Khi nói tới văn học trẻ, người ta thường nói đến tác phẩm văn học do những cây viết trẻ sáng tác. Đây là một vấn đề văn học đã và đang được bàn luận rất nhiều, được xã hội và bạn đọc quan tâm chú ý. Thực ra, trong văn học không có sự phân chia già, trẻ, trai, gái. Chỉ có hay, dở, tốt, xấu.
Tuy nhiên, như người xưa người nay thường nói, tuổi trẻ là tương lai của đất nước. Vấn đề văn học trẻ hôm nay hết sức quan trọng. Diện mạo văn học nước nhà sau này sẽ mang dấu ấn của những cây viết trẻ hôm nay. Không quá lời khi nói tương lai văn học thuộc về lực lượng viết văn trẻ. Từ lịch sử văn học Việt Nam cho thấy, rất nhiều sáng tác đầu tay của người viết trẻ đã thành công vang dội, tạo nên một sắc diện mới của nền văn học.
Những Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Tô Hoài, Nguyễn Đình Thi, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Huy Cận... đã có những tác phẩm để đời, lưu danh trong lịch sử khi tuổi đời còn rất trẻ.
Khi nghiên cứu sự thành công những tác phẩm văn học của nhà văn sáng tác thời tuổi trẻ, các nhà nghiên cứu văn học đều có chung một nhận định, đấy là thành công của sức trẻ, sự sáng tạo mới mẻ, nhiệt huyết công dân và tài năng sử dụng ngôn ngữ. Nói gọn lại, đấy là sức trẻ và tài năng.
Văn học là một bộ phận quan trọng tạo nên nền tảng văn hóa xã hội. Nhận định văn học là nhân học dựa trên cơ sở thực tiễn và khoa học. Nói đến con người không thể không nói đến tính xã hội. Con người, dù nhìn ở góc độ nào, ở lĩnh vực nào cũng là mối quan hệ tổng hòa xã hội. Chính vì vậy, khi nói đến sức trẻ là nói đến vấn đề nhiệt huyết công dân. Ở thời điểm hiện nay, khi nhận diện văn học trẻ người đọc cảm thấy nhiều nét sáng tạo mới mẻ, song nhiệt huyết công dân trong sáng tác trẻ chưa tương xứng với thực tế sức trẻ trong xã hội. Nhiều tác phẩm chỉ đi sâu vào “cái tôi” riêng tư, lo giải mã về các vấn đề tình yêu giới tính. “Cái tôi” trong tổng thể xã hội phát triển, trong giao lưu hội nhập quốc tế, trong hạnh phúc tình yêu, hay nói một cách khái quát “cái tôi công dân” trong sáng tác trẻ còn mờ nhạt, đơn điệu. Nói tóm lại, bạn đọc cảm thấy nhiệt huyết công dân trong sáng tác trẻ dường như chưa đủ độ để tỏa sáng.
Văn học, nói cho đến cùng cũng là một loại hàng hóa. Thứ hàng hóa đặc biệt này có hai điều tối kỵ cần phải loại bỏ: độc hại và nhạt nhẽo. Để văn học trẻ tỏa sáng, điều đầu tiên và xuyên suốt trong nhận thức các nhà văn trẻ cũng phải nhất thiết loại bỏ yếu tố độc hại và sự tẻ nhạt trong sáng tác của mình.
Có thể khẳng định, nhiệt huyết công dân và tài năng là hai yếu tố tạo nên sự thành công trong văn học. Và, để văn học trẻ tỏa sáng, tính quyết định vẫn thuộc về nhà văn trẻ. Dẫu vậy, vai trò của hệ thống truyền thông, các nhà xuất bản và Hội Nhà văn cũng hết sức quan trọng. Phát hiện và nuôi dưỡng tài năng văn học trẻ luôn là vấn đề thời sự và trách nhiệm của toàn xã hội. Giúp cho các nhà văn trẻ thành công cần có sự đầu tư thỏa đáng. Cùng với sự đầu tư về vật chất, rất cần có sự đầu tư về kiến thức, về định hướng sáng tác để sức trẻ, nhiệt huyết công dân trong nhà văn trẻ luôn phát sáng. Cuối cùng, nhìn nhận sáng tác trẻ cũng cần được bao dung, cởi mở để các nhà văn trẻ mạnh dạn phát huy ý tưởng mới lạ, độc đáo, sâu sắc theo định hướng đúng đắn nhằm góp phần làm phong phú nền văn học nước nhà trong giai đoạn mới.
Theo SGGP