Thứ Hai, 23/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Hai, 21/5/2012 15:55'(GMT+7)

Giá trị văn hóa thiền môn lan tỏa

Chùa Vĩnh Nghiêm, nơi lưu giữ hơn 3000 bản mộc kinh Phật.

Chùa Vĩnh Nghiêm, nơi lưu giữ hơn 3000 bản mộc kinh Phật.

Những giá trị vượt thời gian

Chùa Vĩnh Nghiêm vốn có tên gọi là Chúc Thánh thiền tự, còn dân gian thường gọi là chùa La hay chùa Đức La. Đây là một đại danh lam cổ tự, một Thiền viện đào tạo tăng đồ trong suốt gần 8 thế kỷ hình thành và phát triển của Phật giáo phái Trúc Lâm Yên Tử, nên được các nhà nghiên cứu coi là “Bảo tàng Văn hóa Phật giáo Đại thừa” tiêu biểu ở miền Bắc nước ta.

Với bề dày lịch sử gần 800 năm, chùa Vĩnh Nghiêm có hệ thống di vật rất đa dạng như: Hệ thống tượng thờ với hơn 100 pho tượng; Hệ thống hoành phi - câu đối, đồ thờ, kho kinh sách nhà Phật, mộc bản; Hệ thống văn bia với 8 tấm ghi lại toàn bộ tiến trình lịch sử phát triển của Trung tâm Phật giáo Vĩnh Nghiêm… Trong đó, bộ mộc bản chứa đựng nhiều giá trị tư liệu, lịch sử, nghệ thuật, văn hóa vô giá.

Xuất hiện trong khoảng thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX, các mộc bản tại chùa Vĩnh Nghiêm được khắc bằng chữ Hán, chữ Nôm và đều khắc ngược (âm bản) để khi in ra giấy thành chữ xuôi và đọc từ trái sang phải, từ trên xuống dưới. Bản khắc mộc bản lớn nhất có kích thước dài hơn 1m, rộng từ 0,4 - 0,5m; mộc bản nhỏ nhất có chiều dài 20cm, rộng 15cm. Phần lớn ván in được khắc trên hai mặt với kiểu chữ chân phương nhưng rất sắc nét. Có thể nói, bằng đôi bàn tay tài hoa của những nghệ nhân xưa, mỗi ván khắc trở thành một tác phẩm nghệ thuật điêu khắc bởi đường nét tinh xảo, hoa văn độc đáo. Giá trị hàng đầu của các mộc bản là giúp các nhà nghiên cứu có nguồn sử liệu quý giá về quá trình phát triển của hệ thống văn tự Việt Nam, chuyển từ chỗ chủ yếu sử dụng chữ Hán (Trung Quốc) sang sử dụng chữ Nôm - một sáng tạo của người Việt.

Theo ông Nguyễn Văn Phong, một nhà nghiên cứu Hán - Nôm, bên cạnh giá trị từ hiện vật bảo tàng, các mộc bản kinh Phật Thiền phái Trúc Lâm chùa Vĩnh Nghiêm chứa đựng nhiều ý nghĩa to lớn về triết lý nhân sinh, tôn giáo tín ngưỡng, văn học, nghệ thuật, giáo dục con người. Không những thế, những mộc bản này còn là “pho sử” sống động về nghề khắc in mộc bản, tư tưởng và văn hóa, giúp người đời sau hiểu một cách đầy đủ, chính xác về lịch sử Phật giáo Việt Nam, về Thiền phái Trúc Lâm cũng như thân thế, sự nghiệp của Phật hoàng Trần Nhân Tông và một số danh nhân của dân tộc.

Ông Phạm Cao Phong, Trưởng đoàn Việt Nam tham dự Kỳ họp thứ 5 Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO tổ chức tại thủ đô Băng Cốc (Thái Lan) cho biết, bộ mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm với 3.050 đơn vị ván khắc (tương đương 34 đầu sách kinh Phật) được lập hồ sơ, đưa ra đề cử, trình bày lần này đều đã thuyết phục được 100% số phiếu ủng hộ của đại biểu các nước bởi những giá trị tư liệu giàu ý nghĩa nhân văn của bộ mộc bản.

Một tấm mộc bản kinh Phật.


Gắn bảo quản tốt với tuyên truyền sâu rộng

Nhận thức được những giá trị to lớn của bộ mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm, những năm gần đây, ngành văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh, Bảo tàng tỉnh Bắc Giang và UBND huyện Yên Dũng đã tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng kho mộc bản kinh Phật và kiểm kê, sắp xếp theo thứ tự khoa học để thuận lợi cho công tác quản lý, bảo tồn.

Ông Trần Văn Lạng, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bắc Giang cho biết: Để kho mộc kinh ở chùa Vĩnh Nghiêm trường tồn cùng thời gian, bên cạnh phương pháp bảo tồn cổ truyền như xếp trên giá gỗ lim, chân giá có chậu bằng đá chứa dầu lạc… hiện nay, Bảo tàng đang khắc phục tình trạng nứt vỡ một số mảnh ván khắc bằng cách đóng, chốt gáy bằng đồng lá để tăng độ chắc chắn và giá trị thẩm mỹ cho mỗi tấm mộc bản. Cùng với đó là thường xuyên kiểm tra, kịp thời xử lý nấm mốc xuất hiện trên mộc bản và phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường hệ thống an ninh để bảo đảm an toàn tuyệt đối khu vực kho chứa mộc bản, kiên quyết phòng, chống thất lạc, mất mát.

Bộ mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm trở thành Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã mở ra một triển vọng mới trong công tác bảo tồn và phát huy những giá trị di sản vô giá này. Tuy vậy, do trải qua mấy trăm năm, lại bị thời gian, khí hậu bào mòn, không ít mộc bản đã bị cong, vênh, nứt, mục, ẩm mốc rất dễ dẫn đến tình trạng mờ nét, mất chữ. Vì vậy, theo Đại đức Thích Thanh Vịnh, trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm, muốn bảo tồn kho mộc kinh một cách hiệu quả, bền vững, cùng với sự giúp đỡ của các cơ quan chức năng Trung ương, cần có sự hỗ trợ của các chuyên gia quốc tế và tìm kiếm các phương pháp, kỹ thuật bảo quản tiên tiến, hiện đại.

Mặt khác, do tồn tại trong chốn thiền môn qua mấy thế kỷ, trong khi đó các nội dung mộc bản lại bằng chữ Hán, chữ Nôm nên không phải ai cũng hiểu rõ những giá trị của bộ mộc kinh chùa Vĩnh Nghiêm. Do vậy, theo chúng tôi, cần đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sâu rộng hơn nữa về những giá trị, ý nghĩa lịch sử của kho tư liệu quý giá này cho các tầng lớp nhân dân. Muốn vậy, các nhà nghiên cứu cần sớm “phổ thông hóa” các nội dung cơ bản của những mộc bản có giá trị lớn; đồng thời tăng cường tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề với cán bộ, nhân dân, trước hết là ở địa phương để giúp mọi người nâng cao hiểu biết về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của kho mộc kinh đối với việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong thời kỳ hội nhập quốc tế./.
 
(Theo: Phương Du/QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất