Chủ Nhật, 24/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Tư, 1/2/2017 15:19'(GMT+7)

Quản lý lễ hội: Không thể nóng vội, chủ quan

Quang cảnh lễ hội đền Gióng (Sóc Sơn, Hà Nội)

Quang cảnh lễ hội đền Gióng (Sóc Sơn, Hà Nội)

 

 

Sự ngộ nhận làm hỏng lễ hội

Phân tích kỹ hơn về những bất cập của lễ hội cần phải đối mặt, TS Lê Thị Minh Lý, Hội đồng Di sản quốc gia, nói: “…để giải quyết vấn đề về lễ hội một cách triệt để, cần làm tốt công tác nghiên cứu, tư liệu hóa với sự tham gia của cộng đồng vì trong quá trình kiểm kê, tư liệu hóa, nghiên cứu cũng chia sẻ với người dân, lắng nghe ý kiến của người dân và nâng cao nhận thức của họ về giá trị của lễ hội, những biến đổi, những gì đáng làm và những gì cần biến đổi. Việc đối thoại với cộng đồng, chủ thể của lễ hội để tìm ra các giải pháp phù hợp là yếu tố sống còn bởi lẽ chính họ là người thực hành và gìn giữ các nghi thức của lễ hội”.

 

Thực tế, ngay chính trong cộng đồng cũng xuất hiện nhiều mâu thuẫn. Thậm chí có những lễ hội được UNESCO công nhận, song lại xuất hiện hiện tượng cạnh tranh, gây chia rẽ kiểu như vẫn hội đấy nhưng làng khác tự tổ chức hội mi-ni diễn ra trước lễ hội chính… Theo bà Minh Lý, việc làm chưa đúng, “nhân danh di sản” như thế đôi khi bắt nguồn từ sự ngộ nhận, chưa thấu hiểu giá trị của di sản, của lễ hội và đây là phần trách nghiệm của các nhà quản lý văn hóa.

Nhiều địa phương cùng vào cuộc

Với mong muốn chung tay xây dựng lễ hội với tinh thần tiết kiệm, lành mạnh, phù hợp với nếp sống văn minh, truyền thống văn hóa, nhiều địa phương trong dịp này đã ra nhiều văn bản nhằm tăng cường công tác quản lý, tuyên truyền giá trị, ý nghĩa của di tích, lễ hội đến các tầng lớp nhân dân.

TP Hà Nội đã thành lập đoàn thanh tra liên ngành kiểm tra, thanh tra, hướng dẫn việc tổ chức các lễ hội, đặc biệt lưu ý đến những lễ hội lớn như: Gò Đống Đa, chùa Hương, đền Sóc, đền Hai Bà Trưng, đền Cổ Loa, đền Và, phủ Tây Hồ... Đồng thời thành phố cũng yêu cầu xử lý nghiêm tình trạng tăng giá, ép giá, đeo bám khách du lịch, ăn xin, trộm cắp; chấm dứt dịch vụ đổi tiền lẻ, nạn bói toán, cờ bạc dưới mọi hình thức.

Cùng đó Sở VH-TT-DL Bắc Ninh cũng có văn bản chỉ đạo về việc tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2017. Theo đó, đối với lễ hội Đền Bà Chúa Kho, không để dịch vụ đổi tiền lẻ diễn ra ở khu vực đền, tuyên truyền vận động du khách hạn chế đốt vàng mã tại đền mà nhập kho đến tán lộc, sắp xếp lại khu vực nội tự cho thông thoáng hơn. Các quầy hàng, dịch vụ khu vực lễ hội phải tổ chức ký cam kết bán đúng giá quy định và niêm yết giá công khai. Lễ hội Ném Thượng được đặc biệt chú trọng và tiếp tục yêu cầu không thực hiện tục “chém lợn” giữa sân đình mà chuyển vào khu vực riêng để mổ lợn làm cỗ ngọc tế thánh (như năm 2016)… Cùng với đó, tại nhiều địa phương có lễ hội lớn như lễ hội xuân Yên Tử, Quảng Ninh; lễ phát ấn đền Trần, Nam Định; lễ cướp phết Hiền Quang, Phú Thọ…, ban tổ chức lễ hội tại địa phương cũng đưa ra nhiều giải pháp cụ thể để cải thiện tình trạng du khách tham gia lễ hội chen lấn, xô đẩy, cướp lộc, tranh lễ… nhằm xây dựng một môi trường lễ hội lành mạnh.

Biết rằng những tồn tại của mùa lễ hội sẽ không thể giải quyết triệt để trong một sớm một chiều, nhưng với sự vào cuộc mạnh mẽ của các đơn vị chức năng, hy vọng những tồn tại từ lễ hội trước sẽ được cải thiện triệt để trong mùa lễ hội 2017.

 

 Những lễ hội lớn vào tháng Giêng

° Ngày 5 tháng Giêng: Lễ hội Gò Đống Đa.

° Ngày 6 tháng Giêng: Lễ hội chùa Hương,  Mỹ Đức, Hà Nội. Mức giá vé tham quan thắng cảnh và đò phục vụ lễ hội chùa Hương năm 2017 tăng từ 35.000 đồng lên 50.000 đồng/người. Vé tham quan các điểm di tích tăng từ 49.000 đồng lên 80.000 đồng/người.

° Ngày 6 tháng Giêng: Lễ hội đền Gióng (Sóc Sơn, Hà Nội). Để tránh hiện tượng cướp lộc, cướp hoa tre, nhiều biện pháp an ninh đã được ban tổ chức lễ hội triển khai.

° Ngày 7 tháng Giêng: Lễ Tịch điền xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.

° Ngày 10 tháng Giêng: Lễ hội Yên Tử (TP Uông Bí, Quảng Ninh). Theo thông tin từ Ban Quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử, do nhiều hạng mục trong Khu Di tích danh thắng quốc gia Yên Tử đang trong quá trình xây dựng, lễ khai hội xuân Yên Tử 2017 sẽ được tổ chức tại chùa Trình Yên Tử (phường Phương Đông, TP Uông Bí, Quảng Ninh).

° Ngày 13 tháng Giêng: Hội Lim - Bắc Ninh.

° Ngày 15 tháng Giêng: Lễ phát ấn đền Trần (Nam Định). Lễ hội năm nay sẽ được tổ chức từ ngày 7 đến 12-2-2017 (tức từ ngày 11 đến 16 tháng Giêng). Ban tổ chức sẽ phát ấn từ 5 giờ sáng ngày 15 tháng Giêng tại khu vực nhà Giải Vũ, nhà trưng bày và đền Trùng Hoa để tránh tình trạng lộn xộn, xô đẩy, tranh cướp ấn như mọi năm. Từ 7 giờ ngày 16 tháng Giêng sẽ tiếp tục tổ chức phát ấn cho tới khi hết ấn.

 

 MAI AN/SGGP

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất