Thứ Hai, 25/11/2024
Thực tiễn kinh nghiệm
Thứ Năm, 12/6/2014 16:19'(GMT+7)

Học Bác bằng những việc làm hàng ngày ở xã Duy Vinh

Người dân thôn Đông Bình đắp đường vượt sông

Người dân thôn Đông Bình đắp đường vượt sông

Nhiều người dân ở thôn Hà Thuận có mặt rất sớm tại địa điểm thi công, nói chuyện rôm rả về công trình bờ kè chắn sóng, ai nấy cũng đều hồ hởi, phấn khởi, sẵn sàng hiến đất, giao mặt bằng và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho đơn vị thi công nhanh chóng hoàn thành công trình. Anh Trần Ngọc Chính, người tự nguyện hiến 50 mét vuông đất vườn để xây dựng bờ kè vui vẻ nói: “Gia đình tôi tự nguyện hiến đất để nhà nước làm bờ kè chắn sóng, còn tường rào Nhà nước hỗ trợ một ít, gia đình bỏ tiền ra xây dựng lại. Toàn bộ đất ở đây bà con hiến hết để làm bờ kè. Công trình này, trước hết về mùa lụt chống xói lở, sau đó ngăn mặn và bão lụt. 

Trời tháng năm nắng nóng như đổ lửa, nhưng đứng trên đoạn bờ kè đã làm xong năm ngoái ở thôn Hà Thuận, chúng tôi đón làn gió mát rượi từ ngoài sông thổi vào. Ông Trần Văn Lộc, năm nay đã ngoài 80 tuổi, dáng người rắn rỏi, đang phơi lúa ngoài bờ kè, biết chúng tôi muốn tìm hiểu về việc bà con thôn Hà Thuận tự nguyện hiến đất làm bờ kè chắn sóng, ông Lộc vui vẻ chỉ tay vào đoạn bờ kè bê tông rộng gần 10 mét, dài cả 100 mét cho biết, năm ngoái gia đình ông tự nguyện hiến 150 mét vuông đất vườn để làm bờ kè. “Nhân dân mong nhà nước cùng làm, nếu quá trình xây dựng kè chắn sóng có gì trở ngại, mắc mứu thì giữa ủy ban xã cùng với gia đình giải quyết”. Ông Lộc nói.

Mới nghe qua câu chuyện của anh Chính và ông Lộc, cứ ngỡ sự việc hết sức đơn giản, dễ dàng, nhưng thực tế để có được kết quả này là cả quá trình tuyên truyền, vận động, nêu gương thuyết phục của cán bộ, đảng viên, của các cụ cao tuổi của Chi bộ thôn Hà Thuận. Bí thư Đảng ủy xã Duy Vinh Nguyễn Văn Năm khẳng định: “Đây là kết quả của việc thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục “ đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ” mà cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, mặt trận ở xã Duy Vinh kiên trì thực hiện trong hơn 3 năm qua”.

Nói như Bí thư Đảng ủy xã Duy Vinh Nguyễn Văn Năm, việc thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị ở xã Duy Vinh, bắt đầu từ nhận thức, công tác tuyên truyền, phổ biến về tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời của Bác được chuyển tải đến cán bộ và nhân dân bằng nhiều loại hình, nhiều kênh. Như ở các Chi bộ thôn thì cứ mỗi kỳ sinh hoạt giao cho một đảng viên chuẩn bị một mẫu chuyện kể về Bác, rút ra điều tâm đắc nhất, bài học chí lý nhất, rồi tự soi rọi vào mình, tự giác chọn cho mình việc làm cụ thể hàng ngày để làm theo tấm gương đạo đức của Bác. Đồng chí Diệp Đình Hưng, Bí thư Chi bộ thôn Hà Thuận, trước đây làm cán bộ xã, giờ nghỉ hưu vẫn đứng ra đảm trách công việc của Chi bộ, của thôn giới thiệu với chúng tôi tập mẫu chuyện học theo Bác do đảng viên trong chi bộ sưu tầm, tự soạn ra, làm tài liệu sinh hoạt tại chi bộ. Nhìn vào tập mẫu chuyện, chúng tôi mới thấu hiểu được nhận thức sâu sắc, thái độ nghiêm túc và sự trân trọng của cán bộ, đảng viên nơi đây. Cụ thể như mẫu chuyện của các đảng viên Đặng Mỹ Hạnh, Đỗ Nguyễn Cẩm An, Võ Thị Đông, Huỳnh Hùng được viết bằng tay nắn nót, rõ ràng. 

Mỗi chi bộ, mỗi tổ chức đoàn thể ở xã Duy Vinh có cách tổ chức phổ biến, tuyên truyền Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh khác nhau, thật phong phú, hấp dẫn, đa dạng, như hội thi kể chuyện mẫu chuyện về Bác ở cấp thôn, thi viết bài tìm hiểu về Bác. Hội phụ nữ xã thành lập tổ kể chuyện với 5 thành viên, thông qua các dịp hội họp kể những mẫu chuyện về Bác. Hội nông dân xã xây dựng mô hình dân vận khéo “ Một sạch, hai đẹp”. Các tổ chức cựu chiến binh, đoàn thanh niên, người cao tuổi đều có hình thức phù hợp phổ biến sâu rộng Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị đến hội viên, đoàn viên.

Ở xã Duy Vinh việc học tập và làm theo tấm gương của Bác không dừng lại ở việc học tập mà đã trở thành việc làm, hành động cụ thể trong cuộc sống thường ngày của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân. “ Đảng viên đi trước, làng nước mới theo sau” thực sự trở thành chân lý sinh động. Mỗi cán bộ, đảng viên nói đi đôi với làm, bằng việc nêu gương thuyết phục.

Đồng chí Diệp Đình Hưng, Bí thư Chi bộ thôn Hà Thuận cho biết, “đảng viên Chi bộ phát huy vai trò tiên phong gương mẫu, xung phong hiến đất trước, nêu gương cho người dân làm theo. Nhờ vậy, chỉ trong thời gian ngắn thôn đã bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công tiến hành xây kè hắn sóng”.

Từ những việc làm cụ thể hàng ngày của mỗi người khi nguyện làm theo tấm gương của Bác, Đảng ủy, Chi ủy 5 thôn ở xã Duy Vinh đã hội tụ được lòng dân, vận động mọi người chung tay, góp sức làm nhiều công trình ích nước lợi nhà, phục vụ thiết thực nhu cầu sản xuất và đời sống hàng ngày của người dân trong thôn, trong xóm. Điển hình, nhân dân trong xã Duy Vinh đóng góp hàng trăm triệu đồng, kéo đường dây dẫn dài gần 20 km, bắt 1000 bóng đèn compact thắp sáng các tuyến đường liên thôn, liên xóm. Ban đêm trên các tuyến đường ở xã Duy Vinh điện giăng mắc như sao sa, không còn sợ trộm cắp, không sợ tai nạn giao thông. 

Một thực tế đầy sức thuyết phục về phương châm:“ Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” đang diễn ra hiện hữu ở xã Duy Vinh. Đó là câu chuyện người dân ở thôn ốc đảo Đông Bình làm đường vượt sông được nhiều người ở các nơi trên cả nước biết. Làm cầu vượt sông thì chuyện bình thường, còn chuyện làm đường băng sông là chuyện ít ai nghĩ đến. Ấy vậy mà người dân Đông Bình làm được, như câu chuyện cổ tích giữa thời hiện đại. Chi bộ, Ban thôn Đông Bình biết học và làm theo Bác bằng việc tôn trọng dân chủ, lắng nghe ý kiến của người dân, chi bộ đưa ra dự kiến chủ trương, nhân dân cùng nhau bàn bạc, đồng tình ủng hộ. Chi bộ, Ban thôn thống nhất chủ trương làm đường và bàn rốt ráo cách làm.

Đồng chí Trang Thị Xuyến, Phó Bí thư Chi bộ thôn Đồng Bình cho biết:“Trong thời gian 1 tháng trời, vừa vận động tiền, vừa vận động công, đảng viên xung phong đóng mỗi người 1 triệu đồng và phụ trách đến từng nhà vận động người dân đóng góp tiền, công làm đường vượt sông. Chỉ trong thời gian chưa đầy 1 tháng đã vận động được 100 triệu đồng, hàng trăm cây tre và gần 1000 ngày công”.  

Rõ ràng, học và làm theo Bác của cán bộ, đảng viên ở xã Duy Vinh không phải chỉ có những lời nói suông mà bằng những việc làm cụ thể, hàng ngày để quần chúng noi gương làm theo. Ông Lê Hoặc, 73 tuổi đời, 42 tuổi đảng, trước đây làm Phó Bí thư Đảng ủy xã Duy Vinh nay đã nghỉ hưu sống tại thôn Đông Bình, là người chủ công khởi xướng làm đường và lăn lộn với công trình suốt mấy tháng trời. Chúng tôi đi tìm gặp ông đã 11 giờ trưa, trời nắng như nung, như đốt, ấy vậy mà ông vẫn đứng trên mặt đường bê tông hướng dẫn, kiểm tra mấy anh thanh niên đắp đất gia cố ta luy, chống sóng làm sạt lở đường. “Tôi thấy còn sức khỏe, còn làm được việc gì có ích cho dân thì làm.”, ông Hoặc nói giản dị.

Sau gần ba tháng nỗ lực, dốc sức, vượt qua bão lũ, nhân dân thôn Đông Bình đã đắp hàng chục nghìn khối đất cát, đóng hàng trăm cây tre làm bờ chắn, hoàn thành con đường vượt sông dài hơn 300 mét, mặt đường rộng 10 mét đổ bê tông, trị giá công trình hơn 300 triệu đồng. Trước Tết Giáp Ngọ vừa rồi, con đường đã được thông nối liền đôi bờ sông Đông Bình. Hàng bao đời nay, lần đầu tiên người dân từ ốc đảo Đông Bình đi các nơi được bước đôi chân của mình trên con đường bê tông băng qua sông. Đúng vậy, cán bộ và nhân dân thôn Đông Bình đã làm theo lời dạy của Bác: “ Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”.

Cán bộ và nhân dân xã Duy Vinh học và làm theo Bác bằng những suy nghĩ mộc mạc và bằng những việc làm cụ thể thường ngày, chăm lo cho cuộc sống của bản thân, gia đình; chung tay, góp sức xây dựng xã nông thôn, nào phải chi cao xa./.

Hoàng Thơ 

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất