Thứ Năm, 28/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Chủ Nhật, 20/5/2012 4:24'(GMT+7)

Nhàm chán, đơn điệu những lễ hội... “kiểu mới”

Festival lúa gạo. (Ảnh có tính minh họa)

Festival lúa gạo. (Ảnh có tính minh họa)

“Đua đòi” làm lễ hội

GS.TSKH Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hoá quốc gia cho biết, hiện nay, bên cạnh hàng nghìn lễ hội truyền thống có từ lâu đời thì đã xuất hiện và ngày càng phổ biến những lễ hội... kiểu mới có nguồn gốc từ nước ngoài như Halloween, Carnaval, Valentine..., hoặc các lễ hội hiện đại được tổ chức tại các địa phương như Festival lúa gạo, dừa, cà phê...

PGS. TS Đỗ Văn Trụ, Uỷ viên Hội đồng Di sản văn hoá Quốc gia, Phó Chủ tịch kiêm TTK Hội Di sản Văn hoá VN cũng nhận định, trong vòng 10-15 năm trở lại đây, lễ hội đương đại xuất hiện ngày càng nhiều ở Việt Nam. Tần suất của loại hình lễ hội này diễn ra quanh năm, ở khắp các vùng miền. “Sự ra đời của lễ hội đương đại là nhu cầu tất yếu khách quan, là sự cần thiết của một đất nước đang chuyển mình mạnh mẽ trong thời kỳ hội nhập và phát triển; là sự sáng tạo nhằm đáp ứng các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hoá; cũng là cơ hội để quảng bá hình ảnh đất nước, con người, tiềm năng, thế mạnh của địa phương và đất nước với bạn bè quốc tế. Lễ hội đương đại cũng góp phần làm giàu thêm kho tàng đồ sộ gần 8000 lễ hội các loại hàng năm của cả nước. Một số lễ hội đương đại đã từng bước tạo dựng được thương hiệu, mang bản sắc riêng của mình và có khả năng phát triển bền vững như lễ hội làng Sen, Festival Huế, Festival Pháo hoa Đà Nẵng...”- Ông Đỗ Văn Trụ nói.

Tuy nhiên, cũng theo PGS.TS Đỗ Văn Trụ, không mấy khó khăn để nhận biết nhiều điều bất cập chung quanh việc tổ chức và quản lý lễ hội đương đại hiện nay. Ông bảo: “Không quá đáng chút nào khi cho rằng, sự bùng nổ của lễ hội đương đại là một hiện tượng đã và đang trở thành “phong trào”, “hội chứng”, “hiệu ứng lây lan” khắp trong nam ngoài bắc, có biểu hiện nhàm chán bởi sự quá đà, đơn điệu, thiếu tính chuyên nghiệp, thiếu sự sáng tạo nghệ thuật, kém hấp dẫn, ít hiệu quả kinh tế- xã hội, ít được sự hưởng ứng của người dân...”.

Nhìn nhận vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Hữu Thức (Ban Tuyên giáo T.Ư) cũng cho rằng, hiện nay đang có hiện tượng đua đòi, tuỳ tiện tổ chức lễ hội văn hoá- du lịch. Một số địa phương kinh tế thị trường chưa mạnh, sức mua thấp, cơ sở hạ tầng du lịch nhỏ bé, chất lượng phục vụ nghiệp dư, trong khi việc tổ chức lễ hội văn hoá - du lịch phải đầu tư kinh phí khá lớn, dẫn đến hiệu quả kinh tế - xã hội chưa tương xứng. Đó là nguyên nhân sâu xa gây bức xúc trong xã hội.

Còn theo nhà sử học Dương Trung Quốc, một số hình thức lễ hội được xây dựng mới chủ yếu khai thác từ những lợi thế về du lịch, tuy có những thành công bước đầu nhưng chưa vững chắc. Tính thực dụng và sự thiếu nền tảng xã hội của các loại lễ hội này vẫn còn là những yếu tố cần được trải nghiệm, tích luỹ và không ngừng điều chỉnh mới trở thành một sinh hoạt bền vững và để trở thành lễ hội thực sự.

Trước thực trạng bùng nổ nhiều loại hình lễ hội mới, không ít ý kiến bày tỏ sự quan ngại về những giải pháp điều chỉnh. Theo đó, PGS.TS Đỗ Văn Trụ cho rằng, nếu không có sự định hướng và giải pháp đúng đắn, kịp thời thì với đà này, biết đâu chẳng bao lâu nữa sẽ dẫn đến tình trạng vùng vùng, miền miền, tỉnh tỉnh, huyện huyện trong cả nước đều tổ chức lễ hội đương đại. Vì suy cho cùng thì ở đâu trên đất nước giàu truyền thống, tiềm năng và rất đỗi tự hào của chúng ta lại không tìm ra được những cái đặc sắc, đặc trưng, lợi thế của mình để làm nguyên cớ tổ chức lễ hội. Đến lúc đó không biết chúng ta sẽ xoay sở như thế nào và nếu có đưa được lễ hội đương đại trở về đúng quỹ đạo thì chắc chắn khó khăn và tốn kém sẽ tăng lên gấp bội.

Lễ hội đương đại cần có quy hoạch

Phân tích những nguyên nhân dẫn đến sự bùng nổ, nhàm chán của nhiều lễ hội đương đại đang xuất hiện tại Việt Nam, PGS.TS Đỗ Văn Trụ tổng kết có 4 nguyên nhân. Một là, thiếu tính quy hoạch trong việc tổ chức lễ hội đương đại; các lễ hội này thường được đề xuất một cách cảm tính, có tính áp đặt, duy ý chí, có hiệu ứng lan truyền một cách tự nhiên máy móc. Hai là, các kế hoạch tổ chức lễ hội đương đại thiếu sự điều tra nghiên cứu cơ bản trong việc xây dựng chủ đề, sáng tạo chương trình và lập kế hoạch chi tiết. Ba là, những người chịu trách nhiệm và liên quan đến việc tổ chức lễ hội có phần hạn chế về kiến thức và năng lực tổ chức lễ hội. Bốn là, các công việc từ nghiên cứu đến tổ chức được thực hiện bởi những hợp đồng khác nhau như xây dựng kịch bản, tổ chức sự kiện và phần trình diễn của từng đơn vị tham gia; trong khi đó việc hợp tác giữa các đơn vị không chặt chẽ, thiếu sự chỉ đạo thống nhất về chuyên môn, dẫn đến sự thiếu đồng bộ, vừa trùng lặp lại vừa thiếu hấp dẫn khiến cho các lễ hội không mấy hiệu quả.

PGS. TS Nguyễn Hữu Thức (Ban Tuyên giáo TƯ) cho rằng, người dân sẽ không chấp nhận bất kỳ một lễ hội nào nếu chính quyền địa phương đầu tư hàng chục tỷ đồng nhưng trong thời gian diễn ra lễ hội, số quan khách thì đông vui, còn khách du lịch đến quá ít, sản phẩm ở địa phương sản xuất tiêu thụ không nhiều và chương trình văn hoá ở lễ hội lại chủ yếu do nghệ sĩ chuyên nghiệp biểu diễn.

Đây cũng là nhận định từ Cục Văn hoá cơ sở, Bộ VHTTDL: “Nguồn kinh phí sử dụng vào loại hình lễ hội này khá tốn kém, trong khi chương trình nghệ thuật còn mang tính sân khấu chuyên nghiệp hoá, nặng về trình diễn, phụ diễn nghệ thuật và đạo cụ nên sức hấp dẫn công chúng thiếu sự bền vững sâu sắc...”

Ông Nguyễn Hữu Thức đề nghị, để khắc phục tình trạng này, thời gian tới Bộ VHTTDL sớm chủ động tham mưu với Chính phủ sửa đổi các quy định trước đây, xác định rõ tiêu chí đánh giá, phân loại, phân cấp, quy mô, hình thức, chu kỳ tổ chức hợp lý các sự kiện lịch sử- cách mạng cần được tổ chức trong năm.

PGS.TS Đỗ Văn Trụ cũng kiến nghị Bộ VHTTDL cần sớm tổ chức công tác điều tra, khảo sát để thống kê đầy đủ, chính xác các lễ hội đương đại hiện có trong cả nước; trên cơ sở đó tiến hành phân loại các lễ hội đương đại hiện có và đánh giá mặt được, mặt hạn chế, hiệu quả chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội của từng lễ hội cụ thể. Ông cũng cho rằng, hiện nay trong lễ hội đương đại đang tồn tại nhiều vấn đề cần thống nhất, như gọi là lễ hội hiện đại hay lễ hội đương đại? Thế nào thì được gọi là Festival? Thế nào là Festival quốc tế?... “ Cần phải có quy hoạch tổ chức lễ hội đương đại ở Việt Nam; đồng thời cần tăng cường thanh kiểm tra, giám sát việc tổ chức lễ hội đương đại, kịp thời rút kinh nghiệm và uốn nắn những hiện tượng tiêu cực, lệch lạc trong tổ chức lễ hội. Nếu không có được quy hoạch lễ hội đương đại, tình hình phát triển bột phát như hiện nay là điều khó tránh khỏi...”, ông Đỗ Văn Trụ nhấn mạnh./.

Theo Nhân Dân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất