Thứ Tư, 2/10/2024
Dân số, gia đình, trẻ em
Thứ Ba, 24/12/2013 10:14'(GMT+7)

Khi pháp lệnh Dân số đi vào cuộc sống

Số phụ nữ sử dụng các biện pháp tránh thai đạt hơn 75,5%; tốc độ gia tăng dân số được khống chế và tỷ lệ phát triển dân số giảm xuống còn 1% đã tạo tiền đề quan trọng tiến tới ổn định quy mô dân số.

Có được những kết quả trên, An Giang đã xác định công tác Dân số-Kế hoạch hóa gia đình luôn có vai trò quan trọng trong nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Từ đó, An Giang đưa chỉ tiêu phát triển dân số vào Nghị quyết của Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, UBND theo kế hoạch trung, dài hạn và có kế hoạch cụ thể cho từng năm. Đặc biệt, năm 2005, Tỉnh ủy An Giang đã ban hành Chỉ thị về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách Dân số-Kế hoạch hóa gia đình và Ủy ban Nhân dân tỉnh cũng ra Quyết định về việc ban hành kế hoạch thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình”.

Bên cạnh đó, An Giang đã triển khai thực hiện dự án “Lồng ghép dân số và phát triển gia đình bền vững thông qua hoạt động tín dụng tiết kiệm và phát triển gia đình”. Dự án xây dựng được trên 200 nhóm tín dụng trong tỉnh và đã góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết cũng như trang bị kỹ năng cho các gia đình trong tổ chức sản xuất, tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em… Các hộ tham gia nhóm tín dụng tiết kiệm đã thực hiện tốt việc không sinh con thứ 3, bảo đảm trẻ em trong gia đình được đi học, không có bạo lực và tệ nạn xã hội trong gia đình.

Song song đó, hàng năm Chi cục Dân số- Kế hoạch hoá gia đình tỉnh An Giang chủ trì xây dựng, ký kết chương trình phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể. Qua đó, nâng cao vai chủ động của các tổ chức Hội trong hoạt động tuyên truyền cũng như vận động các phong trào thực hiện công tác Dân số-Kế hoạch hóa gia đình thuộc phạm vi chức năng mình quản lý. Tỉnh đã tổ chức đưa nội dung kế hoạch hóa - gia đình vào giảng dạy trong nhà trường ở các cấp học và trong chương trình giáo giục chính khóa cũng như ngoại khóa ở các cấp giáo dục chuyên nghiệp. Các nội dụng giáo dục dân số, sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình được lồng ghép phù hợp sinh động, đảm bảo tính liên tục trong các cấp học, đây chính là tiền đề để từng bước tiến tới ổn định quy mô dân số của địa phương.

Tổ chức công tác thanh, kiểm tra giám sát tình hình thi hành Pháp lệnh Dân số cũng được Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình của tỉnh An Giang thường xuyên thực hiện. Qua đó phân tích đánh giá, nhận định được các đối tượng thực hiện, chấp hành tốt các chính sách dân số. Mỗi năm An Giang còn tổ chức đánh giá phân tích, so sánh đối chiếu cơ cấu độ tuổi để có hành động thực hiện sát với thực tế. Qua thống kê, tuổi trung niên tăng từ 24,4 tuổi năm 2003 lên 25,8 tuổi năm 2007 và 30,1 tuổi năm 2013, tỷ lệ dân số từ 0 đến 14 tuổi giảm khá nhanh từ 28,7% năm 2003 xuống còn 26,4% năm 2007 và 23,3% năm 2013, điều này chứng tỏ quy mô gia đình nhỏ, ít con và gia đình hạt nhân ngày càng được chấp nhận.

Điểm nổi bật của công tác vận động trong 10 năm thực hiện Pháp lệnh Dân số ở An Giang là đã tạo được sự cam kết ủng hộ của lảnh đạo Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức hội. Đưa việc thực hiện Pháp lệnh dân số trở thành một ngày hội của toàn dân mà hạt nhân tiên phong là đội ngũ cán bộ công chức, đảng viên. Cùng với đó, Chi cục Dân số- Kế hoạch hóa gia đình kết hợp với đội ngũ tuyên truyền viên, tư vấn viên, cộng tác viên dân số cơ sở thường xuyên đến vận động trực tiếp tại các hộ gia đình, thực hiện phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”. Tuy nhiên, việc tiếp cận đối tượng để tuyên truyền nâng cao nhận thức về công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn. Một số văn bản pháp luật cụ thể hóa Pháp lệnh Dân số được ban hành nhưng hiệu lực chưa cao, nhiều biện pháp thực thi chưa đi vào cuộc sống; việc xử lý vi phạm chính sách dân số của cấp ủy, chính quyền cơ sở còn nể nang, né tránh, thiếu kiên quyết. Nhiều gia đình sinh con gái vẫn tiếp tục sinh thêm để có con trai, những cặp vợ chồng chỉ có 2 con ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn thấp...

Để nâng cao chất lượng và ổn định dân số trong thời gian tới, tỉnh An Giang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về thực hiện chính sách dân số; cung cấp hiệu quả các gói dịch vụ kế hoạch hóa gia đình; giảm tỷ lệ sinh con thứ ba, tăng số các cặp vợ chồng chấp nhận các biện pháp tránh thai, đặc biệt là ở các vùng có tỷ lệ sinh cao, quan tâm bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ làm công tác dân số ở xã, thị trấn và cộng tác viên dân số ở các ấp, làng, tổ dân phố./.

Công Mạo/TTXVN
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất