Thứ Ba, 24/9/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Ba, 21/2/2012 21:56'(GMT+7)

Kon Tum đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tham gia phòng chống HIV/AIDS

Thăm khám cho bệnh nhân tại Bệnh viện tỉnh Kon tum.

Thăm khám cho bệnh nhân tại Bệnh viện tỉnh Kon tum.

Qua gần 7 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 54-CT/TW, ngày 30/11/2005 của Ban Bí thư “Về tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới”, Tỉnh uỷ Kon Tum đã có nhiều chương tình giải pháp hữu hiệu để công tác phòng chống HIV/AIDS đến với các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, đặc biệt là chuyển tải các nội dung của Chỉ thị đến với đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kon Tum đã chủ động tham mưu với Ban Thường vụ Tỉnh ủy xây dựng Chương trình số 02 ngày 20/1/2006 để thực hiện Chỉ thị 54. Đồng thời, phối hợp với Sở Y tế hướng dẫn việc quán triệt những nội dung cơ bản của Chỉ thị đến các cơ quan, đơn vị, nhất là các đơn vị trong ngành Y tế; định hướng các cơ quan tuyên truyền và tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân.

Ban Tuyên giáo các huyện ủy, thành ủy tham mưu với Ban Thường vụ các huyện ủy, thành ủy lãnh đạo các cấp ủy cơ sở quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm Chỉ thị của Trung ương và Chương trình của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Trong chương trình công tác của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, HĐND, và UBND tỉnh hàng năm đều có nội dung kiểm tra, giám sát về tình hình thực hiện công tác phòng, chống HIV/AIDS, tổ chức sơ kết để kịp thời đánh giá, từ đó chỉ đạo, xử lý và giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Định kỳ hàng năm, các huyện ủy, thành ủy đều có báo cáo đánh giá tình hình triển khai thực hiện chỉ thị về Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy để theo dõi, tham mưu với Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo kịp thời.

Trong các hoạt động về phòng chống HIV/AIDS, hoạt động tuyên truyền, vận động, giáo dục luôn được ưu tiên hàng đầu. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp cùng Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành từ tuyến tỉnh đến tuyến xã tăng cường các hoạt động tuyên truyền giáo dục thay đổi hành vi về phòng tránh lây nhiễm HIV.

Hàng năm ngành Y tế tỉnh đã tiến hành hợp đồng với nhiều cơ quan đơn vị, trong đó có Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh để xây dựng chuyên mục về phòng, chống HIV/AIDS, kịp thời đưa tin ảnh có nội dung tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS đến mọi tầng lớp nhân dân.

Để Chỉ thị 54 sớm đi vào cuộc sống, Ban tuyên giáo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tham mưu với Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, quyết định, đề án cụ thể để chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Việc triển khai thực hiện chương trình phòng chống HIV/AIDS đã có sự tham gia tích cực của một số sở, ban, ngành, các tổ chức đoàn thể và lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh, điển hình là các đơn vị: Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Ủy ban Mặt trận TQVN tỉnh, Hội Liên hiệp PNVN tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Hội Chữ thập đỏ tỉnh, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Kon Tum, Trại Tạm giam thuộc Công an tỉnh...

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền về công tác phòng, chống HIV/AIDS đã có sự chuyển biến rõ nét. Hầu hết các cấp ủy đảng, chính quyền đã ban hành chương trình, kế hoạch để thực hiện. Ban Chỉ đạo công tác phòng chống HIV/AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm của tỉnh được thành lập, từng bước kiện toàn, củng cố. Sự phối hợp giữa các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể trong việc chỉ đạo, kiểm tra, giám sát và triển khai thực hiện công tác phòng, chống HIV/AIDS được thực hiện đồng bộ, chặt chẽ hơn. Nhiều nơi đã làm tốt công tác phối hợp, lồng ghép việc thực hiện Chỉ thị 54 các chương trình, dự án khác trên địa bàn tỉnh.

Công tác vận động, giáo dục nâng cao nhận thức về phòng, chống HIV/AIDS được triển khai thường xuyên, liên tục và ngày càng được triển khai rộng khắp, huy động được nhiều lực lượng và phương tiện truyền thông hiện có, kết hợp ngày càng tốt hơn giữa truyền thông đại chúng với truyền thông theo chiều sâu qua các tuyên truyền viên của hệ thống phòng chống AIDS, của các ngành, đoàn thể; xây dựng, sử dụng các tài liệu truyền thông phù hợp, hiệu quả.

Việc tuyên truyền, vận động, giáo dục những năm gần đây trên địa bàn tỉnh được chuyển hướng sang việc hướng dẫn các hành vi an toàn nhằm phòng tránh lây nhiễm HIV. Các thông điệp truyền thông được thay đổi theo hướng dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm, giáo dục tình thương, lòng nhân ái, không xa lánh, kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS.

Trong những năm qua, nhiều tổ chức xã hội đã tham gia tích cực trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, kể cả người nhiễm HIV và gia đình có người nhiễm HIV cũng đều tích cực hưởng ứng, tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Các xã, phường, thị trấn đã duy trì tốt các hoạt động trong cộng đồng như giáo dục sự thương yêu, đùm bọc, phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình, họ tộc, quê hương, bản sắc văn hoá dân tộc của người Việt Nam trong chăm sóc, hỗ trợ những người có nguy cơ bị nhiễm HIV và người nhiễm HIV/AIDS. Thông tin rộng rãi cho nhau về trách nhiệm của gia đình và cộng đồng trong công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Các phong trào quần chúng, các hoạt động thể thao, văn hoá, văn nghệ tại cộng đồng, các lớp tập huấn, các buổi nói chuyện... đều được lồng ghép tích cực nội dung phòng, chống HIV/AIDS. Hầu hết người dân đều xác định HIV/AIDS là vấn đề của chính cộng đồng và cộng đồng tham gia tích cực trong các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền vận động, đến nay tỉnh Kon Tum được coi là tỉnh có ít bệnh nhân nhất trong khu vực, với 274 người nhiễm HIV/AIDS, trong đó bệnh nhân AIDS 116 người, tử vong 100 người. Bệnh nhân HIV/AIDS hiện đang được điều trị là 29 người, trong đó có một trẻ em./.

Bài, ảnh: KIM SƠN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất