Chủ Nhật, 24/11/2024
Giới thiệu tác phẩm
Thứ Tư, 23/12/2009 13:3'(GMT+7)

Đọc “Người anh cả của toàn quân” nghĩ về Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Nhà thơ Đaghextan nổi tiếng thế giới Raxun Gamzatov thật có lý và cũng thật sâu sắc khi ông cho rằng, khi đi ra thế giới rộng lớn, người ta muốn biết anh là người thế nào, thì anh phải chìa chứng minh thư, chìa tấm hộ chiếu ra, trong đó đã ghi mọi điều cần thiết. Còn nếu khi có ai hỏi một dân tộc, muốn biết dân tộc đó thế nào, thì dân tộc đó cũng cần phải đưa ra "tấm hộ chiếu" của mình, đó là các nhà bác học, các nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ, họa sĩ, những nhà hoạt động chính trị kiệt xuất hay các vị tướng lĩnh tài ba. Họ chính là giấy thông hành để dân tộc đó đi ra với thế giới rộng lớn.

Có lẽ cũng vì thế chăng, mà có lần tham gia trong đoàn Việt Nam dự Festival thanh niên thế giới, tôi rất ngạc nhiên khi phái đoàn của ta vừa xuất hiện thì cả cầu trường vang dội những tiếng hô nồng nhiệt của một biển người trên hành tinh: "Hồ Chí Minh - Giáp Giáp! Hồ Chí Minh - Giáp Giáp!" Hồ Chí Minh thì đã rõ rồi. Bác là vị lãnh tụ lỗi lạc, là danh nhân văn hóa thế giới. Thế còn Giáp Giáp là gì? Tiếng Tây chăng? Tôi lần hỏi, mới hay, họ đã hô vang tên của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đối với thế giới, cái tên quen thuộc ấy đồng nghĩa với Việt Nam, cũng đồng nghĩa với chiến thắng, nên không cần phải phiên dịch, diễn giải. Cùng với Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Quang Trung, Nguyễn Du, Hồ Chí Minh, vị tướng lỗi lạc ấy, cũng đã trở thành một phần của cái giấy thông hành để dân tộc ta có thể hiên ngang đi vào cõi mênh mông bát ngát của xứ người.

Võ Nguyên Giáp là vị tướng "bách chiến, bách thắng". Vậy mà những ai có dịp gặp ông, chiêm ngưỡng con người thật của ông ở ngoài đời, đều hết sức kinh ngạc. Một ông già hiền lành, đôn hậu. Nước da đỏ au, mái tóc bạc trắng. Trông ông có dáng dấp của một ông Tiên trong những câu chuyện cổ tích dành cho con trẻ. Ta hãy nghe Hoàng Bình Trọng giới thiệu quê hương và tuổi thơ của ông Tiên nơi trần thế này:

Mời bạn cùng ta về An Xá
Thăm một làng quê bình thường bé nhỏ
Bên dòng Kiến Giang bé nhỏ bình thường
Có một ngôi nhà giản dị thân quen
Như mọi ngôi nhà những anh Cu, ả Mẹt
Quanh vườn cũng có những cây ổi, cây bòng, cây mít
Qua bao vật đổi sao dời, vẫn nguyên mái ngói tường vôi
Chính nơi đây Võ Nguyên Giáp ra đời
Chính nơi đây, anh tập đi những bước đầu tiên từ bàn ra ghế
Anh vít cành na, anh vin cành khế
Anh nhìn cái vạc, cái cò chao nắng ca dao...

Tuổi thơ của thiên tài nào có khác chi tuổi thơ của mỗi con người bình dị chúng ta? Võ Nguyên Giáp là vị tướng trận mạc, nhưng con người ông lại là hiện thân của hòa bình. Lần giở trong từng trang tiểu sử cuộc đời riêng Võ Nguyên Giáp, ta thấy ông chưa từng qua một trường lớp nào đào tạo về quân sự. Đã thế, bản thân ông lại là nhà sử học. Nói đúng hơn, ông chỉ là một giáo viên dạy sử ở bậc phổ thông. Một người chẳng có gì liên quan đến chiến trận. Bởi vậy, ta càng kinh ngạc trước việc nhìn người và cách dùng người của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tại sao trong những năm tháng cam go nhất của lịch sử đất nước ấy, Bác lại nhận ra chất thiên tài quân sự trong một nhà sử học, rồi trao ông phụ trách quân sự và phong thẳng lên Đại tướng Tổng Tư lệnh và cho ông có toàn quyền của một vị tướng ngoài biên ải:

"... Thân làm tướng khi đã ra nơi trận mạc
Chẳng phải lúc nào cũng răm rắp làm theo lệnh cấp trên
Binh pháp rõ ràng, chú Giáp đừng quên
Dĩ bất biến, ứng vạn biến
Nhưng nhất định phải tuân thủ điều này:
Chắc thắng thì đánh, không chắc thắng không đánh..."

Hoàng Bình Trọng bám sát từng chi tiết có thực trong cuộc đời chỉ huy trận mạc của vị tướng thiên tài. Nhắc đến tên tuổi ông, người ta thường nhớ đến Điện Biên. Ở đó, ông có những quyết định táo bạo. Đặc biệt là cuộc rút quân, kéo pháo ra để chuyển thế trận:

Ta phải dùng kế hiểm quân giặc mà lập mưu trừ giặc
Phải chuyển "Đánh nhanh, giải quyết nhanh" thành "Đánh chắc, thắng chắc"
Tướng Giáp lại dán mặt vào bản đồ
Vạch ra những đường hào hành tiến bủa vây chia cắt từng cứ điểm quân thù
Anh đo từng cự ly, anh tính toán chi ly cần bao nhiêu cuốc xẻng để đào, một khúc hào cần bao nhiêu thuốc nổ
Anh liệu thế công. Anh lường thế thủ...

Đọc những con chữ bề bộn, ngổn ngang, nhưng lại là những dòng ghi chép rất cụ thể và tỉ mỉ này, tôi chợt nhớ lần tiếp xúc với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Khi ấy, Thượng tướng Trần Văn Trà vừa ra cuốn hồi ký. Nhớ lại một thời trận mạc ấy, Thượng tướng có nhắc rất nhiều đến Võ Nguyên Giáp. Theo tướng Trần Văn Trà thì "đại tướng Võ Nguyên Giáp là người tiếc đến từng giọt máu của lính".

"Anh ấy rất hiểu tôi..." - Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói vậy rồi ngồi lặng. Gương mặt thâm thấm một nỗi gì hiu hắt. Trông ông như một đỉnh núi vừa tắt nắng. Hình như ông đang trở lại thời oanh liệt đã qua. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ông là Đại tướng Tổng tư lệnh, nhưng lại nắm chắc đến từng đại đội. Nghĩa là ngay một anh trung đội trưởng dưới đại đội cơ sở cũng có thể báo cáo thẳng cho Tổng tư lệnh về đơn vị của mình, kể cả những con số hy sinh và thương vong. Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người rất thận trọng. Vào trận, bao giờ ông cũng nắm rất chắc địa hình, tính toán thật chi li, cụ thể. Bộ đội hành quân, tập kết trận địa, nếu trong đội hình tiểu đoàn, hoặc đội hình trung đoàn, có trang bị từng loại vũ khí cụ thể thì đi hết bao lâu. Trận đánh diễn ra bao nhiêu phút, rồi sau đó anh em rút ra như thế nào cho thật an toàn trước khi máy bay địch ập đến. Chỉ khi nào Đại tướng tính toán kỹ lưỡng, tìm được cách rút lui sau trận đánh, để bảo toàn tính mạng cho từng người lính rồi, ông mới ra lệnh tấn công. Nhưng chiến tranh có những quy luật nghiệt ngã, nhiều khi nằm ngoài mọi sự tính toán, cho dù đó là phép tính của một thiên tài. Có trận thắng vang dội, nhưng mất nhiều lính quá, người ta vỗ tay rầm trời, còn Đại tướng thì lặng lẽ khóc ở sở chỉ huy.

Và, cho đến tận bây giờ, Võ Nguyên Giáp vẫn là một đỉnh núi còn chìm trong mây phủ. Có lần, tôi tò mò gợi chuyện, muốn được đọc một cuốn hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết về chính mình, nhưng ông đã từ chối. Thực tình ông cũng đã viết hoặc kể cho người khác viết. Nhưng đó là những trang hồi ký về Bác, về Đảng, về cuộc kháng chiến thần thánh của toàn dân. Đó là một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc, là chuyện của lãnh tụ, của đồng bào chiến sĩ, là toàn bộ cuộc chiến tranh cách mạng được nhìn qua con mắt của một vị tướng. Còn thực sự vị danh tướng ấy thế nào, số phận ra sao, thì cho đến nay, vẫn chẳng có mấy ai biết. "Đời mình có gì đâu mà viết. So với Bác, với đồng bào, chiến sĩ, mình chỉ là một giọt nước rất nhỏ giữa đại dương mênh mông".

Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói vậy. Ông vốn là một người rất đỗi khiêm nhường.

"Người anh cả của toàn quân" của Hoàng Bình Trọng có thể xem là tập trường ca đầu tiên viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Những năm gần đây cũng đã bắt đầu xuất hiện những cuốn tiểu thuyết, những bài thơ của các nhà văn nhà thơ trong nước và thế giới viết về vị tướng tài này. Rồi sẽ còn nhiều cuốn sách nữa. Nhưng Hoàng Bình Trọng có lối đi riêng. Anh không huyền thoại hóa vị tướng mà anh hết lòng yêu mến, kính trọng. Đã thế, anh còn chọn loại văn rất mộc để khắc họa chân dung của một thiên tài. Những người khó tính có thể trách anh câu chữ lùa thùa. Nhưng tạo dựng cả một chiến trường ngổn ngang bề bộn như thế, tại sao ta cứ bắt nhà thơ phải ngăn nắp, gọn ghẽ? Rẽ qua những con chữ lấm láp, ta sẽ gặp tấm lòng Hoàng Bình Trọng, gặp tâm hồn và nhiệt huyết của người lính trận Hoàng Bình Trọng.

Cảm ơn cuộc đời cho ta được sống cùng thời với Người anh cả của toàn quân
Cho ta được làm người lính của vị Tổng chỉ huy thiên tài: Tướng Giáp
Anh là châu ngọc và muốn tất cả lũ đàn em đều sáng trong như ngọc
Anh là trầm hương và muốn tất cả lũ đàn em đều ngào ngạt mùi hương
Anh một vĩ nhân và muốn tất cả lũ đàn em không được sống tầm thường...

Đúng thế thật. Bởi Đại tướng Võ Nguyên Giáp là "Người anh cả của toàn quân".

Có lần, tôi đã hỏi tướng Giáp về ước mơ của ông. Ông bảo, nếu có sức lực và điều kiện, ông muốn được trở lại những vùng chiến trường xưa, thăm lại những người dân nghèo đã từng san sẻ với ông nửa củ sắn lùi, đắp chung với ông một cái chăn rách. Tôi chợt nhớ đến một già làng mà tôi đã gặp trên đường vào Mường Phăng. Ông già hồ hởi: "Chuyện Đại tướng chứ gì? Đại tướng thì tôi biết đới. Tôi cũng đã mấy lần gặp Đại tướng rồi. Vùng này là quê của Đại tướng đới. Năm nọ Đại tướng có về quê. Đại tướng nói chuyện với đồng bào mình bằng tiếng dân tộc. Đại tướng là già làng của chúng ta đới. Nhà Đại tướng ở chỗ kia kìa..."

Nói rồi, ông già chỉ lên núi Mường Phăng. Một dải rừng xanh um giữa mênh mông đồi trọc. Ở Điện Biên và cả mấy vùng lân cận, rừng cơ bản đã bị phá xong. Nửa đêm, tôi còn thấy những dải lửa cháy rừng rực vắt giữa lưng chừng trời. Đồng bào đốt nương đấy. Chẳng còn cách nào ngăn được khi cái đói lại hiện ra kia. Rừng núi nhiều nơi đã trơ trụi, nhưng Mường Phăng thì vẫn um tùm rậm rạp như rừng nguyên sinh. Tôi đã đi dưới những tầng cây ấy, nghe chim rừng hót ríu ran. Một làn suối âm thanh trong trẻo và mát rượi rót xuống từ lưng chừng trời. Không một dảnh cây nào bị chặt phá hay bị bẻ gẫy. Ở đây, người dân còn đói cơm, thiếu mặc, nhưng họ vẫn nâng niu gìn giữ khu rừng. Họ tự đặt tên cho khu rừng là Rừng Đại tướng. Đấy là ngôi đền thiêng, ngôi đền xanh thiên nhiên mà người dân đã tự lập để thờ ông. Đối với vị tướng trận, đó là hạnh phúc lớn. Một hạnh phúc mà không phải ai cũng có được.

Trường ca "Người anh cả của toàn quân" đã khép lại. Nhưng câu chuyện về tướng Giáp thì vẫn tiếp tục mở ra trong cõi nhân gian...

TRẦN ĐĂNG KHOA

(Theo Nhân Dân điện tử)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất