Thứ Năm, 28/11/2024
Tuyên truyền
Thứ Năm, 11/9/2014 11:5'(GMT+7)

"Điểm sáng" từ mô hình kết hợp dạy kiến thức và dạy nghề

Bắt tay xây dựng lại đất nước, Hà Nội đi đầu trong phong trào Diệt giặc đói, giặc dốt.

Bắt tay xây dựng lại đất nước, Hà Nội đi đầu trong phong trào Diệt giặc đói, giặc dốt.

* Từ lớp học tạm đến phổ cập cấp 1, 2

Sau giải phóng Thủ đô, toàn thành phố tập trung vào việc diệt "giặc dốt", trong hoàn cảnh thiếu thốn đủ thứ từ thiếu trường, thiếu giáo viên đến cơ sở vật chất… Thầy và trò phải học tại đình chùa, tận dụng nhà kho để làm lớp học. Giáo viên được huy động từ học sinh các trường cấp 2, cấp 3 tham gia dạy các lớp bình dân học vụ ở khắp các khu phố từ nội thành đến ngoại thành, thậm chí người biết chữ dạy cho người chưa biết chữ. Không khí học tập diễn ra vô cùng sôi nổi, gần như mọi tầng lớp dân chúng, ai chưa biết chữ đều được huy động ra lớp học. Từng khối phố, từng xóm làng đâu đâu cũng có lớp học xóa mù chữ. Nhờ đó, đến năm 1958 Hà Nội đã thanh toán mù chữ cho 78.464 người, đưa tỷ lệ người biết chữ lên 97,7%.

Không dừng ở xóa nạn mù chữ, Hà Nội tiếp tục nâng cao chất lượng các lớp học bình dân học vụ tiến lên bổ túc văn hóa phổ cập cấp 1 toàn dân, phổ cập cấp 2 cho độ tuổi thanh niên và các cán bộ xã, cấp 3 cho các cán bộ chủ chốt các xã, huyện, các cơ quan, xí nghiệp. Hai tối một tuần, hầu như toàn bộ các xã, các cơ quan xí nghiệp, cán bộ công nhân viên và nhân dân đốt đèn đi học. Các trường Dân chính phục vụ việc học văn hóa cho cán bộ, công nhân viên chức, nhân dân ở nội thành; các trường Bổ túc văn hóa tập trung do Sở Giáo dục trực tiếp mở; các trường Phổ thông lao động phục vụ việc học văn hóa cho cán bộ, nông dân ngoại thành được thành lập từ Trung ương đến các tỉnh thành, quận huyện. Ngoài hình thức tổ chức đa dạng như trên còn có các lớp tự học có hướng dẫn từ xa. Học viên thường xuyên đi công tác lưu động có thể theo học các lớp này.

Năm 1965 – 1966, toàn thành phố có 21 trường bổ túc văn hóa với 412 giáo viên và 18.000 học sinh. Người người nô nức đi học Bổ túc văn hóa bên ánh đèn điện, ngọn đèn dầu trong từng ngõ xóm. Chỉ tiêu kế hoạch Bổ túc văn hóa được hoạch định tỉ mỉ, phấn đấu phổ cập giáo dục cấp 1, cấp 2 và cấp 3. Kết quả là trong 20 năm (từ 1954 - 1974), Hà Nội đã huy động được 1.378.779 lượt người tham gia các lớp xóa mù chữ, Bổ túc văn hóa ở cả 3 cấp học.

* Kết hợp vừa dạy kiến thức vừa dạy nghề

Sau cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, nhu cầu học tập của người dân Hà Nội ngày càng cao. Các trường công lập không đủ đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân. Vì vậy năm 1977, Hà Nội khởi xướng xây dựng mô hình trường Bổ túc văn hóa cho thanh thiếu niên vừa học vừa làm. Một năm sau, toàn thành phố đã có 8 trường Bổ túc văn hóa thanh thiếu niên từ số 1 đến số 8 được thành lập. Sau này, có thêm nhiều trường Bổ túc văn hóa được thành lập ở các quận, huyện thu hút hàng vạn em vào học Bổ túc văn hóa cấp 3, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội.

Giáo dục thường xuyên Hà Nội là đơn vị tiên phong trên toàn quốc kết hợp dạy kiến thức và dạy nghề, đơn vị đầu tiên thực hiện là Trung tâm Giáo dục thường xuyên Đông Mỹ. 10 năm qua, với sự kết hợp dạy văn hóa với dạy nghề, bao thế hệ học viên ra trường vừa có bằng bổ túc văn hóa, vừa có bằng nghề để đi làm. Mô hình này sau đó đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu và triển khai ở các trung tâm khác trên toàn quốc. Đến nay, nhiều trung tâm đã tổ chức mô hình vừa dạy văn hóa kết hợp với dạy trung cấp nghề. Cùng với đó, Giáo dục thường xuyên Hà Nội cũng là đơn vị đầu tiên của cả nước thực hiện thí điểm dạy chương trình giáo dục phổ thông trong trung tâm Giáo dục thường xuyên. Hiện nay, Hà Nội có tổng số 17.795 học viên theo học Bổ túc THPT, 44.683 học viên học nghề và gần 9.000 học viên theo học trung cấp nghề.

Nói về công tác Giáo dục thường xuyên trong giai đoạn hiện nay, Trưởng phòng Giáo dục thường xuyên – Sở Giáo dục đào tạo Hà Nội Kiều Văn Minh cho biết: Những năm qua, ngành Giáo dục thường xuyên Hà Nội tiếp tục củng cố, phát triển mạng lưới; đẩy mạnh các hoạt động xây dựng xã hội học tập từ cơ sở; tăng cường công tác chống mù chữ, củng cố vững chắc kết quả chống mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học; tăng cường các biện pháp nâng cao chất lượng dạy và học. Đồng thời, đa dạng hóa hình thức, chương trình, phương pháp và cách thực hiện.

Đến nay, tất cả các Trung tâm Giáo dục thường xuyên thực hiện việc dạy văn hóa và dạy hướng nghiệp nghề cho học sinh, học viên. Các Trung tâm Giáo dục thường xuyên đã tạo điều kiện tối đa cho học viên và nhân dân lao động học nghề. Năm học 2012 – 2013, số học viên học nghề ngắn hạn là hơn 15.000 người, số học hướng nghiệp nghề phổ thông là 25.814 học viên. Mỗi năm, có gần 1 triệu lượt người theo học các chuyên đề đáp ứng nhu cầu người học tại các cơ sở Trung tâm Giáo dục thường xuyên.

Nhằm nâng cao chất lượng dạy và học, hàng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức các kỳ thi giáo viên dạy giỏi, học viên giỏi. Nhiều học viên sau đó, đạt giải cao trong các kỳ thi cấp quốc gia. Các trung tâm ngoại ngữ, tin học, bồi dưỡng văn hóa cũng đã tạo điều kiện học tập cho mọi người dân. Năm qua, các trung tâm đã thu hút gần 13.000 người tham gia học tập.

Hiệu quả từ những mô hình kết hợp vừa dạy kiến thức vừa dạy nghề của Hà Nội đã trở thành điểm sáng, được nhiều địa phương trong cả nước học tập và nhân rộng, thu hút đông đảo các thành phần xã hội tích cực tham gia học tập, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực dồi dào cho xã hội./.

Theo TTXVN
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất