Sáng 27/2, tại Đồn Biên phòng Leng Su Sìn (xã Leng Su Sìn, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên), Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức Lễ khánh thành công trình Khu tưởng niệm anh hùng liệt sỹ Trần Văn Thọ.
Dự buổi lễ có lãnh đạo tỉnh Điện Biên; lãnh đạo Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng Việt Nam; gia quyến anh hùng liệt sỹ Trần Văn Thọ cùng đông đảo bà con nhân dân các dân tộc trên địa bàn.
Anh hùng liệt sỹ Trần Văn Thọ sinh năm 1935, quê xã Sai Nga, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ. Ông nhập ngũ năm 1952 và tham gia công tác, chiến đấu tại Đồn 5 Công an vũ trang nhân dân (nay là Đồn Biên phòng 405 Leng Su Sìn).
Trong cả quá trình cống hiến tuổi trẻ của mình, liệt sỹ Trần Văn Thọ đã nỗ lực hết mình tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng; "ba bám, bốn cùng" giúp đồng bào sản xuất, xóa đói; cùng đồng bào bảo vệ biên giới, diệt phỉ...
Năm 1961, trên đường tham gia cùng bà con củng cố nhà cửa, khắc phục mưa lũ, Trần Văn Thọ gặp cơn sốt rét ác tính và hy sinh trong sự tiếc thương vô hạn của đồng đội và nhân dân trên địa bàn.
Anh hùng liệt sỹ Trần Văn Thọ là tấm gương tiêu biểu của người chiến sỹ, đã hy sinh cả tuổi thanh xuân để đem lại cuộc sống yên bình, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân vùng biên giới, nhất là đồng bào dân tộc Hà Nhì tại tỉnh Điện Biên.
Với những thành tích đặc biệt xuất sắc, liệt sỹ Trần Văn Thọ đã được tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý như Huân chương Chiến thắng hạng Nhì, Huân chương Chiến sỹ vẻ vang hạng Ba; danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; Bằng Tổ quốc ghi công của Thủ tướng Chính phủ truy tặng...
Tri ân anh hùng liệt sỹ Trần Văn Thọ, tháng 8/2014, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên tổ chức khởi công xây dựng tượng đài anh hùng liệt sỹ Trần Văn Thọ và Khu tưởng niệm 18 liệt sỹ.
Sau hơn 1 năm, công trình đã xây dựng, hoàn thành trên diện tích 1.200m2, gồm các hạng mục chính là tượng đài anh hùng Trần Văn Thọ (hợp khối bêtông đá đúc cao 8,6m, nặng trên 30 tấn), bức phù điêu khắc họa các hoạt động công tác, chiến đấu, lao động sản xuất của cán bộ chiến sỹ Bộ đội Biên phòng và nhân dân các dân tộc trên địa bàn biên giới, hải đảo của Tổ quốc; nhà tưởng niệm và các công trình phụ trợ khác với tổng kinh phí hơn 6 tỷ đồng.
Ngoài phần kinh phí chính, cán bộ, chiến sỹ, giáo viên, học sinh và đồng bào trên địa bàn đóng góp hàng trăm ngày công xây dựng.
Đây là công trình có ý nghĩa lớn về giá trị lịch sử, văn hóa, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau./.
Theo VN+