TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ HỢP TÁC QUỐC TẾ
Ngay từ năm 1919, trong bài viết Vấn đề dân bản xứ,
Nguyễn Ái Quốc đã nêu luận điểm độc đáo: “Xét về nguyên tắc, tiến bộ
chung phụ thuộc vào việc phát triển chủ nghĩa quốc tế; và văn minh chỉ
có lợi khi các quan hệ quốc tế được mở rộng và tăng cường”(1). Luận điểm này được xem như tiền đề cho tư tưởng về hợp tác quốc tế của Người.
Năm 1924, trong Thư gửi Tổng Thư ký Ban Phương Đông, Nguyễn
Ái Quốc đã chỉ rõ sự suy yếu của các dân tộc phương Đông trong cuộc đấu
tranh chống chủ nghĩa đế quốc, thực dân chính là do thiếu sự hợp tác
quốc tế. Người viết: “Nguyên nhân đầu tiên đã gây ra sự suy yếu của các
dân tộc phương Đông, đó là sự biệt lập. Không giống như các dân tộc
phương Tây, các dân tộc phương Đông không có quan hệ và tiếp xúc giữa
các lục địa với nhau. Họ hoàn toàn không biết đến những việc xảy ra ở
các nước láng giềng gần gũi nhất của họ, do đó họ thiếu sự tin cậy lẫn
nhau, sự phối hợp hành động và sự cổ vũ lẫn nhau”(2).
Khi
Cách mạng Tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nghĩ đến việc
hợp tác với các nước trên thế giới, mở rộng quan hệ quốc tế. Và ngay khi
ra đời, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã tuyên bố chính sách
đối ngoại: “Đối với tất cả các nước trên thế giới, nước Việt Nam tha
thiết mong muốn duy trì tình hữu nghị và thành thật hợp tác trên cơ sở
bình đẳng và tương trợ, để xây dựng nền hoà bình thế giới lâu dài”(3).
Trong
suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Người, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều
lần nhấn mạnh tư tưởng hợp tác và đoàn kết quốc tế, tập trung vào một
số điểm chính sau:
Một là, hợp tác quốc tế phải phục vụ mục tiêu cơ bản và xuyên suốt của cách mạng Việt Nam là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Người nhấn mạnh: “Muốn làm gì cũng vì lợi ích của dân tộc mà làm”(4).
Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, lợi ích của quốc gia, dân tộc là
cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh và Người luôn kiên định và kiên trì
thực hiện trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, cũng như
trong chỉ đạo hoạt động đối ngoại của nước ta. Ngày 24/2/1947, hơn
một tháng sau ngày ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Chủ tịch Hồ
Chí Minh gửi thư chúc Tết đồng bào và chiến sĩ Nam Bộ, khẳng định: “Vì
chủ quyền, vì Tổ quốc, toàn dân Việt Nam đã thề kiên quyết kháng chiến
đến cùng, kháng chiến đến lúc lấy lại được thống nhất, độc lập mới thôi”(5). Trả lời một báo nước ngoài, Người nói: “Chính
sách đối nội của Việt Nam là dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh
hạnh phúc. Chính sách đối ngoại là thân thiện với tất cả các nước láng
giềng Trung Hoa, Ấn Độ, Xiêm La, Cao Miên, Ai Lao, v.v., mà không gây
thù gì với nước nào”(6). Người nhắc lại đường lối đối ngoại của Việt Nam là: “Làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không thù oán với một ai”(7);
và nhấn mạnh “mục đích của ta lúc này là tự do, độc lập… bạn của ta
trong giai đoạn này là tất cả những nước nào, những dân tộc hay lực
lượng nào trên thế giới tán thành mục đích ấy, cùng ta chung một ý chí
ấy”(8).
Hai là, trong quá trình thực hiện hợp tác quốc tế cần có chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ. Bởi
lẽ, chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ sẽ góp phần thúc đẩy sự kết
hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại và là cơ sở giải quyết đúng
đắn mối quan hệ giữa cách mạng Việt Nam với các trào lưu cách mạng thế
giới. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nước
ta là một bộ phận của thế giới, mọi việc trong thế giới đề có quan hệ
với nước ta, việc gì trong nước ta cũng quan hệ đến thế giới”(9).
Việc đặt cách mạng Việt Nam thành một bộ phận của trào lưu cách mạng
thế giới, một mặt để tranh thủ sự hợp tác, giúp đỡ quốc tế đối với cách
mạng nước nhà, mặt khác thể hiện ý thức trách nhiệm của nhân dân Việt
Nam với
phong trào cách mạng trên thế giới. Bên cạnh đó, trong quá trình hợp
tác quốc tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi độc lập tự chủ là nền tảng vững
chắc của mọi chính sách và sách lược. Người nêu cao quan điểm, “muốn
người ta giúp cho, thì trước hết mình phải tự giúp lấy mình đã”(10).
Người còn nói: “Sự giúp đỡ của các nước bạn là quan trọng, nhưng không
được ỷ lại, không được ngồi mong chờ người khác. Một dân tộc không tự
lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng
được độc lập”(11). Người khẳng định: “Phải tin vào sức ta trước hết: Chỉ có nỗ lực mới làm cho ngoại giao toàn thắng”(12).
Ba là, thực hiện hợp tác quốc tế theo hướng đa phương và đa dạng các mối quan hệ vì hoà bình, hợp tác và phát triển. Năm 1946, trong Lời kêu gọi Liên hợp quốc, Chủ
tịch Hồ Chí Minh tuyên bố: “Đối với các nước dân chủ, nước Việt Nam sẵn
sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực”(13).
Người nêu ra một số giải pháp cụ thể như Việt Nam sẽ dành sự tiếp nhận
thuận lợi cho đầu tư của các nhà tư bản, các nhà kỹ thuật nước ngoài
trong tất cả các ngành kỹ nghệ của mình; sẵn sàng mở rộng các cảng, sân
bay và đường sá giao thông cho việc buôn bán và quá cảnh quốc tế; sẵn
sàng chấp nhận tham gia mọi tổ chức hợp tác kinh tế quốc tế; sẵn sàng ký
kết các hiệp định an ninh đặc biệt và những hiệp ước liên quan…
Năm 1947, khi nhà báo Mỹ S.Elie Maissie hỏi về đại cương chính sách đối ngoại của Việt Nam, câu trả lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh là: “Làm bạn với tất cả các nước dân chủ và không oán thù với bất cứ ai”(14). Tinh thần đa phương và đa dạng các mối quan hệ đối ngoại và hợp tác quốc tế lại được Người lần nữa nhấn mạnh trong Lời tuyên bố của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà cùng chính phủ các nước trên thế giới (tháng 1/1950):
“Căn cứ trên quyền lợi chung, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà sẵn
sàng đặt quan hệ ngoại giao với Chính phủ nước nào tôn trọng quyền bình đẳng, chủ quyền lãnh thổ và chủ quyền quốc gia Việt Nam, để cùng nhau bảo vệ hòa bình và xây đắp dân chủ thế giới”(15).
Hợp tác quốc tế đa dạng và đa phương chính là để phục vụ công cuộc kiến
thiết, phát triển đất nước và nâng cao vị thế quốc gia, vì vậy, Chủ
tịch Hồ Chí Minh chủ trương hợp tác không chỉ với các nước láng giềng,
các nước xã hội chủ nghĩa, mà còn hợp tác với cả
các nước không cùng chế độ chính trị, thậm chí, cả với nước đã từng là
kẻ thù của nước ta. Trong một lần trả lời các nhà báo, Chủ tịch Hồ Chí
Minh đã nói rõ về thái độ của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là:
“Chúng ta hoan nghênh những người Pháp muốn đem tư bản vào xứ ta khai
thác những nguồn nguyên liệu chưa có ai khai thác. Có thể rằng: Chúng ta
sẽ mời những nhà chuyên môn Pháp, cũng như Mỹ, Nga hay Tàu, đến đây
giúp việc cho chúng ta trong cuộc kiến thiết quốc gia”(16).
TRƯỜNG PHÁI NGOẠI GIAO "CÂY TRE VIỆT NAM"
Tại
Hội nghị đối ngoại toàn quốc tổ chức ngày 14/12/2021, Tổng Bí thư
Nguyễn Phú Trọng phát biểu: “Hơn 90 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng
và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên cơ sở vận dụng sáng tạo những nguyên lý cơ
bản của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, kế thừa và phát huy truyền thống, bản
sắc đối ngoại, ngoại giao và văn hoá dân tộc, tiếp thu có chọn lọc tinh
hoa văn hoá thế giới và tư tưởng tiến bộ của thời đại, chúng ta đã xây
dựng nên một trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo
của thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”, “gốc
vững, thân chắc, cành uyển chuyển” (“Thân gầy guộc, lá mong manh, mà
sao nên luỹ, nên thành tre ơi!”), thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí
phách của dân tộc Việt Nam. Đó là: Mềm mại, khôn khéo, nhưng rất kiên
cường, quyết liệt; linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, kiên định,
can trường trước mọi thử thách, khó khăn vì độc lập dân tộc, vì tự do,
hạnh phúc của nhân dân. Đoàn kết, nhân ái, nhưng kiên quyết, kiên trì
bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc. Biết nhu, biết cương; biết thời, biết
thế; biết mình, biết người; biết tiến, biết thoái, “tuỳ cơ ứng biến”,
“lạt mềm buộc chặt”(17)!
Hình
ảnh cây tre - một biểu tượng rất mộc mạc mà thân thuộc với người Việt
Nam - đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sử dụng để gửi gắm thông điệp
mang tính triết lý hết sức sâu sắc nhưng vô cùng gần gũi về đường lối,
chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta. Đây là sự đúc kết, chiêm
nghiệm sâu sắc.
Đặc
tính “gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển” cũng chính là sự tiếp thu,
đúc kết sinh động tư tưởng Hồ Chí Minh về hợp tác quốc tế. Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội - mục tiêu cơ bản và xuyên suốt của cách mạng Việt Nam chính
là “gốc vững”, là kim chỉ nam cho hợp tác quốc tế của cách mạng Việt
Nam, dù mục tiêu, yêu cầu và nhiệm vụ cụ thể của mỗi thời kỳ, mỗi giai
đoạn có thể có đặc điểm riêng. Chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ chính là “thân chắc”, là cơ sở vững chắc để Đảng và Nhà nước triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế. Thực hiện hợp tác quốc tế theo hướng đa phương và đa dạng các mối quan hệ vì hòa bình, hợp tác và phát triển
chính là “cành uyển chuyển” để thực hiện sứ mệnh mới, góp phần tạo dựng
và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ vững chắc Tổ quốc;
đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng và phát triển kinh tế,
nâng cao vị thế và gia tăng tiềm lực cho đất nước, sớm hiện thực hóa mục
tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Trường
phái ngoại giao “cây tre Việt Nam” là sự tiếp nối tư tưởng Hồ Chí Minh,
là đỉnh cao của đúc kết lý luận bằng hình ảnh dễ nhớ, dễ hiểu về đường
lối đối ngoại của Đại hội XIII, trên cơ sở tiếp tục phát triển đường lối
đối ngoại của các kỳ Đại hội Đảng trước, đó là: “Việt Nam cần tiếp tục
kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ vì hòa bình, hữu nghị, hợp
tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa và hội nhập quốc tế toàn
diện và sâu rộng(18)”.
SỰ VẬN DỤNG TINH THẦN "NGOẠI GIAO CÂY TRE" TRONG ĐỐI NGOẠI ĐẢNG
Đối
ngoại đảng là một trong ba mũi giáp công của đối ngoại Việt Nam (đối
ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân). Thành tựu của quan
hệ đối ngoại đảng trong hơn 36 năm đổi mới, nhất là thời gian gần đây,
là kết quả của quá trình đổi mới tư duy về đường lối, chủ trương, chính
sách đối ngoại của Đảng, trên cơ sở vận dụng đúng đắn tư tưởng Hồ Chí
Minh về hợp tác quốc tế, phù hợp với điều kiện hiện nay.
Nghị
quyết số 13/NQ-TW, ngày 20/5/1988 của Bộ Chính trị khoá VI về "Nhiệm
vụ và chính sách đối ngoại trong tình hình mới” khẳng định “lợi ích cao
nhất của Đảng và nhân dân ta là phải củng cố và giữ vững hoà bình để tập
trung sức xây dựng và phát triển kinh tế”(19). Nghị quyết số
13/NQ-TW là sự tiếp thu sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về việc bảo đảm
lợi ích tối cao của đất nước, đánh dấu bước chuyển chiến lược về tư duy
đối ngoại, đặc biệt là tư duy về lợi ích, mục tiêu và nhiệm vụ đối ngoại
của Việt Nam nói chung, trong đó có đối ngoại đảng. Nghị quyết Hội nghị
Trung ương 8 khoá IX (tháng 7/2003) nêu ra nhận thức mới về “đối tượng”
và “đối tác”(20) và xác định nguyên tắc, phương thức đối
ngoại với tất cả các nước trong khu vực và thế giới, không phân biệt chế
độ và trình độ phát triển. Theo đó, việc xác định đối tượng, đối tác
tuỳ theo tình huống, hoàn cảnh, thời điểm cụ thể một cách biện chứng,
linh hoạt, không dễ dãi và cũng không cứng nhắc, sơ hở (21).
Đại hội XI của Đảng (năm
2011) nhấn mạnh các yêu cầu: “Phát triển quan hệ với các đảng cộng sản,
công nhân, đảng cánh tả, các đảng cầm quyền và những đảng khác trên cơ
sở bảo đảm lợi ích quốc gia, giữ vững độc lập, tự chủ, vì hoà bình, hữu
nghị, hợp tác và phát triển; mở rộng tham gia các cơ chế, diễn đàn đa
phương ở khu vực và thế giới"(22). Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) xác định: “Trước
sau như một ủng hộ các đảng cộng sản và công nhân, các phong trào tiến
bộ xã hội trong cuộc đấu tranh vì những mục tiêu chung của thời đại; mở
rộng quan hệ với các đảng cánh tả, đảng cầm quyền và những đảng khác
trên cơ sở bảo đảm lợi ích quốc gia, giữ vững độc lập, tự chủ, vì hoà
bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển"(23).
Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Hoài Trung (thứ hai, bên trái) trao đổi với đồng chí Fabien Roussel, Bí thư toàn quốc Đảng Cộng sản Pháp (thứ nhất, bên phải) tại Marseilles, bên lề Đại hội Đảng Cộng sản Pháp lần thứ 39, ngày 7/4/2023. (Ảnh: TTXVN)
Kết
luận số 73-KL/TW, ngày 8/2/2012 của Bộ Chính trị khoá XI về “Tăng
cường quan hệ đối ngoại của Đảng trong tình hình mới” là dấu mốc quan
trọng trong quá trình phát triển nhận thức, tư duy lý luận của Đảng về
mở rộng các mối quan hệ đối ngoại với các chính đảng và các diễn đàn đa
phương chính đảng. Kết luận xác định tăng cường và nâng cao hơn nữa hiệu
quả quan hệ đối ngoại của Đảng để tạo nền tảng chính trị cho quan hệ ổn
định, bền vững giữa Việt Nam và các nước, tiếp tục tranh thủ sự đồng
tình, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân thế giới, các chính đảng, tổ
chức, chính giới các nước và bạn bè quốc tế với sự nghiệp cách mạng của
Đảng, tạo thế chủ động trong việc xử lý các vấn đề khu vực và quốc tế,
thực hiện lợi ích quốc gia, dân tộc(24).
Nghị quyết số 22-NQ/TW, ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị khoá XI về "Hội nhập quốc tế” nêu định hướng: “Chủ động mở rộng quan hệ đối ngoại của Đảng, tích cực và nâng cao hiệu quả tham gia các diễn đàn các chính đảng”(25);
theo đó, Đảng ta là người hoạch định và lãnh đạo quá trình triển khai
đường lối, chính sách đối ngoại hội nhập, đồng thời bản thân Đảng cũng
là một chủ thể tích cực, chủ động hội nhập vào khu vực và thế giới.
Đại hội XII của Đảng (năm
2016), một lần nữa Đảng ta nhấn mạnh yêu cầu “mở rộng, làm sâu sắc hơn
và nâng cao hiệu quả quan hệ đối ngoại của Đảng, ngoại giao nhà nước và
đối ngoại nhân dân”; “phối hợp chặt chẽ hoạt động đối ngoại của Đảng,
ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân"(26).
Năm
2019, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 32-CT/TW về "Tăng cường và nâng
cao hiệu quả quan hệ đối ngoại của Đảng trong tình hình mới”. Văn bản
chỉ đạo công tác đối ngoại rất quan trọng này của Đảng xác định mục tiêu
của đối ngoại đảng nhằm bảo vệ vững chắc độc lập, thống nhất, chủ quyền
và toàn vẹn lãnh thổ, góp phần nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế.
Đại
hội XIII của Đảng (năm 2021) nhấn mạnh yêu cầu “xây dựng nền ngoại
giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại đảng, ngoại
giao nhà nước và đối ngoại nhân dân”; “kết hợp chặt chẽ, hiệu quả công tác đối ngoại của Đảng với ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân”(27).
Tinh thần đối ngoại đảng trên tiếp tục được thể hiện trong Nghị quyết
số 34-NQ/TW, ngày 9/1/2023 của Bộ Chính trị về “Một số định hướng, chủ
trương lớn triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng”...
Như
vậy, việc đổi mới tư duy, nhận thức và thế giới quan về đối ngoại của
Đảng ta là sự tiếp thu, vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về hợp
tác quốc tế và là tiền đề quan trọng cho việc xác định các mục tiêu đối
ngoại, xây dựng các chủ trương, đường lối, chính sách đối ngoại đa
phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại nói chung và mở rộng hoạt động
đối ngoại của Đảng ta nói riêng theo trường phái “cây tre Việt Nam”.
Từ
những chính sách đối ngoại đúng đắn, thời gian qua, Đảng ta tích cực và
chủ động triển khai các hoạt động đối ngoại đảng dựa trên nguyên tắc:
Độc lập, tự chủ, bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, không can thiệp công
việc nội bộ của nhau; cùng nhau thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác, vì
hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, phát triển và tiến bộ xã hội. Từ
chỗ có quan hệ với 188 đảng năm 1991, đến nay, Đảng ta đã có quan hệ với
247 chính đảng. Các hoạt động đối ngoại của Đảng ta được triển khai chủ
động, hiệu quả. Với các đảng cộng sản, các đảng cầm quyền ở các nước xã hội chủ nghĩa và các nước láng giềng có chung biên giới trong khu vực,
Đảng ta đã chủ động thúc đẩy quan hệ đạt nhiều bước tiến quan trọng,
tiếp tục định hướng chiến lược tổng thể và tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy
chiều sâu quan hệ giữa nước ta với các nước. Với các đảng cầm quyền, tham chính và các đảng có vai trò ở các nước trong khu vực,
Đảng ta đã thúc đẩy quan hệ với nhiều đột phá mới, tạo cơ sở chính trị
và động lực để thúc đẩy mở rộng quan hệ của Việt Nam với các nước.
Trong
bối cảnh hiện nay, các nước với các chế độ chính trị khác nhau đều có
những điều chỉnh chính sách đối ngoại theo hướng bảo vệ lợi ích quốc
gia, dân tộc của mình, thì việc vận dụng tư tưởng hợp tác quốc tế của
Chủ tịch Hồ Chí Minh, thực hiện mở rộng quan hệ với các đảng cầm quyền
chính là bước đột phá trong hoạt động đối ngoại đảng nhằm bảo đảm cao
nhất lợi ích quốc gia - dân tộc. Với các đảng cộng sản và công nhân, cánh tả, các đảng và phong trào độc lập dân tộc, cách mạng và tiến bộ,
Đảng ta tiếp tục thúc đẩy quan hệ thực chất, có trọng tâm, trọng điểm
và các mối quan hệ hợp tác tiếp tục phát huy vai trò tích cực, duy trì
lực lượng hậu thuẫn chính trị, ủng hộ lập trường của ta trong nhiều vấn
đề. Tại các diễn đàn đa phương chính đảng, trong đó có Hội nghị
quốc tế các chính đảng châu Á (ICAPP), Cuộc gặp quốc tế các đảng cộng
sản vả công nhân (IMCWP)..., Đảng ta tham gia chủ động, tích cực và phát
huy vai trò trách nhiệm, đóng góp thiết thực, góp phần nâng cao vị thế
trên trường quốc tế.
Cùng
với những thành tựu và bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai
hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế của Đảng, Đảng ta tiếp tục thúc
đẩy tăng cường và quan hệ đối ngoại với các chính đảng trên thế giới
theo tinh thần trường phái “cây tre Việt Nam”, thực hiện đường lối đối
ngoại độc lập, tự chủ vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và
phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa và hội nhập quốc tế toàn diện và
sâu rộng, nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ nâng
cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế vì lợi ích quốc
gia - dân tộc, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; tạo
lập và giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên
ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước.
Chính những thành tựu thực tiễn sinh động về đối ngoại đảng, hoạt động
hợp tác quốc tế trên kênh đảng là một minh chứng rõ ràng, sinh động
khẳng định thêm sức sống và sự trường tồn của tư tưởng Hồ Chí Minh về
hợp tác quốc tế và sự tiếp nối, phát triển thành công trường phái đối
ngoại, ngoại giao mang bản sắc “Cây tre Việt Nam” trong bối cảnh mới của
cách mạng Việt Nam./.
ĐỖ THÙY DƯƠNG
Ban Đối ngoại Trung ương
______________________
(1) (2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, t.1, tr.14, 284.
(3) Vũ Dương Ninh: Về quan điểm quốc tế trong tư tưởng chiến lược đại đoàn kết Hồ Chí Minh, Tạp chí Lịch sử Đảng, số 3, tr.50.
(4) Đỗ Hoàng Linh: Di chúc của Bác Hồ: Giá trị thực tiễn cho muôn đời,
ngày 15-8-2019, http://baochinhphu.Việt
Nam/45-nam-thuc-hien-Di-chuc-Bac-Ho/Muon-lam-gi-cung-vi-loi-ich-cua-dan-toc-ma-lam/207177.vgp.
(5) (6) (7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.38, 199, 256.
(8) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2000, t.7, tr.114.
(9) Trình Mưu, Vũ Quang Vinh (đồng chủ biên): Quan hệ quốc tế những năm đầu thế kỷ XXI: Vấn đề, sự kiện và quan điểm, Nxb. Lý luận chính trị, H, 2005, tr.455.
(10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.2, tr.320.
(11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.445.
(12) (13) (16) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.57, 523, 86 .
(14), (15) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr.256, 311.
(17)
Toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Đối
ngoại toàn quốc, ngày 14/12/2021, https://baochinhphu.vn/toan-van-phat-bieu-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-tai-hoi-nghi-doi-ngoai-toan-quoc-102305526.htm.
(18) (27) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.I, tr. 61, 282.
(19) Nguyễn Cơ Thạch: Những chuyển biến trên thế giới và tư duy mới của chúng ta, Tạp chí Nghiên cứu quốc tế, số 1 (tháng 1/1990), tr.7.
(20)
Chapman, Nicholas: Mechanisms of Vietnam’s Multidirectional Foreign
Policy (tạm dịch: Cơ chế của chính sách đối ngoại đa phương của Việt
Nam), in: Journal of Current Southeast Asian Affairs, (2017), 36, 2, p.33.
(21) Phạm Quang Minh: Chính sách đối ngoại của Việt Nam sau 30 năm Đổi mới, Tạp chí Đối ngoại, số 87+88 (tháng 1+2-2017), tr.14.
(22) (23) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, H, 2011, tr.237, 84.
(24) Hoàng Bình Quân: Đối ngoại Đảng góp phần vào thành tựu to lớn trong công cuộc đổi mới, Tạp chí Đối ngoại, số 75+76 (tháng 1+2-2016), tr.12.
(25)
Nghị quyết số 22-NQ/TW, ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị khoá XI về "Hội nhập quốc tế”, https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/he-thong-van-ban/van-ban-cua-dang/nghi-quyet-so-22-nqtw-ngay-1042013-cua-bo-chinh-tri-ve-hoi-nhap-quoc-te-264.
(26) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, H, 2016, tr.154.
(Nguồn: TC Cộng sản)