Ông Hà Văn Dẩn, năm nay 81 tuổi, ở Bản Khiếng, xã Hữu Khánh,
huyện Lộc Bình cho biết: Người Tày, Nùng có hai kỹ thuật dựng nhà trình
tường độc đáo. Thứ nhất là, dựng nhà trình tường trực tiếp bằng đất
sét. Loại nhà này sau khi chọn đất thì dùng khuôn gỗ dài gần hai mét,
rộng hơn 40 cm, đưa đất vào khuôn rồi dùng chày nén chặt, hết lớp nọ
đến lớp kia; khi đến giữa khuôn thì dùng một cây tre già làm tâm điểm
kết nối từng khuôn, tạo thành bức tường vững chắc. Thường những ngôi
nhà được trình từ đất với độ dày của tường từ 40 đến 50 cm, cao từ bốn
đến năm mét, diện tích trung bình của lòng nhà từ 60 đến 80 m2... Thứ
hai là dùng khuôn đúc như khuôn đúc gạch, khuôn rộng 40x40 cm, cao 10
cm, gạch được đóng bằng đất bùn trộn kỹ. Khi gạch khô thì đem về xây
như kiểu nhà hiện đại nhưng chỉ khác là hồ và vữa để xây cũng chỉ bằng
bùn và đất sét... Ðiểm nổi bật là, nhà trình tường mùa đông thì ấm, còn
mùa hè thì mát. Kết cấu nhà trình tường thường được bà con chia ra làm
nhiều gian; ngăn này thông ngăn kia, có cửa gỗ kiên cố chia cắt từng
ngăn để ở. Các bộ phận khác như: bếp, chuồng trại nuôi gia súc, gia cầm
được nối liền với nhà chính bằng một hành lang cũng khép kín toàn bộ
ngôi nhà. Trong kiểu nhà trình tường hai tầng, thì tầng hai được lát
bằng gỗ ván, vừa để ở, vừa để chứa các vật dụng trong gia đình như
thóc, ngô...
Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Bình Hứa Văn Cường cho biết: Kinh phí xây
dựng nhà trình tường thấp nhưng lại có nhiều tiện ích. Tuy nhiên, bây
giờ chẳng còn ai muốn dựng nhà trình tường nữa. Hiện chỉ còn nhiều bản
làng ở hai xã Hữu Khánh và Yên Khoái là giữ được hàng trăm ngôi nhà
trình tường cổ. Nếu có dịp lên Lạng Sơn, du khách đến với các thôn, bản
vùng cao, nhất là ở các huyện giáp biên như: Lộc Bình, Cao Lộc, Ðình
Lập... vẫn được nhìn thấy những ngôi nhà trình tường nguyên vẹn rêu
phong, cổ kính. Bây giờ những ngôi nhà trình tường cổ ngày càng ít đi,
thay vào đó là những ngôi nhà xây bằng gạch bê-tông, lợp bờ-rô xi-măng.
UBND huyện Lộc Bình đang làm đề án bảo tồn nhà trình tường ở xã Hữu
Khánh và Yên Khoái để phát triển du lịch văn hóa. Ngoài ra, ngành văn
hóa tỉnh cũng đang khôi phục các lễ hội truyền thống và sưu tập nhà
trình tường cổ đang có nguy cơ bị mai một để giữ gìn bản sắc văn hóa
dân tộc, hòa nhập với kho tàng văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt
Nam.