Thứ Hai, 23/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Chủ Nhật, 13/5/2012 9:44'(GMT+7)

Để các bảo tàng trở thành điểm tham quan hấp dẫn

 Những năm gần đây, bình quân mỗi năm các bảo tàng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đón trên 2,7 triệu lượt khách tham quan, trong đó khách nước ngoài đạt 700.000 lượt chiếm 26% tổng số khách. Vừa qua, bảo tàng Chứng tích chiến tranh, bảo tàng Thành phố, bảo tàng Lịch sử Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh vừa được bầu chọn là một trong 100 điểm du lịch thú vị của TP.Hồ Chí Minh và tiếp tục được đề cử nằm trong “100 điều thú vị của thành phố”. Điều đó cho thấy, đến nay các bảo tàng đã tạo được “chỗ đứng” của mình, trở thành những địa chỉ tham quan hấp dẫn cho du khách khi đến thăm thành phố. Có được kết quả trên là nhờ các bảo tàng đã có những bước chuyển đổi linh hoạt trong các hoạt động trưng bày, sưu tầm nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng thức ngày càng cao của khách tham quan.

* Hướng đến công chúng

Tiến sĩ Lê Thị Thanh Tâm, Phòng nghiên cứu văn hóa xã hội - Viện nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong một thời gian dài, các bảo tàng còn mang nặng tính bao cấp nên chưa được xem là một hoạt động văn hóa mang tính dịch vụ. Cũng vì thế hoạt động của các bảo tàng chưa chú trọng đến khách tham quan mà chỉ mang tính bảo lưu và trưng bày những giá trị văn hóa, lịch sử trong kho tàng, dẫn đến hoạt động trưng bày triển lãm không phong phú, khách tham quan không mặn mà với các bảo tàng mà thường chọn những địa điểm khác để giải trí. Đây là thực trạng của các bảo tàng nói chung, các bảo tàng tại thành phố nói riêng. Tuy nhiên, xu thế hội nhập đòi hỏi bảo tàng phải “tự nuôi sống mình” thông qua khách du lịch (bán vé). Do đó, cùng với những chính sách hỗ trợ của thành phố, các bảo tàng dần dần biết coi trọng đối tượng phục vụ của mình và biết tìm cách lôi kéo họ đến tham quan bảo tàng.

Bà Huỳnh Thị Ngọc Vân, Giám đốc Bảo tàng Chứng tích chiến tranh chia sẻ, xuất phát từ yêu cầu của khách tham quan muốn được giao lưu trực tiếp với những người lính trong chiến tranh, bảo tàng đã mời các nhân chứng sống về kể chuyện. Và quả nhiên, khách du lịch rất hưởng ứng, đặc biệt là khách nước ngoài. Nhiều khách nước ngoài (vốn từng tham gia chiến tranh) đã bật khóc khi nghe các cô, chú từng là tù chính trị kể chuyện và nói lời tha thứ cho họ. Nhấn xa hơn là hoạt động giao lưu văn hóa, bảo tàng mời chính các cô, chú cựu chiến binh để tạo dựng các cảnh: gói bánh tét, bánh chưng trong chiến tranh và sau chiến tranh, để du khách cảm nhận được trong chiến tranh, những người lính cũng có những giây phút rất yên bình, hay ngày xưa họ là những người lính chiến đấu rất kiên cường và giờ đây họ lại là những nữ nông dân mặc áo bà ba gói bánh thoăn thoắt như bao nông dân khác, không còn dấu vết gì của người du kích. Qua đó, du khách càng ngưỡng mộ và hiểu hơn về người lính Việt Nam . Và đến nay, việc mời các nhân chứng sống về kể chuyện đã trở thành hoạt động mang tính chất thường xuyên của bảo tàng.

Không chỉ thế, các bảo tàng thành phố cũng tích cực tổ chức các hoạt động trưng bày - triển lãm ngoài bảo tàng; bình quân mỗi năm tổ chức được trên 179 cuộc trưng bày - triển lãm, trong đó trưng bày - triển lãm lưu động đạt 129 cuộc, chiếm trên 72% tổng số. Đồng thời công tác xã hội hóa ngày càng cao thể hiện trong việc đưa các cuộc trưng bày triển lãm tới vùng sâu, vùng xa, như xã đảo Thạnh An - huyện Cần Giờ, các đồn biên phòng ở trong và ngoài tỉnh...

* Đa dạng hóa các hoạt động dịch vụ

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố, đất nước đang trong thời kỳ hội nhập về nhiều mặt, kinh tế, văn hóa… Việc xây dựng các bảo tàng (những thiết chế văn hóa trước kia chỉ để bảo lưu, giữ gìn hiên vật) trở thành các sản phẩm du lịch thực thụ cả về chất và lượng là mục tiêu chiến lược của các bảo tàng. Để làm được điều đó thì nội hàm các bảo tàng phải đổi mới, đa dạng hóa các hoạt động, đồng thời phải đa dạng hóa các loại hình hoạt động dịch vụ gắn kết và phù hợp với hoạt động của bảo tàng. Điều này các bảo tàng cũng bắt đầu làm và bước đầu thu được hiệu quả.

Đến nay, nhiều bảo tàng tại thành phố (bảo tàng thành phố, bảo tàng Lịch sử Việt Nam tại TP.Hồ Chí Minh…) sản xuất hàng lưu niệm quảng bá hình ảnh, thương hiệu của bảo tàng; tạo được những không gian, sân chơi sinh động đáp ứng nhu cầu của mọi đối tượng khách tham quan. Đặc biệt, nhiều bảo tàng còn tăng cường giới thiệu hình ảnh thông qua việc kết nối, liên kết với các công ty lữ hành; đăng ký lịch hoạt động và các chương trình hoạt động đặc sắc vào tour du lịch của các công ty du lịch nhằm quảng bá hoạt động được rộng rãi hơn.

Bà Huỳnh Thị Ngọc Vân cho biết thêm, bên cạnh hoạt động bán vé thu tiền, bảo tàng cũng có những hoạt động rất chính đáng, tạo nguồn thu, ăn theo hoạt động du lịch đó là bán quà lưu niệm, sách báo, tranh ảnh…. Chính nhờ làm dịch vụ thành công mà bảo tàng có thêm nguồn thu (gấp 4 lần nhà nước cấp) từ đó bảo tàng có thêm kinh phí cho hoạt động chuyên môn cũng như nâng cao đời sống cán bộ công nhân viên chức. Bên cạnh đó, bảo tàng dự kiến phối hợp với Nhà hát ca múa nhạc dân tộc Bông Sen, tổ chức những chương trình biểu diễn mi ni, để giới thiệu cho du khách văn hóa dân tộc như múa rối nước, chơi các nhạc cụ truyền thống. Để khách tham quan một nơi, nhưng có thể biết thêm nhiều thứ; sau khi xem những hình ảnh rất nặng nề, căng thẳng bi thương của chiến tranh, du khách lại được xem các chương trình biểu diễn tiếp theo, họ sẽ cảm nhận được không khí Việt Nam trong hòa bình./.

TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất