Bảo đảm quyền con người là một chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo toàn dân tiến hành Cách mạng Tháng Tám thành công, giành chính quyền về tay nhân dân, thành lập nhà nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã long trọng công bố trước toàn thế giới bản Tuyên ngôn độc lập, lần đầu tiên khẳng định tôn trọng các quyền công dân và quyền con người trên đất nước Việt Nam: Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền được tự do và mưu cầu hạnh phúc.
Với mục tiêu đó, ngay sau khi giành được chính quyền, Việt Nam đã nhanh chóng tổ chức Tổng tuyển cử bầu Quốc hội, xây dựng và ban hành Hiến pháp (1946), trong đó các quyền tự do cơ bản của công dân - bộ phận quan trọng nhất của quyền con người đã được trân trọng ghi nhận. Trong hai cuộc kháng chiến đầy hy sinh, gian khổ kéo dài 30 năm, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã đoàn kết toàn dân, bền bỉ đấu tranh để giành lại một trong những quyền cơ bản của con người là quyền được sống trong hòa bình trong một đất nước độc lập, tự do. Nhân dân Việt Nam đã thể hiện ý chí quyết tâm cao nhất “Thà chết chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Chân lý và khát vọng ngàn đời của người dân Việt Nam đã được khái quát trong lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Nhân dân Việt Nam từ già đến trẻ, từ bắc chí nam, đã nhất tề đứng dậy, đạp bằng mọi gian nan, thử thách, chấp nhận gian khổ, hy sinh, quyết giành bằng được độc lập, tự do cho Tổ quốc, bảo vệ quyền sống, nhân phẩm, danh dự của mỗi công dân và cả dân tộc. Trong những năm chiến tranh, tuy phải tập trung cao nhất mọi nguồn lực cho kháng chiến chống thực dân, đế quốc, không lúc nào Đảng và Nhà nước Việt Nam không quan tâm đến xây dựng nhà nước, chính quyền của nhân dân, vì nhân dân và chăm lo cải thiện đời sống của người lao động, thực thi các quyền của công dân đã được khẳng định trong Hiến pháp. Trải qua lịch sử đấu tranh giành độc lập, tự do, nhân dân Việt Nam càng hiểu và trân trọng giá trị thiêng liêng của các quyền con người, trước hết là quyền dân tộc tự quyết, quyền tự do quyết định vận mệnh của mình, quyền được sống trong sự tôn trọng nhân phẩm. Qua quá trình hoàn thiện để đáp ứng tình hình đất nước, các bản Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980 và đặc biệt là Hiến pháp 1992 không chỉ thừa nhận và bảo đảm đầy đủ các quyền con người, quyền công dân phù hợp với luật pháp quốc tế mà còn khẳng định rõ Nhà nước Việt Nam là Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân, có trách nhiệm bảo đảm và không ngừng phát huy quyền làm chủ về mọi mặt của nhân dân.
Việt Nam hiểu rõ quyền con người gắn với độc lập, hòa bình, dân chủ và phát triển. Từ sau năm 1975, đất nước thống nhất, cả nước cùng đi lên chủ nghĩa xã hội, Việt Nam có điều kiện tập trung xây dựng nền tảng vững chắc cho việc bảo vệ và thực hiện các quyền con người ở Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, đất nước đã vượt qua khủng hoảng kinh tế - xã hội, từng bước vươn lên đạt được những thành tựu to lớn trên các lĩnh vực: chính trị ổn định; kinh tế phát triển; xã hội ngày càng cởi mở, đoàn kết toàn dân và đồng thuận xã hội luôn ở mức cao; các giá trị văn hóa của các dân tộc được giữ gìn, bảo vệ và phát triển; quan hệ quốc tế rộng mở, vị thế của đất nước không ngừng được nâng cao; các quyền tự do tín ngưỡng và tự do ngôn luận luôn được bảo đảm vững chắc bằng Hiến pháp và hệ thống pháp luật. Trong công cuộc Đổi mới, bắt đầu từ năm 1986, các chương trình kinh tế - xã hội được chú trọng nhằm mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo ngày càng tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Những kết quả này đã tạo tiền đề cần thiết cho việc thực hiện ngày càng tốt hơn các quyền của người dân, trong đó có các quyền về chính trị, kinh tế, xã hội... Việt Nam được quốc tế ghi nhận là một trong những quốc gia đi đầu về xóa đói giảm nghèo. Đây là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Việt Nam trong việc thúc đẩy các quyền con người, phù hợp với hoàn cảnh của đất nước và các Mục tiêu Thiên niên kỷ của LHQ. Những thành tựu mà Việt Nam đạt được trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa cũng như bảo đảm quyền con người đã trở thành tấm gương sáng cho nhiều quốc gia, dân tộc, đặc biệt là các nước đang phát triển noi theo.
Tuy nhiên, giống như ở bất cứ quốc gia nào trên thế giới, việc thực hiện và bảo đảm quyền con người ở Việt Nam đang trong quá trình tiếp tục hoàn thiện để khắc phục những khiếm khuyết, trước hết là trong xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật. Hiện vẫn còn tình trạng chênh lệch về trình độ nhận thức của đội ngũ cán bộ và nhân dân về các chính sách thực thi quyền con người dẫn đến những thiếu sót trong tổ chức thực hiện, thậm chí là vi phạm pháp luật. Dù vậy, những thành tựu về bảo đảm quyền con người ở Việt Nam trong suốt hơn 60 năm qua, đặc biệt là kể từ khi Việt Nam tiến hành công cuộc đổi mới, là không thể phủ nhận. Những thành quả ấy được đại đa số trong gần 90 triệu người Việt Nam thừa nhận và được thế giới công nhận. Đáng tiếc rằng, trong khi nhân dân Việt Nam đang hồ hởi, phấn khởi xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc trong độc lập, tự do thì vẫn có những thế lực ở trong và ngoài nước, lợi dụng những thiếu sót, khuyết điểm của Việt Nam trong thực thi các chính sách bảo đảm quyền con người để phê phán Việt Nam vi phạm nhân quyền. Thật phi lý là trong số những thế lực lớn tiếng phê phán ấy có cả những nước đã trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia chiến tranh xâm lược Việt Nam, gây nên những tội ác vô nhân đạo với nhân dân Việt Nam mà hậu quả cho đến nay vẫn chưa thể khắc phục. Họ thường bỏ qua những thành tựu không thể phủ nhận của Việt Nam về nhân quyền và khoét sâu những khiếm khuyết, thổi phồng, bịa đặt, xuyên tạc về thực tế quá trình thực hiện các quyền con người ở Việt Nam.
Trong quan hệ quốc tế, Việt Nam kiên quyết bác bỏ mọi hình thức lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền để can thiệp vào công việc của các quốc gia độc lập, có chủ quyền, kiên quyết không chấp nhận sự áp đặt các quan điểm dân chủ, nhân quyền từ bên ngoài cho Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam sẵn sàng đối thoại trên tinh thần tôn trọng chủ quyền quốc gia, xây dựng và hợp tác trong việc giải quyết những bất đồng trên lĩnh vực nhân quyền. Trên thực tế, Việt Nam vẫn thường xuyên đối thoại với nhiều tổ chức quốc tế và nhiều quốc gia trên thế giới để cùng nhau vượt qua những bất đồng trong lĩnh vực dân chủ và quyền con người.
Những thành tựu đạt được trong việc bảo đảm các quyền dân sự, chính trị cho người dân thể hiện cam kết mạnh mẽ và nỗ lực không ngừng của Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam trong bối cảnh điều kiện kinh tế-xã hội của đất nước còn nhiều khó khăn. Đây là tiền đề quan trọng để Việt Nam tiếp tục phấn đấu đảm bảo ngày càng tốt hơn các quyền cơ bản của người dân./.
(Theo: Kim Tôn/QĐND)