Chủ Nhật, 29/9/2024
Diễn đàn
Thứ Sáu, 22/5/2009 7:34'(GMT+7)

Sử dụng các giải pháp tiền tệ, tín dụng để kích cầu đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2009

Khủng hoảng tài chính bắt đầu từ Mỹ vào cuối năm 2007, nhanh chóng lan ra toàn cầu, gây hậu quả nghiêm trọng và kéo dài đối với nền kinh tế thế giới. Theo những ý kiến lạc quan nhất, phải đến năm 2010 kinh tế thế giới mới có thể phục hồi tăng trưởng. Mặc dù Việt Nam không nằm trong tâm khủng hoảng nhưng nền kinh tế nước ta cũng chịu ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu. Chính phủ Việt Nam đã và đang thể hiện sự quyết tâm cao độ ngăn chặn suy giảm kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội bằng việc nhanh chóng triển khai hàng loạt biện pháp cấp bách và quyết liệt.

Năm 2009, cuộc khủng khoảng tài chính tiếp tục đẩy kinh tế thế giới lún sâu vào vòng xoáy suy thoái. Theo các dự báo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng âm trong năm 2009. Trong đó, có tới 94/116 nước sẽ bị chậm đà tăng trưởng, kinh tế thế giới sẽ suy giảm từ 0,5% đến 1%, các nước phát triển sẽ suy giảm khoảng 3% - 3,5%. Theo đó, thương mại toàn cầu sụt giảm lần đầu tiên kể từ năm 1982. Theo dự báo của IMF, thương mại toàn cầu năm 2009 là âm 2,9%. Tình trạng mất việc làm gia tăng ở hầu hết các nước do sản xuất đình đốn, tỷ lệ thất nghiệp ở một số nước có khả năng lên đến mức hai con số. Để đối phó với tình trạng trên, chính phủ nhiều nước đã thực hiện các gói giải pháp để ngăn chặn suy thoái kinh tế. Tính đến nay, tổng trị giá các gói giải pháp của chính phủ các nước đưa ra đã lên tới khoảng 9.500 tỉ USD, chiếm gần 17% GDP toàn cầu năm 2008. Trong quý I-2009, có 15 ngân hàng trung ương trên thế giới liên tục điều chỉnh giảm lãi suất chủ đạo và tăng khả năng thanh khoản cho thị trường nhưng chưa thể khôi phục được lòng tin của các nhà đầu tư và công chúng. Ngoài ra, Hội nghị Thượng đỉnh G20 được tổ chức tại Luân Đôn (Anh) vừa qua, gồm những quốc gia giàu mạnh chiếm tới 85% nền kinh tế thế giới, đã quyết định đưa thêm 1.000 tỉ USD để giúp các nền kinh tế bị ảnh hưởng nhiều nhất của cuộc khủng hoảng, để gia tăng thương mại toàn cầu.

Không nằm ngoài ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng toàn cầu, nền kinh tế nước ta cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Các chỉ tiêu kinh tế của năm 2008 đều giảm so với năm 2007. Trước tình hình đó, ngày 11-12-2008 Chính phủ đã ban hành Nghị Quyết số 30/2008/NQ-CP về những giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Trong đó, Chính phủ xác định nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách là phải tập trung mọi nỗ lực để chủ động ngăn chặn suy giảm kinh tế, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh xuất khẩu, kích cầu đầu tư và tiêu dùng, bảo đảm an sinh xã hội, phấn đấu tăng trưởng kinh tế năm 2009 đạt mục tiêu đề ra. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành các quyết định về việc hỗ trợ lãi suất cho các tổ chức, cá nhân vay vốn ngân hàng nhằm tháo gỡ khó khăn, giảm giá thành sản phẩm hàng hóa, duy trì sản xuất, kinh doanh và việc làm.

Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ theo hướng linh hoạt và chủ động nhằm kiểm soát mức tăng tổng phương tiện thanh toán và tín dụng đối với nền kinh tế, sử dụng hiệu quả các công cụ lãi suất và tỷ giá, bảo đảm phù hợp với các mục tiêu kinh tế vĩ mô và các giải pháp ngăn chặn suy giảm kinh tế. Theo đó, từ đầu năm 2009 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp sau:

- Tập trung chỉ đạo, điều hành toàn hệ thống ngân hàng triển khai khẩn trương và có hiệu quả cơ chế hỗ trợ lãi suất cho các tổ chức, cá nhân vay vốn ngân hàng để sản xuất kinh doanh theo Quyết định số 131/QĐ-TTg ngày 23-1-2009, Quyết định số 443/QĐ-TTg ngày 04-4-2009 của Thủ tướng Chính phủ. Ngay sau khi các quyết định của Chính phủ được ban hành, Ngân hàng Nhà nước đã khẩn trương ban hành các thông tư hướng dẫn, tổ chức phổ biến quán triệt và chỉ đạo đẩy mạnh triển khai trong toàn ngành. Nhờ đó, các tổ chức, cá nhân đã tiếp cận được vốn ngân hàng với chi phí thấp, giảm giá thành sản phẩm, duy trì sản xuất kinh doanh và việc làm, từng bước khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới. Tính đến ngày 10-4-2009, tổng số dư nợ cho vay theo chương trình hỗ trợ lãi suất đạt 218.424 tỉ đồng. Cùng với các giải pháp khác của Chính phủ, cơ chế hỗ trợ lãi suất bước đầu đã có tác động tích cực và nhận được sự đồng tình ủng hộ của toàn xã hội.

- Điều hành các công cụ chính sách tiền tệ linh hoạt, điều chỉnh giảm các mức lãi suất chủ đạo để tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay. Cụ thể: Lãi suất cơ bản bằng VND giảm xuống 7%/năm; lãi suất tái cấp vốn giảm xuống 7%/năm; lãi suất tái chiết khấu xuống 5%/năm; giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi VND không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 12 tháng xuống 3%, kỳ hạn từ 12 tháng trở lên xuống 1%; giảm lãi suất tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc bằng VND và USD của tổ chức tín dụng và lãi suất tiền gửi bằng ngoại tệ của Kho bạc Nhà nước; giảm lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước với các ngân hàng thương mại.

- Về tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh nới rộng biên độ tỷ giá giữa VND và USD từ ± 3 % lên ± 5 %, nhằm giúp tỷ giá giao động hai chiều linh hoạt hơn, bám sát cung cầu ngoại tệ trên thị trường, tạo điều kiện cho các ngân hàng và doanh nghiệp chủ động lập phương án sản xuất kinh doanh trong năm 2009. Các biện pháp chấn chỉnh hoạt động trên thị trường ngoại hối cũng được thi hành đồng bộ với các hoạt động thanh tra, kiểm tra của Ngân hàng Nhà nước nhằm ngăn ngừa vi phạm các quy định về quản lý ngoại hối.

- Phát huy tối đa công cụ nghiệp vụ thị trường mở, theo đó, Ngân hàng Nhà nước điều hành linh hoạt nghiệp vụ thị trường mở, tăng cường các phiên giao dịch thị trường mở, trong đó chủ yếu là mua lại giấy tờ có giá để đáp ứng tốt khả năng thanh khoản cho nền kinh tế, đồng thời định hướng biến động lãi suất thị trường mở phù hợp với xu hướng điều chỉnh giảm lãi suất cơ bản.

- Ban hành cơ chế lãi suất thỏa thuận của tổ chức tín dụng đối với việc cho vay đáp ứng vốn cho nhu cầu tiêu dùng. Với mức lãi suất phù hợp, tốc độ mở rộng cho vay tiêu dùng của các ngân hàng thương mại, công ty tài chính đã có xu hướng tăng lên trong những tháng đầu năm 2009.

- Xây dựng và triển khai Kế hoạch hành động về các giải pháp tiền tệ, tín dụng và ngân hàng nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP và Nghị quyết số 01/NQ-CP. Thành lập Tổ công tác xử lý khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong quan hệ tín dụng với ngân hàng tại địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội; duy trì đường dây nóng của Ngân hàng Nhà nước để tiếp nhận, xử lý thông tin, khiếu nại tố cáo của người dân và doanh nghiệp liên quan đến việc thực hiện cơ chế hỗ trợ lãi suất.

Các giải pháp về điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng được triển khai đồng bộ, quyết liệt, phù hợp với chủ trương kích cầu của Chính phủ đã đem lại những kết quả khả quan và tạo niềm tin của nhà đầu tư và nhân dân đối với hệ thống ngân hàng và các giải pháp kích cầu của Chính phủ. Cụ thể là:

- Tổng phương tiện thanh toán và tín dụng cho nền kinh tế đã có xu hướng tăng. Điều này phù hợp với xu hướng nới lỏng tiền tệ và chính sách kích cầu của Chính phủ. Tính đến ngày 31-3-2009, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế ước tăng 5,13%; tổng phương tiện thanh toán ước tăng 7,92% so với cuối năm trước. Điều này cho thấy kết quả tích cực trong việc ngăn chặn nguy cơ "đóng băng" tín dụng, đồng thời thể hiện khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế trong giai đoạn còn nhiều khó khăn.

- Lãi suất thị trường đã giảm khá lớn so với những tháng cuối năm 2008, lãi suất cho vay tối đa chỉ còn 10,5%/năm.

- Tỷ giá giữa VND và USD được duy trì ổn định. Tỷ giá giao dịch bình quân USD/VND trên thị trường liên ngân hàng có tăng so với cuối năm 2008, nhưng phù hợp với các cân đối kinh tế vĩ mô và diễn biến tỷ giá của các ngoại tệ mạnh và các đồng tiền trong khu vực.

- Hoạt động của các tổ chức tín dụng tiếp tục được mở rộng và an toàn. Các ngân hàng thương mại bảo đảm tỷ lệ khả năng chi trả ngắn hạn lớn hơn 100%, chấp hành tốt các quy định về các tỷ lệ bảo đảm an toàn, không có ngân hàng thương mại nào gặp khó khăn về khả năng thanh toán.

Trong những tháng tiếp theo của năm 2009 và đầu năm 2010, nền kinh tế Việt Nam có thể còn tiếp tục gặp khó khăn do xuất khẩu sụt giảm, nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng chậm. Theo đánh giá của một số tổ chức tài chính, tiền tệ quốc tế, tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng trong khoảng từ 4,5% đến 5,5%. Sự nhận định này cho thấy triển vọng của nền kinh tế Việt Nam vẫn còn tốt hơn rất nhiều so với các nước được dự báo sẽ tăng trưởng âm trong năm 2009. Các biện pháp quyết liệt và cấp bách của Chính phủ sẽ tiếp tục phát huy tác dụng, nền kinh tế Việt Nam với những cố gắng nội lực sẽ vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt để tăng trưởng. Các tín hiệu gần đây cho thấy, nền kinh tế nước ta sẽ hồi phục trong thời gian cuối năm 2009.

Những tháng còn lại của năm 2009, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ theo hướng nới lỏng một cách phù hợp, thận trọng, bảo đảm cân đối giữa việc thực hiện mục tiêu kích cầu của Chính phủ và mục tiêu ổn định giá cả, lãi suất, tỷ giá và bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng. Các công cụ chính sách tiền tệ sẽ được sử dụng một cách linh hoạt, đồng bộ với chính sách tài khóa, chính sách thương mại để ổn định thị trường tiền tệ, tăng thanh khoản cho các tổ chức tín dụng nói riêng và nền kinh tế nói chung, bảo đảm lãi suất và tỷ giá biến động phù hợp với các điều kiện thực tế và các mục tiêu kinh tế vĩ mô.

Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, chính quyền các cấp triển khai đồng bộ, khẩn trương cơ chế hỗ trợ lãi suất theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Các biện pháp thanh tra, kiểm tra, giám sát và tổ chức thực hiện cơ chế hỗ trợ lãi suất tiếp tục được quan tâm chú trọng để hạn chế những phát sinh tiêu cực trong quá trình thực hiện. Ngoài ra, cơ chế tín dụng thông thường cũng được rà soát, chỉnh sửa, mở rộng tín dụng đối với nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại tăng cường huy động vốn để mở rộng tín dụng có hiệu quả, bố trí vốn cho các dự án, chương trình tín dụng theo chủ trương khuyến khích kích cầu của Chính phủ, đồng thời làm tốt công tác thông tin tuyên truyền cho doanh nghiệp và người dân hiểu đúng về tình hình hoạt động ngân hàng, hạn chế những tác động xấu do yếu tố tâm lý.

Với một hệ thống các giải pháp được thực hiện kịp thời và đồng bộ, sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bộ, ngành, địa phương bước đầu chúng ta đã gặt hái được những kết quả quan trọng, tạo động lực tốt cho các nỗ lực tiếp theo trong công cuộc chống suy giảm kinh tế. Chúng ta hoàn toàn tin tưởng rằng, nền kinh tế nước ta sẽ sớm vượt qua khó khăn và lấy lại đà tăng trưởng vốn có./.

Nguyễn Văn Giàu

TS, Ủy viên Trung ương Đảng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

(Theo Tạp chí Cộng sản điện tử)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất