Thứ Ba, 24/9/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Sáu, 2/3/2012 11:2'(GMT+7)

Đổi mới phương pháp giảng dạy Lý luận chính trị phải xuất phát từ nhu cầu “tự thân” mỗi giảng viên

(Ảnh minh họa).

(Ảnh minh họa).

Đổi mới phương pháp giảng dạy lý luận chính trị không còn là chủ đề mới trong những năm gần đây. Đã có không ít bài viết, công trình nghiên cứu, các cuộc hội thảo khoa học bàn về vấn đề này, nhưng tới nay, vẫn là một chủ đề "nóng", còn và cần phải bàn thêm. Trong khuôn khổ bài viết này, người viết xin đề cập đến vấn đề nhận thức của giảng viên đối với việc áp dụng phương pháp dạy học tích cực trong giai đoạn hiện nay. Theo đó, người viết đề cập đến những nội dung sau:

Phải có cái nhìn đúng đắn, toàn diện và tích cực về phương pháp dạy học tích cực

Cho tới nay, ở nước ta, vẫn tồn tại nhiều quan điểm xoay quanh khái niệm phương pháp dạy học tích cực. Đa số đều cho rằng, phương pháp dạy học tích cực là phương pháp khơi dậy, phát huy tính chủ động, sáng tạo và tích cực của cả người dạy và người học, trong đó lấy người học làm trung tâm trên cơ sở phát huy vai trò định hướng, tổ chức của người dạy.
Th.S. Dương Thanh Bình, Trường Chính trị tỉnh Nghệ An có cách giải thích khá cặn kẽ: phương pháp dạy học tích cực là một thuật ngữ rút gọn, được dùng ở nhiều nước để chỉ những phương pháp giáo dục, dạy học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học. “Tích cực” trong phương pháp dạy học được dùng với nghĩa là hoạt động, chủ động, trái nghĩa với không hoạt động, thụ động chứ không dùng theo nghĩa trái với tiêu cực. PPDH tích cực hướng tới việc hoạt động hóa, tích cực hóa hoạt động nhận thức của người học, nghĩa là tập trung vào phát huy tính tích cực của người học chứ không chỉ tập trung vào phát huy tính tích cực của người dạy. Tuy nhiên, để dạy học theo phương pháp tích cực thì giáo viên phải nỗ lực nhiều so với dạy theo phương pháp thụ động.

Như vậy, dù tiếp cận ở góc độ nào, các quan điểm đều đi đến thống nhất rằng: PPDH tích cực là những PPDH phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo của người học.

Nội hàm và ngoại diên của khái niệm PPDH tích cực rất rõ ràng. Tuy nhiên, trên thực tế không phải giảng viên giảng dạy lý luận chính trị nào cũng nhận thức một cách đúng đắn và đầy đủ về nó. Không ít giảng viên hiện nay vẫn còn “mơ hồ” khi nói về PPDH tích cực; nhiều người nhầm lẫn giữa phương pháp và phương tiện dạy học nên cho rằng PPDH tích cực là phương pháp của các phương tiện hiện đại như máy vi tính, đèn chiếu, trò chơi, thảo luận nhóm… Từ đó, dẫn đến cách nghĩ: dạy học theo phương pháp mới là một cái gì đó “rối ren” khó thực hiện.

Đối với những người có trách nhiệm nghề nghiệp, dám chấp nhận thử thách, chấp nhận “cái mới”, nhìn nhận PPDH tích cực với nghĩa là “phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo của người học” sẽ dễ dàng nhận ra rằng không phải cứ máy vi tính, đèn chiếu, trò chơi, thảo luận nhóm... mới là PPDH tích cực, mà PPDH nào đảm bảo được nguyên tắc phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo của người học thì đều được coi là PPDH tích cực.

Như vậy, khi nắm được bản chất, nguyên tắc của PPDH tích cực thì đây không còn là vấn đề quá khó khăn, mơ hồ mà chính là vấn đề người dạy có nhiệt huyết hay không.

Có nên áp dụng phương pháp dạy học tích cực?

Việc áp dụng PPDH tích cực đã được triển khai thực hiện trong những năm qua ở hầu hết các trường Chính trị tỉnh trong cả nước. Tuy nhiên, cách thực hiện chưa thực sự thường xuyên, ổn định, sâu rộng, mà đa phần còn lẻ tẻ, hình thức, chưa đi vào chiều sâu. Trên thực tế, trong đội ngũ giảng viên giảng dạy lý luận chính trị hiện nay, vẫn còn không ít người lưỡng lự trong việc có nên áp dụng PPDH tích cực?

Để giải quyết vấn đề này, đòi hỏi người giảng viên một mặt xác định đúng và đầy đủ thực trạng của việc dạy và học lý luận chính trị hiện nay, thấy được tính tiên phong, đột phá, tích cực của PPDH tích cực; mặt khác, nhận thức đầy đủ những khó khăn của việc thực hiện PPDH tích cực trong giáo dục lý luận chính trị hiên tại chỉ là những khó khăn “tạm thời”, “chuyển giao”, “thử nghiệm”, chứ không thuộc về bản chất.

Để có được cách nhìn bao quát đầy đủ như trên, trước hết, người giảng viên phải nhận thức được việc đổi mới PPDH kết hợp với việc sử dụng thiết bị dạy học hiện đại trong giai đoạn hiện nay thuộc về cả chủ quan lẫn khách quan.

Việc dạy và học trong thời đại mới luôn chứa đựng một khối lư­ợng tri thức, thông tin lớn, bùng nổ và tăng nhanh. Nội dung thông tin ngày càng chuyên sâu và phức tạp khiến việc dạy học theo phương pháp truyền thống không đáp ứng được, tất yếu đòi hỏi phải có phương pháp tiếp cận thông tin mới, nên phải đổi mới cách dạy và học.

Nội dung, mục tiêu đào tạo có nhiều sự biến đổi, trước đây việc dạy và học chủ yếu là cung cấp kiến thức từ sách vở, thì nay việc dạy học không chỉ dừng lại ở đó mà còn phải rèn luyện kỹ năng, thái độ đúng đắn cho người học. Việc dạy và học trước đây đa phần chỉ đóng khung ở trường lớp, tách biệt với đời sống sản xuất bên ngoài, thì ngày nay việc nghiên cứu, dạy và học ở trường lớp phải gắn với đời sống sản xuất, đời sống chính trị của xã hội, nên học lý luận phải gắn với thực tiễn; tri thức phải gắn với kỹ năng, hành vi ứng xử, thái độ chính trị.

Nhiều người đặt câu hỏi: liệu áp dụng PPDH tích cực ở các trường chính trị khi đặc thù kiến thức, môi trường giáo dục lý luận chính trị, cở sở vật chất cho dạy học... còn quá nhiều khó khăn, thì việc thực hiện khả thi không?

Không phải ngẫu nhiên mà nhiều giảng viên đặt ra câu hỏi trên. Bởi trong thực tế, việc áp dụng PPDH tích cực ở các trường chính trị hiện nay đang gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Cụ thể như một số khó khăn sau:

Thứ nhất, dung lượng kiến thức ở mỗi bài giảng lý luận chính trị đòi hỏi phải được đề cập, làm sáng tỏ là quá nhiều so với quỹ thời gian được ấn định. Trong khi đó, để triển khai theo cách dạy và học mới lại mất khá nhiều thời gian do những thao tác kỹ thuật.

Thứ hai, đặc thù của các môn lý luận chính trị đòi hỏi khả năng tổng hợp, khái quát cao. Các môn học chính trị với những khái niệm, phạm trù, nguyên lý, nguyên tắc... được tổng kết qua nhiều cấp độ nên rất trừu tượng. Đối với người học, việc tham gia từ những thao tác giản đơn, cụ thể đến việc tổng kết, rút ra kết luận không hề dễ dàng. Ngay cả trong hệ thống các môn học, việc lựa chọn phương pháp tiếp cận, thời lượng đầu tư sao cho hợp lý cũng đòi hỏi phải có sự tính toán một cách khoa học, chi tiết. Điều này, trên thực tế không phải ai cũng làm được.

Thứ ba, thái độ của học viên. Thực tế cho thấy, rất nhiều học viên đến lớp với mục đích cuối cùng là “cái bằng” chứ không phải vì mục đích lĩnh hội tri thức, nâng cao trình độ, kỹ năng như người dạy mong muốn, việc học như thế nào không quan trọng đối với họ. Vì thế, trong một số tiết giảng, khả năng tham gia của học viên là rất thấp.

Thứ tư, yêu cầu kỹ thuật khá phức tạp của PPDH tích cực. Đối với phương pháp giảng dạy truyền thống, người dạy đã quen với việc bám sát giáo trình. Khi lên lớp, chỉ cần mang theo giáo án, giáo trình là đủ. Việc chuẩn bị giáo cụ trực quan, các phương tiện hỗ trợ nhiều khi trở nên “rối rắm, lỉnh kỉnh”... do đó, dẫn đến tâm lý ngại áp dụng phương pháp mới. Bên cạnh đó, một bộ phận giảng viên, do tuổi tác cũng như khả năng tiếp cận và sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật, công nghệ hiện đại là một khó khăn.

Thứ năm, đối với các giảng viên trẻ, vấn đề lớn nhất là tâm lý. Với vốn sống kinh nghiệm thực tiễn tích lũy chưa nhiều, trong khi học viên phần lớn là cán bộ công chức đã kinh qua nhiều năm công tác. Điều đó dễ xuất hiện cảm giác “ngại” khi cho học viên thảo luận, nêu lên những vấn đề “nhạy cảm”, khó xử lý. Không ít giảng viên trẻ muốn áp dụng PPDH tích cực nhưng ngại các “cây đa, cây đề”, những người đi trước bảo mình là “ngựa non háu đá".

Thứ sáu, cơ chế chính sách chưa khuyến khích, chưa tạo động lực cho việc áp dụng PPDH tích cực. Trường nào cũng chủ trương khuyến khích, phát động phong trào đổi mới PPDH; nhưng chừng đó là chưa đủ, mà phải có cơ chế, chính sách đãi ngộ, khuyến khích người áp dụng PPDH tích cực.

Khó khăn khi áp dụng PPDH tích cực ở môi trường giáo dục lý luận chính trị trong thời điểm hiện tại là không nhỏ. Để giải quyết những khó khăn, đã có không ít nhà nghiên cứu đưa ra những giải pháp mà ở đây người viết không đề cập lại và cũng không đề xuất thêm giải pháp nào. Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh rằng, những khó khăn, hạn chế như đã trình bày ở trên không xuất phát từ bản chất của PPDH tích cực mà chủ yếu xuất phát từ phía chủ thể thực hiện và môi trường ứng dụng phương pháp đó.

Bất cứ quá trình đổi mới nào cũng chứa đựng những “tính đa chiều”, đòi hỏi phải có sự “thử nghiệm” “kiểm nghiệm” và chấp nhận mạo hiểm. Mặc dù nhận thức được tính tích cực của PPDH tích cực; dạy theo phương pháp tích cực là cần thiết, là tất yếu để nâng cao hiệu quả việc dạy và học lý luận chính trị, nhưng để phương pháp đó thực sự đi vào thực tiễn của hoạt động giảng dạy là điều không thể “ngày một ngày hai”. Chỉ khi nào, mỗi một giảng viên đều coi đổi mới PPDH là một nhu cầu tự thân, tự họ tìm tòi, không ngừng đổi mới và hoàn thiện tri thức, kỹ năng áp dụng và sáng tạo các PPDH tích cực thì việc đổi mới PPDH mới thực sự sâu rộng, hiệu quả và bền vững./.

HỒ THANH HẢI

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất