Chủ Nhật, 24/11/2024
Dân số, gia đình, trẻ em
Thứ Sáu, 27/12/2013 16:19'(GMT+7)

Để già hóa dân số thực sự là thành tựu

Già hóa dân số không phải là gánh nặng mà là một thành tựu. (Ảnh: Nguyễn Thảo/QĐND)

Già hóa dân số không phải là gánh nặng mà là một thành tựu. (Ảnh: Nguyễn Thảo/QĐND)

30% người cao tuổi không thể chia sẻ khi buồn

Theo kết quả nghiên cứu, tỷ lệ NCT bị đối xử không tốt như: Bị nói nặng lời, bị từ chối nói chuyện, bị đánh đập hoặc đe dọa không cao, nhưng có sự khác biệt rõ rệt giữa các nhóm dân số. Tỷ lệ NCT có cảm giác buồn hoặc thất vọng ít nhất một vài lần trong tuần chiếm khoảng 40%; tỷ lệ NCT có cảm giác buồn hoặc thất vọng cả tuần dao động từ 7 đến 8%, song tăng lên gần gấp đôi (15,5%) ở nhóm NCT trên 80 tuổi. Gần 30% NCT không thể chia sẻ với ai khi cảm thấy không vui hoặc buồn.

Theo số liệu từ các cuộc điều tra mức sống hộ gia đình giai đoạn 1993-2008 cũng chỉ rõ: Tỷ lệ NCT sống với con cái giảm xuống từ gần 80% vào năm 1993 xuống còn 62% vào năm 2008; tỷ lệ NCT sống cô đơn và tỷ lệ hộ gia đình chỉ có hai vợ chồng NCT tăng lên; tỷ lệ hộ gia đình “khuyết thế hệ” dù chưa cao nhưng cũng đã tăng hơn hai lần. Ở nhiều vùng quê, số NCT sống cùng cháu đang tăng lên do con cái đi làm ăn xa hết. Thậm chí ở nhiều ngôi làng, chỉ thấy toàn người già và trẻ em, gần như không thấy bóng dáng thanh niên nào.
Theo TS Dương Quốc Trọng, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, trong đợt tổng điều tra dân số và nhà ở vừa qua cho thấy, tỷ lệ NCT cao nhất là ở khu vực miền Trung. "Tôi đã về đây và thấy có những xã, thôn vào những ngày giữa năm này hầu như chỉ còn các cụ già và trẻ con ở nhà. NCT lẽ ra phải được chăm sóc, nhưng khi con đi làm ăn xa lại phải đảm nhiệm toàn bộ công việc đồng áng, cộng thêm việc chăm sóc cháu, do đó, gánh nặng càng thêm chồng chất”, TS Dương Quốc Trọng cho hay.


TS Dương Quốc Trọng cũng cho biết thêm: Một điểm rất đáng lưu ý là hiện đang có tình trạng mất cân bằng giới tính ở trẻ em (112,3 trẻ trai/100 trẻ gái), thì tình trạng này ở NCT lại ngược lại: Số phụ nữ cao tuổi đang lớn hơn nhiều so với nam giới cao tuổi. Do xu hướng bệnh tật kép ở tuổi già và do phần lớn NCT không có lương và trợ cấp như hiện nay thì
phụ nữ cao tuổi sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro hơn so với nam giới cao tuổi xét về thu nhập, tình trạng khuyết tật và khả năng tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, bảo hiểm y tế.


Những giải pháp thiết thực, đồng bộ


Theo TS Dương Quốc Trọng, để thích ứng với giai đoạn già hóa dân số, Việt Nam cần tập trung vào hai nhóm giải pháp lớn, đó là chăm sóc NCT và phát huy vai trò của NCT. Đặc biệt, trong thời gian tới, cần thiết lập một hệ thống chăm sóc sức khỏe NCT từ gia đình, cộng đồng, các trại dưỡng lão, tới các bệnh viện.
Trong thời gian tới, các ngành các cấp cần cởi mở, tháo gỡ các chính sách để khuyến khích nhiều nhà đầu tư vào các trại dưỡng lão để thích ứng cho phù hợp, nhằm nâng cao hệ thống chăm sóc sức khỏe cho người già.


Cũng theo TS Dương Quốc Trọng, theo quy định của Bộ luật Lao động, nam giới 60 tuổi là tới tuổi nghỉ hưu, nữ giới đến 55 tuổi là nghỉ hưu. Trong khi đó, kỳ vọng sống trung bình của người dân Việt Nam là đến 81,5 tuổi. Như vậy, sau khi nghỉ hưu, nam giới còn sống trung bình tới 21 năm, nữ giới còn sống trung bình từ 26 đến 27 năm. Đó là một khoảng thời gian dài, nhiều NCT vẫn còn sức khỏe, trí tuệ để đóng góp cho xã hội. Vì vậy, cần có chính sách phát huy vai trò của người cao tuổi, tạo thêm nhiều cơ hội để NCT từ 60 đến 75 tuổi đóng góp có ích cho xã hội; còn NCT sau 75 tuổi cần được chăm sóc cả về cả vật chất và tinh thần.

Hiện có rất nhiều bất cập trong hệ thống chăm sóc, khám chữa bệnh cho NCT. Cả nước chỉ có một Bệnh viện Lão khoa Trung ương dành riêng cho NCT tại Hà Nội. Sau 10 năm triển khai Thông tư 23 của Bộ Y tế về việc đề nghị tất cả các bệnh viện tuyến tỉnh thành lập khoa Lão, đến nay, mới chỉ có 28/63 bệnh viện đa khoa tỉnh thành lập khoa Lão; thậm chí, nhiều bệnh viện vẫn chưa vận động triển khai việc thành lập khoa Lão. Bệnh nhân cao tuổi thường phải nằm rải rác tại các khoa khác nhau trong nhiều bệnh viện.
Ngoài ra, đến thời điểm này, vẫn có rất ít cơ sở đào tạo nhân lực cho công tác chăm sóc NCT. Tại trường ĐH Y Hà Nội cũng chưa có khoa Lão mà mới có phân môn Lão khoa, hiện chỉ có trường ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh là có khoa Lão. Vì vậy, vấn đề cấp thiết nhất hiện nay là cần gấp rút lên kế hoạch và triển khai công tác đào tạo đội ngũ cán bộ, điều dưỡng viên có đủ năng lực, đáp ứng nhu cầu chăm sóc NCT của xã hội, ông Dương Quốc Trọng bày tỏ lo ngại.

Việt Nam khó có đủ điều kiện để áp dụng mô hình chăm sóc NCT như ở các nước phát triển (Trung tâm ban ngày, cơ sở chăm sóc và phụng dưỡng người già tập trung) do hạn chế về thu nhập và tỷ lệ người tham gia BHYT quá thấp (30% ở đô thị và 15% ở nông thôn). Do đó, trong điều kiện kinh tế khó khăn, việc áp dụng mô hình chăm sóc sức khoẻ NCT tại cộng đồng là phù hợp vì chi phí thấp, phục vụ cho đa số NCT, có thể ở cả vùng nông thôn.

Người cao tuổi hôm nay chính là người trẻ hôm qua và người trẻ hôm nay chính là người cao tuổi trong tương lai.
Làm thế nào để già hóa là thành tựu đúng nghĩa, chứ không phải là gánh nặng? “Nếu bạn đang là người trẻ thì hãy chủ động chuẩn bị cho giai đoạn "già" của mình bằng cách lao động làm giàu, tích lũy cho tuổi già; còn nếu như đã già rồi thì vẫn có thể chủ động phát huy những khả năng, vai trò cống hiến cho gia đình, cho xã hội và cho chính bản thân mình”, TS Dương Quốc Trọng nhấn mạnh./.

NGUYỄN THẢO (QĐND)


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất