Thứ Năm, 28/11/2024
Văn hóa
Thứ Năm, 25/2/2016 9:30'(GMT+7)

Đền Linh Nha đón bằng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh Hà Tĩnh

Theo các tài liệu lịch sử, địa chí và khảo cổ học để lại, Núi Nghèn tuy có quy mô nhỏ nhưng đã trở thành một biểu tượng văn hóa nổi tiếng của vùng đất Thiên Lộc xưa, Can Lộc nay; ven chân núi từng là địa bàn tụ cư của người Việt cổ, trên núi từng hiện diện nhiều công trình văn hóa tâm linh như Cửu Diện Tháp, Chùa Nghèn, Đền Tam Tọa, Đền Linh Nha...

Đền Linh Nha được xây dựng vào khoảng thế kỷ XV, gắn liền với truyền thuyết một người dân địa phương tình cờ thấy trên núi viên gạch khẳc hai chữ “Đại Vương” liền dựng miếu để thờ, ban đầu gọi là miếu Sơn Thần, từng nhiều lần linh ứng phò giúp nhân dân trong vùng trong quá trình dựng nước và giữ nước. Năm Bính Dần (1626), Tào Quận công Ngô Phúc Vạn nhờ thần đền báo mộng đã bắt được vua Mạc Càn Thông, lập công lớn, chúa Trịnh đã cho xây dựng lại đền thờ, phong vị thần này là “Linh Nha Sơn Nhạc Hiền Ứng Đại Vương” và hàng năm sai quan quân về tế lễ, vì thế nên có câu ca: "Thứ nhất Vua ra, thứ nhì Trảo Nha rước thần". Sau này thấy dân địa phương tốn kém, phiền hà nên bỏ lệ “quốc tế” ở Đền Linh Nha, giao tổng Đoài phụng tự. 

Trải qua hơn 500 năm chống chọi với thời gian, chiến tranh tàn phá, đến đầu những năm 50 của thế kỷ XX, Đền Linh Nha bị hủy hoại dần, trở thành phế tích.

Thể theo nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị trấn Nghèn, nhất là các cụ cao tuổi - những người đã từng chứng kiến sự tôn nghiêm, linh thiêng của ngôi Đền, tháng 11/2014, UBND thị trấn Nghèn đã khởi công phục dựng lại đền Linh Nha. Ngôi đền được phục dựng trên diện tích 3000m2, trong giai đoạn 1 thực hiện xây dựng hạng mục nhà Thượng điện theo kiến trúc cổ với tổng kinh phí 2,2 tỷ đồng bằng nguồn vốn kêu gọi từ các tổ chức, cá nhân, con em quê hương đóng góp xây dựng.

Đền Linh Nha được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh là niềm vinh dự, tự hào trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của quê hương Can Lộc nói chung và thị trấn Nghèn nói riêng, là sự tri ân thiết thực đối với công lao của các vị tiền bối, tiếp nối truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tinh thần của di sản, thể hiện trách nhiệm và tình cảm sâu đậm của thế hệ con cháu tỏ lòng thành kính tri ân công đức đối với các bậc tiền nhân đi trước./.

Võ Quang Đạt

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất