(TCTG) - Với bề dày lịch sử của Đồng Tháp, ngoài các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh thì nét văn hóa đặc trưng riêng biệt của con người Đồng Tháp còn chứa đựng nhiều vốn văn hóa dân gian tiềm ẩn, lưu truyền trong nhân dân.
Lịch sử hình thành và phát triển Đồng Tháp được bắt đầu từ công cuộc khẩn hoang của các cộng đồng cư dân di cư từ miền Bắc và miền Trung khoảng thế kỷ XVII, XVIII. Sự hình thành và phát triển vùng đất này gắn liền với lịch sử đấu tranh chinh phục thiên nhiên và chống chọi kẻ thù xâm lược, đất và người nơi đây đã hun đúc nên bản lĩnh kiên cường, bất khuất và truyền thống yêu nước, cách mạng. Quá trình đó bồi đắp nên những giá trị nhân văn qua nhiều thế hệ, hình thành những giá trị văn hóa truyền thống mang sắc thái riêng. Là vùng đất thuần canh nông nghiệp, do vậy các giá trị văn hóa truyền thống, các phong tục tập quán mang những nét tương đồng với nền sản xuất ấy. Cư dân Đồng Tháp với bản tính năng động, cởi mở và giao lưu văn hóa đã tạo cho vùng đất Đồng Tháp một kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vô cùng phong phú và độc đáo.
Đồng Tháp hiện có 12 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và 49 di tích được xếp hạng cấp tỉnh với các loại hình như tín ngưỡng, tôn giáo. Tại các di tích của những tín ngưỡng, tôn giáo hàng năm đều tổ chức lễ hội và loại hình lịch sử lưu niệm sự kiện, lưu niệm danh nhân và Khảo cổ. Để giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc, tinh thần cách mạng cho cán bộ, đảng viên, sinh viên, học sinh lãnh đạo tỉnh và các ngành chức năng tạo điều kiện và hỗ trợ tổ chức nhiều hoạt động lồng ghép tại các điểm di tích như phát động các phong trào thi đua, tổ chức lễ tưởng niệm, họp mặt truyền thống, lễ kết nạp Đoàn, kết nạp Đảng, các hoạt động dã ngoại, vui chơi, giải trí… Ngoài ra, hàng năm Bảo tàng Đồng Tháp tổ chức trưng bày, triển lãm lưu động tại các địa phương trong tỉnh nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới nhiều bộ sưu tập tư liệu, hiện vật, hình ảnh quý hiếm… vừa phục vụ nhu cầu giáo dục về lịch sử truyền thống cách mạng của Đảng, về đất nước con người Việt Nam, về tiềm năng triển vọng Đồng Tháp vừa phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân.
Với bề dày lịch sử của Đồng Tháp, ngoài các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh thì nét văn hóa đặc trưng riêng biệt của con người Đồng Tháp còn chứa đựng nhiều vốn văn hóa dân gian tiềm ẩn, lưu truyền trong nhân dân. Hoạt động nghệ thuật dân gian phát triển đa dạng với nhiều điệu lý, câu hò, thơ ca, đờn ca tài tử với những nhạc cụ dân tộc như đàn bầu, đàn tranh, đàn cò… đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân Đồng Tháp. Những lễ hội văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, những làng nghề thủ công truyền thống vô cùng tinh xảo được thể hiện qua đôi tay điêu luyện của các nghệ nhân được lưu giữ chủ yếu trong dân gian theo phương pháp truyền miệng, truyền nghề. Hiện nay, tỉnh Đồng Tháp đang thực hiện 9 dự án về văn hóa phi vật thể, bảo tồn và duy trì hoạt động thường xuyên 123 lễ hội truyền thống, 195 câu lạc bộ đờn ca tài tử và 38 loại hình trò chơi dân gian và 44 làng nghề truyền thống. Hướng tới tỉnh có chủ trương tiếp tục sưu tầm kiểm kê các giá trị văn hóa phi vật thể như giai thoại truyền khẩu, tên gọi sông rạch, cầu đường địa danh làng ấp, chuyện dân gian… làm cho hoạt động văn hóa phi vật thể ngay càng phong phú đang dạng.
Xác định di sản văn hóa là tài sản vô giá, là phần hồn của nền văn hóa dân tộc có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử văn hóa, đồng thời là phương tiện để giới thiệu về hình ảnh địa phương cho các du khách trong và ngoài nước, tạo tiền đề cho các chiến lược phát triển du lịch góp phần tăng trưởng kinh tế - xã hội tỉnh nhà, những năm qua, tỉnh Đồng Tháp đã có nhiều cố gắng và đạt được những hiệu quả nhất định trong việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh, góp phần tích cực vào công tác giáo dục truyền thống văn hóa lịch sử và thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội nhất là các hoạt động du lịch – dịch vụ.
Để nâng cao chất lượng và hiệu quả bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp trong thời gian tới, đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ IX đã đề ra, Đồng Tháp xác định thực hiện tốt các giải pháp sau:
Một là, tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Gắn trách nhiệm của chính quyền, các tổ chức đoàn thể và người dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Tuyên truyền giáo dục pháp luật cho người dân, đề cao vai trò của nhân dân trong việc tham gia quản lý di sản văn hóa. Kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở, xử lý nghiêm những hành vi cố ý vi phạm di sản văn hóa. Hoàn thiện cơ chế chính sách về bảo tồn và phát huy di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh, tạo môi trường văn hóa lành mạnh cho sự phát triển kinh tế xã hội bền vững.
Hai là, Xây dựng quy hoạch tổng thể bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội. Đối với các di sản văn hóa vật thể tiến hành rà soát, kiện toàn, bảo quản bằng công nghệ hiện đại, phục vụ tốt công tác bảo tồn và tra cứu. Xây dựng kế hoạch cụ thể trong công tác khai quật khảo cổ, tôn tạo. Xác định giá trị cổ vật, có kế hoạch bảo vệ, bảo tồn và quảng bá nhất là việc giữ gìn các hiện vật cách mạng, di tích kháng chiến. Đối với di sản văn hóa phi vật thể thì biến lễ hội thành hoạt động văn hóa thường niên, kết hợp với các hoạt động du lịch. Duy trì và phát triển các làng nghề truyền thống bằng nhiều hình thức và đẩy mạnh quảng bá các sản phẩm.
Ba là, đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa không chỉ là trách nhiệm của ngành văn hóa mà là trách nhiệm của mọi cấp, mọi ngành, mọi tổ chức kinh tế, xã hội và mọi tầng lớp nhân dân. Tạo mọi điều kiện mở rộng nguồn đầu tư khai khác về tiềm năng vật lực và tài lực trong xã hội tham gia bảo tồn và phát huy di sản văn hóa theo phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm.
Bốn là, tăng cường đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Kết hợp giữa đầu tư, tôn tạo di tích, danh lam thắng cảnh với khai thác phát triển du lịch. Phát huy vai trò của hệ thống thông tin đại chúng trong việc tuyên truyền, giáo dục kiến thức về Luật di sản văn hóa đến từng người, từng gia đình.
Năm là, chú trọng bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ quản lý, chuyên môn làm nhiệm vụ bảo tồn di sản văn hóa. Mở các lớp tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ văn hóa cơ sở về lĩnh vực bảo tồn và phát huy di sản văn hóa.
Sáu là, tăng cường hội nhập, giao lưu giới thiệu về văn hóa và con người Đồng Tháp thông qua các hoạt động chuyên môn về văn hóa, du lịch. Tranh thủ sự giúp đỡ thu hút đầu tư từ các tổ chức cá nhân cho công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa. Tăng cường hợp tác với các tỉnh, thành phố, các trường đại học, cơ quan Trung ương về tổ chức và tham gia biểu diễn văn hóa nghệ thuật, hợp tác thực hiện các chương trình hội thảo, nghiên cứu khoa học trong công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa./.
Lan Quyên