Chủ Nhật, 29/9/2024
Diễn đàn
Thứ Tư, 18/2/2009 11:20'(GMT+7)

Vẫn tiềm ẩn khó khăn ở phía trước

Hàng loạt công nhân  bị mất việc do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu (Ảnh minh hoạ)

Hàng loạt công nhân bị mất việc do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu (Ảnh minh hoạ)

Cuộc khủng hoảng này đã trở thành hiệu ứng có xu hướng lan toả rộng sang các châu lục, nhiều quốc gia khác trên thế giới. Mặc dù không chịu ảnh hưởng trực tiếp từ cuộc khủng hoảng, nhưng Việt Nam cũng không tránh khỏi những tác động từ cuộc khủng hoảng này.

Đi tìm nguyên nhân

Năm qua được đánh giá là năm đầy thử thách đối với nền kinh tế Việt Nam, tình trạng lạm phát, giá cả tiêu dùng tăng cao, thị trường tài chính tiền tệ diễn biến phức tạp... đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự điều hành của chính sách kinh tế vĩ mô và sự phát triển của các doanh nghiệp, các ngành nghề cũng như đời sống người dân. Để khắc phục những khó khăn, thách thức đặt ra, Chính phủ cùng với sự hợp lực của toàn dân và cộng đồng doanh nghiệp đã triển khai thực hiện quyết liệt hàng loạt các giải pháp đồng bộ, do đó bước đầu đã có dấu hiệu tích cực. Tuy nhiên, đó mới chỉ là những dấu hiệu khả quan trước mắt, khó khăn, thách thức vẫn còn tiềm ẩn nhiều đối với nền kinh tế đất nước trong thời gian tới, đặc biệt là trong năm 2009.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam đang chịu tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu, lạm phát chưa qua thì nguy cơ giảm phát đã cận kề; Hiện có 3 nút thắt lớn nhất ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam chính là: “cải cách hành chính”, “nguồn nhân lực”, “cơ sở hạ tầng”.

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, Quyền Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nền kinh tế nước ta có độ mở cửa rất cao. Sự cộng hưởng tác động của hai nhóm yếu tố trong và ngoài nước chắc chắn sẽ tạo ra một môi trường kinh doanh nhiều rủi ro và gây hiệu ứng tiêu cực mạnh đến nền kinh tế nước ta. Nhưng mạnh đến mức nào? Theo hướng nào? Lĩnh vực nào chịu đến đâu?... - đó là những vấn đề phải được tính đến một cách cụ thể và cẩn thận. Trong bức tranh kinh tế 2009 cần tính tới khả năng "đảo chiều", từ xu hướng lạm phát cao sang thiểu phát. Tại thời điểm hiện nay, đối với nền kinh tế nước ta, lạm phát cao vẫn đang "ngự trị", song thiểu phát là nguy cơ cần được cảnh báo và lường tính đến.

Từ góc độ một chuyên gia tài chính ngân hàng, bà Dương Thu Hương – Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cũng nhận định, hiện nay vẫn đang tiềm ẩn 2 khả năng: tiếp tục lạm phát hoặc đảo chiều sang giảm phát. Khủng hoảng kinh tế toàn cầu lần này đã tác động trực tiếp đến Việt Nam. Cụ thể: xuất khẩu giảm vì thị trường thế giới thu hẹp, sức mua của thế giới suy giảm. FDI đăng ký nhiều nhưng giải ngân của năm 2009 sẽ rất ít vì nhà đầu tư sẽ rất thận trọng. Động lực phát triển kinh tế của doanh nghiệp Việt Nam là vốn FDI, nếu giải ngân kém thì GDP của Việt Nam năm 2009 sẽ khó đạt được chỉ tiêu như mong muốn. Vấn đề mở rộng sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp chắc chắn sẽ khó khăn.

Đồng tình với quan điểm trên, TS Lê Đăng Doanh – chuyên gia kinh tế cao cấp cho rằng, hiện nay, điều đầu tiên cần làm là ổn định tình hình, cứu giúp doanh nghiệp, người nghèo… Chúng ta mới chỉ nói lạm pháp đã giảm, nhưng lại không nói đến hệ quả của lạm phát là thất nghiệp, vỡ nợ, phá sản. Chu trình của cuộc khủng hoảng hiện nay là từ tài chính sang kinh tế rồi dẫn đến các vấn đề an sinh... Phải có giải pháp tình thế trong năm 2009 để đối phó với cơn bão kinh tế. Phải cải cách. Chỉ có cải cách mới phát huy được tình hình hiện nay. Cụ thể là phải cải cách luật và thủ tục hành chính.

Ông Võ Trí Thành - Trưởng ban hội nhập kinh tế quốc tế (CIEM) lý giải nguyên nhân của những bất ổn trên thị trường tài chính Việt Nam thời gian qua là chúng ta bỏ quên việc phát triển thị trường vốn cho vay dài hạn, do đó thiếu nền tảng cơ bản để chủ động ổn định thị trường tài chính. Bên cạnh đó, giải pháp chống lạm phát của Việt Nam hiện nay chủ yếu dồn vào chính sách tài chính với công cụ lãi suất, vì thế gánh nặng cho doanh nghiệp là rất lớn…

Theo PGS. TSKH Võ Đại Lược - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị thế giới, hầu hết các tổ chức dự báo trên thế giới đều dự đoán sai diễn biến kinh tế toàn cầu và ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng này. Ngay cơ quan dự báo nổi tiếng IMF cũng cứ 3 tháng 1 lần phải chỉnh sửa số liệu dự báo. Hậu quả là, cuộc khủng hoảng này đã khiến thương mại giảm sút dẫn đến việc xuất nhập khẩu giảm, tín dụng ngân hàng giảm xuống do lo ngại rủi ro. Du lịch cũng sẽ giảm mạnh do thu nhập của người dân giảm.

Về công nghiệp, trước tiên là công nghiệp ô tô, sau đến sắt thép, xây dựng giảm mạnh do thị trường bất động sản đang khủng hoảng. Đầu tư giảm, bất ổn gia tăng, dẫn tới nguy cơ giảm phát và suy thoái toàn cầu kéo dài. Xu hướng này diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế nước ta vừa mới bắt đầu quá trình khôi phục, ổn định vĩ mô sau cơn lạm phát kéo dài. Nhiều doanh nghiệp đang lâm vào tình trạng cực kỳ khó khăn. Bên cạnh tình trạng dự báo sai gây hậu quả lớn (điển hình là dự báo về thị trường gạo năm 2008 và dự báo về cơn mưa lũ lịch sử ở khu vực Hà Nội vừa qua) Việt Nam còn có nhiều nguyên nhân gây trì trệ cho nền kinh tế. Đó là năng lực quản lý kém, cơ chế hành chính phức tạp, chính sách thiếu đồng bộ… gây nên những khó khăn cho doanh nghiệp về vốn, đào tạo lao động, việc làm, cơ sở hạ tầng, cải cách hành chính, đất đai….

Khảo sát của Uỷ ban Tài chính-Ngân sách Quốc hội cho thấy: Tổng cộng thời gian từ khi xin chủ trương đầu tư đến khi khởi công công trình đối với dự án nhóm A là 42 tháng, nhóm B là 29 tháng và nhóm C là 23 tháng. Nếu cộng thêm thời gian thi công khoảng 5-7 năm nữa thì một dự án nhóm A có thể mất hơn 10 năm mới hoàn thành. Theo TS Trần Hữu Huỳnh – Trưởng Ban pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam), hiện nay mỗi năm nước ta có trên 13.000 dự án sử dụng vốn ngân hàng, mỗi năm có 50.000-70.000 tỷ đồng không giải ngân, gây lãng phí rất lớn. Chúng ta có thể giảm bớt 40% thủ tục để tiết kiệm cho xã hội 30.000 tỷ đồng/năm. Đại diện Bộ Xây dựng cũng cho biết: 1 dự án cần 33 thủ tục hiện nay có thể rút gọn xuống còn 8 thủ tục...

Giải pháp nào hạn chế khó khăn?

Dự báo của các chuyên gia kinh tế, mức tăng trưởng năm 2009 có thể ở mức 6% hoặc trên dưới mức 6,5%. Bức tranh kinh tế vĩ mô của Việt Nam được dự báo là sáng sủa trong dài hạn, nhưng trước mắt tình hình vẫn còn nhiều thách thức khó khăn và diễn biến phức tạp, nhất là khi chưa thể đo lường hết tác động của cuộc khủng hoảng tài chính ở Hoa Kỳ tới Việt Nam.

Để chủ động trong cuộc chiến khủng hoảng, chống lạm phát, cần bám sát và đánh giá chuẩn diễn biến tình hình để đảm bảo xử lý hai áp lực lớn là bất ổn kinh tế vĩ mô và áp lực chính trị, xã hội. Không nên chỉ nhìn nhận và đưa ra các giải pháp đối phó chống lạm phát trước mắt mà song hành với nó là các biện pháp tái cơ cấu nền kinh tế. Thời điểm này, khi 8 nhóm giải pháp của Chính phủ nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, giảm lạm phát đã có tác dụng, việc giảm dần các biện pháp quản lý hành chính cũng cần được cân nhắc. Sản xuất kinh doanh trong nước đang gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn, do thị trường thiếu ổn định, giá cả tăng… Vì thế, năm 2009 việc đảm bảo kiểm soát chi tiêu công, tăng đầu tư xã hội, tiếp tục thực hiện chính sách thắt chặt chi tiêu và giảm bội chi ngân sách sẽ là những giải pháp hữu hiệu cho nền kinh tế. Về ngắn hạn, việc giảm dần các biện pháp hành chính, đặc biệt trong lĩnh vực tiền tệ chuyển sang đầu tư công, chi tiêu công là cần thiết. Về dài hạn, cần phân tích nền kinh tế một cách đồng bộ với tư duy phát triển thị trường, do đó cần tránh đầu tư theo xu hướng, dựa vào thế mạnh để “cá lớn nuốt cá bé”…

T.S Lê Đăng Doanh cho rằng, trước tiên cần ổn định tình hình, hỗ trợ doanh nghiệp, cứu giúp người nghèo…Phải có giải pháp tình thế ngay từ những tháng đầu tiên trong năm 2009 để đối phó với cơn bão kinh tế. Cụ thể là phải cải cách luật và thủ tục hành chính. Chính phủ cần tăng cường đối thoại với các doanh nghiệp ở cấp Bộ, ngành 3 tháng/lần và cấp chính quyền địa phương 6 tháng/1 lần. Doanh nghiệp trông đợi nhiều từ Quốc hội, Chính phủ trong các vấn đề cải cách hành chính, triển khai các biện pháp kích thích tiêu dùng, hỗ trợ thị trường nội địa, xem xét chính sách thuế theo hướng không nên tăng thêm chi phí cho doanh nghiệp...

Bên cạnh đó, tạo lập được môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, cần xoá bỏ những rào cản như sự thiếu thống nhất giữa các văn bản quy phạm pháp luật, sự thụ động trong việc áp dụng luật; các can thiệp mang tính hành chính, chủ quan trong điều hành kinh tế vĩ mô; Chính phủ cần tập trung nhiệm vụ quản lý Nhà nước vĩ mô, xây dựng chính sách và công tác dự báo; kết hợp chặt chẽ với việc lấy ý kiến phản biện của cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia; phân định rạch ròi giữa chức năng quản lý và chức năng kinh doanh. Về phía doanh nghiệp, tổ chức đại diện cộng đồng doanh nghiệp tích cực tập hợp, nghiên cứu ý kiến của các doanh nghiệp, các chuyên gia để phản ánh, kiến nghị. Minh bạch hóa mọi hoạt động để giảm thiểu sự tham nhũng, đồng thời hiến kế, đồng hành cùng Chính phủ giải quyết kịp thời các khó khăn mới phát sinh.

Việt Nam đang trong giai đoạn hội nhập sâu với nền kinh tế thế giới, vì thế hơn bao giờ hết những cải cách nội địa quan trọng về tài chính, luật, ngân hàng, thương mại…đóng vai trò quyết định đến sự phát triển ổn định và bền vững./.

Đỗ Văn Hải - Cục Tài chính doanh nghiệp

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất