Chủ Nhật, 29/9/2024
Diễn đàn
Thứ Ba, 19/5/2009 10:55'(GMT+7)

Chống chủ nghĩa cá nhân, chống nguy cơ suy thoái của Đảng cầm quyền

Đại biểu học sinh Trường Trung học Trưng Vương (Hà Nội) đến chúc thọ Chủ tịch Hồ Chí Minh (tháng 5-1956). Ảnh DT sưu tầm

Đại biểu học sinh Trường Trung học Trưng Vương (Hà Nội) đến chúc thọ Chủ tịch Hồ Chí Minh (tháng 5-1956). Ảnh DT sưu tầm

Và cũng chính Hồ Chí Minh, từ rất sớm đã chỉ ra chủ nghĩa cá nhân, kẻ địch “nội xâm” của những người cộng sản, một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng, trong các tác phẩm của Người từ năm 1927 đến năm 1969 - khi Người rời xa chúng ta trở về với thế giới người hiền.

Cùng những hoạt động tích cực, Nguyễn Ái Quốc ở Quảng Châu trong những năm 1925-1927, chuẩn bị về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam sau đó, một trong những vấn đề được Người đặc biệt quan tâm là giáo dục đạo đức cách mạng cho lớp cán bộ cốt cán đầu tiên. Điều này được thể hiện rõ trong 23 điều răn về Tư cách người cách mệnh (tác phẩm Đường Kách mệnh, xuất bản đầu năm 1927). Theo Người, sự rèn luyện và nêu gương đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân của những người cộng sản là một trong những yêu cầu quan trọng để phòng chống nguy cơ suy thoái của Đảng Mác xít chân chính.

Điều này càng được Hồ Chí Minh lưu tâm hơn khi Đảng ta sau 15 năm xây dựng và trưởng thành, đã lãnh đạo nhân dân tiến hành cuộc cách mạng tháng Tám 1945, giành chính quyền thành công trong cả nước. Cùng với thắng lợi trọng đại đó, Đảng trở thành Đảng cầm quyền, trực tiếp lãnh đạo cách mạng trong điều kiện có chính quyền. Trước vị thế mới với những trọng trách mới, Đảng cũng đồng thời đứng trước một thực tế, đó là làm thế nào để quyền lực cùng những đặc quyền từ quyền lực không làm tha hoá Đảng, không làm biến chất cán bộ, đảng viên, để Đảng cầm quyền vừa là người lãnh đạo, vừa là người đày tớ thật trung thành của nhân dân.

Tiên lượng trước những thuận lợi cùng khó khăn này, trong những ngày đầu giữ cương vị Chủ tịch nước, Hồ Chí Minh đã tuyên bố chống quan liêu, chống lại những thói hư, tật xấu, xây dựng một Chính phủ liêm khiết với đội ngũ cán bộ là “công bộc của dân”. Tuy nhiên, có những cán bộ, đảng viên ít nhiều khi có quyền hạn trong tay, trở nên kiêu ngạo, quan liêu, xa xỉ, phạm vào tham ô, lãng phí, “không tự giác, mà biến thành người có tội với cách mạng”. Hiện tượng này đã được Hồ Chí Minh cảnh báo kịp thời khi viết Thư gửi Uỷ ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng ngày 17-10-1945. Trong thư, Người chỉ ra những lỗi lầm nặng nề mà các nhân viên nhà nước, những người được coi là “công bộc” của dân, do nhân dân tin cậy và Đảng trao trọng trách đã phạm phải như: trái phép, cậy thế, hủ hoá, tư túi, kiêu ngạo, chia rẽ, v.v..

Khi cuộc kháng chiến chống Pháp đang ở vào giai đoạn gay go, quyết liệt, Hồ Chí Minh đã có hai bức thư Gửi các đồng chí Bắc Bộ tháng 3-1947 và Gửi các đồng chí Trung Bộ năm 1947 và tiếp đó, từ những cảnh báo rất sớm của Hồ Chí Minh, có thể thấy, Người đã tiên liệu được tình hình, đã dự báo chính trị về những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân - nguy cơ suy thoái của một Đảng cầm quyền. Sau nữa, qua tác phẩm Sửa đổi lối làm việc tháng 10-1947, Đạo đức cách mạng tháng 12-1958, Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghiã cá nhân tháng 2-1969 và cuối cùng là Di chúc, Hồ Chí Minh nhất quán khẳng định: chủ nghĩa cá nhân là nguồn gốc của những căn bệnh, làm tha hoá, hư hỏng đội ngũ cán bộ đảng viên, làm suy thoái Đảng Cộng sản.

Chủ nghĩa cá nhân là vết tích xấu xa của xã hội cũ, “là một thứ rất gian giảo, xảo quyệt; nó khéo dỗ dành người ta đi xuống dốc. Mà ai cũng biết rằng xuống dốc thì dễ hơn lên dốc. Vì thế mà càng nguy hiểm”(1). Đó là thứ vi trùng mẹ, đẻ ra nhiều bệnh khác, trái với đạo đức cách mạng. Chừng nào chủ nghĩa cá nhân còn lại trong mình, dù thật ít, chừng đó, nó sẽ che lấp đạo đức cách mạng, “ngăn trở” người cán bộ đảng viên đấu tranh cho sự nghiệp cách mạng, làm mất lòng tin cậy của dân, hại đến uy tín của Chính phủ và làm Đảng không còn trong sạch, vững mạnh. Cũng theo Hồ Chí Minh, chủ nghĩa cá nhân là một trở ngại lớn cho việc xây dựng CNXH, cho nên, thắng lợi của CNXH do Đảng Cộng sản lãnh đạo không thể tách rời thắng lợi của cuộc đấu tranh “trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân”.

Từ đó, Hồ Chí Minh chỉ ra một số biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, những vi khuẩn thâm nhập vào “cơ thể Đảng”, là “kẻ địch nội xâm” trong Đảng, làm giảm nguồn sức mạnh nội lực, sự đoàn kết thống nhất của Đảng, và biến Đảng thành xa lạ, đối lập với nhân dân. Người đặc biệt nhấn mạnh tác hại của chủ nghĩa cá nhân và đề cập nó một cách cụ thể trong tác phẩm Đạo đức cách mạng và Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghiã cá nhân.

Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh rằng: Đảng là đội tiền phong của giai cấp và dân tộc, nhưng Đảng cũng ở trong xã hội, vì vậy “cũng mang trong mình hoặc nhiều hoặc ít vết tích xấu xa của xã hội đó về tư tưởng, thói quen” và vết tích nguy hiểm nhất, xấu xa nhất đó chính là chủ nghĩa cá nhân. Thực tế cũng cho thấy, bên cạnh những người con ưu tú của Đảng, sẵn sàng đặt lợi ích của Đảng, của Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết, trước hết, vẫn còn có không ít cán bộ đảng viên mang nặng chủ nghĩa cá nhân, chưa làm được bốn chữ “chí công vô tư”, “việc gì cũng nghĩ đến lợi ích của riêng mình trước hết. Họ không lo “mình vì mọi người” mà chỉ muốn “mọi người vì mình”(2). Đó là những người “tự thấy mình cái gì cũng giỏi”, ngại gian khó, sa vào kiêu ngạo, hiếu danh, tự ái, thiếu kỷ luật là những thứ bệnh nguy hiểm do chủ quan, hẹp hòi, ích kỷ, tham lam, do cá nhân chủ nghĩa mà ra.

Lênin - người thầy của cách mạng vô sản thế giới đã từng coi kiêu ngạo là kẻ thù của Đảng cầm quyền, và cùng với thói tự ái, óc lãnh tụ sẽ gây mất dân chủ trong Đảng. Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ, từ những căn bệnh này, dẫn đến việc không tôn trọng, lắng nghe ý kiến của quần chúng, không phát huy được tính tính cực trong mỗi đảng viên, trong từng quần chúng, do đó Đảng cũng không thể tập hợp được quần chúng, lãnh đạo được quần chúng. Đặc biệt hơn, những cán bộ đảng viên có những biểu hiện nêu trên, đã “luôn đặt lợi ích của mình lên trên lợi ích của Đảng, của dân tộc”, luôn “tự tư tự lợi”, gây mất đoàn kết, chia rẽ nội bộ Đảng, làm mất dân chủ trong Đảng. Họ luôn “dùng của công làm việc tư”, “tự cao, tự đại, ham địa vị, hay lên mặt”, chỉ ưa người khác “tâng bốc mình, khen ngợi mình”, “ưa sai khiến người khác”, “không lấy Đảng làm nền tảng. Mình muốn làm thế nào thì làm thế ấy”, “tỏ ra khinh thường kỷ luật của Đoàn thể, làm rối loạn hàng ngũ của Đoàn thể”,v.v… Kết quả là quần chúng không ưa, không phục, càng không yêu quý họ, rời xa họ và chung quy là họ “không làm nên trò trống gì”.

Hồ Chí Minh nêu rõ, “vì dựa vào thế lực của Đảng để theo đuổi mục đích riêng của mình”(3), những người đó đã mắc bệnh “công thần”, “ham chuộng hình thức”, “thích lối làm việc bàn giấy”, “hiếu danh”, “thích địa vị”, cố chạy chức, chạy quyền. Họ tự đắc, coi mình là “người của Mặt trận’, “là cựu chính trị phạm”, nên chủ quan, không cần học hỏi và coi khinh lý luận, do đó thiếu năng lực lãnh đạo. Mặt khác, cũng có người cậy mình được đào tạo, có bằng cấp, coi thường thực tiễn, thiếu lý luận nên thành thủ cựu. Những người phạm lỗi này “đáng phải trừng phạt”, nhưng vì cảm tình nể nang mà họ nương nhẹ các khuyết điểm, che đậy cho nhau, “lừa dối cấp trên, giấu giếm Đoàn thể”, thành thử “ngày càng hủ hoá, càng hỏng việc”. Vì còn nặng cá nhân chủ nghĩa, họ, người ít, người nhiều “không những không biết sửa lỗi mình mà còn khinh thường kỷ luật” và như vậy “nếu kỷ luật của Đoàn thể lỏng lẻo, những phần tử phản động sẽ có cơ hội chui vào hàng ngũ ta để phá hoại Đoàn thể ta”(4).

Hồ Chí Minh cũng đã nhấn mạnh rằng, ỷ thế vào quyền hạn và trách nhiệm được trao, ỷ thế vào quyền lực tại các cơ quan công quyền, một số cán bộ, đảng viên mắc phải căn bệnh địa phương chủ nghĩa, óc bè phái, kéo bè kéo cánh, óc hẹp hòi, chỉ chăm chú lợi ích của địa phương mình mà không nhìn đến lợi ích của toàn bộ. Đối với họ, “Ai hẩu với mình thì dù nói không đúng cũng nghe, tài không có cũng dùng. Ai không thân với mình thì dù họ có tài cũng tìm cách dìm họ xuống, họ nói phải mấy cũng không nghe”(5). Dù nguỵ biện thế nào, đó cũng là tư tưởng mị dân, cục bộ, trái với lý tưởng và đạo đức cộng sản, dễ đẩy con người vào con đường vụ lợi, xa rời mục tiêu của CNXH.

Hồ Chí Minh nêu kết luận: những chứng bệnh này rất nguy hiểm, dẫn đến “trong Đảng thì không biết cất nhắc những người tốt, sợ người ta hơn mình; ở ngoài Đảng thì khinh người, cho ai cũng không cách mạng, không khôn khéo bằng mình…vì thế mà người ta uất ức và mình thành ra cô độc”(6). Tất cả những biểu hiện cá nhân chủ nghĩa, dưới hình thức nào cũng đều “rất tai hại cho Đảng, làm hại cho sự thống nhất”, “làm cho Đoàn thể mất cán bộ, kém nhất trí, thường hỏng việc”, và “không thể phát triển” vì làm mất sự thân ái, đoàn kết, gây mối nghi ngờ giữa những người đồng chí.

Không dừng lại, Hồ Chí Minh còn chỉ ra căn bệnh óc quân phiệt, quan liêu, “chỉ biết khai hội, viết chỉ thị, xem báo cáo trên giấy, chứ không kiểm tra đến nơi, đến chốn”(7); bệnh lãng phí sức lao động, thời giờ, tiền của nhân dân; bệnh tham ô, tham nhũng, xa hoa, “ăn cắp của công làm của tư”, “đục khoét của nhân dân”, “ăn bớt của bộ đội”, v.v.. vốn là con đẻ của chủ nghĩa cá nhân, có nguồn gốc sâu sa, tác hại to lớn, trực tiếp làm suy thoái đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên. Theo Hồ Chí Minh, “những kẻ tham ô, lãng phí và quan liêu thì phá hoại tinh thần, phí phạm sức lực, tiêu hao của cải của Chính phủ và nhân dân. Tội lỗi ấy cũng nặng như tội lỗi Việt gian, mật thám”(8). Người cũng nói, chủ nghĩa cá nhân đẻ ra bệnh hữu danh, vô thực, “làm việc không thiết thực, không từ chỗ gốc, chỗ chính”, “làm cho có chuyện, làm lấy rồi”; bệnh cận thị, không nhìn xa thấy rộng, muốn làm cho xong việc “ai có ưu điểm cũng không chịu học theo, ai có khuyết điểm cũng không dám phê bình”; bệnh lười biếng và óc lãnh tụ, tự cho mình là tài giỏi, có quyền nên thi hành lệnh của cấp trên một cách miễn cưỡng, không đến nơi đến chốn.

Cũng theo Hồ Chí Minh, những cán bộ, đảng viên mắc các loại bệnh cá nhân chủ nghĩa đều không tự nhận mình sai lầm, sợ mất thể diện, mất uy tín, sợ bị phê bình và bị phạt, cùng đưa đến tác hại là “phá hoại tổ chức của Đảng, giảm bớt kỷ luật của Đảng”(9). Bị chủ nghĩa cá nhân trói buộc, một số ít cán bộ, đảng viên chỉ muốn “phê bình người khác mà không muốn người khác phê bình họ; không tự phê bình hoặc tự phê bình một cách không thật thà, nghiêm chỉnh”. Họ coi thường và không lắng nghe ý kiến của quần chúng, “xem khinh những người cán bộ ngoài Đảng”, và như vậy thì sẽ lạc hậu, thoái bộ.

Tựu chung lại, từ việc cảnh báo về nguy cơ, tác hại của chủ nghĩa cá nhân, chỉ rõ những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân dưới nhiều hình thức, Hồ Chí Minh khẳng định: Sa vào chủ nghĩa cá nhân, sa vào những đặc quyền, đặc lợi, những kẻ thoái hoá biến chất không có tinh thần cố gắng vươn lên, không chịu học tập để tiến bộ. Họ sẽ lạc hậu và thoái bộ, rời xa quần chúng, rời xa thực tế, vì vậy, nhất định sẽ bị quần chúng bỏ rơi và mất đi quyền lãnh đạo của mình.

Phân biệt Đảng Mác xít chân chính với tất cả các đảng phái khác, Hồ Chí Minh khẳng định: Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Vì thế, nếu cán bộ đảng viên sa vào cá nhân chủ nghĩa, đồng nghĩa với việc họ làm biến chất Đảng, suy thoái Đảng. Do đó, thực hiện những cảnh báo, chỉ dẫn của Hồ Chí Minh về chủ nghĩa cá nhân, chống những căn bệnh của chủ nghĩa cá nhân, chính là giữ vững bản chất, sinh mệnh của một Đảng Mác xít, là chống kẻ thù bên trong của chính bản thân Đảng.

Từ việc nhấn mạnh: cá nhân chủ nghĩa là kẻ thù bên trong, làm mất đoàn kết, phá hỏng tổ chức, phá vỡ kỷ luật của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân, Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ, đảng viên phải nâng cao đạo đức cách mạng, phải quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Người nhận thức sâu sắc rằng, để tránh những sai lầm, chống nguy cơ suy thoái của Đảng cầm quyền, và xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, nhất định phải kiên quyết gột rửa sạch những vết tích, tàn dư của chế độ cũ, đó là trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân, thực hiện nghiêm túc tự phê bình và phê bình trên cơ sở có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau. Chỉ có làm được như vậy, mỗi người cán bộ, đảng viên mới tự cải tạo mình, tự tiến bộ, “để khi gặp khó khăn, gian khổ, thất bại cũng không sợ sệt, rụt rè, lùi bước”; để họ thực sự là những người cộng sản gương mẫu, luôn “vì lợi ích chung của Đảng, của cách mạng, của giai cấp, của dân tộc và của loài người mà không ngần ngại hy sinh tất cả lợi ích của cá nhân mình”.

Từ những điều Hồ Chí Minh nói, từ những việc Hồ Chí Minh đã làm và tấm gương đạo đức cách mạng mẫu mực của người cộng sản Hồ Chí Minh, càng thấy ý nghĩa sâu sắc hơn về việc phải Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Ôn lại những cảnh báo, chỉ dẫn của Hồ Chí Minh về việc cần thiết phải chống chủ nghĩa cá nhân, chống nguy cơ suy thoái của Đảng cầm quyền cũng chính “là một việc làm cần thiết để giúp tất cả cán bộ, đảng viên đều tiến bộ”, góp sức xây dựng thành công CNXH và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN như Hồ Chí Minh từng mong ước./.

PGS, NGND. Lê Mậu Hãn

Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội


-----------------

(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.9, tr. 284.

(2), (10), Sđd, t.12, tr.438, 557-558.

(3), (4), (5), (6), (9) Sđd, t.5, tr.254, 73, 77,255-256, 259.

(7), (8) Sđd, t.6, tr.489-490, 490

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất