phải được siết lại để những trí thức có đức, tài thực sự được tôn vinh. Những người không còn xứng đáng với chức danh GS, PGS cũng cần phải tước bỏ chức danh cao quý này. Cần hướng tới cách làm của nhiều nước trên thế giới là gắn chức danh GS, PGS  với một trường đại học hay viện nghiên cứu cụ thể. Hội đồng Chức danh giáo sư ở các ngành phải gồm những chuyên gia có trình độ cao chứ không phải tổ chức theo kiểu mặt trận, trong đó, mỗi đơn vị đều phải có đại diện cho "vui vẻ" cả. Có như vậy, việc tổ chức công nhận chức danh GS, PGS mới tạo ra động lực thúc đẩy, khích lệ, động viên các nhà giáo, các cán bộ khoa học không ngừng phấn đấu vươn lên để đạt được  trình độ cao hơn, cống hiến nhiều hơn cho Tổ quốc.

Đỗ Phú Thọ (QĐND)





Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất