Để “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, doanh nghiệp (DN) trong nước phải chứng minh được sản phẩm của mình tốt, bền, nhiều tiện ích, giá hợp lý hơn sản phẩm cùng loại của DN nước ngoài. Hay nói như chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, khó nhất là phải bảo đảm chất lượng hàng hóa và tạo niềm tin cho người tiêu dùng.
Về phía nhà sản xuất, sản phẩm làm ra phải đạt tiêu chuẩn chất lượng đủ để người dân yên tâm sử dụng. Giá cả hàng hóa phải hợp lý. Người dân có tâm lý sính ngoại không hẳn do họ thích dùng hàng đắt tiền. Bảo đảm được các yếu tố này, cuộc vận động sẽ thành công vì người Việt Nam có lòng yêu nước, có niềm tự hào với sản phẩm của mình.
Thời cơ vàng cho hàng nội
Không thể phủ nhận một thực tế là đã từ lâu, trong nếp nghĩ, nếp sống của nhiều người tiêu dùng (NTD) nước ta đã hình thành một quan niệm: Hàng nội không bằng hàng ngoại. Đây là hậu quả khi mà một thời gian dài trước đây, hàng hóa sản xuất trong nước đã từng có chất lượng kém, mẫu mã nghèo nàn, giá cả không hợp lý...
Thế nhưng, hiện nay nhiều sản phẩm Việt Nam chất lượng cao như: sữa Vinamilk, dầu Tường An, bánh Kinh Đô, ắc quy Đồng Nai, áo Việt Tiến, vỏ ruột xe Casumina… đã dần được NTD ưa chuộng và tín nhiệm; đặc biệt là trong hoàn cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu như hiện nay.
Hơn nữa, sau những sự cố như sữa Trung Quốc có melamine, thịt gà đông lạnh nhập khẩu đã hết hạn sử dụng của Vinafood…, rất nhiều người không còn “dám” mua những mặt hàng chỉ có một số chữ ngoại in trên bao bì mà không rõ chất lượng và khâu kiểm duyệt như thế nào…? Trước tình hình này, nhiều người dân đã xem lại thói quen mua sắm của mình và rất cân nhắc để chọn hàng nội hay hàng ngoại.
Có thể nói đây là thời cơ vàng cho các DN Việt Nam khi tung ra các sản phẩm có chất lượng, mẫu mã cải tiến đẹp để chinh phục niềm tin của khách hàng trong nước.
Theo TS Lê Thẩm Dương (Trường ĐH Ngân hàng TPHCM), thị trường Việt Nam có tiềm năng rất lớn, chính các DN nước ngoài phát hiện tiềm năng này trước qua các hoạt động đầu tư trực tiếp và gián tiếp tăng lên không ngừng. Khi thị trường xuất khẩu khó khăn, nhiều DN giật mình nhận thấy mình đã chọn thị trường chưa tối ưu, chưa nhận thức đầy đủ vai trò của thị trường nội địa.
May mắn là thị trường trong nước chưa bị hàng hóa nước ngoài xâm nhập nhiều, có những thị trường như nông nghiệp, nghề truyền thống, các ngành thâm dụng lao động..., DN Việt Nam vẫn làm chủ. Trong điều kiện đó, DN cần chuyển hướng chiến lược, giữ vững thị trường xuất khẩu và đẩy mạnh khai thác thị trường trong nước.
Việt Nam với hơn 86 triệu dân, cơ cấu dân số trẻ nên sức tiêu thụ rất lớn. DN Việt Nam có lợi thế sân nhà, hiểu được tập tục, thói quen tiêu dùng của người Việt. Mặt khác, thực tế hiện nay một số mặt hàng ngoại có chất lượng không hơn hàng nội, thậm chí kém hơn.
Nói cách khác, cơ cấu chi tiêu đa dạng tại thị trường Việt Nam đủ sức “nuôi sống” các nhà máy, công ty, hàng hóa nào cũng có cơ hội phát triển.
Tìm “chìa khóa” mở thị trường
Vẫn theo TS Lê Thẩm Dương, trước tiên, DN phải nhận thức được con đường tối ưu là phát triển thị trường trong nước trước khi nói tới thị trường xuất khẩu để xây dựng chiến lược mục tiêu về thị phần, sản phẩm và giá sản phẩm, chất lượng sản phẩm. Trong đó, ưu tiên định vị thị trường mục tiêu; tính đa dạng của hàng hóa, chất lượng sản phẩm, hướng đến sản phẩm hàm lượng chất xám cao, giữ chặt và phát huy sở trường trong chiến lược sản phẩm...
Để cạnh tranh, DN phải nhanh chóng cắt giảm các khoản chi phí bất hợp lý, giảm giá thành để giảm giá bán hàng hóa sản xuất trong nước bằng hoặc thấp hơn hàng nhập khẩu. DN chỉ nên đặt lợi nhuận kỳ vọng thấp vì phải mất 3 - 5 hoặc 10 năm mới chiếm lĩnh được thị trường.
Song song đó, DN Việt Nam phải tập trung xây dựng đạo đức kinh doanh: Hướng đến NTD, bỏ kiểu làm ăn kinh doanh chụp giật. Đạo đức kinh doanh sẽ giúp DN thu lợi lâu bền, đạt lợi nhuận cao. Thực tế đã chứng minh đạo đức kinh doanh cộng với tính chuyên nghiệp sẽ làm nên thương hiệu.
Ngoài những yếu tố trên, một yếu tố không thể bỏ qua đó là DN nên cải thiện mẫu mã bao bì, cải tiến chất lượng sản phẩm, nhạy bén nắm bắt nhu cầu NTD kết hợp với hoạt động quảng cáo, khuyến mãi; tránh tuyên truyền “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” suông mà phải thuyết phục khách hàng bằng chính những ưu thế của sản phẩm.
Điểm cuối cùng và cũng mang tính quyết định là yếu tố con người. DN muốn giành lại sân nhà thì phải có đội ngũ lãnh đạo có tài, xây dựng được quy trình quản trị ISO...
Để phong trào "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" thành công, phải chú ý đến cả hai mặt: NTD và nhà sản xuất. Thị trường chỉ phát triển khi cân đối cả cung và cầu. Không thể bảo NTD hãy dùng hàng nội trong khi hàng nội không thể dùng được hoặc không có để dùng; còn hô hào nhà sản xuất hãy sản xuất tốt để bán ở thị trường nội địa cũng khó. Do vậy, phải có biện pháp phát động cả hai phía.
TS Vũ Đình Ánh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả (Bộ Tài chính) phân tích, vấn đề đầu tiên cần xem xét là vì sao NTD không mặn mà với hàng nội. Có thể chia thành hai nhóm vấn đề. Nhóm thứ nhất liên quan đến chất lượng, mẫu mã, giá cả. Gần đây, chúng ta nói hàng lậu, hàng nhập khẩu có chất độc hại, không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, do đó chứng minh hàng Việt Nam đáp ứng đủ các tiêu chuẩn trên thì việc tuyên truyền cho hàng nội mới có hiệu quả. Nhóm thứ hai là nhiều mặt hàng Việt Nam có lợi thế như: may mặc, giày dép..., dù xuất ra nước ngoài rất mạnh nhưng ở thị trường trong nước lại chưa thích hợp vì giá cả còn cao nên bị hàng ngoại "lấn sân".
Có thể chất lượng, tiêu chí an toàn của loại hàng nào đó chưa bảo đảm nhưng đại đa số người dân có mức thu nhập thấp và trung bình vẫn phải chọn mua. Rõ ràng, DN Việt Nam đã bỏ qua thị phần thu nhập thấp và chưa với tới được thị phần thu nhập cao. Như vậy, khi tuyên truyền người Việt Nam dùng hàng Việt Nam, phải chú ý đến phân đoạn trung bình mà hàng Việt Nam đáp ứng được.
Về hệ thống phân phối, giả sử hàng Việt Nam chất lượng tốt, giá hợp lý, phù hợp NTD nhưng muốn mua có dễ dàng không? Ở thành thị dễ hơn nhưng ở khu vực nông thôn, NTD ra cửa hàng chỉ thấy toàn hàng Trung Quốc thì mua sao được hàng Việt Nam?
Nếu tuyên truyền đúng hướng, tổ chức các hội thảo so sánh hàng nội với hàng ngoại để người dân có thông tin, có cách tiếp cận được thì sẽ thuyết phục được họ sử dụng. Các hiệp hội, tổ chức DN nên vào cuộc mạnh hơn để bảo đảm chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm cho người dân yên tâm dùng hàng Việt. Trong cuộc vận động này, phải nêu gương các điển hình tốt, đồng thời phải có chế tài, phê phán người làm không tốt để tạo dựng niềm tin./.
(Theo Chinhphu.vn)