Thứ Năm, 28/11/2024
Tuyên truyền
Thứ Hai, 15/9/2014 9:44'(GMT+7)

“Di chúc của Người con tạc thành thơ”

Không chỉ được biết đến là người chuyển Di chúc Bác Hồ thành thơ, ông Mão còn là nghệ nhân sinh vật cảnh của tỉnh Thái Bình. Những hàng cây xanh được uốn và cắt tỉa đẹp mắt với nhiều dáng, thế khác nhau, hàng chục giỏ phong lan đang đơm hoa luôn “níu giữ” những ánh nhìn khi đến thăm khuôn viên gia đình ông.

Bên mái nhà lá giữa vườn phong lan, ông say sưa kể về cuộc đời và những lời dạy của Bác Hồ. Với ông, khoảng thời gian 20 năm đọc và tìm hiểu các tư liệu về Bác Hồ vẫn là chưa đủ…

Ông Mão bồi hồi nhớ lại lần được nhìn thấy Bác khi Người về thăm Thái Bình vào năm 1958. Hôm đó cả sân vận động rộng nhưng gần như không còn chỗ trống vì người dân ai cũng muốn được nhìn thấy Bác. Cho đến bây giờ, ấn tượng trong ông vẫn là hình ảnh Bác Hồ với sự giản dị và gần gũi hiếm có.

Năm 1959, ông Mão về công tác tại ngành Ngân hàng của tỉnh Thái Bình. Năm 1973, theo lệnh tổng động viên, ông Mão tạm gác công việc, lên đường nhập ngũ và đóng quân tại chiến trường miền Đông Nam Bộ. Năm 1975, đất nước giải phóng, ông Mão trở về quê hương và tiếp tục công việc ở ngành Ngân hàng. Khác với quan niệm: người làm công việc liên quan nhiều đến con số sẽ khô khan, ông Mão lại có một tâm hồn yêu văn chương, nghệ thuật. Ông luôn nung nấu ý định làm thơ về Bác Hồ để bày tỏ lòng kính trọng, biết ơn đối với Bác.

Đến năm 1993, khi về nghỉ hưu, ông Mão dành hết thời gian vào việc sưu tầm và nghiên cứu tài liệu viết về cuộc đời của Bác. Tuy đã sở hữu nhiều tài liệu hiếm có viết về cuộc đời, sự nghiệp của Bác nhưng ông Mão vẫn miệt mài đến các thư viện, hiệu sách sưu tập để làm phong phú thêm sự hiểu biết của mình về vị Cha già kính yêu của dân tộc.

Ông Mão cho biết: Năm 2010, Tỉnh ủy Thái Bình tổ chức giờ học trực tuyến nói chuyện chuyên đề về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cả chi bộ thôn nơi ông sinh sống tập trung rất đông trước tivi để nghe Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Chí Bảo - Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương kể những câu chuyện cảm động về Bác Hồ. Buổi học như tiếp thêm cho ông Mão ngọn lửa nhiệt huyết khi tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp của Bác kính yêu. Sau giờ học trực tuyến đó, ông Mão bắt tay vào viết trường ca Hồ Chí Minh với tập thơ mở đầu “Bảy mươi chín mùa xuân của Bác”. Đây là tập thơ đầu tay của ông với 240 câu lục bát, chia làm 3 chương: Bối cảnh lịch sử gia đình Bác; Tư tưởng đạo đức của Người; Lời nguyện ước. Những vần thơ của ông Mão dễ thuộc, dễ nhớ, là sự đúc kết của 20 năm ông tìm hiểu về Bác Hồ. Đặc biệt hơn, việc làm này xuất phát từ một trái tim của người dân Việt Nam với tấm lòng kính yêu Bác vô hạn. Tập thơ đầu tay của ông được mọi người khen ngợi chính là động lực để ông tiếp tục viết những vần thơ về Bác.

Năm 2012, ông Mão viết tiếp tập thơ “Di chúc của Người con tạc thành thơ”. Sau 3 tháng miệt mài, ông đã hoàn thành tập thơ gồm 3 chương. Chương thứ nhất có tên “Những lời tâm huyết của Bác Hồ”; chương thứ hai là “Di chúc của Bác Hồ” và chương cuối là “Học tập và làm theo tư tưởng đạo đức của Bác Hồ”. 740 câu trong tập thơ này được ông thể hiện bằng nhiều thể thơ như lục bát, bát ngôn và thơ tự do. Tập thơ như lời kể lại từ ngày đầu tiên Bác viết Di chúc đến những lời Bác căn dặn về cuộc kháng chiến chống Mỹ, tinh thần đoàn kết dân tộc, đoàn kết trong Đảng, tinh thần quốc tế… Ngay phần mở đầu, ông viết những lời giản dị: “Trằn trọc ngày đêm viết một mình/ Chuyển lời di chúc Hồ Chí Minh/ Thành thơ dễ đọc và dễ hiểu/ Học tập làm theo tốt cho mình”.

Ông bộc bạch: Tôi viết trước là cho mình, sau là để cho mọi người cùng đọc, cùng hiểu và thực hiện như lời Bác dạy.

Năm nay, ông Mão 76 tuổi và tròn 45 năm tuổi Đảng. Ông vẫn không ngừng đọc và tìm các tư liệu về Bác Hồ. Bản thảo ông đều viết tay và nhờ người đánh máy cho hoàn chỉnh.

Ông đang viết tiếp tiểu sử Hồ Chí Minh bằng thơ với 8 chương. Đến nay, ông đã hoàn thành được 3 chương về thời niên thiếu của Bác, quá trình Bác tìm đường cứu nước, quá trình thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam với gần 2.000 câu. Ông chia sẻ: Viết thơ về Bác đã khó, viết về tiểu sử của Bác còn khó hơn, nhất là quãng thời gian Bác hoạt động cách mạng ở nước ngoài. Ông dự định sẽ hoàn thành tập thơ này vào đúng dịp 19/5/2015, nhân kỷ niệm 125 ngày sinh của Bác.

Sau khi hoàn thành mỗi tập thơ, ông Mão đều gửi đến Ban Tuyên giáo Huyện ủy, Tỉnh ủy Thái Bình và bạn bè đọc góp ý. Sự chân thành, giản dị trong mỗi câu thơ của ông, thể hiện tấm lòng luôn hướng về Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã được mọi người đón nhận./.

Theo TTXVN





Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất