Việt Nam cần phát triển chất lượng nguồn
nhân lực trong điều kiện cơ cấu dân số vàng. Đây là cơ hội và thách
thức được đưa ra tại Hội thảo do Liên hiệp các Hội Khoa học & kỹ
thuật Việt Nam phối hợp với Bộ GD-ĐT và một số cơ quan khác tổ chức sáng
24/12 tại Hà Nội.
Ngày 1/11/2013, dân số Việt Nam chính
thức đạt con số 90 triệu người, đứng thứ 14 trên thế giới, thứ 8 ở châu Á
và thứ 3 khu vực Đông Nam Á. Việt Nam cũng đang là nước ở giai đoạn cơ
cấu dân số vàng (DSV). Đây là cơ hội cho nước ta sử dụng nguồn lao động
dồi dào cho tăng trưởng và phát triển kinh tế, tạo cơ hội cho tích lũy
nguồn lực để tăng đầu tư cho an sinh xã hội, y tế, giáo dục, việc làm
trong tương lai.
Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều
chuyên gia, Việt Nam có lực lượng lao động đông nhưng chất lượng chưa
đáp ứng được nhu cầu trong nước và thế giới do thiếu nhân lực có trình
độ, tay nghề cao. Nguyên nhân là do đào tạo một số ngành nghề không
theo kịp với đòi hỏi của sự phát triển thế giới. Việc đào tạo nguồn nhân
lực ở các trường ĐH, CĐ và trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề còn chưa
đáp ứng được với xã hội. Hệ thống kiểm tra, giám sát, kiểm định, đánh
giá chất lượng và kết quả đào tạo thiếu và hoạt động kém hiệu quả; chưa
có hệ thống giám sát và đánh giá độc lập về chất lượng giáo dục-đào tạo.
Để tận dụng cơ cấu DSV, PGS.TS Đỗ Thị
Bích Loan, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho rằng, Việt Nam cần đổi
mới tiếp cận xây dựng nền giáo dục, đào tạo phục vụ nhu cầu xã hội bằng
cách thay đổi triết lý “học để biết” sang “học để làm”.
GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu, Chủ tịch Hội
Nữ Trí thức Việt Nam nêu ý kiến, Việt Nam cần biết tận dụng cơ cấu DSV
góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng đất nước. Tuy nhiên, để phát
huy được lợi thế này, Việt Nam cần hướng đến một nền kinh tế tri thức,
với việc phát triển một nguồn nhân lực có đầy đủ trình độ, kỹ năng có
thể hội nhập với quốc tế. Bên cạnh đó là có sự cân đối nguồn nhân lực
với các ngành nghề. Ngoài ra, Việt Nam cần chú trọng đến việc thay đổi
cơ chế chính sách của Nhà nước đối với việc tuyển dụng, sử dụng và đề
bạt cán bộ. Theo đó, các cơ quan, đơn vị cần thay đổi cách tuyển chọn và
đề bạt cán bộ để khắc phục tình trạng tuyển chọn người có bằng thật mà
chất lượng giả.
Theo GS.TS Ngyễn Đình Cử, Viện Dân số và
các vấn đề xã hội (ĐH Kinh tế quốc dân), nhằm phát huy lợi thế của cơ
cấu DSV, Việt Nam cần nâng cao chất lượng giáo dục, tích cực đầu tư vào
khoa học kỹ thuật; đồng thời hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội và tận
dụng hàm lượng chất xám từ nguồn nhân lực cao./.
Theo VOV