Từ một thành phố nhỏ vừa mới chia tách, kinh tế chưa phát triển, sau 15
năm thực hiện Nghị Quyết 33 ngày 16/10/2003 của Bộ Chính trị về “Xây
dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện
đại hóa đất nước” (Nghị quyết 33) đã góp phần quan trọng đưa Đà Nẵng
phát triển vượt bậc, được mệnh danh là “Thành phố đáng sống”.
Đồng chí Trương Quang Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng
cho biết ngay sau khi có Nghị quyết 33, Thành ủy, Ban Thường vụ Thành
ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân Thành phố Đà Nẵng đã cụ thể hóa
vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố, các nghị quyết chuyên đề; xây
dựng các chương trình hành động, các kế hoạch cụ thể để triển khai có
hiệu quả Nghị quyết 33.
Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết số 33, kinh tế-xã hội Thành phố Đà Nẵng
phát triển tương đối toàn diện, đạt được nhiều thành tựu quan trọng.
Thành phố duy trì nhịp độ tăng trưởng kinh tế khá cao và liên tục, giá
trị tổng sản phẩm trên địa bàn tăng gấp 4,2 lần so với năm 2003. Cơ cấu
kinh tế chuyển dịch đúng hướng dịch vụ-công nghiệp, xây dựng-nông
nghiệp; các ngành, lĩnh vực đều có bước phát triển. Tổng sản phẩm xã hội
trên địa bàn ước tăng bình quân 10%/năm trong giai đoạn 2003-2018,
riêng giá trị năm 2018 ước đạt 63.960 tỷ đồng, gấp 4,2 lần so với năm
2003, bằng 1,39% so với cả nước; GRDP bình quân đầu người năm 2018 ước
đạt 82,8 triệu đồng (3.677 USD), gấp gần 7 lần năm 2003 và 1,45 lần cả
nước.
Không những phát triển về kinh tế, công tác an sinh xã hội cũng được Đà
Nẵng chú trọng một cách toàn diện. Năm 2018, thành phố có 5.402 giường
bệnh, đạt 79,17 giường bệnh/10.000 dân, có 17,4 bác sĩ/10.000 dân và tỷ
lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 96,5% gấp 2,9 lần năm 2003.
Mục tiêu Thành phố “không có hộ đặc biệt nghèo” cơ bản hoàn thành. Đến
cuối năm 2015 không còn hộ nghèo theo chuẩn của thành phố. Đà Nẵng cũng
thực hiện có hiệu quả các chương trình “5 không”, “4 an”, địa bàn “không
có học sinh bỏ học” do hoàn cảnh khó khăn, “không có người lang thang
xin ăn”, “không có người nghiện ma túy trong cộng đồng”, “không có giết
người để cướp của”.
Nhiều công trình trọng điểm quy mô lớn, hiện đại, tạo điểm nhấn về kiến
trúc cảnh quan đô thị được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Hạ tầng kỹ
thuật và hạ tầng xã hội của thành phố phát triển khá đồng bộ; không gian
đô thị được mở rộng gấp hơn 3 lần so với thời điểm năm 2003. Hệ thống
hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông, cấp điện, nước, điện chiếu
sáng, cây xanh, xử lý rác thải... được đầu tư khá đồng bộ, tạo diện mạo
mới cho thành phố theo hướng đô thị cảng biển, văn minh, hiện đại.
Tiến sĩ Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, có
thể nói, Đà Nẵng là một trong những điểm sáng về phát triển du lịch
trong hai thập kỷ qua. Du lịch Đà Nẵng đánh dấu sự phát triển vượt bậc,
bứt phá về số lượng du khách trong nước và quốc tế cũng như sự gia tăng
liên tục của các loại hình dịch vụ, sản phẩm du lịch đa dạng. Du lịch Đà
Nẵng có những bước tiến mạnh mẽ, đóng góp quan trọng vào sự chuyển dịch
cơ cấu kinh tế, thu hút đầu tư, tạo nhiều việc làm cho người dân, bảo
tồn và phát huy được giá trị văn hóa dân tộc…
Vào trung tuần tháng 8/2018, trong buổi làm việc với lãnh đạo Thành phố Đà Nẵng, đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương
nhấn mạnh: Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển Thành phố
Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước được xem là
quyết sách quan trọng nhất của Trung ương đối với Thành phố Đà Nẵng.
Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết, Thành phố Đà Nẵng đã đạt được nhiều
thành tựu nổi bật.
Kinh tế-xã hội Thành phố phát triển khá toàn diện. Cơ cấu kinh tế chuyển
dịch đúng hướng, các ngành, lĩnh vực đều có bước phát triển. Thành phố
Đà Nẵng đã dần định vị là đô thị lớn của cả nước, là đầu mối, cửa ngõ
giao thông quan trọng trong nước và quốc tế, là trung tâm kinh tế-xã hội
và là đầu tàu, động lực phát triển của khu vực miền Trung-Tây Nguyên;
đồng thời, tiên phong trong hội nhập quốc tế.
Để tiếp tục phát huy thành quả đạt được, Đà Nẵng đã đề ra những nhiệm
vụ, trọng tâm để thúc đẩy thành phố phát triển trong thời gian tới. Đó
là Thành phố tiếp tục đẩy nhanh tiến trình phát triển kình tế-xã hội với
tốc độ cao, bền vững; tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế, chú trọng phát
triển chiều sâu kết hợp phát triển chiều rộng ở mức độ hợp lý… Thành phố
xác định phát triển kinh tế dựa trên 3 trụ cột chính là dịch vụ, công
nghiệp công nghệ cao và kinh tế biển; trong đó, du lịch công vụ là chủ
đạo; dịch vụ tài chính, ngân hàng, cảng biển, công nghiệp công nghệ cao
là nòng cốt; công nghiệp công nghệ thông tin, đào tạo nguồn nhân lực là
mũi nhọn; kinh tế biển là thiết yếu…
Cùng với đó, Đà Nẵng quan tâm hơn nữa đến nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn
Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và chất
lượng đội ngũ cán hộ, đảng viên trong Đảng bộ; nâng cao năng lực, hiệu
lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, thí điểm mô hình chính quyền đô thị phù
hợp với tình hình thực tế Thành phố.
Đà Nẵng cũng đề nghị Bộ Chính trị xem xét ban hành Nghị quyết về “Xây
dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm
2045”; đề nghị xem xét chỉ đạo ban hành nghị quyết về cơ chế, chính sách
mang tính đặc thù mới đối với Đà Nẵng, thay thế, tháo gỡ khó khăn vướng
mắc từ các văn bản Luật, dưới Luật để giúp Đà Nẵng sớm giải quyết được
những đề xuất kiến nghị…
Với những nỗ lực của mình cũng như sự hỗ trợ của Trung ương và sự đồng
thuận của nhân dân, Đà Nẵng phấn đến năm 2030 trở thành đô thị lớn theo
hướng sinh thái, thông minh, có hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội hiện
đại; là một Thành phố cảng biển, đô thị biển năng động; là trung tâm
giao thông lớn, đầu mối trung chuyển của khu vực; là trung tâm du lịch
công vụ, trung tâm thương mại, tài chính, logistics, ngân hàng, công
nghiệp, công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ của khu
vực; trung tâm giáo dục-đào tạo, y tế của vùng; có vai quan trọng bảo
đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia biển, đảo;
có tổ chức Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh.../.
Nguyễn Sơn (TTXVN)