Hiếm có ngày nào trong năm mà cả hương và sắc cùng hội tụ như ngày Tết. Khi sắc hồng của hoa đào, xanh của bánh chưng hòa quyện với mùi thơm ngát của hương trầm, cũng là lúc báo hiệu cánh cửa năm mới đã bắt đầu hé mở. Mọi lo toan, ưu phiền tạm gác lại để con người thả mình tận hưởng những phút giây thanh thản, thành kính hướng về trời đất, tổ tiên và những người đã khuất.
Dù làm gì, ở đâu chỉ cần thoảng một chút hương trong gió cũng khiến con người ta có cảm giác nhớ nhà da diết, khắc khoải mong được sum vầy, đoàn tụ bên gia đình vào ngày Tết.
Những con người kết nối tâm linh
Để làm nên những nén hương bé nhỏ nhưng đã trở thành chiếc cầu nối vững chắc, không thể thiếu trong phong tục Việt Nam, không thể không nhắc tới những người thợ làm hương làng Cao Thôn (xã Bảo Khê, huyện Mỹ Hào, Hưng Yên). Những ngày giáp Tết, ngôi làng nổi tiếng cả trăm năm nay với nghề truyền thống làm hương xạ lại đang hối hả chuẩn bị những mẻ hương phục vụ đời sống tâm linh của người dân khắp mọi miền Tổ quốc.
Nằm cách đất Phố Hiến xưa chừng 5km, Cao Thôn dường như vẫn giữ cho mình nhiều nét mộc mạc của một làng quê thanh bình. Phủ trên những con đường làng, sân gạch một lớp bụi vàng mỏng; trên những hàng hiên, bờ tường là sắc đỏ điều của những bó chân hương và xen lẫn trong gió mùi thơm dìu dịu của nhiều loài thảo mộc… Cao Thôn hiện lên như một bức tranh nhiều màu sắc với mùi hương quyến rũ.
Không khí làng nghề trở nên rộn ràng hơn với những tiếng lạch xạch, lách tách của người thợ đang “se hương”, “đảo hương”… Cụ Đỗ Thị Bảy (90 tuổi), một gia đình có truyền thống làm hương ở làng cho biết: nghề làm hương đã có từ rất lâu. Cao Thôn nổi tiếng với nhiều loại hương như: hương trầm nén, hương vòng, hương sào. Ngày xưa se hương bằng tay, người ta véo một ít hỗn hợp được trộn bởi nhiều thứ nguyên liệu rồi vê vào tăm tre, lăn tròn. Giờ đây máy móc giúp con người đỡ vất vả và lao động năng suất hơn, một ngày có thể làm được từ 6 đến 7 bó (mỗi bó khoảng gần 3.000 que hương).
Bác Đào Đức Viên (hơn 60 tuổi) đang ngồi đóng từng que hương trầm vào hộp cho hay: “Người làm hương làm nghề quanh năm nhưng vụ Tết là cao điểm nhất. Thợ làm liên tục vẫn không đủ hàng để trả cho khách. Nghề làm hương là nghề kết nối tâm linh nên người thợ phải sống với nghề bằng đúng cái tâm. Tất cả các công đoạn từ pha chế, se hương, nhúng hương, đến phơi và đảo hương phải hết sức tỉ mỉ, đúng tiêu chuẩn, đảm bảo cho que hương khi cháy lền đượm mùi nhưng không sộc. Hương thơm tỏa ra khiến con người ta như thấy mình được gột sạch, tĩnh tâm và thanh thản.
|
Nhưng có những việc nặng nhọc và hại sức khỏe khác vẫn phải làm thủ công |
Một nghề nhọc nhằn
Nghề làm hương là nghề không dành cho những người ngại dậy sớm. Khi tiếng gà mới văng vẳng đâu đó, người ta đã bắt tay vào việc để khi mặt trời lên là mang hương ra phơi cho kịp nắng. Nếu trời nắng to như mùa hè, chỉ cần phơi từ sáng đến chiều sẽ được hương, còn tiết trời âm u, mưa gió sật sùi như những ngày giáp Tết, để hoàn thành một mẻ hương phải mất tới 4 ngày.
Nghề làm hương phụ thuộc nhiều vào thời tiết, phơi hương quá lâu sẽ ảnh hưởng đến chất lượng. Nén hương làm xong được đem phơi trên những chiếc phên để nắng, gió làm khô hương, màu sắc đẹp mà giữ nguyên mùi thơm. Những ngày nồm trời khiến hương ẩm mốc, người làm hương càng vất vả trong việc phơi khô bởi không thể đưa hương qua lửa vì như thế hương sẽ bị mất mùi, giảm chất lượng.
Anh Đào Đức Triệu (sinh năm 1965) bước vào nghề làm hương khi mới 12 tuổi. Ngồi cắt thuốc chuẩn bị cho những mẻ hương vòng, anh nói: công đoạn pha chế thuốc phải làm thủ công, đòi hỏi sự chú tâm của người thợ. Mỗi nhà có một bí quyết để để có công thức pha chế riêng. Tuy nhiên, nguyên liệu chung nhất vẫn là từ các vị thuốc bắc và nhựa thau. Để làm một cân thuốc bắc, ít nhất cần tới 20 vị. Hương có giá trị là hương có nhiều loại nhiên liệu (còn gọi là thuốc), có những thứ thuốc rất đắt tiền, giá hơn 400.000 đồng/kg.
Tại nhà làm hương Duyên Hồng, hai người phụ nữ bịt kín mít, chỉ hở đôi mắt đang ngồi trong đám khói bụi vàng mù mịt, đôi tay thoăn thoắt cần những bó hương sục vào nước, đưa qua thuốc và rũ khô để những que hương vừa bám thuốc mà không còn dính vào nhau khi đem phơi. Họ cho biết: “Nghề này cực nhọc lắm! Mùa đông hanh khô khói bụi mù mịt rất khó thở, mùa hè nóng như ngồi trong phòng xông, người vẫn bịt kín mít mà không được dùng quạt”.
|
Nghề làm hương cũng lắm công phu, làm từ lúc gà vừa gáy để kịp đón nắng khi mặt trời lên |
Nghề làm hương vất vả, cực nhọc là vậy nhưng bù lại cho người dân thu nhập từ nghề một cuộc sống khá sung túc. Nếu có “duyên” với nghề, một năm cũng cho người thợ làm hương thu nhập 100 đến 200 triệu đồng. Ngày nào, cả làng cũng xuất đi cả chục tấn hương ra thị trường.
Người không có “nghề” cũng sống với que hương bằng những chuyến chạy xe, thu nhập trung bình khoảng 1 triệu đồng/ngày; người thợ làm hương thuê cũng có thu nhập ổn định khoảng 140 nghìn đồng/ngày.
Trải qua nhiều thăng trầm, hương xạ của Cao Thôn vẫn giữ nguyên được mùi hương mà ít nơi nào sánh được từ mùi thơm, độ bắt lửa đến hình thức. Mỗi một nén hương đều chứa đựng một câu chuyện lý thú nhưng cũng thấm đẫm mồ hôi. Từ nghệ thuật pha chế nguyên liệu đến cách tẩm ướp, vào bột, nhúng que, đảo hương... Tất cả không chỉ chứa đựng sự khổ luyện mà còn chứa đựng cả cái thần, cái tâm của người thợ.
Ngày Tết nếu thiếu đi sắc đào, cặp bánh chưng xanh và đặc biệt thiếu mùi thơm, thanh mà nhẹ len lỏi, hòa quyện trong không khí của những ngày mưa bụi lất phất bay, người ta sẽ khó lòng cảm nhận cái Tết một cách trọn vẹn.
Thu Hà – Trọng Hải/QĐND