Chủ Nhật, 6/10/2024
Tuyên giáo các cấp
Thứ Bảy, 19/12/2009 9:11'(GMT+7)

Đội du kích Ba Tơ - một trong những lực lượng vũ trang đầu tiên của quân đội ta

Mô hình tượng đài Du kích Ba Tơ. Ảnh tư liệu

Mô hình tượng đài Du kích Ba Tơ. Ảnh tư liệu

Những năm 1944-1945, cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai bước vào giai đoạn kết thúc. Mâu thuẫn giữa Pháp và Nhật trở nên căng thẳng. Biết được ý đồ của Pháp, đêm 9-3-1945, Nhật bất ngờ nổ súng làm cuộc đảo chính lật đổ Pháp nhằm độc chiếm Đông Dương. Quân Pháp chống cự rất yếu ớt và nhanh chóng đầu hàng. Cuộc đảo chính của Nhật đã gây nên cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc. Thời cơ giành chính quyền của nhân dân Việt Nam đang đến gần.

Địa bàn Nam Trung Bộ ở xa, lại không nhận được chỉ đạo trực tiếp của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Trung ương Đảng, nên còn lúng túng trong việc tranh thủ thời cơ và lãnh đạo phong trào. Trong tình hình đó, các đồng chí ở Quảng Ngãi, đặc biệt là ở Căng An Trí Ba Tơ đã nêu cao tinh thần chủ động, sáng tạo, đã tích cực chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa cục bộ. Chỉ một ngày sau khi Nhật đảo chính Pháp, mặc dù chưa nhận được Chỉ thị “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” của Ban Thường vụ Trung ương Đảng. Ngay trong đêm 10-3, Tỉnh ủy lâm thời Quảng Ngãi họp Hội nghị bất thường bàn kế hoạch hành động, nhất trí chủ trương khởi nghĩa vũ trang ở Căng Ba Tơ và thông qua chủ trương khởi nghĩa từng phần trong toàn tỉnh, phát động phong trào chống Nhật thật rộng khắp ở các địa phương, tích cực cướp vũ khí địch, xây dựng lực lượng vũ trang, xây dựng căn cứ kháng Nhật, chuẩn bị Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn tỉnh. Hội nghị đề ra khẩu hiệu: “Đánh đuổi phát xít Nhật”, “Tẩy sạch phát xít Pháp ở Đông Dương”, “Trừng trị Việt gian thân Nhật”, “Việt Nam hoàn toàn độc lập’’... Hội nghị quyết định phạm vi khởi nghĩa là ở Ba Tơ, thành lập đội du kích vũ trang, tổ chức cướp đồn Ba Tơ và động viên lực lượng trong tỉnh chi viện. Thời gian khởi nghĩa được Hội nghị ấn định là sáng 11-3. Phương pháp khởi nghĩa là dùng bạo lực cách mạng của quần chúng đập tan bạo lực phản cách mạng, giành chính quyền về tay nhân dân.

Thực hiện chủ trương và kế hoạch trên, dưới sự lãnh đạo kịp thời của Tỉnh uỷ lâm thời, các đồng chí đảng viên ở Căng Ba Tơ đã tổ chức Đội du kích vũ trang gồm các chiến sĩ được tuyển chọn từ những người bị giam ở Căng An Trí Ba Tơ, dưới sự chỉ huy của các đồng chí Phạm Kiệt - Chỉ huy trưởng, Nguyễn Khoách - Chỉ huy phó, Nguyễn Đôn - Chính trị viên. Do tình hình biến đổi, địch báo động cấm trại, nên chủ trương nhân lúc vào trình diện điểm danh vào sáng ngày 11-3 thì bất ngờ nổi dậy cướp đồn Ba Tơ và Nha Kiểm lý không thực hiện được. Ngay trưa hôm đó, Ban lãnh đạo khởi nghĩa họp khẩn cấp, quyết định phát động đồng bào ở Ba Tơ và các vùng lân cận nổi dậy vũ trang khởi nghĩa giành chính quyền tại quận lỵ Ba Tơ. Để triển khai, Ban lãnh đạo chia làm hai bộ phận. Bộ phận ở lại Ba Tơ lập Ban Chỉ huy khởi nghĩa, bộ phận về đồng bằng phát động quần chúng nổi dậy hưởng ứng cuộc khởi nghĩa, đồng thời chắp mối với phong trào của các tỉnh bạn tạo thành thế liên hoàn trong cả vùng.

Chiều ngày 11-3-1945, dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ huy khởi nghĩa, nhân dân địa phương với sự hỗ trợ của những người làm công tác binh vận kéo về huyện lỵ Ba Tơ. Một cuộc mít tinh lớn được tổ chức tại sân vận động, sau đó biến thành cuộc tuần hành, hô vang các khẩu hiệu: “Đánh đuổi phát xít Nhật”, “Tẩy sạch phát xít Pháp”, “Ủng hộ Mặt trận Việt Minh”, “Việt Nam hoàn toàn độc lập”... Cùng lúc đó, Đội du kích vũ trang Ba Tơ phối hợp với quần chúng chiếm Nha Kiểm lý, bắt toàn bộ bọn nha lại, thu sổ sách, vũ khí. Thừa thắng xốc tới, lực lượng khởi nghĩa chuyển sang bao vây đồn Ba Tơ, bắn súng gọi hàng. Dưới áp lực của lực lượng khởi nghĩa, lại đã làm tốt công tác binh vận, nên toàn bộ binh lính trong đồn hạ vũ khí đầu hàng, cuộc khởi nghĩa giành thắng lợi nhanh gọn. Là người trực tiếp tham gia cuộc khởi nghĩa, đồng chí Trần Nam Trung, sau này là Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng Chính phủ Cộng hoà miền Nam Việt Nam kể lại: “Cuộc khởi nghĩa Ba Tơ và đánh chiếm đồn Ba Tơ là một trận chiến đấu thật sự khá gay go vì quân địch rất ngoan cố chống lại cuộc khởi nghĩa được tiến hành theo một ý định và kế hoạch thống nhất bằng cách đánh bao vây tiến công hình thành nhiều mũi, kết hợp quân sự với sức mạnh của quần chúng nổi dậy làm áp lực tạo thành vòng vây bên ngoài, kết hợp tác chiến với binh vận... Hoàn toàn không phải như một số ý kiến cho rằng lúc đó quân địch đã hoàn toàn tan rã, ta chỉ việc vào đồn tiếp quản, không tốn một giọt máu”(1). Tin về cuộc khởi nghĩa Ba Tơ thắng lợi lan đi các nơi. Nhân dân các dân tộc kéo về Ba Tơ tham gia cuộc mít tinh vào đêm 11 rạng sáng ngày 12-3. Ban Chỉ huy cuộc khởi nghĩa tuyên bố xoá bỏ chính quyền địch, lập Uỷ ban nhân dân cách mạng châu Ba Tơ, ra Thông báo số 1 của Uỷ ban nhân dân cách mạng, kêu gọi đồng bào đoàn kết tham gia công cuộc giải phóng.

Nhận xét về thắng lợi của cuộc khởi nghĩa vũ trang Ba Tơ mà Đội du kích vũ trang Ba Tơ làm nòng cốt, Thượng tướng Trần Văn Quang viết: “Cuộc khởi nghĩa Ba Tơ (11-3-1945) đã thành công chỉ hai ngày sau khi Nhật đảo chính Pháp. Nó kết thúc tuyệt đẹp một giai đoạn của cuộc đấu tranh vô cùng anh dũng chống ách thống trị của thực dân cấu kết với phong kiến, là một chấm son mãi mãi thắm đỏ trong truyền thống đấu tranh cách mạng của Quảng Ngãi cũng như của cả nước. Xa sự chỉ đạo của Trung ương, nhưng các đồng chí cộng sản ở Ba Tơ, Quảng Ngãi đã nắm và vận dụng sáng tạo Nghị quyết 8 của Trung ương (5-1941), làm nên một kỳ tích mà nhiều nơi tuy cũng có tình thế cách mạng như vậy đã không làm được. Theo tôi, được như vậy, là vì các đồng chí có tầm nhìn, nắm bắt được thời cơ, hành động kiên quyết và kịp thời. Và tất nhiên là việc đó đã được chuẩn bị kỹ về các mặt từ trước nên mới có thể tiến hành đúng thời cơ và thắng lợi”(2).

Cuộc khởi nghĩa Ba Tơ nổ ra và giành thắng lợi nhanh chóng đã mở ra cao trào khởi nghĩa từng phần ở Quảng Ngãi, ở Trung và Nam Trung Bộ, đã có tác động to lớn đến phong trào cách mạng ở các tỉnh thuộc khu V. Tinh thần sẵn sàng “Hy sinh vì Tổ quốc” và ý chí quyết chiến, quyết thắng của Đội du kích vũ trang Ba Tơ đã cổ vũ nhân dân và lực lượng vũ trang Khu V chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, làm cho nơi đây trở thành địa bàn chiến lược quan trọng của cả nước trong suốt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp sau này. Đội du kích vũ trang Ba Tơ ra đời không chỉ là tiền thân của lực lượng vũ trang Quảng Ngãi, mà còn là hạt nhân của lực lượng vũ trang Liên khu V.

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, sau đó là cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhiều chiến sĩ của Đội du kích vũ trang Ba Tơ đều có mặt trên các chiến trường. Nhiều cán bộ và chiến sĩ du kích Ba Tơ năm xưa đã trở thành các tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp tài năng của Đảng và Quân đội ta. Đội du kích Ba Tơ là một trong những lực lượng tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Cuộc khởi nghĩa Ba Tơ là sự kiện có ý nghĩa lịch sử sâu sắc. Đây là cuộc khởi nghĩa vũ trang đầu tiên từ khi có Đảng lãnh đạo giành được thắng lợi trọn vẹn. Đội du kích vũ trang Ba Tơ là lực lượng vũ trang cách mạng đầu tiên của Đảng ở Nam Trung Bộ. Ngay trong ngày đầu thành lập, Đội đã chiến thắng vẻ vang mà tinh thần của nó đã thổi bùng ngọn lửa cách mạng trong khắp miền, góp phần to lớn vào thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám ở Quảng Ngãi, đưa tên tuổi của Đội du kích Ba Tơ trường tồn với lịch sử vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.

65 năm đã trôi qua, nhưng tên tuổi và chiến công của Đội du kích vũ trang Ba Tơ vẫn sống mãi trong tâm trí của quân dân Quảng Ngãi, trong mỗi chiến sĩ Quân đội, trong mỗi người Việt Nam chúng ta. Tóm tắt hoạt động của Đội du kích vũ trang Ba Tơ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: “Ngày 10 - 3 - 1945 chỉ một ngày sau cuộc đảo chính của Nhật (9-3-1945), Tỉnh uỷ lâm thời tỉnh Quảng Ngãi đã quyết định thành lập Ban lãnh đạo khởi nghĩa gồm các đồng chí Trương Quang Giao, Trưởng ban, Nguyễn Đôn, Phạm Kiệt, Trần Quý Hai, Trần Lương. Chiều tối ngày 11-3-1945, đồng chí Phạm Kiệt, Chỉ huy trưởng cùng với đồng chí Nguyễn Đôn, Chính trị viên, đã đánh chiếm đồn Ba Tơ. Ngày 12-3-1945, Ban lãnh đạo khởi nghĩa đã tuyên bố thành lập chính quyền nhân dân cách mạng và quyết định thành lập Đội du kích Ba Tơ do đồng chí Phạm Kiệt làm Đội trưởng, đồng chí Nguyễn Đôn làm Chính trị uỷ viên. Những quyết định kịp thời nói trên chứng tỏ Tỉnh uỷ lâm thời đã quán triệt tinh thần Hội nghị Trung ương lần thứ 8, tỏ ra rất nhạy bén trước cục diện mới, kịp thời chớp thời cơ và đã hành động với quyết tâm lớn, đưa lại thắng lợi cho cách mạng. Thắng lợi Ba Tơ đã có tác dụng lớn đối với cao trào kháng Nhật, cứu nước, đưa đến thành công của Cách mạng Tháng Tám ở Quảng Ngãi”(3).

Sự ra đời của Đội du kích Ba Tơ và tiến hành cuộc khởi nghĩa vũ trang thắng lợi là kết quả của truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất của nhân dân Quảng Ngãi. Trong lịch sử đấu tranh cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng cho đến trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, cuộc khởi nghĩa Ba Tơ là cuộc khởi nghĩa vũ trang đầu tiên giành thắng lợi trọn vẹn, Đội du kích Ba Tơ là lực lượng vũ trang cách mạng đầu tiên của Đảng và Quân đội ta ở Nam Trung Bộ. Đánh giá cuộc khởi nghĩa Ba Tơ và Đội du kích vũ trang Ba Tơ, Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương viết: “Đội du kích Ba Tơ thực sự là lực lượng tiền thân của lực lượng vũ trang Nam Trung Bộ và là một trong các lực lượng tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam Anh hùng”(4)./.

PGS, TS. Lê VĂn Yên

Nhà xuất bản Chính trị quốc gia

————————————————

(1) Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Ngãi: Đội du kích Ba Tơ - Nhớ lại và suy nghĩ, Nxb CTQG, H, 2000, tr.58-59.

(2) Nguyễn Chánh - Con người và sự nghiệp, Nxb QĐND, H, 1997, tr. 194-195.

(3) Bài phát biểu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong buổi tưởng niệm tướng Phạm Kiệt, tổ chức ngày 20-1-1995.

(4) Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Ngãi: Đội du kích Ba Tơ - Nhớ lại và suy nghĩ, Sđd, tr.10.

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất