Tuy nhiên, không phải ai đến chùa cũng có những mục đích giống nhau và
không phải ai cũng hiểu được ý nghĩa của việc đi chùa nên không ít người
đến chốn cửa thiền làm những điều trái giáo lý nhà Phật, ngược với
thuần phong mỹ tục. Sự thiếu hiểu biết về đạo Phật đang làm méo mó, biến
dạng các lễ hội gắn với chùa chiền.
Trang phục khi đi lễ chùa
Khi
đi lễ chùa nên chọn trang phục nhã nhặn, sạch sẽ, kín đáo, lịch sự,
không mặc váy ngắn, quần cộc, áo xuyên thấu, khêu gợi…Bởi theo ngôn ngữ
Phật giáo, ăn mặc gợi cảm quá mức vừa phạm giới uế tạp Phật đường, vừa
phạm giới bất kính, dù người đó có mất công thờ cúng cũng không có ích
gì. Ngoài ra, cũng nên mặc trang phục gọn gàng, tiện lợi, tránh rườm rà,
gây vướng víu.
Nhiều đền chùa có quy định phải tháo bỏ giày dép trước khi vào sắp lễ nên hãy chọn những đôi giày đơn giản, dễ tháo, dễ đi.
Đồ lễ khi đi lễ chùa
Khi
đến dâng hương ở các chùa nên sắm các lễ chay như: hương, hoa tươi, quả
chín, oản, xôi, chè… Không đặt lễ mặn ở khu vực Phật điện tức là chính
điện, tức là nơi thờ tự chính của ngôi chùa. Trên hương án của chính
điện chỉ được dâng đặt lễ chay, tịnh.
Việc sắm sửa lễ mặn như
cỗ tam sinh (trâu, dê, lợn), thịt gà, giò, chả… chỉ có thể được chấp
nhận nếu như trong khu vực chùa có thờ tự các vị Đức Ông, Thánh, Mẫu và
chỉ dâng đặt tại ban thờ hay điện thờ mà thôi.
Không nên sắm
sửa vàng mã, tiền âm phủ để dâng cúng Phật tại chùa. Nếu có sửa lễ này
thì đặt ở bàn thờ thần linh, Thánh Mẫu hay ở bàn thờ Đức Ông.
Tiền
thật cũng không nên đặt lên hương án của chính điện mà nên bỏ vào hòm
công đức. Tuyệt đối không nên đi “rải” tiền trên tất cả ban thờ, đặt vào
tay tượng.
Rượu, bia, thuốc lá không đặt được trên ban thờ Phật nhưng có thể đặt trên ban thờ Thánh.
Hoa tươi lễ Phật là hoa sen, hoa huệ, hoa mẫu đơn, hoa ngâu… không dùng các loại hoa tạp, hoa dại.
Nguyên tắc khi ra vào chùa
Khi
bước vào nhà chính của đền, chùa, không được đi vào từ cửa giữa. Khi đi
qua cổng Tam quan vào chùa nên đi vào cửa Giả quan (bên phải) và đi ra
bằng cửa Không quan (bên trái). Cửa Trung quan (chính giữa) chỉ dành cho
Thiên tử, bậc cao tăng, bậc khoa bảng đi vào chùa và đi ra cũng theo
cửa này.
Ngoài ra, cũng không được dẫm lên bậu cửa nhà chùa.
Cách hành lễ khi đi chùa
Bước 1 – Đặt lễ vật: thắp hương và làm lễ ở ban thờ Đức Ông trước tiên.
Bước 2 – Sau khi đặt lễ ở ban Đức Ông xong, đặt lễ lên hương án của chính điện, thắp đèn nhang rồi làm lễ chư Phật, Bồ Tát.
Bước
3 – Sau khi đặt lễ chính điện xong thì đi thắp hương ở tất cả các ban
thờ khác của nhà bái đường. Khi thắp hương lên đều có 3 lễ hay 5 lễ. Nếu
chùa nào có điện thờ Mẫu, Tứ phủ thì đến đó đặt lễ, dâng hương cầu theo
ý nguyện.
Bước 4 – Cuối cùng thì lễ ở nhà thờ Tổ (nhà Hậu).
Bước
5 – Cuối buổi lễ, sau khi đã lễ tạ để hạ lễ thì nên đến nhà trai giới
hay phòng tiếp khách để thăm hỏi các vị sư, tăng trụ trì và có thể tùy
tâm công đức.
Theo quan niệm của nhà Phật, Phật chỉ phù hộ an bình,
che chở chứ không thể phù hộ đường công, danh, tài, lộc. Vì vậy, khi
chúng ta làm lễ cầu tới cửa Phật nên xin được Phật che chở, bảo vệ. Nếu
muốn cầu xin may mắn trong sự nghiệp, tình cảm…thì nên vào đình, đền.
Khi
hành lễ thì không nên quỳ phía sau những người đang đứng thắp hương.
Tùy vào từng môn phái, có thể đứng hoặc quỳ khi làm lễ nhưng cần phải
lên trước. Khi đứng khấn vái, không nên đứng thẳng ban thờ mà nên đứng
chếch sang một bên. Và không nên bước qua mặt những người đang quỳ lạy.
Những việc không nên làm khi đi lễ chùa
1.
Không chạy qua chạy lại, nói chuyện, bình phẩm, ngồi hoặc nằm trong
Phật đường. Không tùy tiện hắt hơi, sổ mũi, khạc nhổ,… quanh khu vực
Phật điện, tam bảo.
2. Không được tùy ý làm ồn hoặc nói những lời
bất kính đối với Phật, Thánh, cũng không được có thái độ thiếu cung
kính như tùy tiện dùng tay chỉ trỏ vào tượng Phật
3. Vào
Phật đường, tam bảo không nên đi giày dép, nhai trầu, hút thuốc.
Tam bảo là nơi tôn nghiêm, có giới hương, định hương, chân hương,
đòi hỏi phải trì giới để di dưỡng thanh tịnh, tuyệt đối không
gây ồn ào, hỗn tạp.
4. Không nên mang theo mũ áo, khăn,
túi xách, gậy gộc, bao tay… vào tam bảo bái Phật. Lỡ đặt
những đồ đạc như vậy trên bàn, trên chiếu hoặc trong góc tam
bảo để bái Phật thì mọi công quả tu dưỡng bấy lâu đều tiêu
tán. Đi lễ chùa, tốt nhất không mang theo những đồ tùy thân khi
vào tam bảo.
5. Trước tượng Phật nên cung kính nghiêm
trang, không nhìn ngang ngó dọc, khệnh khạng trước tam bảo. Nếu
muốn chiêm ngưỡng tượng Phật, nên đứng từ ngoài để quan sát.
6. Không nên chụp ảnh, quay phim tùy tiện trong chùa.
7.
Tuyệt đối không được tự ý lấy sử dụng hoặc mang bất kỳ đồ đạc
gì của nhà chùa về làm của riêng. Và cũng không nên mang các đồ ở
đình chùa về đặt lên ban thờ nhà mình. Đồ đã cúng rồi không thể cúng
lại; hơn nữa nhiều đồ có chứa trường khí âm, ảnh hưởng xấu đến ban thờ.
(TTXVN)