Thứ Hai, 23/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Năm, 31/5/2012 22:5'(GMT+7)

Di sản văn hoá – tài sản vô giá của đất cù lao

 

Bến Tre còn là quê hương của nhiều vị danh nhân, trong đó có Phan Thanh Giản - vị tiến sĩ đầu tiên của Nam kỳ lục tỉnh; nhà bác học Trương Vĩnh Ký - người biết trên 20 ngoại ngữ, có 118 tác phẩm được xuất bản; là nơi sinh sống và hoạt động trong hơn 20 năm cuối đời của nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu.

Image
Di tích Mộ và khu tưởng niệm Nguyễn Đình Chiểu (Ảnh tư liệu Bảo tàng tỉnh)

Tiếp nối truyền thống của các thế hệ tiền nhân, nhiều thế hệ người Bến Tre đã tạo nên những kỳ tích trong lao động xây dựng quê hương, biến vùng đất cù lao đầm lầy mê địa thành những làng mạc trù phú và sẵn sàng chiến đấu chống ngoại xâm để bảo vệ quê hương đất nước, giữ gìn nét đẹp văn hoá của cha ông truyền lại. Trong sự nghiệp vệ quốc vĩ đại, Bến Tre tự hào với phong trào Đồng Khởi, Đội quân tóc dài, hơn 20 tướng lĩnh quân đội được trui rèn và trưởng thành, nhiều nhân sỹ trí thức yêu nước… đã làm vẻ vang thêm vùng đất xứ dừa, quê hương Đồ Chiểu, quê hương Đồng Khởi.

Kinh tế phát triển, nhu cầu văn hoá của nhân dân đa dạng, giao lưu hợp tác quốc tế về văn hoá ngày càng rộng lớn đã tạo cơ hội cho chúng ta phát triển văn hoá, nhưng cũng đầy rẫy những thách thức, rất nhiều vấn đề đặt ra cần giải quyết. Làm sao để vừa hội nhập mà vẫn giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc? Làm sao để tiếp thu tinh hoa văn hoá thế giới mà không bị lai căn? Làm sao phát triển văn hoá trong khuôn khổ những luật pháp quốc tế mà Việt Nam đang tham gia? Đó là những vấn đề đặt ra không chỉ ở tầm vĩ mô mà cần có sự góp sức của mỗi tổ chức cá nhân để bảo vệ và phát triển văn hoá dân tộc. Trong xu thế hội nhập quốc tế ngày càng mạnh mẽ, sự phân công lao động thế giới và phụ thuộc lẫn nhau trong quá trình sản xuất, bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên, giao lưu văn hoá… ngày một chặt chẽ và đan xen lẫn nhau nhiều hơn thì văn hoá trở thành yếu tố rất quan trọng không chỉ trên lĩnh vực chính trị, khoa học, ngoại giao, mà cả trong lĩnh vực kinh tế. Nhiều nhà nghiên cứu, nhà kinh tế khẳng định các hoạt động kinh tế, kinh doanh, nếu thiếu yếu tố văn hoá thì dù có phát triển mạnh đến đâu cũng không thể bền vững, lâu dài.

Bến Tre là tỉnh nhỏ, hoạt động văn hoá còn có những hạn chế nhất định, thị trường văn hoá gần như sơ khai, nhưng cũng là một nơi có bề dày truyền thống văn hoá, là một bộ phận quan trọng của văn hoá dân tộc. Nhiều năm qua, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân đã có nhiều hoạt động để giữ gìn và phát huy những giá trị của di sản văn hóa vật thể cũng như văn hóa phi vật thể.

Image
Di tích Đồng Khởi Bến Tre (Ảnh tư liệu Bảo tàng tỉnh)

Hiện nay toàn tỉnh có 14 di tích được công nhận là di tích cấp quốc gia, 08 di tích được UBND tỉnh công nhận là di tích cấp tỉnh, hơn 50 tượng đài, bia, gần 200 ngôi đình làng, hàng trăm ngôi chùa, miếu và 155 đền thờ liệt sĩ. Các di tích cấp quốc gia đều đã được Bộ Văn hóa - Thông tin trước đây (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và UBND tỉnh đầu tư tôn tạo, trong đó nổi bật như: di tích Nguyễn Đình Chiểu, di tích Võ Trường Toản, di tích Cây da đôi – nơi thành lập chi bộ đầu tiên của Đảng CSVN ở Bến Tre, di tích Đình Bình Hòa, Đình Phú Lễ, Đình Tân Thạch… Nhân dân cũng đã có nhiều đóng góp cho việc trùng tu chống xuống cấp ở các di tích như chùa Tuyên Linh, các đình làng.

Đặc biệt, các tầng lớp nhân dân, các cơ quan đơn vị trong và ngoài tỉnh đã có nhiều đóng góp để xây dựng đền thờ nữ tướng Nguyễn Thị Định, đền thờ Phó chủ tịch nước Huỳnh Tấn Phát, đền thờ Trung tướng Đồng Văn Cống. Bảo tàng Bến Tre trưng bày lịch sử đấu tranh cách mạng tại địa phương, trưng bày thành tựu kinh tế - văn hóa - xã hội của tỉnh giai đoạn 1975 đến nay; phát hiện và tổ chức khai quật di chỉ Giồng Nổi (thành phố Bến Tre), di chỉ khảo cổ An Phong (Mỏ Cày Bắc) đã thu được nhiều hiện vật bằng đá, gốm, xương có giá trị lịch sử (theo đánh giá ban đầu của các nhà khoa học có niên đại từ 2.500 đến 2.000 năm). Câu lạc bộ cổ vật được thành lập, tập hợp những người yêu thích cổ vật nhằm sưu tầm và giữ gìn giới thiệu cổ vật của Bến Tre.

Trên lĩnh vực văn hóa phi vật thể, trong công tác nghiên cứu, sưu tầm còn rất mới mẻ, nhưng ngay từ những năm 1979 đến 1981, tỉnh đã phối hợp với nhạc sĩ Lư Nhất Vũ, nhà thơ Lê Giang đã tổ chức sưu tầm và in thành sách Dân ca Bến Tre, sau đó tiếp tục sưu tầm bổ sung và tái bản quyển sách này vào năm 2000.

Image
Khu lưu niệm Nguyễn Thị Định (Ảnh tư liệu Bảo tàng tỉnh)

Trong chương trình bảo tồn văn hóa phi vật thể theo chương trình mục tiêu quốc gia và một số đề tài của địa phương, từ năm 1998 đến nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thực hiện chương trình nghiên cứu như: Lễ hội Đu bầu và các trò chơi vận động dân gian huyện Giồng Trôm (1999), Tang lễ người già tỉnh Bến Tre (2000- 2001), Gìn giữ cho muôn đời sau các làn điệu dân ca Bến Tre (2002-2003); Tổng điều tra di sản văn hóa phi vật thể tỉnh Bến Tre (2004); Làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng - bánh phồng Sơn Đốc (2005); Đình làng Bến Tre - các giá trị văn hóa (2006); Dừa trong văn hóa ẩm thực Bến Tre (2007); Tổng điều tra nghệ thuật đờn ca tài tử tỉnh Bến Tre (2008); Nghề đan đát tỉnh Bến Tre (2009); Múa bóng rỗi Bà trong tín ngưỡng thờ Mẫu ở Bến Tre (2010) và Tổng điều tra di sản văn hóa phi vật thể miệt vườn huyện Chợ Lách (2011).

Để phát huy giá trị di sản văn hóa, nhiều dự án đã được triển khai như: Bảo tồn tôn tạo và phát huy các giá trị di tích lịch sử đường Hồ Chí Minh trên biển tại Thạnh Phong, Thạnh Phú; trưng bày lại nhà truyền thống Đồng Khởi, tôn tạo và đưa vào sử dụng dự án di tích Khu ủy Sài Gòn - Gia Định (Y4); triển khai quy hoạch Làng du kích tại khu di tích Đồng Khởi với phương thức đầu tư đa dạng; xây dựng quy hoạch tượng, tượng đài, bia, di tích lịch sử, đền thờ danh nhân đã được phê duyệt.

Trên quê hương Bến Tre, dù là vùng đất mới, nhưng "từ thuở mang gươm đi mở cõi", trong hành trang của người Việt đi vào phương Nam còn có những điệu hát, những bí quyết nghề nghiệp, y thuật, những tri thức trong xây dựng, kỹ thuật canh tác. Chính vì vậy, chúng ta mới có những ngôi đình được xây dựng vững chắc về cấu trúc, rực rỡ, hoành tráng về mặt chạm khắc gỗ; chúng ta mới có điệu hát sắc bùa đặc sắc, hơn 70 điệu lý đã sưu tầm được trên đất cù lao này đã đưa đến kết luận của những nhà nghiên cứu - đây là một trong những cái nôi của dân ca Nam bộ. Chúng ta có những nghề truyền thống của riêng vùng đất xứ dừa, như bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc, kẹo dừa Mỏ Cày, rượu Phú Lễ, v.v.. Những điều đó tạo cho chúng ta sự gắn bó và tự hào về quê hương xứ sở.

Image
Di tích chùa Tuyên Linh (Ảnh tư liệu Bảo tàng tỉnh)

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động bảo tồn và phát huy giá di sản văn hóa ở Bến Tre vẫn còn những yếu kém, bất cập. Đó là, nhiều di tích chỉ mới ở trong trình trạng chống xuống cấp với mức đầu tư ít; việc quản lý các di tích quốc gia phân cấp cho huyện còn nhiều lúng túng trong việc phối hợp giữ gìn, trùng tu và phát huy giá trị; chưa khai thác đúng mức các di tích trong công tác giáo dục truyền thống, thiếu kinh nghiệm trong việc khai thác phục vụ khách du lịch; một số di tích còn bị xâm hại; chưa huy động mạnh mẽ nguồn lực của nhân dân trong việc giữ gìn và tôn tạo di sản văn hóa; chưa có một cơ chế cho người dân tu sửa các di tích mà cụ thể là đình làng; các nghiên cứu di sản văn hóa phi vật thể chỉ dừng lại ở mức bảo tồn mà chưa đề xuất được các giải pháp để phát huy các giá trị.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những yếu kém tồn tại trên, nhưng qua nghiên cứu có mấy nguyên nhân chính. Thứ nhất, nguồn lực của chúng ta còn nhiều hạn chế cho nên mức đầu tư cho di tích không nhiều, lại mang tính dàn trải. Thứ hai là, đội ngũ chuyên môn của chúng ta vừa kém ở mặt trận tác chiến trực tiếp, vừa yếu ở tầm hoạch định mang tính chất lâu dài. Thứ ba là, chưa khơi dậy và huy động sức mạnh của cộng đồng cả về yếu tố tinh thần lẫn yếu tố vật chất. Thứ tư là, việc khai thác di tích trong tổng thể phát triển kinh tế xã hội, du lịch còn nhiều hạn chế. Thứ năm là, công tác quản lý di sản văn hoá còn bất cập, mô hình quản lý di tích thiếu tính thống nhất, mỗi địa phương một kiểu.

Để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những yếu kém, đề xuất các biện pháp sau:

1. Nghiên cứu và cụ thể hoá các quan điểm của Đảng, Nhà nước trên lĩnh vực văn hóa, trong đó đặc biệt chú trọng huy động nguồn lực về vật chất, trí tuệ và sức sáng tạo của nhân dân trong việc giữ gìn, trùng tu và tôn tạo các di tích lịch sử, bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá phi vật thể, khai thác các bí quyết nghề nghiệp phục vụ đời sống nhân dân. Nếu huy động được sức mạnh của cộng đồng chúng ta sẽ tạo được động lực mới, cũng là thực hiện quan điểm của Đảng và Nhà nước trong việc xã hội hóa các hoạt động văn hóa.

2. Nâng cao năng lực chuyên môn của cán bộ công chức chuyên ngành (đào tạo nâng cao, có chính sách khuyến khích ưu đãi để thu hút nhân lực học tập và làm việc trong lĩnh vực này - lịch sử, bảo tàng, khảo cổ, Hán Nôm, văn hoá dân gian… Hiện nay lực lượng này ngày một ít đi vì chính sách đãi ngộ thấp, ngoài tiền lương không có nguồn thu nhập nào khác). Đây là lực lượng chủ lực để thực hiện các chương trình kế hoạch có liên quan đến hoạt động di sản văn hóa có chất lượng và chuyên môn sâu, trong đó đặc biệt với vai trò tham mưu nghiên cứu, đề xuất với lãnh đạo những giải pháp có hiệu quả nhằm làm cho hoạt động ngày một tiến bộ, khoa học hơn.

3. Tiếp tục truyên truyền thường xuyên, rộng rãi để mọi công dân hiểu và thực hiện tốt Luật Di sản văn hóa. Thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc cưới, việc tang, lễ hội; xây dựng các kế hoạch tổng thể bảo vệ và khai thác các di tích lịch sử (trong đó cần phân loại di tích để đề ra các giải pháp quản lý thích hợp, di tích nào Nhà nước quản lý, di tích nào để ban khánh tiết, ban trị sự và nhân dân quản lý).

4. Tăng cường công tác quản lý văn hóa, ngăn chặn và xử lý kịp thời các tổ chức, cá nhân có hành vi xâm hại di tích lịch sử, có biện pháp chống mất cắp cổ vật ở các di tích, đình miếu.... Khơi dậy lòng tự hào của nhân dân về di sản văn hóa của địa phương mình, đẩy mạnh hơn nữa xã hội hoá trong việc giữ gìn và tôn tạo di tích.

Di sản văn hóa là tài sản vô giá của dân tộc được giữ gìn và lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, rất cần được sự quan tâm góp sức của nhân dân, của lãnh đạo các cấp, các ngành hỗ trợ và cùng ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hoá của Việt Nam nói chung và của quê hương Bến Tre nói riêng.
Nguyễn Tấn Nghĩa
Nguồn: Trang Thông tin kinh tế- xã hội, UBND tỉnh Bến Tre

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất