Thứ Bảy, 30/11/2024
Diễn đàn
Thứ Sáu, 22/5/2009 11:14'(GMT+7)

Để chủ trương hướng về cơ sở đạt hiệu quả thiết thực

Lãnh đạo Hội LHPN tỉnh, huyện Mèo Vạc thăm mô hình dạy nghề thêu thổ cẩm tại xóm Sảng Pả A, thị trấn Mèo Vạc (Mèo Vạc)

Lãnh đạo Hội LHPN tỉnh, huyện Mèo Vạc thăm mô hình dạy nghề thêu thổ cẩm tại xóm Sảng Pả A, thị trấn Mèo Vạc (Mèo Vạc)

Thực tiễn hoạt động những năm vừa qua

Đội ngũ cán bộ, công chức chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, nhất là về trình độ chuyên môn; công tác đào tạo bồi dưỡng còn nhiều bất cập. ở một số địa phương, đặc biệt là ở các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, cán bộ chủ chốt cấp xã mới chỉ tốt nghiệp cấp một, cấp hai nên rất khó trong việc triển khai nhiệm vụ theo yêu cầu của tình hình mới. Ví dụ, như việc thực hiện Nghị định số 79/2007/NĐ-CP của Chính phủ quy định về công tác chứng thực ở cấp huyện, cấp xã. Sau hơn hai tháng triển khai đã bộc lộ nhiều bất cập như trình độ cán bộ cấp cơ sở còn rất yếu kém, chưa có khả năng giải quyết các yêu cầu của công dân, tổ chức, doanh nghiệp, mà cụ thể theo đánh giá chính thức của Bộ Tư pháp thì hầu hết các hợp đồng chứng thực giao dịch mà cấp xã thực hiện đều vô hiệu (đánh giá trên phạm vi cả nước). Thậm chí, một số địa phương không “dám” triển khai theo thẩm quyền vì sợ nếu làm sẽ dẫn đến vi phạm, sai sót.

Chính quyền cơ sở hiện nay được giao quá nhiều việc theo chủ trương phân cấp của Chính phủ, nhưng chưa được phân bổ thêm biên chế, kinh phí, chế độ... Cụ thể, so với trước đây chính quyền cơ sở được giao rất nhiều nhiệm vụ như: về hộ tịch trước thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh, nay chuyển về cấp xã (NĐ 158/2005/NĐ-CP); hộ khẩu trước là của Công an cấp huyện, nay chuyển về xã (NĐ 108/2006/NĐ-CP); chứng thực hợp đồng giao dịch về đất đai, chứng thực giấy tờ... trước đây thuộc Phòng công chứng, UBND cấp huyện, nay chuyển về cấp xã (Luật công chứng; Luật đất đai, NĐ 79/2007/NĐ-CP)... Tuy nhiên, đến nay chính quyền cơ sở vẫn chưa có sự tăng cường biên chế, kinh phí vẫn thực hiện theo NĐ 121/2003/NĐ-CP, mặc dù các văn bản pháp luật trên được ban hành sau khi NĐ 121 có hiệu lực.

Các chức danh chuyên trách như ở cơ sở tư pháp, địa chính, văn phòng-thống kê, văn hoá-xã hội...được tuyển chọn đào tạo cơ bản theo chuyên ngành nhưng lại thường xuyên bị thay đổi, luân chuyển. Vì vậy, dẫn đến việc mặc dù được đào tạo nhưng rất nhiều trường hợp không được bố trí đúng chuyên môn, nghiệp vụ làm cho đội ngũ cán bộ cơ sở đã yếu lại càng yếu thêm.

Do yếu kém về năng lực, trình độ nên chính quyền cơ sở ở một số địa phương chưa đưa ra được các biện pháp thiết thực, hiệu quả để triển khai các nhiệm vụ của địa phương mình, nhất là trong vấn đề phát triển kinh tế-xã hội, các giải pháp nhằm nâng cao đời sống của nhân dân.

Nguyên nhân

Thứ nhất, chính quyền cấp trên ở một số nơi chưa chú trọng đến việc xây dựng nội dung, kế hoạch, chương trình phù hợp, cụ thể nhằm giúp đỡ chính quyền cơ sở một cách thiết thực, hiệu quả mà phần lớn còn mang tính hình thức, chung chung và nhiều nơi còn mang tính đối phó, qua loa nên hiệu quả hoạt động chưa cao.

Thứ hai, mặc dù chủ trương hướng về cơ sở là phải hướng đến tận người dân, giúp nâng cao đời sống nhân dân và giúp đỡ chính quyền cơ sở trong hoạt động, quản lý điều hành...Nhưng nhiều đoàn công tác khi xuống cơ sở chỉ nghe báo cáo, xem xét tình hình, chỉ đạo chung chung chứ chưa khảo sát, điều tra để có thể đưa ra được biện pháp, việc làm cụ thể, thiết thực giúp cho chính quyền và nhân dân địa phương tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.

Thứ ba, chưa có sự phối hợp hiệu quả, đồng bộ giữa các cơ quan, ban, ngành; giữa cấp huyện và cấp tỉnh, cấp Trung ương trong việc giúp đỡ chính quyền cơ sở nên đã dẫn đến chồng chéo, trùng lặp, kém hiệu quả.

Để chủ trương hướng về cơ sở đạt hiệu quả cao, giúp cho việc xây dựng chính quyền cơ sở thật sự vững mạnh, nâng cao được đời sống của nhân dân ở cơ sở, theo chúng tôi cần thực hiện các biện pháp sau đây:

Thứ nhất, cần có sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong việc giúp đỡ cơ sở. Theo đó, các cơ quan cấp trên có sự trao đổi thông tin, kế hoạch cụ thể để không trùng lắp, chồng chéo trong hoạt động giúp đỡ chính quyền cơ sở. Một số trường hợp cần kết hợp liên ngành để việc giúp đỡ đạt hiệu quả tốt nhất.

Thứ hai, cần phân công cụ thể từng nhóm các ban, ngành, đoàn thể để giúp đỡ từng địa phương cơ sở cụ thể. Ví dụ, ở tỉnh Kon Tum, Tỉnh uỷ đã ban hành Nghị quyết phân công cụ thể các đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện giúp đỡ, xây dựng đối với từng xã, thôn cụ thể. Việc làm này đã mang lại đạt kết quả rất khả quan, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững và phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt.

Thứ ba, khi hướng hoạt động của mình về cơ sở các cấp, các ngành cần khảo sát, nắm bắt tình hình, đặc điểm của cơ sở để đưa ra được các kế hoạch cụ thể, chi tiết nhằm giúp đỡ chính quyền và nhân dân ở cơ sở đạt hiệu quả cao nhất.

Thứ tư, cần có tổng kết, đánh giá kết quả hoạt động hướng về cơ sở của từng cơ quan, đơn vị nhằm biểu dương, khen thưởng các đơn vị làm tốt, phê bình các đơn vị làm chưa tốt. Bên cạnh đó, rút ra được bài học kinh nghiệm nhằm làm cho việc triển khai công việc ở cơ sở có hiệu quả công tác giúp đỡ chính quyền cơ sở về sau.

Hướng về cơ sở, giúp cơ sở thực hiện hiệu quả những vấn đề kinh tế – xã hội, chẳng những giảm thiểu những băn khoăn vướng mắc của người dân, làm cho nhân dân phấn khởi, tin tưởng mà còn giải toả vấn đề tư tưởng cho chính đội ngũ cán bộ cơ sở, giúp họ ngày càng nâng cao nhận thức, chuyên môn, nghiệp vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Phạm Văn Chung (Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất