Thứ Bảy, 23/11/2024
Diễn đàn
Thứ Sáu, 30/12/2016 9:9'(GMT+7)

Đổi mới công tác quy hoạch, đề bạt, luân chuyển cán bộ

Huyện ủy Tiên Yên (Quảng Ninh) tổ chức thẩm định chương trình công tác bổ nhiệm hai chức danh Phó Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch và Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của các ứng viên. Ảnh: CẨM HOA

Huyện ủy Tiên Yên (Quảng Ninh) tổ chức thẩm định chương trình công tác bổ nhiệm hai chức danh Phó Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch và Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của các ứng viên. Ảnh: CẨM HOA

Đổi mới công tác cán bộ gắn với tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi sai phạm trong tuyển dụng, quy hoạch, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ, là đòi hỏi tất yếu từ thực tiễn. Bên cạnh đó là yêu cầu khẩn trương hoàn thiện thể chế, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ để xử lý công bằng và nghiêm minh, đủ sức răn đe các hành vi sai phạm, kể cả đối với người đã chuyển công tác hoặc về hưu.

“Khoảng trống” của luật

Nhìn lại năm 2016, về cơ bản công tác cán bộ đã nỗ lực sửa chữa, khắc phục được một số hạn chế, khuyết điểm, yếu kém kéo dài. Nhiều vụ việc nổi cộm, bức xúc trong xã hội đã và đang được giải quyết, gắn với đó là rà soát, đánh giá, sắp xếp, bố trí lại đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các cấp, nhất là đối với những cán bộ có khuyết điểm. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các cấp được tăng cường và đẩy mạnh hơn, phục vụ hiệu quả việc chuẩn bị nhân sự đại hội đảng bộ cấp tỉnh nhiệm kỳ 2015 - 2020 và Đại hội lần thứ XII của Đảng.

Tuy nhiên, thực trạng dễ dãi, thiếu chặt chẽ trong đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ, xuất hiện số vụ việc sai phạm nghiêm trọng đã gióng lên hồi chuông báo động. Khi các Đoàn đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri, hầu hết nhận được những ý kiến đóng góp phản ánh sự lo lắng và bức xúc, đó là: có cán bộ được bổ nhiệm, đề bạt hoặc đề nghị bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử chưa bảo đảm về tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, thủ tục; số lượng cấp phó nhiều hơn quy định và chưa bám sát quy hoạch cán bộ; có những cán bộ được bổ nhiệm, khen thưởng nhiều danh hiệu, nhưng sau đó lại phát hiện sai phạm nghiêm trọng. Trong thẩm định hồ sơ để đề bạt cán bộ, có rất nhiều cấp xem xét, nhưng khi bổ nhiệm cán bộ lại có sai phạm, không hoàn thành nhiệm vụ, thậm chí vi phạm pháp luật. Nguyên nhân tình trạng này là gì, do khâu tổ chức thực hiện hay do quy định pháp luật về công tác cán bộ còn sơ hở và lỏng lẻo?

Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân ở kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Quốc hội và rất nhiều cán bộ, đảng viên, cử tri nhiều địa phương cho rằng “vụ việc Trịnh Xuân Thanh là chuyện tày trời, một mình Trịnh Xuân Thanh không thể làm được chuyện như đã biết” và đề nghị, Bộ trưởng nêu rõ hiện nay có bao nhiêu trường hợp “luân chuyển theo đường tiểu ngạch» như vậy? Có văn bản nào quy định về kiểu luân chuyển ấy không?…

Chất vấn này đã thể hiện tâm trạng bức xúc của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, là bất bình chung của dư luận xã hội, khi công tác cán bộ lại “nóng” lên chuyện “thao túng, chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy luân chuyển, chạy tội…”, như Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII chỉ rõ... Sử dụng quyền lực được giao để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi. Đáng lo lắng hơn, tình trạng này đang diễn ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, với mức độ phổ biến, tính chất rất nghiêm trọng mà chưa có nhiều giải pháp hữu hiệu khắc phục. Cụm từ "đúng quy trình" đã bị lợi dụng để che chắn một số cán bộ lãnh đạo suy thoái, thực hiện thành công việc bổ nhiệm, đề bạt người nhà mà không chọn người tài, làm xói mòn niềm tin của nhân dân trong công tác cán bộ.

Lần đầu tiên, bằng Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội “phê phán nghiêm khắc ông Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Công thương nhiệm kỳ 2011-2016 trước Quốc hội và cử tri cả nước, do đã có những vi phạm về công tác cán bộ trong thời gian đảm nhiệm chức vụ nêu trên, gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước, Bộ Công thương, gây bức xúc trong xã hội, được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm chất vấn…”. Căn cứ kết luận và đề nghị của Ủy ban Kiểm tra T.Ư, Ban Bí thư T.Ư Đảng đã họp, quyết định kỷ luật hàng loạt cán bộ và nguyên cán bộ cấp cao của Ban Tổ chức T.Ư, Bộ Nội vụ, Ban Thi đua - Khen thưởng T.Ư, Tỉnh ủy Hậu Giang và cho rằng, khuyết điểm của những cán bộ này đã gây hậu quả nghiêm trọng, làm ảnh hưởng uy tín của Đảng, Nhà nước, gây bức xúc và tạo dư luận xấu trong xã hội.

Tuy nhiên, thủ tục xem xét, xử lý về mặt nhà nước đối với ông Vũ Huy Hoàng đang gặp khó khăn vì chưa có tiền lệ. Pháp luật chưa có quy định cụ thể việc xử lý đối với cán bộ hưu trí và đây có thể coi là “khoảng trống” của pháp luật trong công tác cán bộ. Ban Bí thư T.Ư Đảng đã giao Ban Cán sự Đảng Chính phủ, cụ thể là Bộ Nội vụ phối hợp các cơ quan chuyên môn xem xét, xử lý. Thực tiễn này đòi hỏi phải tạo một cơ sở hành lang pháp lý để giải quyết những trường hợp sai phạm trong tương lai, nhất là xem xét sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới các văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm cơ sở pháp lý, xử lý nghiêm mọi vi phạm của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ, kể cả những vi phạm được phát hiện khi cán bộ, công chức đã về hưu hoặc ra khỏi bộ máy nhà nước.

Đây được coi là nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Nội vụ trong năm tới, trước mắt là bổ sung những quy định phù hợp và tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Luật Cán bộ, công chức, hướng đến sửa đổi, điều chỉnh luật, buộc cán bộ, công chức, kể cả đương chức cũng như về hưu phải có trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Bộ Nội vụ đã cam kết phối hợp chặt chẽ, làm công tác tham mưu cho Ban Cán sự Đảng Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xử lý kỷ luật các cán bộ, công chức đã về hưu có vi phạm trong thời gian tại chức.

Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII của Đảng chỉ rõ, một trong những yếu kém của công tác xây dựng Đảng là: “Đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ còn nể nang, cục bộ. Một số cơ chế, chính sách trong đề bạt, bổ nhiệm cán bộ chưa công bằng”. Thực tế cho thấy, câu chuyện bổ nhiệm tràn lan lúc “hoàng hôn nhiệm kỳ”, bổ nhiệm “siêu tốc”, luân chuyển “siêu tốc” là có thật và không ít. Năm qua, dư luận “nóng” các vụ việc điển hình như Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương có 46 công chức thì có tới 44 người là lãnh đạo, quản lý. Hay như việc bổ nhiệm và luân chuyển ông Vũ Minh Hoàng, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế - Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ mới đây… Trước những bức xúc nói trên, Bộ Nội vụ đã tổ chức thanh tra công vụ, cử các đoàn làm việc trong thời gian 15 ngày về việc bổ nhiệm người nhà tại chín địa phương và có báo cáo Thủ tướng Chính phủ, trong đó nêu rõ từng trường hợp. Qua báo cáo, Bộ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND cấp tỉnh thực hiện đúng tiêu chuẩn, điều kiện và quy trình bổ nhiệm cán bộ theo quy định của Đảng và Nhà nước, kiến nghị cơ chế tuyển chọn cán bộ phải áp dụng một cách rộng rãi, công khai, minh bạch, dân chủ, xem xét xử lý những trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn; đồng thời rút lại những quyết định đã bổ nhiệm không đúng.

Thực tế cho thấy, công tác thanh tra công vụ của Bộ Nội vụ thời gian qua mới chủ yếu tập trung cho lĩnh vực tổ chức biên chế. Năm 2017, thanh tra công vụ thi tuyển công chức, vấn đề tổ chức, đề bạt, bổ nhiệm được Bộ Nội vụ đặt làm nhiệm vụ trọng tâm, qua đó chấn chỉnh về mặt kỷ cương, kỷ luật trong đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, nhất là giai đoạn cuối nhiệm kỳ.

Sau hàng loạt trường hợp cán bộ ngành công thương cáo bệnh rồi bỏ trốn ra nước ngoài, tháng 12-2016, Bộ Công thương đã có những động thái siết chặt việc quản lý hộ chiếu công vụ, việc đi nước ngoài của các nhân sự cấp cao của các đơn vị trong ngành. Đã đến lúc không thể để kéo dài tình trạng lỏng lẻo, đi cùng “khoảng trống” của luật, Bộ Nội vụ cần nghiên cứu cụ thể, đề xuất cơ chế phối hợp liên ngành trong quản lý cán bộ, công chức; sửa đổi bổ sung hoàn thiện quy định luật pháp đối với những cá nhân có “dấu hiệu nghi vấn” vi phạm pháp luật thì phải đưa ngay vào diện “quản lý đặc biệt”, coi đây là trách nhiệm của cơ quan chủ quản và các cơ quan liên quan trong quản lý cán bộ.

Tạo hành lang pháp lý công khai, minh bạch

Nhận thức rõ nguy cơ, nhận diện đúng những biểu hiện và đề ra các giải pháp phù hợp, kiên quyết khắc phục những yếu kém trong công tác cán bộ, quản lý cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ, là quyết tâm của ngành nội vụ. Mắt xích quan trọng là khắc phục những nhược điểm; phát hiện và bổ khuyết những “lỗ hổng” trong luật pháp và thể chế, thể hiện rất rõ trong công tác quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm thời gian qua. Trong đó, nâng cao tính cạnh tranh lành mạnh thông qua thi cử, thử thách năng lực, phẩm chất cán bộ, bầu cử có số dư và quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thực chất hơn; đánh giá cán bộ công khai, minh bạch…

Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII nhấn mạnh: “Các cấp ủy, tổ chức đảng chỉ đạo rà soát, hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức, có quyền, theo hướng quyền hạn đến đâu trách nhiệm đến đó; phân định rõ thẩm quyền và trách nhiệm tập thể, cá nhân trong từng công đoạn giải quyết công việc và có chế tài xử lý nghiêm những hành vi vi phạm. Kiên quyết sàng lọc, miễn nhiệm, thay thế, cho từ chức đối với cán bộ làm việc kém hiệu quả, không hoàn thành nhiệm vụ, yếu về năng lực, kém về phẩm chất đạo đức, tín nhiệm thấp mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu. Trước mắt, rà soát, kiểm tra, xử lý dứt điểm các vụ việc vi phạm trong thực thi quyền lực gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân”.

Từ quan điểm nêu trên, Bộ Nội vụ đang phối hợp Ban Tổ chức T.Ư sửa đổi một số văn bản quy phạm pháp luật theo hướng đổi mới quy trình quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm và luân chuyển, chấp hành nghiêm quy định về tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, số lượng, độ tuổi… Phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, xác định rõ trách nhiệm của từng người, từng cấp, từng cơ quan; nêu rõ điều kiện thẩm định hồ sơ cán bộ là phải có sự thống nhất và sự phối hợp, chứ không khép kín trong quy trình của một người có thẩm quyền đề bạt như hiện nay, bảo đảm sự lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức Đảng, phát huy dân chủ trong công tác cán bộ; thực hiện đúng nguyên tắc, minh bạch và công khai, công tâm, khách quan trong lựa chọn, giới thiệu nhân sự. Trên cơ sở đó, sai cấp nào thì cấp đó chịu trách nhiệm, khắc phục tình trạng sau khi bổ nhiệm cán bộ không đúng chuẩn, không đúng yêu cầu thì không có ai chịu trách nhiệm.

Bộ Nội vụ đã xây dựng đề án thí điểm đổi mới phương pháp tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý công khai và minh bạch hơn. Sau khi đề án được phê duyệt, Bộ Nội vụ kiến nghị nơi nào đủ điều kiện làm sẽ cho làm, làm mở rộng, để bảo đảm chọn đúng người tài. Đối với việc triển khai thí điểm thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp phòng, tuy là chủ trương đúng đắn của Đảng trong công tác cán bộ, nhưng thực tế triển khai còn nhiều vướng mắc. Sớm ban hành hướng dẫn, quy định thống nhất về thi tuyển, cũng là nhiệm vụ cấp bách đặt ra lúc này với Bộ Nội vụ.

Cán bộ là gốc của mọi công việc. Nhân dân kỳ vọng và chờ đợi sự chuyển động tích cực. Với trách nhiệm được giao, cùng chương trình giám sát của Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hy vọng thời gian tới, cam kết phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Nội vụ và Ban Tổ chức T.Ư trong việc hoàn thiện thể chế, tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ, xử lý nghiêm khắc đối với cán bộ vi phạm tại các bộ, ngành, địa phương sẽ được hiện thực hóa bằng những kết quả cụ thể.

Mạnh Dương/Nhân dân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất