Chủ Nhật, 29/9/2024
Diễn đàn
Thứ Tư, 20/5/2009 11:26'(GMT+7)

Thực hiện “Đề án 20.000 Tiến sỹ” của Bộ Giáo dục - đào tạo liệu có tính khả thi?

Trao huy chương cho học viên tốt nghiệp loại xuất sắc và giỏi khoá học 2006 - 2008 của học viện NIIT

Trao huy chương cho học viên tốt nghiệp loại xuất sắc và giỏi khoá học 2006 - 2008 của học viện NIIT

Đây là một đòi hỏi khách quan và bức thiết trong một tương lai rất gần là năm 2020, bởi lẽ từ lâu Đảng và nước Việt Nam đã có chủ trương nhanh chóng nâng cao trình độ học vấn cho đội ngũ cán bộ cốt cán trong tất cả các lĩnh vực hoạt động, nhất là cho lực lượng nòng cốt trong hệ thống chính trị và quản lí xã hội của Nhà nước CHXHCN Việt Nam.  Trong Chiến lược phát triển giáo dục mọi biện pháp cụ thể của nhà nước về tất cả các mặt có liên quan từ cấp trên đến cấp dưới, từ trong nước đến ngoài nước...đều phải hướng vào thực hiện tốt các yêu cầu, nhiệm vụ đó. Song xét trên mọi mặt yêu cầu và điều kiện thực hiện các chỉ tiêu 40.000 TS của Chiến lược hay 20.000 TS của Đề án của Bộ đều là vượt xa khả năng của đất nước, nên muốn hoàn thành kế hoạch thì đương nhiên phải dựa sự giúp đỡ của nước ngoài. Điều cần bàn là cần dựa vào những ai và dựa như thế nào cho có lợi nhất đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Tháng 8-2008 vừa qua Bộ GD&ĐT đã quyết định chỉ dùng tiếng Anh thi vào cao học từ năm 2009. Trước dư luận phản đối mãnh liệt, Bộ dự kiến sẽ sửa đổi theo hướng thống nhất với dự thảo Quy chế đào tạo tiến sĩ mới công bố, trong đó đều cho thi đầu vào thạc sĩ và tiến sĩ tới 5 ngoại ngữ, nhưng trước khi bảo vệ thì bắt buộc mọi NCS phải có chứng chỉ tiếng Anh tương đương với đầu vào. Đây thực chất là những người lấy ngoại ngữ khác để làm luận án thì cuối cùng vẫn phải có chứng chỉ tiếng Anh, nghĩa là họ phải học hai ngoại ngữ bắt buộc, trong khi những người thi vào bằng tiếng Anh thì cứ việc yên chí làm luận án, không phải bận tâm gì đến việc phải thi một ngoại ngữ khác nữa. Bình thường mà nói, có ai ngu dại gì mà thi tiếng Nga, Pháp, Đức...cho nặng gánh gấp đôi, nên kết quả cuối cùng vẫn chỉ còn lại một tiếng Anh trong quá trình đào tạo, nghĩa là vẫn giữ nguyên chủ trương chỉ dùng một tiếng Anh để đào tạo TS. Có thể khẳng định ngay rằng chính sách độc tôn tiếng Anh của Bộ GD&ĐT trên đây là một sai lầm nghiêm trọng, đi ngược lại đường lối đa phương hoá, đa dạng hoá trên con đường hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Đường lối đa phương hoá, đa dạng hoá các quan hệ quốc tế thể hiện ở tinh thần Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước trên các lĩnh vực đôi bên cùng có lợi. Vậy chủ trương từ nay về sau toàn thể đội ngũ trí thức bậc thạc sĩ và tiến sĩ của Việt Nam bắt buộc phải biết và chỉ cần biết tiếng Anh là được, còn các ngoại ngữ khác đều không được công nhận, liệu có làm cho đất nước ta có đủ tiềm lực khoa học-công nghệ để tiến nhanh và đuổi kịp các nền kinh tế tri thức trên thế giới trong thế kỉ 21 này không? Chắc chắn là: không!

Hơn nữa điều này có nghĩa là từ nay Việt Nam hoàn toàn phụ thuộc vào Anh-Mĩ mà không thể dựa vào sự giúp đỡ của các nước tiên tiến khác để đào tạo TS, vì tiếng Nga, Pháp, Đức, Nhật, Trung Quốc v.v...không còn có giá trị nữa. Chính vì vậy mà chúng ta sẽ phải chịu những sức ép rất lớn tác động nhiều chiều từ phía đối tác Mĩ-Anh. Tỉ lệ thành công đến đâu phụ thuộc vào bản lĩnh chính trị và khả năng đối phó trực tiếp của con người Việt Nam với các loại đối tác và đối thủ, thậm chí cả địch thủ này. Bởi vậy ngay từ bây giờ ta không nên giấu giếm, mà cần phải chỉ thẳng ra rằng các nước tư bản Anh, Mĩ đến với Việt Nam không phải đơn thuần xuất phát từ lòng tốt, không hề có ý định muốn giúp Việt Nam nhanh chóng xây dựng thành công CNXH, trái lại chỉ nhằm mục đích phục vụ lợi ích kinh tế và mưu đồ chính trị trước mắt cũng như lâu dài của chủ nghĩa thực dân mới tại Việt Nam, bởi lẽ bằng biện pháp chiến tranh vừa qua Mĩ đã không đạt mục đích, mà còn nhận được bài học lịch sử cay đắng. Ngay khi đội quân xâm lược buộc phải cuốn cờ về nước, các chiến hữu Hoa Kì không quên nhắn nhủ những người bạn cũ rằng người Mĩ sẽ trở lại Việt Nam bằng con đường khác. Và chính giới tư bản thuộc thế hệ con cháu họ đang thực thi những mưu đồ đó bằng nhiều thủ đoạn diễn biến hoà bình hết sức tinh vi nhằm thay đổi màu cờ nước Việt hiện thời. Đây rất có thể là một cơ hội thuận tiện hiếm có đối với Mĩ trong chiến lược trở lại Việt Nam, vì ở đây mọi ý đồ (mục đích) trước mắt cũng như lâu dài của họ tự nhiên được che giấu khéo léo, hợp pháp và được tô vẽ cực kì hấp dẫn bằng những lời lẽ thân thiện, cử chỉ hào hiệp đến khó ngờ trong chính sách ưu tiên giúp đỡ Việt Nam không những chỉ đạt được, mà còn có thể vượt xa mức yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực bậc cao hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á, thậm chí giúp Việt Nam phát triển ngang Hàn quốc trong vong 10 năm tới.

Chiến lược cũng như Đề án của Bộ chủ yếu chỉ dựa vào Anh-Mĩ để đào tạo TS chính là làm tái hiện lại giấc mơ dở dang của đế quốc Mĩ từ khi đưa Ngô Đình Diệm về thẳng tay loại bỏ mọi ảnh hưởng của thực dân Pháp ở miền Nam Việt Nam để độc quyền thống trị, nhưng không thành công, nay bỗng nhiên xuất hiện một cơ hội vàng. Dịp này đế quốc Mĩ sẽ tính toán kĩ cách thức hợp tác với Bộ thực hiện Chiến lược và Đề án đào tạo TS để đạt mục đích trở lại Việt Nam lần thứ hai của họ. Tiếc thay, tuy chúng ta là chủ Chiến lược và Đề án, nhưng khi triển khai lại bị rơi vào thế bất lợi trước một đối tác duy nhất, giàu mạnh gấp bội về mọi mặt, mà chỉ tới mãi gần đây mới rỡ bỏ phong toả để hợp tác với ta trên tư thế kẻ cả, bề trên. Các đối tác khác có tiềm năng hợp tác bình đẳng hơn với Việt Nam để làm đối trọng và có khả năng giúp ta giữ được thế cân bằng mỗi khi bị đối phương mạnh kia o ép, bắt bí, thì nay đã bị các Quy chế của Bộ vô hình trung gạt bỏ mất rồi, khiến ta không còn chỗ dựa nào khác để bảo vệ quyền lợi của mình. Không còn gì phải nghi ngờ cái sự thật tế nhị khó nói ra này.

Biết vậy, Việt Nam vẫn có thể hợp tác với các nước Anh-Mĩ trong lĩnh vực đào tạo TS, song quyết không được gạt bỏ các đối tác truyền thống về giáo dục như Nga, Trung Quốc, Pháp. Vấn đề là phải thực sự biết mình và biết người trong những quan hệ song phương và đa phương để tranh thủ thế có lợi, giữ thế cân bằng và tránh thế bất lợi dẫn tới thua thiệt và thất bại. Cần nhận thức đầy đủ và sâu sắc rằng trong thời kì hội nhập toàn cầu này giáo dục được tất cả các nước coi là trận địa đấu tranh quyết liệt nhất để giành giật nguồn nhân lực và nhân tài về cho mình. Hơn thế nữa, các cường quốc thực dân hiện nay đã không hề úp mở ý đồ lấy giáo dục-văn hoá làm con đường chinh phục thuộc địa kiểu mới (khai thác tài nguyên, bóc lột nhân công và tiêu thụ hàng hoá) một cách nhẹ nhàng, an toàn và rẻ tiền nhất. Do vậy điều cần suy nghĩ ở đây là làm sao đừng tự biến Việt Nam thành một mắt xích trong các lĩnh vực đầu tư mở rộng của những tập đoàn tư bản xuyên quốc gia, để rồi mãi mãi bị phụ thuộc và bị bòn rút tài nguyên và chất xám của Việt Nam. Điều cần đặc biệt cảnh giác và kiên quyết đấu tranh ở đây là không để các thế lực đế quốc thực dân lợi dụng giáo dục-văn hoá để thực hiện chính sách diễn biến hoà bình nhằm thay đổi màu cờ Việt Nam

Có những hiểm hoạ nhãn tiền cần phải đặc biệt cảnh giác để loại bỏ:

1/ Lĩnh vực ưu tiên đào tạo TS.

Đào tạo TS cho những lĩnh vực nào trong tương lai là nằm trong chiến lược và quy hoạch phát triển các ngành nghề cần ưu tiên của Nhà nước Việt Nam. Sẽ chẳng có gì đáng băn khoăn, nếu toàn bộ vấn đề do Việt Nam tự mình giải quyết trong khả năng của mình. Nhưng vì không có đủ lực (nhân lực, vật lực, tài lực), mà ta sẽ phải nhờ Anh-Mĩ hỗ trợ đào tạo ít ra là một nửa số TS theo các dự tính của Chiến lược và Đề án. Vì là nhờ cậy nên phải thương thảo với đối tác về từng lĩnh vực ưu tiên: ta đề những lĩnh cần ưu tiên của ta, đối tác tính toán khả năng ưu tiên phù hợp với mục đích chiến lược của họ. Ở đây mỗi bên đều kiên trì đàm phán đến phút chót để đạt bằng được yêu cầu tối đa cho mục đích của mình. Cần thấy rằng đối tác chỉ đáp ứng đào tạo ở những lĩnh vực có lợi, chứ tuyệt đối không được gây hại gì đối với bản thân họ, vì mục đích cuối cùng của họ bao giờ cũng là lợi nhuận. Chẳng hạn, không bao giờ họ giúp đào tạo để về sau ta có thể vượt lên trong lĩnh vực đang là ưu thế cạnh tranh của họ, nếu có đáp ứng thì cũng chỉ ở trình độ phụ việc mà thôi. Người ta không sẵn sàng, thậm chí còn hạn chế hoặc cấm đào tạo một số ngành khoa học-công nghệ mũi nhọn mà ta mong muốn, ngược lại, rất nhiệt tình mời chào NCS vào học các ngành khoa học xã hội-nhân văn tư bản chủ nghĩa của họ (triết học, xã hội học, chính trị học, kinh tế học, luật học, quản trị kinh doanh, giảng dạy tiếng Anh...). Có khi họ còn ra sức quảng cáo, thuyết phục, ép buộc ta nhận đào tạo TS trong các lĩnh vực khoa học-công nghệ nghe ra rất có tương lai và triển vọng phát triển có lợi (kì thực chỉ lợi đối với họ, chứ đâu phải là cho ta). Tựu chung là nhiều khi ta vẫn cứ phải chấp nhận những đòi hỏi vô lí của đối tác duy nhất này, chứ không dễ gì chọn được những ngành nghề phù hợp với các nhu cầu của ta. Bởi vì theo tập tục người Tây là ai bỏ tiền ra thì người ấy có quyền gọi thực đơn trước, nên sẽ chẳng có mấy món hợp với khẩu vị của ta cả. Ngoài ra con số NCS tự do, tự túc hoặc nhận học bổng phi chính phủ cũng không phải nhỏ, và họ cũng không bị dàng buộc theo yêu cầu của nhà nước. Tóm lại, soạn thảo Chiến lược và lập Đề án mà trong số hàng vạn NCS sang Anh-Mĩ không biết có bao nhiêu người chọn ngành nghề chuyên môn theo nhu cầu và mục đích sử dụng nhân tài của nhà nước, còn lại bao nhiêu TS sẽ hành nghề theo nguyện vọng và quyền lợi riêng của mình và của nước ngoài, thì đó là vấn đề rất đáng quan ngại.

2/ Đối tượng ưu tiên đào tạo TS.

Để đưa đi đào tạo TS ở nước ngoài bất cứ Nhà nước nào cũng đều tuyển chọn và khuyến kích những thanh niên ưu tú có triển vọng nhất. Những NCS du học tới đây chắc chắn sẽ là toàn bộ những cử nhân giỏi nhất, tốt nhất của Việt Nam. Nhưng bước vào đào tạo thì Việt Nam phải hoàn toàn phó mặc và phụ thuộc vào sự định đoạt về các mặt tổ chức và chuyên môn của phía Anh, Mĩ...Đáng quan tâm nhất là chủ trương phân loại học lực NCS thành các lớp giỏi và thường để phân ngành đào tạo. Những NCS qua sát hạch ban đầu thuộc loại giỏi trong các lĩnh vực khoa học-công nghệ thường được chính phủ và các công ti tư bản đặc biệt quan tâm đầu tư mọi mặt, tạo mọi điều kiện thuận lợi để họ sớm thành đạt và sẵn sàng gắn bó lâu dài với những ngành ưu tiên phát triển và có khả năng tăng nhanh sức cạnh tranh trong WTO. Những NCS tỏ ra xuất sắc trong quá trình nghiên cứu thường được họ hứa hẹn, thậm chí kí hợp đồng trước khi tốt nghiệp với những điều kiện hấp dẫn về vị trí, điều kiện làm việc và chế độ đãi ngộ. Thực tế cho thấy ít có trường hợp từ chối những sự ưu ái như vậy. Đây chính là một cách thu hút chất xám có hiệu quả nhất xưa nay của Mĩ, mà các nước đang phát triển chưa có cách gì ngăn cản nổi. Còn số NCS loại thường, tuy chiếm tuyệt đại đa số, nhưng cũng vẫn được phía Mĩ-Anh rất chú trọng, chỉ có điều là từ góc độ của một mục đích đào tạo khác, sâu xa hơn và tinh vi hơn, khiến cho ít có người nhận ra ngay. Số NCS loại này thường được ưu tiên xếp vào học các ngành khoa học xã hội-nhân văn, các lĩnh vực quản lí xã hội, kinh tế, thương mại, kinh doanh, văn hoá...với những chính sách, chế độ ưu đãi khác hơn hẳn so với lớp trên. Trước tiên là chương trình sẽ cắt giảm nhiều nội dung đào tạo không cần thiết đối với người nước ngoài (nhưng thực là sự cần thiết đối với những NCS của chính quốc để họ có thể giữ được bí quyết nghề nghiệp và lợi thế cạnh tranh), hướng dẫn ưu tiên lựa chọn những đề tài có lợi trực tiếp cho nước sở tại, khuyến khích hoàn thành khoá học trước thời hạn. Cũng không ít trường hợp một số NCS đặc biệt nào đó được nhà trường cố tình đánh giá kết quả cao vọt lên, quảng cáo và tô vẽ một số nét khác biệt nào đó để làm vốn trước khi cho TS vinh quy bái tổ...Tuy phân loại để đào tạo, nhưng chung quy cả hai loại vẫn được cấp chung một tấm bằng mang thương hiệu USA. Song chỉ có nhóm TS thực tài kia mới có giá trị cao ở cả Mĩ và trên thế giới, còn loại TS bình thường (hữu nghị hoặc chiếu cố) chiếm số đông hơn và không có giá trị gì đáng kể ở Mĩ, nhưng vẫn được đánh giá cao ở Việt Nam chỉ vì mác USA mặc nhiên được coi là “chất lượng, đẳng cấp quốc tế”. Chẳng thế mà tệ nạn mua bán bằng rất phát triển và công khai ở các nước Anh-Mĩ, như một công nghệ cấp bằng rởm, bằng giả cho những người nước ngoài muốn có tấm bằng USA để về nước lập nghiệp rồi làm “đối tác”, “đại lí”... cho các hãng chính quốc. Còn các TS từ Pháp, Nga, Đức, Nhật...về nước có bằng USA bằng tiếng Anh thì không thể có được vị trí làm ăn trên cái “thế giới phẳng” thực dân mới!

Tóm lại, cách phân loại đào tạo như vậy có lợi cho Mĩ bao nhiêu, thì trái lại khiến ta càng phải suy nghĩ kĩ lưỡng bấy nhiêu trước khi đưa người gửi của đi đào tạo ở nước ngoài để sao cho có thể thu được phần nào lợi ích, mà vẫn không bị rút cả não và rỗng cả ruột.

3/ Vị trí xã hội ưu tiên của TS.

Theo lẽ thường thì những việc tuyển dụng, bố trí công tác cán bộ cao cấp thuộc thẩm quyền quyết định của Nhà nước Việt Nam. Song trên thực tế ở đây lại khác. Theo thông lệ của thế giới tư bản thì quyền quyết định cuối cùng trong hợp tác kinh doanh (giáo dục-đào tạo cũng là kinh doanh) thuộc về người bỏ vốn nhiều hơn (tiền của, phương tiện, nhân lực theo họ cũng đều là vốn, là tư bản cả). Cho nên số TS do các nước ấy đào tạo thực chất cũng sẽ do chính họ định đoạt, xếp đặt vị trí chuyên môn, xã hội ở Việt Nam trước khi các cơ quan tổ chức của Việt Nam xem xét, cất nhắc. Rõ ràng là những TS giỏi thuộc các ngành khoa học-công nghệ phần lớn được nước ngoài bố trí vào những vị trí chuyên môn tương xứng trong các cơ quan, doanh nghiệp của họ thông qua các hợp đồng kí kết riêng với từng TS rồi. Số ít còn lại cùng với những TS khoa học xã hội-nhân văn được họ khuyến khích về nước đều sẽ nhận những nhiệm vụ quan trọng đang chờ sẵn. Vì biết rằng nhà nước Việt Nam có quy định tiêu chí bằng cấp cho những thứ bậc chức vụ công tác khác nhau trong cơ quan chính quyền nhà nước, nên người Mĩ đặc biệt quan tâm đến nguồn lực TS này và sẵn sàng bỏ công, bỏ của giúp Việt Nam bằng mọi cách đào tạo càng nhanh càng nhiều các chuyên gia cấp cao để sớm thoả mãn nhu cầu cán bộ lãnh đạo, quản lí ở tất cả các ngành từ trung ương đến địa phương. Với tấm bằng mang thương hiệu USA thì khoảng mấy vạn TS này khi về nước chắc chắn sẽ được nhận những vị trí cao nhất, quan trọng nhất, vì đó chính là mục đích và yêu cầu của Nhà nước đặt ra cho bộ Giáo dục thực hiện. Anh-Mĩ nắm được mục đích, nhu cầu đó và sung sướng biến nó thành của mình. Những TS loại thường lại nắm những trọng trách trong hệ thống chính trị Việt Nam, nhưng không thể là những đối tác ngang tài ngang sức với các chuyên gia bậc thầy từ Anh-Mĩ sang được, cộng thêm cái tâm lí sùng bái Anh-Mĩ nữa thì các nhà lãnh đạo mang bằng TS USA này sẽ sẵn sàng tỏ ra thông minh và mẫn cán làm theo sự chỉ bảo của những ông thầy danh tiếng, đẳng cấp quốc tế ấy trong quá trình hợp tác. Những “lời khen” của chuyên gia quốc tế bậc thầy sẽ càng củng cố thêm vững chắc vị trí xã hội và cơ hội tiến thân hơn nữa của học trò. Đó mới chính là nguy cơ tiềm ẩn thực sự đối với chủ ngiã xã hội, và là vận hội xưa nay chưa từng có đối với chủ nghĩa thực dân mới. Điều này càng làm sáng tỏ lí do Mĩ-Anh ưu tiên lựa chọn các ngành khoa học xã hội-nhân văn để đào tạo TS có chất lượng quốc tế kiểu Mĩ cho Việt Nam. Rõ ràng là hai đối tác trong chương trình đào tạo TS tưởng chừng như đã có cùng mục tiêu cả về số lượng và chất lượng, thì tự nhiên sẽ đều cùng có chung một mục đích cuối cùng, nhưng tiếc thay bản chất lại không phải thế. Việt Nam đào tạo nhằm mục đích chuẩn bị đội ngũ lãnh đạo, quản lí cấp cao để đảm trách sứ mệnh đẩy nhanh công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Còn Mĩ-Anh đào tạo giúp Việt Nam những TS chất lượng đẳng cấp quốc tế (thương hiệu USA chiếu cố) trăm phần trăm ấy nhằm mục đích khiến cho họ chỉ có thể đưa Việt Nam tiến lên theo con đường mà các thầy Mĩ-Anh đã dạy. Đơn giản là vì các giáo sư USA xưa nay chỉ có thể đào tạo được TS mác USA – những nhà khoa học không hề được phép biết những con đường khác Mĩ, hoạ chăng nếu có được biết đến con đường XHCN thì nó cũng đã bị xuyên tạc và bôi đen từ trước rồi. Với một đội quân khoa học mác USA hùng hậu thế này mà lại giữ hết (không thể khác được) các vị trí cao nhất, quan trọng nhất trong bộ máy nhà nước và cả hệ thống chính trị của Việt Nam, người ta có thể hoàn toàn không cần dùng đến thủ đoạn cách mạng màu vàng hay da cam gì như ở một số nước nào đó nữa cả, mà vẫn thực hiện được lời hứa trở lại Việt Nam bằng con đường khác một cách ngoạn mục. Bởi lẽ họ đã chớp được thời cơ và sớm chuẩn bị đầy đủ, chu đáo một cơ sở xã hội vững chắc và đáng tin cậy nhất sẵn sàng nghênh tiếp những ân nhân của mình trở lại đất Việt. Con đường khác ấy hiện ra trước mắt chúng ta là thế đấy! Tóm lại, nếu không khôn khéo và kiên quyết thì những Chiến lược, Đề án đào tạo TS sẽ không phục vụ mục đích cách mạng XHCN của Việt Nam./.

Bùi Hiền, Phó Chủ tịch Hội CGC ĐHQG Hà Nội

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất