Thứ Bảy, 30/11/2024
Giáo dục
Thứ Hai, 10/10/2016 20:42'(GMT+7)

Đổi mới cách dạy và học phù hợp hình thức thi trắc nghiệm



Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 có tổng số năm bài thi, gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên (là tổ hợp các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học), Khoa học xã hội (là tổ hợp các môn: Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân). Trong đó, ba môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ. Các bài thi Toán, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội thi theo hình thức trắc nghiệm. Riêng bài thi Ngữ văn thi theo hình thức tự luận.

Em Quách Đắc Đạt, lớp 12A1, Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho biết, ngay sau khi có phương án chính thức, em và các bạn trong lớp đã xây dựng kế hoạch học, ôn tập các môn theo phương án mới. Theo Đạt, ngoài ba bài thi bắt buộc, em dự định đăng ký thi bài thi tự chọn là Khoa học xã hội, nhưng vì chưa quen với hình thức thi trắc nghiệm đối với môn Toán, Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân cho nên cảm thấy khá lo lắng, nhất là phải học nhiều môn hơn so với các anh, chị khóa trước.

Bên cạnh một số môn học được điều chỉnh thi theo hình thức trắc nghiệm, lần đầu kỳ thi có sự “góp mặt” của môn Giáo dục công dân. Đây là môn học bị "lãng quên" trong nhiều năm. Cô giáo Nguyễn Lương Thiện, giáo viên môn Giáo dục công dân, Trường THPT Đinh Tiên Hoàng cho rằng: Mong muốn đối với giáo viên là được tập huấn chuyên môn để có điều chỉnh trong cách dạy, ra đề kiểm tra phù hợp. Khi Bộ GD và ĐT công bố đề thi minh họa đã nhận được những phản hồi tích cực vì cách ra câu hỏi trong đề thi minh họa rất rõ ràng, không đánh đố học sinh, nội dung kiến thức bám sát chương trình lớp 12. Qua đề thi minh họa, giáo viên sẽ bám sát nội dung chương trình giảng dạy kể cả những vấn đề nhỏ mà trước đây bỏ qua, vì rất có thể sẽ có trong đề thi chính thức.

Sự thay đổi hình thức thi môn Toán từ tự luận sang trắc nghiệm thu hút sự quan tâm chú ý của giáo viên, học sinh Trường THPT Việt Đức (Hà Nội). Đối với đề thi minh họa môn Toán, thầy giáo Vũ Công Tuyển, Tổ trưởng Toán - Tin nhận xét: Các câu hỏi đều nằm trong chương trình lớp 12. Với đề thi này, học sinh có học lực trung bình đều làm được và đỗ tốt nghiệp. Vì đề thi trắc nghiệm rải đều kiến thức về đại số, hình học cho nên việc dạy và học sẽ toàn diện hơn, không còn hiện tượng học tủ, học lệch. Tổ chuyên môn đã yêu cầu giáo viên điều chỉnh cách dạy, bám sát chương trình lớp 12 kể cả bài đơn giản, chú trọng những bài tích hợp, ứng dụng. Đồng thời, rèn kỹ năng cho học sinh thông qua các bài kiểm tra, đánh giá 15 phút, một tiết theo hình thức trắc nghiệm. Thầy giáo Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức nói: Khi ra đề trắc nghiệm, các thầy giáo, cô giáo cho biết cũng gặp một số khó khăn, nhất là sắp xếp các câu hỏi theo hướng từ dễ đến khó nhưng vẫn bảo đảm đánh giá, phân loại được năng lực học sinh. Các môn Giáo dục công dân, Lịch sử, Địa lý, yêu cầu không dạy miên man lý thuyết mà phải dạy sát chủ đề, có liên hệ thực tế.

Nằm ở khu vực vùng cao, nhưng Trường THPT Than Uyên (Lai Châu) đã chủ động điều chỉnh cách dạy và học, cách ra đề thi theo hướng trắc nghiệm. Cô giáo Phan Thị Sạ, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Than Uyên cho biết, nhà trường đã thống nhất điều chỉnh cách dạy học theo hướng không chỉ tập trung kiến thức trọng tâm mà còn nâng cao kỹ năng làm bài cho học sinh. Khi xây dựng ngân hàng câu hỏi, nhất là việc sắp xếp các câu hỏi theo các cấp độ của ma trận đề, trường cũng phải chỉnh sửa nhiều lần. Môn Toán đã kiểm tra theo hình thức trắc nghiệm, thời gian tới sẽ áp dụng cho các môn còn lại...

Nếu như một số môn học có sự điều chỉnh dễ dàng hơn, sát với tình hình thực tế và thi cử thì môn Lịch sử được cho là còn gặp khó khăn trong cách ra đề kiểm tra 15 phút, một tiết. Một giáo viên môn Lịch sử, Trường THPT Lạc Thủy 1 (Hòa Bình) cho rằng: Theo yêu cầu, mỗi câu hỏi đều có bốn đáp án để học sinh lựa chọn, trong đó có một đáp án đúng. Sự sáng tạo đối với việc ra đề trắc nghiệm ở môn học này không đơn giản vì nếu nhiều lần “thử” học sinh bằng những đáp án sai có thể xảy ra “tác dụng phụ”. Đối với môn Lịch sử, cần phải hiểu đúng, chính xác, tôn trọng sự thật. Vì vậy, các câu hỏi cần được đặt theo hướng chỉ có đáp án đúng hoặc gần đúng chứ không có đáp án sai. Nội dung câu hỏi chủ yếu đi vào bản chất sự kiện, buộc học sinh phải suy nghĩ, tư duy, phải học thì mới chọn được đáp án đúng.

Chung quanh những băn khoăn, lo lắng của nhiều giáo viên, học sinh trong cách dạy và học, TS Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Giáo dục trung học (Bộ GD và ĐT) khẳng định: Việc ôn tập cần được thực hiện ngay trong quá trình dạy học, sau mỗi chủ đề dạy học, mỗi chương, mỗi học kỳ, cuối năm học. Yêu cầu của Bộ không thay đổi nhiều so với năm học trước, ngoại trừ chú trọng hơn việc kiểm tra theo hình thức trắc nghiệm đối với các môn: Toán, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân. Giáo viên cần tiếp tục thực hiện tốt quy trình biên soạn và thực hiện đề kiểm tra theo ma trận đã được Bộ GD và ĐT hướng dẫn, bảo đảm học sinh được luyện tập, đánh giá trong quá trình học tập. Ngoài ra, các trường cần tổ chức dạy học bám sát chương trình giáo dục lớp 12 và ôn tập theo đúng hướng dẫn của Bộ GD và ĐT, tuyệt đối không được cắt xén chương trình. Giáo viên cần tăng cường đổi mới phương pháp và hình thức dạy học, áp dụng các phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực, đổi mới nội dung, phương thức kiểm tra, đánh giá theo hướng kết hợp tự luận và trắc nghiệm khách quan. Từ đó giúp cho học sinh trang bị được kiến thức, kỹ năng một cách vững chắc; vận dụng kiến thức, kỹ năng một cách linh hoạt, sáng tạo. Sau khi hoàn thành chương trình lớp 12, dưới sự chỉ đạo của nhà trường, giáo viên thực hiện các biện pháp hiệu quả để tổ chức ôn tập cho học sinh phù hợp từng nhóm đối tượng theo năng lực học sinh. Những đổi mới của kỳ thi đều theo hướng nhẹ nhàng, thuận lợi, tạo cho học sinh nhiều cơ hội chọn trường, chọn ngành phù hợp, cho nên các em không có gì phải hoang mang, lo lắng.

Theo Quý Tùng/TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất