Tuy đây không phải là cuộc gặp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Nga-Mỹ,
thế nhưng lại là lần chính thức duy nhất cho đến nay kể từ khi ông
Donald Trump trở thành chủ nhân Nhà Trắng. Sỡ dĩ nói như vậy bởi lẽ
ngoài 8 cuộc điện đàm, mặc dù Tổng thống Donald Trump và người đồng cấp
Nga Vladimir Putin đã từng gặp nhau hai lần nhưng tất cả lại chỉ diễn ra
bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi
hàng đầu thế giới (G20) tại Đức và Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế
APEC 2017 tại Việt Nam vừa qua.
Điều đáng nói là cuộc gặp chính thức đầu tiên giữa Tổng thống Donald
Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin sắp tới diễn ra không lâu sau
cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều ngày 12/6 vừa qua. Khó ai có thể quên
được bầu không khí căng thẳng bao trùm lên quan hệ Mỹ-Triều như thế nào
trước khi Tổng thống Donald Trump có cuộc gặp lịch sử với nhà lãnh đạo
Kim Jong-un tại Singapore. Trong quá khứ chưa từng diễn ra cuộc gặp giữa
một tổng thống Mỹ đương nhiệm và một nhà lãnh đạo Triều Tiên. Đó là
chưa kể cách đây chưa đầy một năm, Mỹ và Triều Tiên vẫn liên tục “khẩu
chiến” nảy lửa xoay quanh chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình
Nhưỡng, cũng như các cuộc tập trận chung thường niên của Washington và
Seoul. Thậm chí, có thời điểm bán đảo Triều Tiên tiến sát tới miệng hố
chiến tranh khi Tổng thống Donald Trump đe dọa trút “hỏa lực và thịnh
nộ” xuống Bình Nhưỡng. Thế nhưng, điều tưởng chừng như không thể đã biến
thành có thể. Không chỉ có những cái bắt tay lịch sử, cùng nhau ăn
trưa, cùng tản bộ, cùng xem siêu xe “quái thú” giữa Tổng thống Donald
Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un, cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều còn
diễn ra “thực sự tuyệt vời”, đạt được nhiều tiến triển “tốt hơn mọi kỳ
vọng”, theo như lời của Tổng thống Mỹ.
Nói như vậy để thấy rằng ngay cả với Triều Tiên mà Mỹ còn có thể ngồi
lại để cùng bàn cách tháo gỡ những nút thắt trong quan hệ song phương
thì hà cớ gì cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Nga lại không thể diễn ra, nhất là
khi ông chủ Nhà Trắng và ông chủ Điện Kremlin đã không ít lần dành cho
nhau những lời “có cánh”.
Cũng như cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều vừa qua, cuộc gặp chính thức sắp
tới giữa Tổng thống Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin
diễn ra trong bối cảnh quan hệ của Mỹ với nhiều đồng minh không hẳn là
“thuận buồm xuôi gió”. Đã xuất hiện ý kiến cho rằng chính sách ngoại
giao của Tổng thống Donald Trump đang có chiều hướng “gần thù, xa bạn”.
Thực tế mà nói, nếu nhìn nhận một cách toàn diện chính sách đối ngoại
song phương của Tổng thống Donald Trump cho đến nay sẽ thấy nước Mỹ
không hẳn “gần thù, xa bạn”. Có lẽ vị chủ nhân Nhà Trắng không còn xa lạ
với câu nói nổi tiếng của cựu Thủ tướng Anh Lord Palmerston: “Không có
đồng minh vĩnh viễn, không có kẻ thù vĩnh viễn. Chỉ có lợi ích là vĩnh
viễn”. Đó là chưa kể, xuất thân là người làm kinh doanh nên việc ông
Donald Trump đưa nhãn quan thực tế đến mức thực dụng trên thương trường
vào chính trường cũng là dễ hiểu. Với ông, mục tiêu cốt lõi vẫn là “Nước
Mỹ trên hết”. Do đó, thay vì “gần thù, xa bạn” hay “gần bạn, xa thù”,
vị Tổng thống thứ 45 của xứ Cờ hoa có xu hướng hợp tác chọn lọc trên
từng lĩnh vực cụ thể, bất kể là “bạn” hay “thù”, như những gì mà dư luận
đã được chứng kiến trong cách ông Donald Trump xử lý quan hệ giữa Mỹ
với các đồng minh phương Tây, Trung Quốc, Triều Tiên… kể từ khi lên nắm
quyền.
Ngoài việc muốn tạo dấu ấn bằng cách làm điều người tiền nhiệm chưa làm
được (gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên) hoặc không muốn làm (“cài đặt lại”
quan hệ với Nga), ông Donald Trump chắc hẳn cũng hiểu rõ đối đầu toàn
diện với Bình Nhưỡng hay Moscow sẽ không phải là “thượng sách”, thậm chí
còn bất lợi để hiện thực hóa mục tiêu “Nước Mỹ trên hết”. Đối với những
người dân Mỹ luôn canh cánh nỗi sợ tên lửa của Triều Tiên, chỉ một lần
báo động nhầm ở Hawaii vừa qua thôi đã là quá đủ. Trong khi đó, tuy còn
nhiều vướng mắc liên quan tới một loạt vấn đề, từ các cuộc khủng hoảng
tại Ukraine hay Syria, cáo buộc can thiệp bầu cử cho đến vụ đầu độc cựu
điệp viên Nga, thế nhưng cả Washington lẫn Moscow đều ý thức được rằng
thay vì “đơn thương độc mã”, họ lại cần có nhau để tháo gỡ những nút
thắt ấy.
Người xưa quan niệm: Đầu có xuôi thì đuôi mới lọt. Cho dù một cuộc gặp
thượng đỉnh không thể giải quyết ngay mọi bất đồng vốn tích tụ trong
nhiều năm, song nó lại có ý nghĩa biểu tượng về nỗ lực đưa quan hệ
Mỹ-Triều hay Mỹ-Nga thoát khỏi tình trạng khủng hoảng./.
Hoàng Vũ (QĐND)