Thứ Ba, 24/9/2024
Giáo dục
Thứ Năm, 15/1/2015 15:5'(GMT+7)

Đổi mới tư duy giáo dục, thay đổi cách nghĩ, cách làm để chấn hưng giáo dục

Cuối năm 2013, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra Nghị quyết số 29/NQ-TW( gọi tắt là Nghị quyết 29), cụ thể hóa chủ trương của Đại hội XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Do tính chất của hệ thống giáo dục, sẽ phải mất vài năm thay đổi mới có thể thấy được những kết quả bước đầu của công cuộc chấn hưng nền giáo dục nước nhà mà nhân dân mong đợi, trong khi đó, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục lại đang là một yêu cầu cấp bách trước thực trạng bất cập trong lĩnh vực giáo dục đối với những đòi hỏi gay gắt về nguồn lực con người để phát triển đất nước nhanh, bền vững và xây dựng một xã hội lành mạnh hơn. Càng cấp bách, nếu đối chiếu những phẩm chất và năng lực của học sinh, sinh viên - sản phẩm của nền giáo dục Việt Nam - với chuẩn mực giáo dục đang ngày càng cao ở các nước phát triển cũng như so với tiến bộ về khoa học công nghệ và xu thế toàn cầu hóa. Có điều, muốn đổi mới căn bản, toàn diện thì không thể chỉ xuất phát từ những bức xúc và khát vọng.

Trước các vấn đề đang đặt ra trong lĩnh vực giáo dục, cần khẩn trương nhưng không thể cứ nghĩ như cũ, làm như cũ, bởi như cũ đã không giải quyết được vấn đề mà còn khiến cho những khuyết tật trong hoạt động giáo dục và trong hệ thống giáo dục ngày thêm trầm trọng. Nhiều nhà giáo, nhà khoa học cho rằng, để đổi mới giáo dục và đào tạo một cách căn bản, toàn diện cần phải thay đổi cách nghĩ, cách làm. Do đó, “phải đổi mới tư duy giáo dục” - một chủ đề được đề cập ở nhiều cuộc hội thảo trong suốt quá trình chuẩn bị cho Trung ương họp bàn về giáo dục và cho đến hiện nay.

Đổi mới tư duy giáo dục có nội hàm rất rộng, đụng chạm đến hầu hết những vấn đề thuộc, hoặc liên quan đến, hoạt động giáo dục và hệ thống giáo dục, đòi hỏi một sự xem xét cặn kẽ để thấy những gì là giá trị đích thực cần kế thừa, những gì đã trở thành lạc hậu khi đối chiếu với những yêu cầu mới. Với quan niệm như vậy, đổi mới tư duy không thể gói gọn trong một bài báo. Vì thế, bài viết này chỉ giới hạn trong phạm vi hẹp, nêu ra một số điều cần cân nhắc trong cách nghĩ, cách làm giáo dục nhằm tránh những chệch choạc ngay trong bước triển khai đổi mới giáo dục lần này.

Nghị quyết 29 đã xác định các quan điểm và định hướng, các mục tiêu và giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện hệ thống giáo dục. Nhưng muốn thực hiện các quan điểm và định hướng, các mục tiêu và giải pháp đã được nêu trong Nghị quyết, rất cần xây dựng một kế hoạch tổng thể để cơ quan điều hành có cái nhìn bao quát về sự thay đổi sẽ xảy ra của toàn bộ hệ thống giáo dục, đồng thời có thể hình dung được một cách cụ thể sự chuyển dịch của từng lĩnh vực/từng bộ phận cấu thành hệ thống, trên cơ sở đó xác lập quy trình tối ưu để tổ chức thực hiện từng mục tiêu và giải pháp phù hợp với các dự báo về điều kiện vật chất và tinh thần.

Hơn nữa, Nghị quyết 29 hiện còn để ngỏ một số vấn đề, trong đó có việc đổi mới cơ cấu hệ thống giáo dục. Đây là việc nhất thiết phải làm vì, cơ cấu hệ thống hiện có còn chưa hợp lý khiến cho việc phân luồng và hướng nghiệp ở giáo dục phổ thông khó thực hiện. Mặt khác, cơ cấu hệ thống là căn cứ cho việc xây dựng chương trình giáo dục. Chủ trương trước mắt ổn định hệ thống giáo dục phổ thông như hiện nay cần được tính toán kỹ lưỡng về mặt thời gian, định rõ “trước mắt” là đến năm nào. Hợp lý nhất là, hệ thống giáo dục chỉ giữ nguyên cơ cấu hiện có cho đến khi bắt đầu triển khai chương trình mới. Và chương trình mới cần được xây dựng theo cơ cấu mới được xác định trong kế hoạch tổng thể. Vấn đề thời gian dành cho giáo dục phổ thông 11 hay 12 năm chỉ là một phần. Ngay cả khi duy trì phương án 12 năm (5+4+3), thì cơ cấu hệ thống vẫn phải đổi mới theo hướng hình thành các loại trường sau trung học cơ sở và sau trung học. Chỉ riêng việc hình thành các loại trường sau trung học cơ sở và sau trung học cũng đòi hỏi phải có quan điểm mới và giải pháp mới khi xây dựng chương trình mới. Cách làm hiện nay của ngành giáo dục là xuất phát xây dựng chương trình giáo dục phổ thông (theo cơ cấu hệ thống 5+4+3 hiện nay), rồi từ đó đó đặt ra và giải quyết những vấn đề khác của hệ thống giáo dục. Cách làm đó thể hiện tư duy theo lối mòn và chưa có thể tạo ra được sự thay đổi căn bản, toàn diện mà chỉ thu gọn các cuộc cải cách/đổi mới giáo dục thành một cuộc thay đổi chương trình và sách giáo khoa với chồng chất những chủ trương mang tính xử lý tình thế.

Trong đổi mới căn bản, toàn diện về giáo dục - đào tạo, quan trọng nhất là đổi mới mục đích, mục tiêu giáo dục. Cho đến nay, nhà trường nước ta vẫn tập trung vào việc truyền thụ kiến thức một cách thụ động, cốt làm sao cho học sinh, sinh viên tiếp thu được càng nhiều kiến thức càng tốt. Cuối cùng, văn bằng dành cho ai cũng lại căn cứ vào chỗ thuộc được nhiều kiến thức sách vở. Đành rằng, truyền thụ kiến thức là cần thiết, nhưng với sự phát triển của khoa học, đặc biệt khoa học giáo dục, nhà trường có một tầm vóc cao hơn, ảnh hưởng to lớn hơn đối với sự phát triển của thanh thiếu niên. Nhà trường có thể phát huy tiềm năng của từng con người, từ đó phát huy sức mạnh của cả dân tộc, để chúng ta không tụt hậu, mà phát triển không thua kém các nước trong khu vực. Đấy mới chính là những điều đất nước đang đòi hỏi cấp thiết đối với nhà trường, trong bối cảnh đất nước đang đối mặt với những thách thức gay gắt, phải bảo vệ độc lập chủ quyền quốc gia và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Rõ ràng cần xác định lại mục đích, mục tiêu giáo dục, từ đó thay đổi nội dung và phương pháp giảng dạy, học tập cũng như thay đổi cung cách quản lý giáo dục. Để làm việc đó, trước hết cần khắc phục những điểm hạn chế đã từng có trong việc xác định mục đích/mục tiêu giáo dục trước đây như: quá nhấn mạnh việc hình thành các thế hệ, xem nhẹ sự phát triển cá nhân; quá nhấn mạnh vào những tình cảm lớn mà bỏ qua, hoặc trình bày không đầy đủ các giá trị về nhân cách cá nhân phổ quát; quá nhấn mạnh về kiến thức, xem nhẹ việc hình thành và phát triển thái độ và kỹ năng - kỹ năng thực hành, kỹ năng tư duy, sáng tạo.

Tham khảo kinh nghiệm nước ngoài, để xây dựng năng lực hợp tác, không những người ta phát triển ở trẻ em kỹ năng làm việc theo nhóm, mà còn chú ý phát triển những kỹ năng lãnh đạo, xem đó là một kỹ năng then chốt cần thiết cho mỗi học sinh để có thể cạnh tranh trên toàn cầu. Đơn giản vì những kỹ năng lãnh đạo góp phần kiến tạo năng lực lập thân, lập nghiệp (làm chủ gia đình, làm chủ cơ sở kinh doanh...); và sâu xa hơn, đó là yêu cầu của một xã hội phát triển theo hướng dân chủ hóa.

Vấn đề lớn hơn, không nằm ở câu chữ diễn đạt mục đích/ mục đích/ mục tiêu giáo dục mà ở nội dung và phương pháp giáo dục, ở toàn bộ hoạt động của các nhà trường và của toàn ngành. Về mặt này, Nghị quyết 29 đã nhận định một cách khái quát: “Mục đích/mục tiêu giáo dục toàn diện chưa được hiểu và thực hiện đúng. Bệnh hình thức, hư danh, chạy theo bằng cấp... chậm được khắc phục, có mặt nghiêm trọng hơn”. Ở mức độ cụ thể, có thể thấy: Việc dạy và học nhằm đạt kết quả thi cử đã làm cho hoạt động giáo dục trong nhà trường xa rời mục tiêu phát triển toàn diên nhân cách; bệnh thành tích lây lan phổ biến đã đi ngược mục tiêu đào tạo con người trung thực; bắt học sinh nghĩ theo, nói theo, làm theo đã cản trở mục tiêu đào tạo con người tự chủ, sáng tạo.  

Rõ ràng, mục đích/mục tiêu giáo dục chỉ có thể thực hiện được thông qua hoạt động giáo dục dựa trên các chương trình giáo dục được thiết kế một cách khoa học. Một hạn chế cho đến nay là, việc soạn thảo chương trình vẫn mang nặng tính kinh nghiệm vì đội ngũ chuyên gia được đào tạo một cách bài bản về xây dựng chương trình còn rất mỏng. Điều đó có thể bù đắp bằng tự đào tạo và học hỏi kinh nghiệm từ các nước phát triển. Còn vấn đề quan trọng nữa phụ thuộc vào sự chỉ đạo chuyên môn của các cấp quản lý giáo dục và đặc biệt là phụ thuộc vào năng lực thực hiện chương trình của từng nhà giáo.   

Trong công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, nhất thiết phải chăm lo phát triển nhân lực của ngành đào tạo nhân lực. Trong tất cả các nghị quyết của Đảng về giáo dục đều nhấn mạnh vai trò của nhà giáo và yêu cầu xây dựng đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, cân đối về cơ cấu, có phẩm chất và năng lực nhưng trên thực tế vấn đề giáo viên phổ thông cũng như giảng viên đại học vẫn còn tồn đọng, chưa một lần được giải quyết một cách bài bản. Lần này, Nghị quyết 29 có nhận định: Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục bất cập về chất lượng, số lượng và cơ cấu; một bộ phận (chắc là không nhỏ) chưa theo kịp yêu cầu đổi mới và phát triển giáo dục... Rõ ràng, nếu không lo giải quyết tận gốc vấn đề nhân lực của chính cái ngành có trách nhiệm đào tạo nhân lực, thì không thể tạo được chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục. Trong nhân lực của ngành giáo dục, đông nhất là nhà giáo. Đấy là lực lượng chủ lực. Để nâng cao chất lượng giáo dục cần nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo. Cần đổi mới công tác đào tạo các thế hệ giáo viên sẽ vào nghề trong những năm sắp tới. Như vậy, hệ thống các trường sư phạm cần được sắp xếp lại để đủ sức thực hiện ba nhiệm vụ: 1)- Đào tạo giáo viên mới, 2)- Bồi dưỡng/đào tạo bổ sung giáo viên đang đứng lớp, và 3)- Làm đầu tàu đổi mới giáo dục phổ thông. Các trường sư phạm cần xây dựng lại chương trình theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực chuyên nghiệp ở những thanh niên đã chọn nghề thầy, giúp họ có kỹ năng học tập thường xuyên ngay cả khi đã làm thầy.

Điều cực kỳ quan trọng là phải thay đổi chính sách đãi ngộ đối với nhà giáo. Nghị quyết 29 có ghi: Lương của giáo viên được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp... Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII cũng đã từng có chủ trương như vậy, nhưng Nghị quyết không đi vào cuộc sống. Cần phải thấy, tăng lương và phụ cấp cho thầy cô giáo là yêu cầu bức thiết để tạo động lực nghề nghiệp cho nhà giáo. Tiền lương còn thể hiện thái độ trọng thị đối với nhà giáo và nghề dạy học. Qua việc trả lương cao cho thầy, cô giáo sẽ tạo cho nhà giáo và nghề dạy học một vị thế cao trong xã hội. Đòi hỏi thầy, cô giáo dồn trí tuệ, sức lực vào việc dạy học trong khi lương trả cho các thầy, cô không đủ để sống thì là trái đạo lý. Hơn nữa, chừng nào lương của nhà giáo chưa cao thì khó có thể thu hút học sinh khá, giỏi ở phổ thông vào các trường sư phạm.

Trong kiến nghị của đề tài nghiên cứu về cải cách công tác đào tạo bồi dưỡng giáo viên phổ thông do Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam tổ chức thực hiện, có đề xuất, cần tạo điều kiện hình thành các hội nghề nghiệp của nhà giáo, tương tự như Hội Luật gia, Hội Đông y… để thúc đẩy tiến trình chuyên nghiệp hóa. Các tổ chức này sẽ huy động sự đóng góp của nhà giáo vào công cuộc chấn hưng giáo dục, vận động thực hiện quy ước đạo đức nghề nghiệp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà giáo. Đồng thời, cần có Luật nhà giáo làm cơ sở pháp lý cho việc nâng cao phẩm chất, năng lực và trách nhiệm của mỗi thầy, cô giáo.

Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, khởi đầu bằng đổi mới tư duy giáo dục, có nhiều việc phải làm, nhưng trước hết, chính lãnh đạo tất cả các cấp cần thể hiện sự quán triệt quan điểm “quốc sách hàng đầu” bằng việc làm cụ thể. Nhìn vào thực trạng yếu kém, bất cập trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, có thể nói thẳng, các cấp lãnh đạo chưa thật sự coi trọng sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Hiện nay, ngành giáo dục đang tích cực triển khai Nghị quyết 29, nhưng lẽ ra các ngành khác cũng cần chủ động tham gia. Để Nghị quyết 29 được thực hiện thắng lợi, lãnh đạo từ cấp cao và các ngành đều phải thể hiện sự quán triệt quan điểm “quốc sách hàng đầu” bằng hành động, không thể khoán trắng cho ngành giáo dục, không thể để ngành giáo dục đơn độc. Quán triệt quan điểm “quốc sách hàng đầu” bằng hành động cụ thể chính là thể hiện đổi mới rõ rệt nhất về tư duy giáo dục ở lãnh đạo./.


Nguyễn Thị Bình

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất