Thứ Bảy, 21/9/2024
Giới thiệu tác phẩm
Chủ Nhật, 27/3/2011 15:52'(GMT+7)

"Thi ca nết đất" và thẩm mỹ hiện đại

Bìa tập "Thi ca nết đất" của Lê Thiếu Nhơn.

Bìa tập "Thi ca nết đất" của Lê Thiếu Nhơn.

Kể từ tập thơ đầu tay "Bài ca phía mặt trời" in năm 19 tuổi, đến nay Lê Thiếu Nhơn đã có 5 tập thơ, và hai lần được Tặng thưởng của Hội Nhà văn Tp HCM cho tập "Trong bóng người xưa" (2007) và "Bản tường trình giấc mơ đi vắng" (2010). Trước hết Lê Thiếu Nhơn là một nhà thơ, cho nên khi anh bước sang phê bình thơ đã có hướng khai thác tác giả và tác phẩm tương đối hiệu quả và thấu đáo. Mở từng trang "Thi ca nết đất", không khó khăn gì thấy được Lê Thiếu Nhơn đọc thơ đồng nghiệp một cách chuyên tâm và hệ thống. Anh giúp công chúng thẩm định lại tài năng của một số tên tuổi quen thuộc và khám phá giá trị còn chìm khuất của những nhân vật ít được nhắc đến. Mặt khác, anh bộc lộ thái độ chân thành, dù viết về người đã khuất như Yến Lan, Lãng Thanh, Thảo Phương hay viết về những người khởi nghiệp như Song Phạm, Nguyệt Phạm, Trần Lê Sơn Ý... Thiện chí ấy được chính anh thể hiện ngay lời nói đầu cuốn sách: "Cuộc hội nhập toàn cầu luôn đặt ra nhiều thử thách cho cả nhà thơ và độc giả, khi đối diện những buồn vui không thể lập trình của thời đại tôn sùng phương tiện vật chất và khuyến khích hạnh phúc cá nhân.

Khoảng cách từ sự thăng hoa trên bàn viết nhà thơ đến tác phẩm trên tay độc giả, dường như càng ngày càng vời vợi hơn, mà nhiều toan tính và nhiều xao xác đã bắt đầu nhen nhóm. Thực trạng có vẻ bẽ bàng kia đã làm tôi ái ngại, nhưng không hề khiến tôi tuyệt vọng về sức mạnh cứu rỗi của thi ca. Tất nhiên, tôi không dự định kỳ diệu hóa năng lực nhà thơ, nhưng tôi dám chắc sự gặp gỡ ngỡ tình cờ giữa những tâm hồn, đôi khi có thể chở che không ít u uẩn, đôi khi có thể xoa dịu không ít đắng cay!".

Ưu điểm vượt trội trong "Thi ca nết đất" là sự thẳng thắn. Trong lúc làng thơ đang ngập tràn những lời ve vuốt, thì những nhận định nghiêm túc của Lê Thiếu Nhơn bỗng có sức lay động. Ví dụ, nhận định về thơ Vũ Quần Phương: "Ông luôn thể hiện năng lực bác sĩ trong nghề thơ, ông tự bắt mạch cho cảm xúc của mình, rồi ông tự chữa bệnh cho chữ nghĩa của mình. Vì ông nghĩ nhiều quá, khiến nhiều hình tượng cứ khô cong lại. Công bằng mà đánh giá, Vũ Quần Phương có nhiều câu thơ tài hoa. Dĩ nhiên, một người tinh tế như ông thì biết ngay đó là những đứa con tinh thần quý giá, nhưng ông sợ chúng bị cảm gió hay bị ho khan, nên làm thêm rất nhiều câu thơ bình thường để che chắn".

Ví dụ khác, nhận định về thơ Lê Văn Ngăn: "Chính vì chủ tâm kể chuyện dưới bóng quê nhà, Lê Văn Ngăn đã đặt ông và độc giả vào ranh giới mong manh giữa thơ và kịch thơ... Tôi thực sự ái ngại khi chứng kiến nỗi run rẩy mát lành của nhà thơ Lê Văn Ngăn mải mê chuồi theo nhân tình thế thái, khiến không ít bài thơ của ông phải khuân vác bao nhiêu chữ nghĩa mang hương vị của thi ca chứ không phải câu thơ như mong muốn".

Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn.

Phẩm chất một nhà phê bình thơ của Lê Thiếu Nhơn bộc lộ rõ nét qua những đánh giá thật ngắn gọn mà thật súc tích. Chẳng hạn: "Đọc thơ Thảo Phương dù gặp câu thô ráp hay gặp ý bi lụy thì độc giả cũng không gợn lên bất cứ băn khoăn gì, vì ở đó luôn hiện diện những giọt nước mắt chưa kịp lau khô", hoặc: "Trần Nhuận Minh buông sự đời hối hả xuống trang giấy như một minh chứng thuyết phục nhất cho ý niệm, nhà thơ không có một nhiệm vụ nào khác là góp phần hóa giải nỗi đau của thời đại mình". Và từ thơ của một người, Lê Thiếu Nhơn khái quát lên thành tiêu chí lao động thơ hôm nay: "Ở thế kỷ 21 huyên náo, những vui buồn luôn vụt qua rất nhanh. Nếu không biết cách nắm giữ, chúng ta sẽ trở thành trắng tay khi muốn điểm danh những khoảnh khắc bất trắc từng hiện diện trên số phận mỗi người. Vì vậy, một nhà thơ muốn "đồng hành thế kỷ" phải chấp nhận quăng tâm trạng ngổn ngang của bản thân vào dòng chảy ẩn giấu không ít nghịch lưu".

"Thi ca nết đất" lôi cuốn không chỉ nhờ những kiến giải nghề nghiệp mà còn nhờ bút pháp tài hoa. Để khắc họa đầy đủ diện mạo nhà thơ, Lê Thiếu Nhơn vẽ họ với vài chấm phá sinh động. Đây là phác thảo về Hoàng Yến: "Thỉnh thoảng, tôi gặp Hoàng Yến đi bộ dọc con phố trước nhà con gái ông - nữ sĩ Hiền Phương. Mỗi lần như vậy, tôi lặng lẽ nhìn ông, không khác gì một cụ già hưu trí nhàn tản. Ông bước chậm rãi và thong dong trên vỉa hè, nhưng đôi mắt hắt ra thứ ánh sáng khiến ai trông thấy cũng phải nghĩ rằng, đó là một con người không dễ bắt nạt. Tôi không thể xác định Hoàng Yến đang đi bên lề cuộc sống ồn ã hay đang đi bên lề văn chương thị phi, chỉ mơ hồ cảm nhận hình như ông không có nhiều bạn và cũng không muốn người khác xen vào những ý nghĩ sốt ruột của ông".

Còn đây là phác thảo về Lê Xuân Đố: "Nhà thơ Lê Xuân Đố có bốn đặc điểm: nói như cãi nhau, khóc như đám ma, cười như trúng số và đọc thơ như sấm sét. Độc đáo hơn nữa là bốn đặc điểm ấy cứ thay thế nhau trong từng chốc lát, có khi đồng hiện trộn lẫn vào nhau... Nhiều lúc ngồi giữa đám đông ồn ã, chứng kiến Lê Xuân Đố nói như hét vào mặt người đối diện, rồi ngửa mặt lên trời đọc vang vang "nước non một khoảng nuông chiều, cái hôn trong sóng đến điêu đứng bờ", rồi bưng mặt khóc hu hu, rồi ngả ra ghế cười ha ha, tôi cam đoan diễn viên nào đóng được vai Lê Xuân Đố thì hoàn toàn có quyền mơ đến giải Oscar. Hơn nữa, giải Oscar trao cho người thành công đóng vai Lê Xuân Đố không những khẳng định một tài danh siêu đẳng của nghệ thuật diễn xuất, mà có khi còn vinh dự cho giải Oscar!".

Đối với một cuốn sách phê bình thơ, không thể không nhắc đến lý luận của người viết. Nhiều tư duy thẩm mỹ được Lê Thiếu Nhơn trình bày khá mạch lạc và lung linh. Trong bài "Lãng Thanh nắng ngang chừng, mây tới quãng, khói vừa hương", có đoạn gợi ý biểu cảm: "Lẽ thường trong thi học, thủ pháp tỷ dụ luôn tạo cơ hội cho thi sĩ phô diễn nội lực. Chữ "như" tưởng chừng đơn giản vẫn có thể chia câu thơ ra làm hai vế, và cũng chia ranh giới rạch ròi năng lực thơ giữa người bình thường và thi sĩ. Người bình thường đưa ra hai vế ngang nhau về giá trị tiếp nhận thì chữ "như" phá sản. Ở cấp độ thi sĩ, chữ "như" lại giúp bạn đọc phân chia thi sĩ khoa trương và thi sĩ tinh tế. Chỉ cần cao giọng quá đà hoặc huênh hoang quá mức, thi sĩ khoa trương khiến vế trước chữ "như" biến mất, vế sau còn sự lạ chứ không rung động gì.

Ngược lại, thi sĩ tinh tế thăng hoa vế sau chữ "như" mà vẫn bổ trợ vế trước tỏa sáng". Còn trong bài "Lê Văn Ngăn viết dưới bóng quê nhà" lại có đoạn phân tích sắc sảo: "Để phân biệt câu thơ và lời thoại sân khấu, phải tính đến sự trắc ẩn của ngôn ngữ thể hiện. Lời thoại sân khấu chỉ cần thứ chữ nghĩa lưu loát, có thể cũ mòn, có thể sáo rỗng nhằm đưa đẩy câu chuyện. Còn câu thơ phải có khả năng trực tiếp tác động lên nhận thức và trí tưởng tượng của người đọc"

Với "Thi ca nết đất", thơ Việt Nam được một dịp ngoảnh lại để điểm danh và tôn vinh. Và với "Thi ca nết đất", văn chương nước ta hy vọng có thêm một nhà phê bình thơ Lê Thiếu Nhơn nhiều ưu tư: "Một nhà thơ không còn thao thức với lương tri bền bỉ, không còn thao thức với đức hạnh thăm thẳm, không còn thao thức với mệnh kiếp long đong, thì chất thơ cũng tan biến như đám mây hững hờ trôi qua khung cửa muộn phiền!"

"Lê Thiếu Nhơn là cây bút sung sức. Anh viết nhiều thể loại. Khá nhất vẫn là thơ và tiểu luận phê bình. Trong đó, tiểu luận phê bình lại nổi trội hơn cả. Là người sáng tác, anh có cái tinh của người trong nghề. Nhiều ý kiến sắc sảo, có tính phát hiện, rất thú vị, nhưng cũng dễ gây sốc đối với những ai chỉ quen nghe một chiều. Cũng không ít nhận định của anh gợi ta muốn nghĩ tiếp, muốn bàn lại, hoặc tranh luận với anh. Như thế mới vui và có tính học thuật. Có điều anh nói đúng. Cũng có điều chưa hẳn đã đúng, nhưng dẫu sao, anh cũng đã cho ta một cách nhìn khác, một cách nghĩ khác, một cách nói khác về những vấn đề tưởng như đã quen thuộc. Đó chính là phần đóng góp đáng quý nhất của anh trong đời sống văn học hiện nay".

Trần Đăng Khoa


(Theo: Thanh Tùng/CAND)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất