Với hai chặng dừng chân ở Thụy Sĩ - quốc gia đại diện cho quyền lợi của
Mỹ tại Iran và ở Áo - nước đang là Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu
(EU), nhà lãnh đạo Iran muốn tìm kiếm sự ủng hộ mạnh mẽ từ châu Âu để
duy trì thỏa thuận lịch sử. Thông qua nước Chủ tịch luân phiên EU, Tổng
thống Iran muốn gửi thông điệp tới Anh, Pháp, Đức-những nước thành viên
của Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), tên gọi đầy đủ của thỏa
thuận hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1, rằng cần nhanh chóng đưa ra các
cam kết bằng “hành động cụ thể” nhằm cứu vãn thỏa thuận này.
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh các lệnh trừng phạt mới của Mỹ nhằm
vào Tehran sẽ chính thức được khôi phục từ ngày 6/8/2018 liên quan tới
lĩnh vực ô tô và kim loại. Và sau đó, từ ngày 4/11, Washington sẽ áp đặt
lệnh cấm vận đối với hoạt động xuất khẩu dầu mỏ và giao dịch ngân hàng
của Iran.
Ở vào thời điểm nhạy cảm như thế, sứ mệnh bảo vệ bản thỏa thuận đang
trong tình thế mong manh của nhà lãnh đạo Iran càng nặng nề hơn. Hành
trang mang tới châu Âu của ông là những hợp đồng kinh tế giá trị, vốn có
lực hấp dẫn đối với các đối tác ở lục địa già thời điểm vài năm trước
đây, khi Mỹ và EU mới dỡ bỏ lệnh cấm vận Nhà nước Hồi giáo sau nhiều năm
áp đặt. Còn nhớ, vào năm 2016, khi Tổng thống Hassan Rouhani có chuyến
thăm châu Âu chính thức đầu tiên kể từ sau khi nền kinh tế Iran được
“cởi xích” khỏi sự kìm kẹp, ông đã được châu Âu hoan nghênh nồng nhiệt
ra sao, thể hiện qua các bản hợp đồng kinh tế trị giá nhiều tỷ USD được
ký kết.
Nhưng hoàn cảnh đã thay đổi, sau khi chính quyền Tổng thống Donald
Trump quay lưng với bản thỏa thuận, các công ty nước ngoài, bao gồm các
công ty châu Âu cũng trở nên dè dặt hơn khi hợp tác với Iran. Họ có thể
đoán trước được khả năng Tehran sẽ không tránh khỏi các lệnh trừng phạt
kinh tế của Mỹ, nhằm gây sức ép buộc Nhà nước Hồi giáo chấp nhận một
thỏa thuận hạt nhân khác, có lợi hơn cho Washington. Điều này giải thích
tại sao người ta thấy thiếu vắng hẳn những tin tức về các hợp đồng kinh
tế giữa Iran và châu Âu trong chuyến công du lần này của Tổng thống
Hassan Rouhani.
Trong chuyến công du tới Thụy Sĩ và Áo, nhà lãnh đạo Iran dù vẫn nhận
được những tuyên bố ủng hộ duy trì thỏa thuận hạt nhân, nhưng sức nặng
có phần giảm đi ít nhiều khi nó không được kèm theo các hợp đồng kinh tế
trị giá hàng tỷ USD.
Ngay sau khi Mỹ rút đi, châu Âu và những đối tác khác tham gia ký JCPOA
vẫn cam kết sẽ ủng hộ việc duy trì thỏa thuận, nhưng như vậy không có
nghĩa là họ sẽ không thể thay đổi trong tương lai. Cùng với Iran, các
nước châu Âu tham gia ký kết thỏa thuận đang nỗ lực để nó không bị “chết
yểu” dưới sức ép từ Washington, vì “lục địa già” coi đây là giải pháp
tốt nhất để ngăn chặn Tehran phát triển bom nguyên tử. Nhưng châu Âu
cũng vạch ra giới hạn đỏ để tiếp tục ủng hộ thỏa thuận này, đó là Tehran
phải tuân thủ các điều khoản trong đó, nếu không họ cũng sẽ buộc phải
rút đi và áp đặt các lệnh trừng phạt Tehran giống như người Mỹ đã làm.
Hơn nữa, đòn cấm vận của Mỹ nhằm vào những lĩnh vực trọng yếu như dầu
mỏ và ngân hàng sẽ là một thử thách không nhỏ đối với các đồng minh châu
Âu của Washington vốn đang nỗ lực né tránh các lệnh trừng phạt quốc tế
nhằm vào Nhà nước Hồi giáo để giảm thiệt hại. Liệu châu Âu có thể vượt
qua các lệnh trừng phạt kinh tế tới đây của Mỹ để tiếp tục hợp tác với
Iran và giữ lập trường ủng hộ thỏa thuận hạt nhân hay không? Chưa thể có
câu trả lời chắc chắn vì một khi động chạm đến vấn đề lợi ích kinh tế,
không một quốc gia nào có thể xem nhẹ. Chưa kể việc EU khó mà chấp nhận
việc làm tổn hại tới quan hệ với đồng minh Washington để duy trì các
quan hệ thương mại với Iran nhằm góp phần bảo vệ JCPOA.
Ngay cả với Iran, vốn rất coi trọng vai trò của JCPOA, nhưng cũng không
vì thế mà bất chấp tất cả để duy trì bằng được thỏa thuận này. JCPOA
được coi là nền tảng cho chính sách cởi mở hơn với phương Tây của Tổng
thống Hassan Rouhani. Từ đó, mở ra các cơ hội hợp tác thương mại, đầu tư
để phát triển kinh tế. Nhưng cũng chính vì điều này, ông bị các lực
lượng bảo thủ cứng rắn trong nước gây sức ép với cáo buộc đã nhượng bộ
trước Mỹ và phương Tây. Sự ra đi của Mỹ càng có cớ để các lực lượng này
chỉ trích ông là “ngây thơ” khi tin tưởng vào Washington. Bởi vậy, nhà
lãnh đạo Iran càng phải nỗ lực để cứu vãn bản thỏa thuận được coi như
ghi dấu ấn nhiệm kỳ của ông. Ngoài ra, giống như nhiều nước ủng hộ
JCPOA, Iran cũng tin rằng thỏa thuận là một thành tựu quan trọng cần
được bảo vệ vì hòa bình và an ninh quốc tế.
Nhưng cho dù thế nào, với Tehran, lợi ích quốc gia mới chính là điều
cần bảo vệ nhất. Nước này vẫn tuyên bố trước sau như một sẽ từ bỏ JCPOA
nếu các lợi ích của mình không được bảo đảm. Còn hơn thế, Iran từng cảnh
báo sẵn sàng nối lại hoạt động làm giàu urani ở mức còn cao hơn mức
giới hạn mà JCPOA đặt ra nếu thỏa thuận sụp đổ.
Iran và EU dù rất thiện chí duy trì JCPOA, nhưng việc cả hai đều “giữ
miếng” như vậy càng khiến tương lai của bản thỏa thuận này trở nên khó
đoán định.
Thời hạn các lệnh trừng phạt của Mỹ có hiệu lực đang tới gần. Trước
mắt, Tehran cần tới EU để bảo vệ phần lớn doanh thu từ dầu và thương mại
liên quan đến ngân hàng của mình. Tổng thống Hassan Rouhani cũng không
còn nhiều thời gian để xúc tiến việc duy trì thỏa thuận. Cũng không có
gì bảo đảm ông sẽ còn đủ kiên nhẫn để tiếp tục thực hiện nó trong bối
cảnh Washington quyết tâm tìm kiếm bằng được một thỏa thuận thay thế
bằng cách gia tăng sức ép lên Tehran và các đồng minh phương Tây.
Tuần này, châu Âu sẽ có một cuộc họp để thúc đẩy gói giải pháp nhằm cứu
vãn JCPOA. Trước khi sự việc chưa diễn biến theo chiều hướng gia tăng
căng thẳng giữa các bên, hy vọng nỗ lực gần như là cuối cùng của Tổng
thống Hassan Rouhani sẽ tìm được “cứu tinh” cho JCPOA ở “lục địa già”./.
Mỹ Hạnh (Báo QĐND)