Thứ Ba, 26/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Năm, 6/3/2014 16:41'(GMT+7)

"Ẩn họa" núp bóng công đức

"Ông" ngựa sắt nghễu nghện trong đền Phù Đổng.

"Ông" ngựa sắt nghễu nghện trong đền Phù Đổng.


Có tiền là đưa gì vào di tích cũng được?

Mùa lễ hội Thánh Gióng ở Phù Đổng (huyện Gia Lâm) năm nay hứa hẹn vui hơn, khi toàn bộ không gian đền thờ Thánh Gióng vừa được Chính phủ công nhận là Di tích quốc gia hạng đặc biệt. Và ngôi đền cũng trở nên "hoành tráng" hơn, khi có thêm bộ giáp trụ và con ngựa bằng đồng... mới toanh. Chúng tôi đến thăm đền, con ngựa bằng đồng cao chẵn ba mét nghễu nghện "ngự" ngay bên cạnh tòa chính điện. Người ta cho xây một hàng lan-can chung quanh ngựa đồng, thậm chí, còn cẩn thận xây hẳn một cái bệ để đặt bát hương. Bát hương mới nhưng đống chân hương đã dày ụ lên. Chúng được dùng để "thờ" con ngựa mới. Bên trong đền chính, chình ình một bộ giáp trụ bằng đồng. Phía trước bộ giáp trụ, cũng có chiếc bệ để dâng đồ cúng tiến. Khi chúng tôi hỏi chuyện "con ngựa mới" trong đền, nhiều người dân đưa tay khẽ suỵt một cái: "Phải gọi là "ông ngựa", không được gọi là "con ngựa" đâu"!

Nếu như ở chùa Chân Long, việc bỏ tượng cũ, đưa tượng mới vào chùa được sư trụ trì thực hiện lén lút thì ở đền thờ Phù Đổng việc đưa tượng mới vào được làm công khai giữa thanh thiên bạch nhật. Ông Đinh Minh Tỉnh, Phó Ban Quản lý Di tích đền Phù Đổng cho biết: "Năm ngoái, một số cá nhân, doanh nghiệp đã có ý định cung tiến vào đền các hiện vật: ngựa, áo giáp và roi đúc bằng kim loại. Chúng tôi đã họp người cao tuổi, các cụ rất phấn khởi. Chúng tôi báo cáo lên UBND xã Phù Đổng và sau đó UBND xã đã đồng ý, tiếp nhận các hiện vật này". Việc đưa đồ công đức vào đền không hoàn toàn dễ dàng. Con ngựa có chiều cao quá khổ và nặng tới hơn hai tấn nên phải bàn lên bàn xuống các phương án để đưa vào đền. Ngày 19-9 năm Quý Tỵ (2013), các hiện vật trên được đưa vào đền Phù Đổng. Riêng con ngựa phải dùng đến chiếc cần cẩu hạng nặng cẩu qua tường mới đưa được vào. Khi chúng tôi hỏi tại sao không báo cáo lên cơ quan quản lý văn hóa về chuyện đưa hiện vật lạ vào đền, ông Đinh Minh Tỉnh cho biết: "Trách nhiệm chúng tôi chỉ biết báo cáo lên xã. Các anh ấy có nói là sẽ báo cáo lên trên. Nhưng có lẽ gấp gáp quá nên các anh ấy chưa làm...".

Luật Di sản văn hóa nghiêm cấm hành vi làm sai lệch di sản văn hóa. Năm 2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định 98/2010/NĐ-CP, trong đó, việc "đưa thêm, di dời, thay đổi hiện vật trong di tích" được quy định trong Điều 4 là một trong những hành vi làm sai lệch. Quy định đã ra đời bốn năm. Thế nhưng, vì "gấp gáp quá" như lời của ông Tỉnh nên đã nửa năm trôi qua, con ngựa, bộ giáp trụ, roi đồng được đưa vào di tích, cả Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Gia Lâm lẫn Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội mới biết qua báo chí. Những di sản vật thể tại đền Phù Đổng đã được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt. Còn phần "hồn" của di tích - Hội Gióng đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Đền Phù Đổng là một trong những ngôi đền đặc biệt của nước ta. Vậy mà những thứ đồ tân kỳ vẫn đàng hoàng "tấn công" di tích.

Cùng với phong trào trùng tu di tích rầm rộ, thì chuyện "người người công đức, nhà nhà công đức" cũng nở rộ. Người ta công đức bằng tiền mặt, nhưng cũng rất nhiều người muốn đặt "dấu ấn" của họ trong di tích bằng công đức các hiện vật. Đến chùa Diên Hựu - Một Cột, một kỳ quan kiến trúc Phật giáo, điều ấn tượng nhất với nhiều khách tham quan là... hệ thống đèn chùm kiểu phương Tây. Chỉ riêng tòa chính điện, chúng tôi đếm được tất thảy 11 chùm đèn. Cá biệt, có bức hoành phi bị "quây" bởi ba chùm đèn kiểu châu Âu. Gian thờ mẫu - thờ tổ "rực rỡ" không kém, với bốn chùm đèn được thắp sáng trưng. Nhiều khách du lịch phương Tây đến thăm chùa Diên Hựu - Một Cột tỏ ra ngỡ ngàng khi sản phẩm của văn minh phương Tây "tỏa sáng", thậm chí lấn át cả những đường nét điêu khắc tinh tế mà thâm trầm ở ngôi chùa Việt. Sư trụ trì chùa Một Cột Thích Tâm Kiên thừa nhận, đây là đồ công đức của Phật tử, và mục đích của những chùm đèn ấy là để làm đẹp cho chùa? Sự vô lý đến cùng cực nhất phải kể đến đôi sư tử đá trước cổng chùa Trung Kính Thượng. Không chỉ nổi bật về sự dữ tợn, đôi sư tử này được nhiều người để ý bởi bức tượng tạc con sư tử lớn với vẻ hung dữ đang đạp một chân lên một sư tử con. Phải chăng, người ta đã nghĩ tư tưởng "lấy thịt đè người", tư tưởng "cá lớn nuốt cá bé" là tư tưởng đạo Phật? là triết lý sống của người Việt khi đưa cặp sư tử này vào chùa? Tất nhiên, nguồn gốc của cặp sư tử này từ công đức. Không chỉ di tích lớn, di tích nhỏ cũng không thoát khỏi "nạn" cung tiến.

Lý lẽ được đưa ra ở đền Phù Đổng khi tiếp nhận con ngựa và một số hiện vật lạ là "vì người ta có tâm". Theo một số người dân trong khu vực, chữ "tâm" này ở đền được quy ra giá trị không dưới ba tỷ đồng! Dường như cứ "có tâm", nói cách khác là có tiền thì người ta có thể đưa hiện vật mình thích, gần như vào bất cứ di tích nào họ muốn, kể cả di tích quốc gia hạng đặc biệt như đền Phù Đổng. Cũng vì thế, có những hiện vật công đức từng được bày trong di tích đã bị "ra rìa", thay vào đó là hiện vật mới giá trị hơn, hoành tráng hơn bởi những người công đức có cái "tâm" lớn hơn.

Nguy cơ "mất gốc" đã rõ ràng

Nói đến đồ công đức ở đình, đền, chùa... nổi bật nhất phải nói đến những con sư tử đá, loại sư tử thường thấy trong các phim truyền hình cổ trang Trung Quốc. Đình Yên Phụ (quận Tây Hồ - Hà Nội) một di tích nổi tiếng bên Hồ Tây bỗng một ngày đẹp trời ở đâu "mọc" ra đôi sư tử đá trắng ngồi chềnh ễnh hai bên cửa. Cặp sư tử dữ dằn nhe nanh, trợn mắt như muốn đe doạ người đi đường. Quần thể di tích đình - đền -chùa Bia Bà (quận Hà Đông - Hà Nội), thể loại sư tử đá thậm chí còn phong phú hơn. Cổng đền có hai con sư tử đá kiểu Trung Quốc chễm chệ. Phía bên trong, lại là những con sư tử đá khác. Giống như con ngựa đồng khổng lồ trong đền Phù Đổng, những tượng sư tử đá này không biết theo phong cách mỹ thuật nào, nhưng dứt khoát không phải phong cách mỹ thuật truyền thống Việt Nam. Sự đối lập đến tức cười nhất phải kể đến những con sư tử ở đền Bà Tấm (huyện Gia Lâm -Hà Nội). Bên trong đền có những con sư tử được chạm khắc tinh xảo, là sư tử nhưng mang dáng vẻ mềm mại, hiền hòa, được những người thợ Việt tạo tác hàng trăm năm trước. Nhưng trước cổng đền lại chình ình đôi sư tử kiểu thuần chất châu Âu cao đến hai mét... Phó Giáo sư Trần Lâm Biền gọi đây là sự "lạc dòng" văn hóa. Trong tạo hình của người Việt cũng như của nhân loại, có những đề tài thường đồng nhất với nhau, thậm chí đồng cả ý nghĩa, giá trị biểu tượng, nhưng nhận thức của mỗi cư dân khác nhau nên tạo hình khác nhau. Sư tử Việt Nam có ảnh hưởng Trung Hoa nhưng khi nó đưa vào nghệ thuật Việt nó chuyển sang tính chất uyển chuyển, nhịp nhàng đầy chất trữ tình chứ không đứng theo kiểu đe dọa.

Ngoài "vấn nạn" sư tử đá, còn vô số hiện vật công đức được tự ý đưa vào trong di tích mà không qua cấp nào thẩm định, đem đến sự lai tạp. Có những di tích vốn mang đậm bản sắc văn hóa Việt, mang những nét đẹp điêu khắc, kiến trúc Việt, nhưng người ta thấy ngỡ ngàng khi dần dần nó "chuyển mình" giống các phim cổ trang nước ngoài hơn. Người công đức có tâm. Điều ấy không ai phủ nhận. Có những hiện vật công đức đã góp phần tôn tạo vẻ đẹp di tích. Nhưng nếu cái tâm không đi cùng nhận thức đầy đủ về giá trị di sản, về giá trị mỹ thuật và về quy định của luật pháp thì nó đang dần trở thành một "kẻ phá hoại" âm thầm, đang giết chết nền mỹ thuật Việt.

Khi chúng tôi đến đền Phù Đổng, nhiều vị khách rất hào hứng chụp ảnh lưu niệm cùng con ngựa mới. Không ít khách tham quan vẫn đinh ninh rằng "ông ngựa" là một hiện vật gắn bó với di tích đặc biệt này. Không chỉ ở đền Phù Đổng, nếu không có hành động dứt khoát về "vấn nạn" đồ công đức, không biết các thế hệ sau sẽ nghiên cứu về mỹ thuật truyền thống của người Việt ra sao?

Vào dễ, ra khó!

Con ngựa đồng có "niên đại" sáu tháng tuổi nay đã thành "ông ngựa". Phó Ban Quản lý Di tích đền Phù Đổng Đinh Minh Tỉnh cho rằng, việc đưa những "hiện vật lạ" vào đền chỉ sai về mặt thủ tục hành chính, là không báo cáo. Và giờ dù biết là đưa hiện vật vào là sai Luật Di sản, và quan điểm của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội là sẽ di dời con ngựa đồng và các hiện vật ra khỏi di tích, nhưng theo ông Tỉnh, việc đưa ra không phải chuyện dễ dàng, vì "chúng tôi đã làm lễ xin Thánh và Thánh đồng ý rồi". Nhiều người dân chung quanh khu vực cũng nghĩ thế. Bà Nguyễn Thị Minh, người dân ở xóm Chợ cạnh đền Phù Đổng khẳng định: "Khi đưa "ông ngựa" vào, Ban Khánh tiết và những người công đức có làm lễ hẳn hoi. Giờ đã làm lễ yên vị "ông ngựa" để dâng Thánh rồi. Đây là vấn đề tâm linh. Không thể cứ nói đưa ra là đưa được".

Câu chuyện những con sư tử đá kiểu nước ngoài nghênh ngang "ngự" ở các đình, đền, chùa Việt đã được dư luận nói mấy năm nay. Nhiều nhà khoa học cực lực phản đối và đề xuất phải di dời, nhưng hầu như chưa thấy biến chuyển gì. Nhiều hiện vật trái khoáy, trong đó có sư tử đá vẫn "trơ gan cùng tuế nguyệt". Đưa vào thì dễ, đưa ra luôn rất khó khi lý do tâm linh hay được viện ra. Và câu chuyện những "hiện vật lạ" ở đền Phù Đổng còn lâu mới có hồi kết. Bởi ngay trong buổi báo cáo về sai phạm với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội, đại diện lãnh đạo huyện Gia Lâm, dù nhận khuyết điểm, nhưng cũng đã nhanh chóng đưa ra đề nghị được phép tổ chức một hội thảo để sau khi đưa ngựa, áo giáp, roi ra, có thể tiếp tục đưa hiện vật... quay vào di tích. Song điều ấy không có nghĩa là đã đưa vào di tích, thì không thể đưa ra được. Bằng chứng là những ngày đầu năm nay, người tham quan chùa Diên Hựu - Một Cột đã thấy tâm thanh thản hơn khi không còn bị những tượng sư tử ngoại lai trừng mắt đe dọa nữa. Chúng đã được di dời. Có lẽ, lý do "tâm linh" không thể lúc nào cũng nên viện ra, nếu có nhận thức đúng đắn và quyết tâm giữ gìn di sản.

Khắc phục lỗi thi công trong tu bổ lăng Ngô Quyền

Ngày 4-3, đại diện Ban quản lý Di tích danh thắng (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội) đã kiểm tra việc tu bổ đền thờ và lăng Ngô Quyền tại xã Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội). Trước đó, dư luận cho rằng quá trình tu bổ xảy ra nhiều sai phạm như: bức bình phong được xây dựng trước lăng Ngô Quyền khiến lăng bị che khuất, hình hổ đắp nổi trên bức bình phong thiếu thẩm mỹ, nhà thủ từ xây dựng cao hơn hậu cung, rãnh thoát xây phía sau lăng đã phạm vào những điều tối kỵ...

Qua kiểm tra, đoàn công tác đánh giá: Các hạng mục như đoạn rãnh thoát nước phía sau lăng Ngô Quyền, bức bình phong đắp hổ, nhà thủ từ đều được xây dựng theo đúng hồ sơ thiết kế đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt, dự án tu bổ được triển khai theo đúng các quy định của Luật Xây dựng và Luật Di sản văn hóa. Thông tin dư luận phản ánh nhà thủ từ xây dựng cao hơn hậu cung là chưa chính xác. Riêng hạng mục bình phong, đoàn kiểm tra ghi nhận hình hổ đắp nổi chưa đạt yêu cầu. Đại diện Ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm, đồng thời là chủ đầu tư Dự án tu bổ, tôn tạo đền và lăng Ngô Quyền đã ghi nhận điều này và sẽ yêu cầu phía thi công đắp lại hình hổ cho đến khi đạt yêu cầu. Dự án tu bổ, tôn tạo đền và lăng Ngô Quyền có tổng vốn đầu tư gần 30 tỷ đồng và sẽ hoàn thành trong năm 2016.

CHÍ DŨNG/NhanDan

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất