Thứ Bảy, 23/11/2024

“Điểm sáng” trong cải cách hành chính ở Tuyên Quang

Nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại Sở Tư pháp Tuyên Quang.

Nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại Sở Tư pháp Tuyên Quang.

Bà Nguyễn Thị Thược, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Tuyên Quang cho biết: Sở luôn xác định cải cách hành chính thực chất, không chạy theo thành tích nên thời gian qua, Sở đã tuyên truyền, phổ biến các Kế hoạch cải cách hành chính của Trung ương, của tỉnh… đến từng công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan, Phòng Tư pháp các huyện, thành phố. Qua đó, giúp đội ngũ công chức, viên chức, người lao động kịp thời nắm bắt chủ trương, chính sách, mục tiêu, yêu cầu của cải cách hành chính, từ đó, chủ động rèn luyện, phấn đấu về mọi mặt đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính trong giai đoạn mới.

Sở cũng hoàn thiện quy chế làm việc trong cơ quan, quy trình giải quyết công việc, trong đó phân công rõ trách nhiệm cụ thể cho từng đơn vị, cá nhân và quy định thời gian giải quyết công việc.

Ngoài ra, Sở phân công công việc theo dõi các chỉ số cải cách hành chính cho từng phòng chuyên môn và cán bộ, công chức của sở; ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý điều hành thực hiện nhiệm vụ. Trong quản lý, điều hành Sở sử dụng triệt để mạng xã hội để đảm bảo thông tin nhanh, kịp thời, có nhiều người tiếp cận…

Để hiểu rõ hơn về thực hiện cải cách hành chính của Sở Tư pháp, chúng tôi tìm đến Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính.

Anh Đặng Đức Kiên, chuyên viên bộ phận cho biết: Anh cũng như cán bộ, nhân viên khác thường xuyên được lãnh đạo Sở quán triệt thực hiện cải cách hành chính, nâng cao trình độ và thái độ phục vụ người dân, doanh nghiệp… đến giải quyết thủ tục hành chính tại đơn vị.

Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính còn tổ chức trực vào thứ 7 hằng tuần để tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Anh cũng tự trau dồi thêm ngoại ngữ (tiếng Anh) để có thể giao tiếp và giải quyết thủ tục cho người nước ngoài…

Với nhiều giải pháp được triển khai, từ năm 2013 đến nay, Sở Tư pháp luôn là đơn vị dẫn đầu của tỉnh Tuyên Quang thực hiện hiệu quả Hệ thống quản lý văn bản và điều hành. 100% văn bản đến và đi được Sở xử lý trên phần mềm và qua môi trường mạng.

Sở đã cấp 62 tài khoản trong phần mềm đến phòng Tư pháp các huyện, thành phố nhằm duy trì việc trao đổi thông tin, văn bản tài liệu thông qua tài khoản cá nhân trên môi trường mạng. Sở Tư pháp còn thực hiện gửi văn bản điện tử cho từng cá nhân trong ngành trước khi họp (không phát tài liệu in, trừ văn bản mật). Nhờ đó đã tiết kiệm 90% ngân sách dùng cho mua văn phòng phẩm phục vụ công việc.

Sở xây dựng và duy trì trang Fanpage, facebook ngành Tư pháp, Sở Tư pháp và nhóm zalo để trao đổi công việc của Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp cấp huyện và công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã. Từ năm 2016, Sở Tư pháp đưa vào sử dụng dịch vụ công trực tuyến; xây dựng và cung cấp 166 dịch vụ công trực tuyến, trong đó có 17 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 19 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Từ năm 2016 - 2018, Sở Tư pháp đã tiếp nhận 6.740 hồ sơ yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính, giải quyết 6.688 hồ sơ, trong đó giải quyết trước và đúng hạn 6.630 hồ sơ, chiếm 99,13%...

Là người dân đến giải quyết thủ tục hành chính tại Sở Tư pháp, bà Lý Thị Hạnh, thị trấn Vĩnh Lộc, huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang) chia sẻ: Bà rất hài lòng về thái độ phục vụ của cán bộ tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Thời gian giải quyết các thủ tục hành chính được rút ngắn, giúp người dân tiết kiệm thời gian trong thực hiện các thủ tục hành chính…

Với sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo, sự tích cực, chủ động trong thực hiện cải cách hành chính của nhân viên… công tác cải cách hành chính của Sở Tư pháp tỉnh Tuyên Quang đã đạt được kết quả tích cực. Từ năm 2013 - 2018, Sở Tư pháp là đơn vị dẫn đầu khối các sở, ngành tỉnh Tuyên Quang về cải cách hành chính, với chỉ số cải cách hành chính đạt 94,3% (năm 2018). Kết quả đó đã góp phần cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thu hút nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư đến hợp tác, thực hiện các dự án tại Tuyên Quang. Thông qua đó cũng góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Chia sẻ về bài học kinh nghiệm trong thực hiện cải cách hành chính, bà Nguyễn Thị Thược cho biết: Để thực hiện hiệu quả việc cải cách hành chính trước tiên phải nêu cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo quản lý trong công tác cải cách hành chính. Cải cách hành chính phải đồng bộ, huy động sự vào cuộc quyết liệt của tất cả mọi người trong cơ quan; phù hợp với từng đơn vị, tránh tình trạng dập khuôn, cứng nhắc. Song song với đó, phải chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nâng cao năng lực, trình độ cho đội ngũ công chức, viên chức, đáp ứng các yêu cầu về cải cách hành chính trong giai đoạn mới. Đặc biệt phải thực hiện nghiêm việc đánh giá phân loại cán bộ công chức, đảm bảo công bằng, công tâm, khách quan không chạy theo thành tích… Có như vậy, cải cách hành chính mới thực chất và hiệu quả.

Bà Thược cũng cho biết thêm, thời gian tới, Sở tiếp tục thực hiện kiện toàn, tinh gọn bộ máy tổ chức; đổi mới hệ thống tổ chức quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả của các đơn vị sự nghiệp công lập; thực hiện nghiêm việc giảm tối thiểu 30% thời gian thực hiện thủ tục hành chính và triển khai hiệu quả cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông.

Sở tiếp tục đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức nâng cao năng lực, phẩm chất đạo đức đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào điều hành, xử lý công việc; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ công chức, viên chức, xây dựng nền hành chính kiến tạo, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ nhân dân… Qua đó, tiếp tục duy trì, giữ vững vị trí số 1 trong thực hiện cải cách hành chính ở khối các sở, ngành tỉnh Tuyên Quang./.

Vũ Quang/TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất