Thứ Bảy, 28/9/2024
Diễn đàn
Thứ Tư, 27/5/2009 16:6'(GMT+7)

Di tích lịch sử: Vui buồn chuyện trùng tu

Tượng đài chiến thắng Tua Hai.

Tượng đài chiến thắng Tua Hai.

Cách đây ít năm, nhiều nhà nghiên cứu sử học và khảo cổ học đã từng phải tranh luận khá gay gắt khi Tây Ninh trùng tu Tháp cổ Bình Thạnh, thuộc huyện Trảng Bàng. Có cả những ý kiến phản đối cách trùng tu như thế, vì nó đã làm sai về bản chất một di tích cổ. Nhưng rồi mọi chuyện cũng qua đi và hiện nay Tháp cổ Bình Thạnh vẫn tồn tại như… đã được trùng tu. Các nhà khảo cổ uyên thâm cách mấy cũng đành im lặng.

Năm nay, tôi được tham gia vài công việc có liên quan đến những khu di tích đang được trùng tu tôn tạo ở Tây Ninh. Trước hết là căn cứ Tua Hai. Nơi đây, vào đêm mùng 5 rạng ngày mùng 6 tháng Giêng năm 1960 đã diễn ra cuộc đồng khởi vũ trang của nhân dân Tây Ninh làm thay đổi thế chiến lược trên chiến trường Tây Ninh. Binh lính ngụy ở đây bị đánh tan tác. Lực lượng đồng khởi đã thu được hơn 1.500 khẩu súng các loại. Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã được biến thành hành động: Miền Nam đồng khởi vũ trang.

Căn cứ này bây giờ là một quần thể bao gồm nhà lưu niệm, văn phòng quản lý. Phù điêu. Tượng đài. Bảng văn ghi công trạng của trận đánh Tua Hai theo lối văn cổ. Cái thì được xây dựng cách nay vài năm. Cái thì mới được làm mới, trong đó có vườn cây dầu đến giờ đã lên xanh. Có những cái thực cũ, được tạc dựng cách nay nhiều năm như phù điêu, tượng đài chiến sĩ Tua Hai, nhưng cũng không phải đã có từ những ngày cách nay gần 50 năm. Cách nay không lâu, nơi này vẫn còn một cái cổng thành cũ. Nhưng nghe nói cái cổng đó vi phạm lộ giới, nên bị đập bỏ. Và cái cổng ấy là cái còn lại cuối cùng của thành Tua Hai bị xóa sổ.

Tôi tin, nay mai, khi cây cối tại đây xanh tốt, những tượng đài, phù điêu ẩn hiện trong tán cây nhất định sẽ là một khu sinh thái đẹp. Nhưng di tích Tua Hai sẽ là cái gì? Hào giao thông xung quanh thành đâu rồi? Đâu rồi những hàng rào kẽm gai? Nhà chỉ huy của nguỵ quân ngày đó, không thấy. Không lẽ nơi ngày xưa, quân và dân Tây Ninh phải chiến đấu bằng máu thịt mới giành chiến thắng nó cũng đẹp như thế này sao?

Tôi đã từng lên Căn cứ Trung ương Cục miền Nam. Một mảnh đất nhiều huyền thoại về lòng dũng cảm của quân và dân miền Nam. Trải ra trước mắt tôi là những con đường bê tông giả đất. Tôi ngỡ ngàng trước cảnh những căn nhà làm việc của các đồng chí lãnh đạo một kiểu giống y chang nhau.

Trừ nhà làm việc của đồng chí Võ Văn Kiệt có một cầu thang gỗ nhỏ để leo lên sàn nhà, còn tất cả giống nhau hết. Diện tích nhà bằng nhau. Cột kèo giống nhau. Mái lá giống nhau. Trong nhà các đồng chí lãnh đạo cũng được trưng bày các vật dụng giống nhau. Một cái bàn có khung kiếng bảo vệ. Trong khung kiếng là một cái xắc cốt, một gói thuốc lá Thăng Long, chiếc bật lửa, một chiếc radio bán dẫn, một tờ báo Giải Phóng… Những cái bàn để uống nước giống nhau. Hội trường, nơi hội họp, bàn ghế kê thẳng tắp và cùng một nguyên mẫu.

Có một người đại diện cho Ban Quản lý trùng tu tôn tạo khu di tích này lý giải: "Lần này, căn cứ được trùng tu theo nguyên mẫu của năm 1972 khi Trung ương Cục chuyển từ Campuchia về. Lúc đó, đã thành lập một tiểu đoàn chuyên xây dựng khu căn cứ, nên mọi thứ được làm theo kiểu đồng loạt. Để thận trọng, Ban Quản lý trùng tu tôn tạo khu di tích đã mời người tiểu đoàn trưởng phụ trách xây dựng căn cứ ngày đó về chỉ huy thi công trùng tu".

Trùng tu tôn tạo, theo thiển nghĩ của tôi là: Trên cơ sở cái đã có, củng cố lại, giữ nguyên dạng và làm cho nó bền vững theo thời gian. Cũng theo thiển nghĩ của tôi, di tích có nhiệm vụ ghi lại dấu ấn của một thời để lớp lớp người sau khi đến được ngưỡng vọng về một thời, hình dung về một thời.

Nhiều lúc tôi tự hỏi: Bây giờ đến Tua Hai để thấy được cái gì của một địa danh nổi tiếng kia. Ngoài mấy chữ Tua Hai và những hình ảnh tạc trên tượng, trên phù điêu qua sáng tạo của các nhà tạo hình thì hầu như không còn gì nữa. Mẫn cảm của người đến tham quan các khu di tích là thấy được tận mắt những hiện vật cũ. Còn bây giờ, đến với Tua Hai giống như đến một... công viên. Nếu khu di tích còn hiện vật nguyên dạng (hoặc tôn tạo như nguyên dạng) mà thành một công viên thì quá tốt, còn khu di tích chỉ thành một công viên thuần túy thì tác dụng cũng bị hạn chế nhiều.

Cổng chính di tích chiến thắng Tua Hai mới xây lại.

Lãnh đạo xã Đồng Khởi kể cho tôi nghe một câu chuyện: Khi cổng thành cũ của Tua Hai còn, có một người nông dân trong xã dùng xe bò kéo rơm. Khi ngang qua cổng thành, không may chiếc xe bò quệt vào thân cổng làm sứt mấy viên gạch. ủy ban xã lập biên bản, yêu cầu người nông dân kia phải bồi thường 250.000 đồng để làm lại nguyên dạng cái cổng. Khi những người trùng tu, tôn tạo di tích Tua Hai thi công đập bỏ cái cổng, tất cả cán bộ xã Đồng Khởi không dám ra mặt cản mà chỉ đứng nhìn mà... ngậm ngùi.

Tua Hai hầu như không còn bất cứ cái gì của di tích xưa. Vậy thì đã xây mới căn cứ Tua Hai, đâu còn là sự trùng tu tôn tạo nữa. Tự nhiên thôi, ý nghĩa giáo dục truyền thống giảm đi nhiều. Bởi nói về chiến thắng Tua Hai mà người nghe lại đứng ngay tại một nơi khang trang đẹp đẽ, không còn mảy may dấu vết của ngàn xưa thì cảm xúc của họ cũng vơi hụt đi chứ.

Còn Căn cứ Trung ương cục miền Nam. Bây giờ, cuộc sống mới, chúng ta quá nhàm chán với những kiến trúc đồng bộ ở thị thành, đáng ra khu di tích phải gợi ra trong tiềm thức của người Việt Nam những tháng năm chiến đấu cực kỳ gian khổ, cực kỳ ác liệt. Vậy mà nay, đến với khu di tích, chỉ cần đi một nhà của một vị lãnh đạo là khỏi cần đi thêm nhà khác. Bởi các nhà đều y chang nhau.

Những người làm công tác trùng tu tôn tạo có hình dung được cảnh huống những người đến đây rất xúc động khi thấy những hố bom B52 làm ao nuôi cá, những cây vú sữa, những cây bưởi cây xoài đang dần thành cổ thụ. Họ hình dung ra sự lạc quan cách mạng của các đồng chí lãnh đạo từ những di tích rất đơn sơ ấy. Họ còn thèm được ăn một trái vú sữa, một trái bưởi, một trái xoài từ những cây được các đồng chí lãnh đạo trồng ngày đó. Có cả những người vạch lá tìm đến cái giếng đã khô nước được đào từ thời chiến tranh. Họ hỏi nhau về vườn rau được trồng trong những năm tháng kháng chiến.

Có thể khi trùng tu tôn tạo khu căn cứ Trung ương Cục miền Nam, do xác định thời điểm khi căn cứ rời từ Campuchia về là năm 1972 nên cách thực hiện là như vậy.

Nhưng chúng ta biết, căn cứ Trung ương Cục miền Nam được hình thành từ năm 1961. Cả một thời kỳ vô cùng khốc liệt, nhất là khi Mỹ trực tiếp đưa quân vào Miền Nam và tấn công lên Tây Ninh với những cuộc càn lớn như Atenboro, Gianxonxiti…

Vậy mà, đến với Căn cứ Trung ương Cục sau tôn tạo trùng tu, nếu không có người đi theo giới thiệu thì nhiều người sẽ lầm tưởng đây là khu nghỉ dưỡng lão giữa rừng già. Ấy là chưa kể cái hàng rào lưới B40 bao quanh khu căn cứ. Đành rằng hàng rào là để bảo vệ. Nhưng sẽ có người, nhất là các bạn trẻ sẽ hỏi: Ngày xưa căn cứ cũng được rào dậu kỹ như thế này sao? Rồi lỡ địch đến thì các cụ sẽ rút ra sao, tác chiến thế nào? Ai sẽ đi theo để giải thích…

Vẫn biết, những người làm trùng tu tôn tạo có cái lý của họ. Nhưng dù lý gì thì cũng phải tuân thủ một điều: Di tích lịch sử phải thực hiện được một công việc quan trọng, đó là: Ôn lại truyền thống xưa. Thà như khu nhà tưởng niệm ở đây. Xây mới hoàn toàn, trưng bày mới hoàn toàn, và người đến đây tham quan hiểu được điều đó.

Tôi nhớ lại lần trùng tu trước. Những ngôi nhà cột lục. Những chiếc bàn làm việc bằng những gốc cây. Những chiếc ghế ngồi cũng bằng những gốc cây. Mỗi một ngôi nhà của mỗi đồng chí lãnh đạo có một vẻ khác nhau, thể hiện tính cách của mỗi người. Chỗ đồng chí Nguyễn Văn Linh ở có những hiện vật này, chỗ của đồng chí Phạm Hùng lại có hiện vật khác… Còn bây giờ, không lẽ các đồng chí lãnh đạo ngày ấy cũng dùng những đồ dùng giống nhau như đang trưng bày tại đây… Không có lẽ?

Trùng tu tôn tạo là tái hiện một thời. Một thời Tua Hai, một thời Trung ương Cục miền Nam rất cần được tái tạo đúng với hiện thực lịch sử. Như vậy mới có ý nghĩa trong giáo dục truyền thống cho mọi thế hệ, cả bây giờ và mai sau./.

(Theo: Nguyễn Đức Thiện/CAND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất