Chủ Nhật, 29/9/2024
Diễn đàn
Thứ Ba, 17/2/2009 8:53'(GMT+7)

Không biến làng thành phố

Cổng làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây).

Cổng làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây).

Số phận cả ngàn làng ấy sẽ ra sao? Tất cả còn đang chờ nét bút của các nhà quy hoạch đô thị nổi tiếng thế giới và các chuyên gia quy hoạch Việt Nam và trên cả là trí tuệ nhà quản lý đất nước và Thủ đô (mới). Chắc chắn là có làng sẽ mất đi, nhường đất cho đô thị, có làng vẫn còn tên trên bản đồ ngoại thành. Không ít làng được sáp nhập vào phố, đổi tên thành phường (đơn vị hành chính cơ sở của thành phố). Các thôn, các xóm đổi thành khu, cụm dân cư, ngõ, ngách và cứ thế ngách nọ chồng lên ngách kia, đến nỗi người ta phải làm đề tài "nghiên cứu khoa học" để đánh số nhà với mạng lưới đường, phố, ngõ, ngách, hẻm, mà tới nay vẫn có điều chưa tường minh.

Trước hết và gốc rễ, là phải nhìn nhận việc xây dựng và quản lý đô thị theo quan điểm hiện đại. Xây dựng và mở rộng Thủ đô không phải chỉ là phần việc của ngành kiến trúc mà cần được xem như lĩnh vực của sáng tạo nghệ thuật, là lĩnh vực thực hành xã hội, trở thành thiết chế kinh tế, xã hội, văn hóa, tức là thiết chế nhà nước. Không thể đơn giản là cứ thúc tư vấn lập các bản vẽ qui hoạch chung, qui hoạch chi tiết, rồi phấn khởi công bố "đã phủ kín qui hoạch chi tiết". Người quản lý đô thị phải là các nhà quản lý toàn diện của xã hội, được học về quản lý đô thị, để biết sử dụng năng lực của các kiến trúc sư (KTS), các nhà đô thị học, giới kỹ thuật, kinh tế, xã hội học… mà tiến hành công việc. Không mang danh chức KTS trưởng thành phố, nhưng đích thân Chủ tịch UBND thành phố (thị trưởng) phải là KTS trưởng.

Vì vậy Chủ tịch cần có "cố vấn" với chức danh là KTS trưởng. Cần đổi mới mô hình quản lý đô thị theo xu hướng chính quyền đô thị, mà thành phố Hồ Chí Minh đang thí điểm.

Đô thị cũ Hà Nội hình thành theo qui hoạch hiện đại từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, nhiều làng xóm bị xóa hẳn dấu vết, có chăng chỉ còn trên sử sách: "Phố này, đường này xưa thuộc làng, tổng, huyện…". Hà Nội mở rộng cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI, vẫn hiển hiện những tên làng cũ: Giảng Võ, Thành Công, Trung Tự, Thụy Khuê, Dịch Vọng, Định Công… Vẫn âm vang trong đời sống những tên gọi thân thương ấy, nhưng "làng" hòa tan vào "phường", mất hẳn cái bóng dáng xưa… Xóm đổi thành ngõ, ngách, hẻm. Đường làng, nhiều đoạn lát gạch do ngày xưa các rể làng nộp khoán khi muốn cưới con gái làng, nay đã bê tông hóa. Những căn nhà tranh, nhà gỗ xưa lụi tàn dần. Không còn một bụi tre cho đáng gọi là "bụi". Mảnh vườn nhỏ của góc nhà với vạt rau cũng biến mất. Người các nơi đến, những ngôi nhà mới mọc lên, dăm ba tầng, của người tứ xứ, cả của người vốn "chân lấm tay bùn". Câu nói xưa "tấc đất tấc vàng" đúng với cả nghĩa đen. Hà Nội cuối thế kỷ trước, tuy xây dựng chưa phải là nhiều, nhưng các làng Kim Liên, Trung Tự, Thụy Khuê, Nghĩa Đô, Dịch Vọng… đã bị bao vây bởi "nhà cao, cửa rộng" (tuy lúc ấy chỉ cao 5, 6 tầng). Cho đến nay thì chính người làng cũng phải mày mò mới tìm ra cái cổng làng mình. Số phận làng thật hẩm hiu, bị chèn ép giữa những khối xây ngất ngưởng. Ai đó đã đặt cho cái "mỹ tự" "những ổ chuột bằng vàng" - nghĩ mà xót, mà đau. Dòng chảy xây cất dữ dằn từ phố phường đổ về làng mạc, chẳng ai hướng dẫn, chẳng ai chỉ bảo, luật pháp lỏng lẻo, lệ làng xóa bỏ, cứ thế tự phát gần như mạnh ai nấy xây, chỉ cần đừng vi phạm ranh giới đất mình! Đường làng, ngõ hẻm, vốn ngoằn ngoèo càng ngoằn ngoèo hơn. Không có qui hoạch kiến trúc, không có san nền, thoát nước, lại lấp ao lấy đất xây dựng, làng như cái túi hứng nước. Làng xã thành phường, thành quận, nhà cao hơn, ra khỏi cổng là xe máy, ô tô nhưng xem ra cực khổ hơn, ô nhiễm hơn.

"Làng trong thành phố" đang lan rộng ở nhiều nước đang phát triển, với dòng người từ nông thôn lũ lượt kéo về thành phố. Bắc Kinh là ví dụ, với khoảng 1,5 triệu dân của hơn hai chục làng trong thành phố, đang là vấn đề nan giải cho các nhà quản lý đô thị.

Hà Tây, vùng đất của xứ Đoài xưa với hơn 1.000 làng đã hòa vào Hà Nội. Bao nhiêu làng nghề - khởi tổ của không ít phố cổ Hà Nội - bao nhiêu di tích lịch sử, mà đỉnh cao là Mông Phụ - Đường Lâm, đất hai vua, bao nhiêu danh thần, danh tướng, tài tử, giai nhân. Truyền thống văn hóa chính từ các làng xóm ấy tỏa ra kinh thành, để rồi lại trở về bồi bổ, nâng cao nghề nghiệp của mình. Qui hoạch xây dựng Hà Nội đang được nghiên cứu, hàng chục, hàng trăm làng sẽ nằm trong vòng tay đô thị. Có thể nào "đô thị hóa" đến cái cổng làng cũng bị xô đẩy? Mà Hà Tây có đến hàng trăm cổng làng "di sản", từng là chủ đề cho một triển lãm do Hội KTS tổ chức. Bài học xưa không cho phép các nhà qui hoạch, các nhà quản lý "thôn tính" làng mạc.

Với tư vấn của nhiều tổ chức, nhiều chuyên gia đô thị hàng đầu trên thế giới, đến Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, nhân dân sẽ vui mừng đón nhận bản thiết kế quy hoạch xây dựng mới. Nhưng số phận các làng hiện nay ra sao? Nông dân đang thay đổi phương thức canh tác, phương án sản xuất, tạo dựng trang trại, thay đổi nếp ăn, ở, sinh hoạt. Từ bài học đô thị hóa làng xóm của Hà Nội những năm qua, mà "bất khả kháng" là do sau mấy chục năm đánh Pháp, đánh Mỹ, nhu cầu bức bách nên xây cất ồ ạt, xô bồ. Nay đã ở thời kỳ đổi mới, đã có vốn liếng về trí tuệ, về tiền của, công sức, làng xóm sẽ hiện đại hóa, phát triển kiến trúc, nhưng phải giữ để không bị thoái hóa về phương diện vật chất, tinh thần, thẩm mỹ. Giữ được đôi ba nhà cổ là cần thiết, nhưng khó hơn và cần thiết hơn là giữ được, phát triển được làng truyền thống. Ta rất cần qui hoạch làng xóm ra sao, kiểu mẫu thế nào để phù hợp với thực tế đang từng ngày sôi động, có sức thuyết phục nông dân và chính quyền nông thôn, tìm ra phương thức đưa cái hiện đại vào đời sống.

Ngay từ năm 1948, trong thư gửi Hội nghị Thành lập Đoàn KTS Việt Nam, Bác Hồ đã nhắc việc cần thiết kiến trúc nông thôn, mà chúng ta làm chưa được bao nhiêu.

Nghị quyết Trung ương về "Tam nông" vừa qua là chỗ tựa để kiến trúc đi vào nông thôn nói chung và vận dụng sáng tạo "làng trong thành phố". Hiện đại hóa làng trong thành phố là điều cần làm chứ không phải là đô thị hóa làng trong thành phố. Như thế tức là không biến "làng" thành "phố" mà phát huy được bản sắc làng trong lòng thành phố.

Từ ngày thành lập Bộ Xây dựng (tiền thân là Bộ Kiến trúc 1958), cơ quan này đã có Cục Đô thị - Nông thôn, bây giờ ở tầm cao hơn: "Viện Kiến trúc - Đô thị - Nông thôn". Ta định hướng quy hoạch nông thôn thế nào để có được bao nhiêu làng xã đã được dẫn dắt từ tư duy quy hoạch?

Những ngày cuối tháng

12-2008, Hội KTS Việt Nam đã tổ chức hội thảo lớn trong phạm vi cả nước: "Nhìn nhận về kiến trúc và qui hoạch nông thôn Việt Nam thời kỳ đổi mới". Cùng với đề án qui hoạch xây dựng Thủ đô mới, các làng xã Hà Nội sẽ có bộ mặt mới, để làng Hà Nội không thể thoái hóa. Thí dụ, làng lụa Vạn Phúc khác với làng cổ Đường Lâm, làng nghề thủ công nhưng không ô nhiễm, làng du lịch đặc thù "Tràng An".

Đây là những suy nghĩ của một người làm nghề về những ngôi làng xứ Đoài nay trở thành của Thủ đô. Mong sao chúng sẽ được các nhà quản lý, KTS chăm sóc, để có thể kế thừa truyền thống đồng thời với phát triển và đổi mới, tạo nên một nét riêng cho mình./.

(Theo: Ngô Huy Giao/HNM)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất